New York, Mỹ, ngày 2 tháng 11 năm 2014 - những cơn gió mạnh rét buốt thổi dưới ánh sáng lạnh lùng của những tia nắng đầu đông khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe qua New York, xuống dọc theo dòng sông Hudson, đến Trung tâm Manhattan vào sáng nay. Ngài đã được Hội Danang do vị Lama thuộc truyền thống Karma Kagyu - Tsewang Tashi Rinpoche - thỉnh mời để dạy về “Luận về Bồ Đề Tâm” của Ngài Long Thọ và ban Quán Đảnh của Đức Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Trong số thính giả 1.100 người đầy cả nhà hát, đã có đến 800 người Trung Quốc đến từ Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Malaysia và Bắc Mỹ. Họ cùng được tham gia bởi những người Tây Tạng, Mông Cổ và người Mỹ.
Thánh Đức ĐLLM thực hiện nghi thức chuẩn bị cho Lễ Quán Đảnh Quan Thế Âm trước khi bắt đầu buổi thuyết Pháp tại Trung tâm Manhattan ở TP New York vào 02 - 11 - 2014. Ảnh / Sonam Zoksang |
Ngài đã đến từ rất sớm - khi các nhà hát vẫn còn trống vắng - để thực hiện những nghi thức chuẩn bị cho Lễ Quán đảnh. Đến thời gian đã được ấn định, Ngài lên an tọa trên Pháp tòa ở phía trước bức tranh cuộn lớn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Ngài Long Thọ, chư Hòa Thượng Tăng Ni thuộc truyền thống Trung Quốc và Tây Tạng vân tập xung quanh Ngài. Ngài thuyết giảng bằng tiếng Tây Tạng và được dịch sang tiếng Hoa; Ngài giải thích rằng họ sẽ bắt đầu với một thời tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Trung Quốc, sau đó là những vần Kệ đảnh lễ Đức Phật và Thần Chú Bát Nhã Tâm Kinh.
“Trong thế giới này, nói chung, con người có quyền để đạt được hạnh phúc và tránh thoát sự khổ đau”, Ngài bắt đầu. “Và khi chúng ta tiến hóa dần dần, trước hết, để đối phó với sự sợ hãi và nguy hiểm, chúng ta phát triển tư tưởng của tôn giáo dựa trên niềm tin và hy vọng. Trong quá trình diễn tiến, chúng ta xây dựng những tư tưởng này với những ý tưởng triết học, phát huy những truyền thống hữu thần và vô thần. Phật giáo, cùng với một chi nhánh của Số Luận Phái và Kỳ Na Giáo, là một trong những truyền thống tôn giáo vô thần. Tuy nhiên, Phật giáo là truyền thống duy nhất dạy về Giáo lý vô ngã”.
Ngài giải thích rằng lần thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật trong kỳ Chuyển Pháp Luân thứ Nhất, gồm có phần giải thích về Tứ Diệu Đế. Giáo lý này là chung cho tất cả các truyền thống của Phật giáo trong cả hai truyền thống Pali và Sanskrit. Tứ Diệu Đế, với 16 đặc điểm và 37 phẩm trợ đạo - đã hình thành nên cơ sở của tất cả các giáo lý sau này của Đức Phật. Những Giáo lý này đã có thể được giảng dạy trong các ngôn ngữ bản địa của Ấn Độ đương thời và sau đó được ghi lại đầu tiên bằng tiếng Pali. Tác phẩm “Giải Thâm Mật” đã mô tả về ba kỳ Chuyển Pháp Luân trong đó lần Chuyển Pháp Luân thứ hai liên quan đến Giáo lý của Bát nhã Ba La Mật. “Giải Thâm Mật” là một tác phẩm rất phổ biến ở Trung Quốc và có một luận giải về tác phẩm này bằng tiếng Trung Quốc. Do đó, một số truyền thống của Trung Quốc có xu hướng về trường phái tư tưởng Duy Thức. Bởi vì Phật giáo đầu tiên được truyền đến Trung Quốc vào thế kỷ thứ 3 và thứ 4 sau Công Nguyên, Ngài xem người Trung Quốc như những người Trưởng Tử của Đức Phật. Người Tây Tạng đầu tiên được gặp Phật Pháp vào thế kỷ thứ 7 và Phật Giáo đã được thiết lập ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8. Điều này đã được thực hiện chủ yếu bởi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, một bậc thầy Phật giáo hàng đầu của Đại học Nalanda. Ngài là một vị Tỳ kheo, một người thọ giữ giới luật xuất sắc, một tư tưởng gia, một người đề xuất trường phái riêng của mình về Triết học Trung đạo và đồng thời cũng là một nhà Lô gich học.
Một số trong số 1.100 người tham dự Pháp Hội của Thánh Đức ĐLLM tại trung tâm Manhattan ở TP New York vào 02 - 11 -2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Các bậc Luận Sư Phật giáo theo Ngài Long Thọ vào thế kỷ thứ 2, như Ngài Thánh Thiên, Thanh Biện, Nguyệt Xứng và Tịch Thiên trong các tác phẩm triết học của họ thường xuyên khảo sát, xem xét và phê bình các trường phái khác của tư tưởng Ấn Độ. Thiện Hải Tịch Hộ, một người nắm giữ những truyền thống logic và nhận thức luận của Ngài Trần Na và Pháp Xứng, đã theo cùng một chuẩn mực. Phương pháp này, đáp ứng được những thách thức của các trường phái tư tưởng khác, điều này đã giúp cho Phật giáo được phát triển. Chỉ có Phật giáo Tây Tạng là liên quan đến logic và nhận thức luận, điều mà rất ít được tìm thấy trong các truyền thống Pali hoặc Trung Quốc.
“Trong số các hoạt động của Đức Phật về thân, khẩu và ý”, Ngài giải thích, “quan trọng nhất là Giáo lý của Ngài, hành động về Ngữ của Ngài. Tôi thường nói nửa đùa nửa thật rằng, mặc dù việc xây dựng các ngôi chùa và các tôn tượng để thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với Đức Phật là rất tốt; nhưng những bức tượng đó sẽ không bao giờ nói chuyện. Mặt khác, Kinh điển Tây Tạng đang sở hữu 100 bộ Kinh ghi chép lại những lời dạy của Đức Phật và Tạng Kinh của Trung Quốc cũng tương tự như vậy. Chúng ta nên dịch thuật các Bản Kinh và trao đổi với nhau giữa các truyền thống của chúng ta và nên nghiên cứu các Kinh điển ấy.
“Mặc dù tôi không biết nhiều”, Ngài xác nhận, “Tôi có thể cố gắng để giải thích những gì mà tôi cho là quan trọng trong lời dạy của Đức Phật. Một trong những lời giải thích phổ biến về hoạt động Khẩu Giác Ngộ của Đức Phật có đề cập đến phương tiện và trí tuệ. Phương tiện bao gồm các dòng truyền thừa về các hành trạng vĩ đại do Đức Di Lặc phác thảo ra, trong khi dòng truyền thừa của truyền thống Tư tưởng Sâu Xa được Ngài Long Thọ dẫn giải lại đề cập đến sự trí tuệ. Ngài Long Thọ khẳng định rằng, bất cứ điều gì Đức Phật dạy đều được thành lập trên cơ sở của hai Chân lý - Chơn Đế và Tục Đế. Về cơ bản, các pháp không tồn tại như cách mà chúng xuất hiện”. Ngài nhắc đến một lời cầu nguyện bằng tiếng Trung Quốc có nói rằng, “Nguyện cầu cho con đoạn trừ được tam độc”, điều này đòi hỏi phải chống lại những cảm xúc phiền não. Phương pháp hiệu quả nhất để làm điều đó là trau dồi trí tuệ, đối trị trực tiếp với vô minh, vì vậy, dòng tiếp theo là, “Cầu cho ánh sáng trí tuệ phát sinh trong con”. Dòng thứ ba là “Cầu cho tất cả các chướng duyên - nội chướng và ngoại chướng - đều được đoạn trừ” và lời nguyện kết thúc rằng: “Nguyện cho con có thể nhập được vào các hạnh của một vị Bồ Tát”.
|
Thánh Đức ĐLLM thuyết giảng tại Trung tâm Manhattan ở TP New York vào 02 tháng 11, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Chuyển sang bản văn “Bình luận về Tâm Tỉnh Thức”, Ngài cho biết rằng một số nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi về thẩm quyền của nó đối với Ngài Long Thọ; bởi vì nó không được trích dẫn bởi bất kỳ môn đệ môn đệ nào của Ngài.
Những tác phẩm khác thì xác nhận quyền tác giả của Ngài. Nó khảo sát những quan điểm của các trường phái khác như tác phẩm “Vòng hoa Báu của Lời khuyên dành cho Đức Vua”. Ngài nói rằng Ngài đã nhận được sự khẩu truyền của bản Kinh từ Ngài Tri Rinpoche, Rizong Rinpoche; nhưng điều đó có vẻ như không có một truyền thống tương ứng của luận giải đối với bản kinh ấy. Tuy nhiên, Ngài cảm thấy tự tin rằng nếu Ngài Long Thọ còn sống thì Ngài sẽ rất hạnh phúc khi nhìn thấy Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng dạy bản Kinh ấy, đúng ra là tác phẩm này đã nằm im lìm không hoạt động và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đánh thức nó dậy.
Ngài đọc gần 40 câu kệ đầu tiên, dừng lại ở vài nơi để giải thích rõ. Những người lắng nghe đã có thể theo kịp Ngài trong một cuốn sách nhỏ của bản Kinh được thể hiện qua chữ Tây Tạng, Trung Quốc và tiếng Anh. Sau đó, Ngài nói rằng, trong khi thực phẩm không hề có sự tồn tại cố hữu nào khác ngoài những người ăn nó, tuy nhiên, thức ăn vẫn có thể làm thỏa mãn cơn đói bụng, vì vậy Ngài đề nghị rằng đã đến lúc nghỉ ngơi để dùng cơm trưa.
Ngài tiếp tục đọc vào buổi chiều, ngài trích dẫn bài kệ thứ 48 chính là tóm tắt ý nghĩa của bản văn:
Vì vậy liên tục thiền định về tánh Không này:
Nền tảng của tất cả các pháp vạn vật,
Tĩnh lặng và như huyễn,
Vô căn nguyên và đoạn tận vòng sinh tử luân hồi.
Khi kết thúc, Ngài thuyết phục các thính giả của mình nên thường xuyên đọc lại những điều mà họ đã nghe; nên đọc chậm rãi và suy tư về những gì mình đã đọc. Khi bắt đầu Lễ Quán Đảnh Quan Thế Âm, Ngài nhấn mạnh rằng, tâm vi tế sẽ chuyển hóa thành thân trí tuệ của một vị Phật. Như một phần cho sự chuẩn bị của các môn đồ; Ngài nhấn mạnh rằng họ cần phải chấn chỉnh động cơ của mình cho thật đúng đắn. Động cơ đúng đắn để thọ nhận lễ quán đảnh không phải là mong muốn cho sự giàu có hay trường thọ, mà là khát khao muốn đạt được Phật quả vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Như một phần của các nghi lễ, Ngài đã hướng dẫn đại chúng về sự phát Bồ Đề Tâm và thọ Bồ Tát Giới. Lúc bế mạc, một hàng các phụ nữ Trung Quốc, mỗi người cầm một chiếc đèn hoa sen đã được thắp sáng, cùng nhau tập hợp ở phía trước sân khấu để tụng những lời cầu nguyện hồi hướng và thỉnh cầu Ngài trụ thế trường thọ.