Princeton, NJ, USA, ngày 28 Tháng 10 năm 2014 - Hôm qua, trên đường từ Birmingham, Alabama đến Princeton, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma dừng lại ở Philadelphia để thăm một người bạn cũ của Ngài - ông Aaron Beck. Tiến sĩ Beck là một bác sĩ chuyên về khoa tâm thần học, được nhiều người xem là cha đẻ của liệu pháp nhận thức. Ngài thường xuyên đề cập trong các cuộc nói chuyện với công chúng về cuộc trò chuyện của họ vài năm trước đây. Lúc đó, Tiến sĩ Beck giải thích rằng, khi chúng ta tức giận về điều gì đó, đối tượng của sự tức giận của chúng ta dường như hoàn toàn tiêu cực; nhưng thật ra - 90% cảm giác đó là do sự phóng chiếu của chính tâm thức của chúng ta. Sự hiểu biết sâu sắc có giá trị này tương ứng với lời giải thích của Ngài Long Thọ. Cả hai người - Tiến sĩ Beck, 94 tuổi - và Ngài; đã rất vui khi có thể được gặp lại nhau.
Hôm nay, tại phòng tập thể dục Jadwin của Đại học Princeton, Chủ nhiệm Khoa - Alison Boden đã giới thiệu Ngài với số khán giả rất sôi nổi của khoảng 5000 sinh viên và giảng sư; và đã mời Ngài nói chuyện với họ.
Thánh Đức ĐLLM với vị Chủ nhiệm Khoa của Khoa Tôn giáo và Đời sống; và Mục sư TS Alison Boden, trò chuyện trong buổi nói chuyện của Ngài với chủ đề “Trau giồi Con Tim” tại phòng tập thể dục Jadwin của ĐH Princeton ở Princeton, New Jersey vào 28 tháng 10, 2014. Ảnh / Denise Applewhite |
“Các anh chị em thân mến!” Ngài bắt đầu, “Thật là một vinh dự lớn lao đối với tôi khi có được cơ hội này để nói chuyện với quý vị ngày hôm nay! Xin cảm ơn về lời mời của các bạn! Là một tu sĩ Phật giáo, mỗi ngày tôi đều hồi hướng những việc làm của thân, khẩu, ý của mình để phụng sự tha nhân. Khoa học và công nghệ đã mang lại sự phát triển rất nhiều; nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề do con người gây ra, ví dụ như - khoảng cách rất lớn giữa người giàu và người nghèo.
“Chúng ta là những động vật mang tính xã hội. Chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng mà chúng ta đang sống. Vì vậy, chúng ta cần một ý thức về trách nhiệm toàn cầu, bởi vì hạnh phúc của nhân loại cũng là hạnh phúc của chính chúng ta. Chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc; không ai trong số chúng ta muốn khổ đau cả! Vì vậy, chúng ta cần ý thức rằng, tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình nhân loại. Như vậy thì sẽ không có cơ hội để hãm hại, bóc lột hay lừa gạt người khác”.
Từ một quan điểm tôn giáo hữu thần, Ngài nói, vì tất cả chúng ta đều do Chúa tạo ra, thế nên trong tất cả chúng ta đều có một tia lửa của Chúa. Trong thuật ngữ Phật giáo điều nay được gọi là Phật tính. Dù bằng cách nào đi nữa thì nó cũng là nguồn gốc của sự tự tin. Ngài nói rằng chúng ta có nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau, nhưng điểm quan trọng là - mặc dù những truyền thống triết học có thể khác nhau – nhưng chúng đều truyền tải cùng một thông điệp của tình yêu thương, lòng khoan dung, sự tha thứ và tinh thần tự kỷ luật. Và ngay cả 7 tỷ con người đang sống hôm nay, đã có đến 1 tỷ người khẳng định rằng mình không có niềm tin tôn giáo. Để làm cho họ quan tâm đến tình yêu thương và lòng từ bi; chúng ta cần phải sử dụng phương pháp thế tục. Điều này có thể thực hiện theo các truyền thống Ấn Độ lâu đời của chủ nghĩa thế tục; nó đòi hỏi sự tôn trọng không thiên vị đối với tất cả các truyền thống tôn giáo, và ngay cả đối với những người không có niềm tin tôn giáo.
Cơ sở cho một phương pháp thế tục như vậy đối với các giá trị nội tâm là kinh nghiệm chung của chúng ta được trưởng thành trong tình cảm thương yêu của mẹ; và sự phụ thuộc vào những người khác đối với sự sống còn của chúng ta. Ngài báo cáo rằng:
“Những hạt giống đầu tiên về lòng từ bi trong cuộc đời của tôi đã đến từ mẹ tôi. Tôi nghĩ rằng điều này hầu như đúng đối với tất cả chúng ta. Nếu các bà mẹ của chúng ta đã bỏ rơi chúng ta thì chúng ta sẽ không thể sống sót. Một nhà khoa học tên là Bob Livingston có lần đã nói với tôi rằng, trong những tuần đầu tiên của cuộc đời, sự âu yếm của người mẹ là rất quan trọng cho sự phát triển trọn vẹn của bộ não. Sau đó, dường như, trong khi nỗi sợ hãi và nghi ngờ bào mòn hệ thống miễn dịch của chúng tôi, thì lòng từ bi là rất tốt cho sức khỏe của chúng ta”.
Một quang cảnh của Phòng Thể Dục Jadwin của ĐH Princeton, nơi dành cho Thánh Đức ĐLLM nói chuyện tại Princeton, New Jersey vào 28 tháng 10, 2014. Ảnh / Sonam Zoksang |
Cảm giác thông thường cũng cho chúng ta biết rằng, ngay cả khi chúng ta khá giả, nhưng nếu tâm chúng ta đầy dẫy lòng nghi ngờ và lo lắng thì chúng ta sẽ không hạnh phúc. Trong khi đó, nếu chúng ta nghèo, nhưng được bao bọc và thắm đượm tình cảm yêu thương thì chúng ta sẽ được hạnh phúc. Ngài nói thêm rằng mặc dù tiền bạc là cần thiết để sống thoải mái, nhưng tiền bạc không mang lại sự yên bình nội tâm. Ngày nay, các nhà khoa học và nhà giáo dục cũng thừa nhận rằng hệ thống giáo dục thiên về vật chất của chúng ta là không hoàn hảo. Cũng cần có phương pháp để giảng dạy về các giá trị bên trong. Nếu có ý thức hơn về sự hiệp nhất của nhân loại, chẳng hạn như ý thức rằng tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình nhân loại, thì sẽ không có cơ sở cho sự gây gổ, giết chóc và chiến tranh.
“Nếu những người trẻ tuổi thuộc về thế hệ đầu tiên của thế kỷ 21 hạ quyết tâm để thực hiện một sự nỗ lực ngay bây giờ, thì các bạn có thể tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn, hòa bình hơn”, Ngài khuyên. “Nhưng bạn không thể chỉ chấp nhận và cho rằng nó sẽ tự xảy ra, bạn cần phải hành động”.
Ngài đã mời đặt câu hỏi. Được hỏi về niềm hối hận lớn nhất của Ngài, Ngài nói là mình đã không học hành chăm chỉ như khả năng mình có thể. Là một thiếu niên trẻ tuổi, Ngài được tự do để làm như vậy. Ngài khuyên các học sinh nên nghiên cứu rộng rãi và nên lưu tâm đến nhiều quan điểm. Để làm cho cuộc sống có ý nghĩa, Ngài đề nghị rằng họ đừng hờ hững với các giá trị bên trong nội tâm. Được hỏi về quyền con người, Ngài nói rằng mục đích của cuộc sống là để được hạnh phúc và đây là quyền của chúng ta. Cuộc sống của chúng ta được thành lập dựa trên sự hy vọng bởi vì không có gì là bảo đảm sẽ xảy ra trong tương lai.
Ngài đã định nghĩa sự tha thứ như một cách để bảo vệ bản thân khỏi bị tức giận khi có ai làm điều sai trái. Nó không có nghĩa là hành động sai trái sẽ bị lãng quên, nhưng Ngài khuyên là nên phân biệt giữa những hành động sai trái và các tác nhân có thể được tha thứ. Được nài nỉ để giải thích làm thế nào Ngài kiềm nén lại được những cảm xúc tiêu cực đối với các nhà cầm quyền Trung Quốc về những hành động của họ ở Tây Tạng, Ngài nói:
“Là con người, chúng ta cố tình cố gắng từ bi đối với những người làm hại chúng ta. Trong năm 2008, khi các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Tây Tạng, tôi cảm thấy bất lực và sợ hãi rất nhiều như tôi đã bị trong cuộc khởi nghĩa vào năm 1959. Tôi đã sử dụng phương pháp thực hành rèn luyện tâm và quán tưởng về các quan chức Trung Quốc, tưởng tượng mình đang lấy đi sự tức giận và hận thù của họ và trao sự yêu thương và tình cảm trở lại với họ. Tất nhiên, nó không ảnh hưởng đến những gì đã thực sự xảy ra, nhưng nó đã giúp tôi duy trì một tâm trí bình tĩnh của mình”.
Một số trong số hơn 5.000 người lắng nghe Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại phòng tập thể dục Jadwin của ĐH Princeton ở Princeton, New Jersey vào 28 tháng 10, 2014. Ảnh / Denise Applewhite |
Một học sinh khác muốn được tư vấn về ngân hàng đầu tư và Ngài nói rằng Ngài không thể trả lời:
“Nhưng hãy để tôi làm việc trong một ngân hàng đầu tư trong vòng một năm với mức lương cao, và sau đó tôi sẽ cho bạn biết”.
Ngài giải thích rằng khi chúng ta đọc trong một số kinh sách Phật giáo gợi ý rằng cuộc sống như một người đàn ông là thích hợp hơn cuộc sống như một người phụ nữ; chúng ta nên nhớ rằng tôn giáo có ba khía cạnh: khía cạnh tín ngưỡng, triết học và văn hóa; và những tài liệu tham khảo như vậy thuộc về khía cạnh văn hóa. Đàn ông và phụ nữ đều bình đẳng trong khả năng của mình để đạt được sự giải thoát.
Khi được hỏi về bí quyết để đạt được sự hạnh phúc, câu trả lời nhanh chóng của Ngài, “tiền và tình dục” đã mang lại một trận cười; nhưng Ngài đã tiếp tục nói rằng bí quyết thật sự chính là tấm lòng từ mẫn nhân ái, làm việc với lòng từ bi và sự tự tin. Ngài nói rằng nếu chúng ta tự mình cư xử một cách trung thực, chân thành và minh bạch, thì chúng tôi sẽ chiếm được sự tin tưởng và tình bằng hữu. Ngoài ra, Ngài ca ngợi việc sử dụng trí thông minh của con người để chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực của mình.
“Tạo ra một thế giới tốt hơn” - Ngài nói - “đòi hỏi một tầm nhìn rộng và sự quyết tâm. Lincoln đã bãi bỏ được chế độ nô lệ, Martin Luther King Jr đã làm việc để thiết lập các quyền dân sự và hôm nay Tổng thống là một người đàn ông có nguồn gốc ở châu Phi. Điều này thật là tuyệt vời. Xin cảm ơn các bạn!”
Ngài đã dùng cơm trưa với các giáo sư Đại học Princeton tại Căn Nhà Toàn Cảnh, vốn đã từng là căn nhà của Woodrow Wilson khi ông còn là Hiệu trưởng của Trường Đại học. Sau đó, Ngài đã gặp gỡ các thành viên của cộng đồng Kalmykia. Hội Tam Bảo Kalmykia đã từng phương tiện với Văn phòng của Đời sống Tôn giáo của Princeton trong việc tổ chức cuộc nói chuyện với công chúng vào sáng nay; và cuộc thảo luận vào buổi chiều.
Trong Thư viện của Hiệu Trưởng Green Rotunda, Ngài đã tham gia cùng một nhóm người hội thảo bao gồm các giáo sư Jill Dolan, Mitchell Duneier và Eddie S Glaude Jr thảo luận về đề tài “Phụng sự” với 150 học sinh. Trong bài phát biểu của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định rằng nếu chúng ta muốn giúp đỡ người khác, chúng ta cần phải có động cơ được thúc đẩy bởi lòng yêu thương và tình cảm. Ngài nhắc đến đạo đức của chư Bồ tát bao gồm đạo đức của sự giữ giới kiềm chế; đạo đức của lòng vị tha và đạo đức ban cho sự giúp đỡ thực sự. Ngài cảnh báo rằng động lực tốt cần phải đi kèm với trí tuệ hiểu biết, lưu ý rằng nếu những nỗ lực của chúng ta thiếu thực tế thì chúng không thể thành công. Ngài chỉ ra rằng vì tất cả chúng ta đều giống nhau trên phạm vi cơ bản của loài người; cho nên không hề có bất cứ lý do nào cho sự đối xử phân biệt. Hơn nữa sự đồng nhất của con người giúp chúng ta có thể cầu mong cho kẻ thù của mình đạt được những điều tốt đẹp.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giao lưu với các sinh viên về chủ đề “Phụng Sự” tại Chancellor Thư viện Xanh của Hiệu trưởng Trường ĐH Princeton ở Princeton, New Jersey vào 28 tháng 10, 2014. Ảnh / Sonam Zoksang |
Ngài thừa nhận rằng chúng ta có sự quan tâm đến lợi ích cá nhân; nhưng Ngài thấy có một sự khác biệt giữa sự quan tâm cá nhân một cách ngu ngốc trong phạm vi nhỏ hẹp và sự quan tâm cá nhân một cách thông minh bằng cách cũng quan tâm đến những nhu cầu của người khác nữa.
Ngài chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng chỉ suy nghĩ về sự đau khổ và hạnh phúc về mặt vật chất và thể xác; nhưng đồng ý rằng phụng sự cho người khác - bao gồm việc tạo cho người ta cảm giác thoải mái, chia sẻ một vòng tay ôm ấp và một nụ cười thân thiện. Nhiều lần Ngài nhấn mạnh rằng ban cho người khác sự giúp đỡ - đó chính là tinh thần tự nguyện.
Cuối cùng, Ngài nói rằng chúng ta có thể sẽ quen dần với việc giúp đỡ và phụng sự cho người khác. Điều đó cần có thời gian và sự khuyến khích. Ngài củng cố quyết tâm của chính mình mỗi ngày bằng cách suy ngẫm về những vần Kệ trong tác phẩm của Shantideva - bậc thầy Ấn Độ vào thế kỷ thứ 8, rằng:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Ngài chỉ ra rằng cuộc hành trình để trở thành một vị Giáo sư được bắt đầu với việc học bảng chữ cái; bạn phải duy trì sự nỗ lực. Những người Phi công ngày nay lái những chuyến bay vô cùng phức tạp, đã phải trải qua sự huấn luyện lâu dài và chuyên sâu trước khi các kỹ năng ấy đến một cách dễ dàng đối với họ. Ngài cho biết rằng, việc trang bị chính mình để phụng sự cho người khác cũng như thế.