Guwahati, Assam, Ấn Độ, ngày 2 tháng 2 năm 2014 - Ánh mặt trời rạng rỡ ấm áp tỏa sáng trên bầu trời trong xanh quang đãng khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe đến sân vận động Nehru của Guwahati sáng nay. Ngài đã được mời đến để tham gia thuyết trình về “Phương pháp tiếp cận của con người đối với sự Hòa Bình” nhân lễ Tưởng niệm những người sáng lập đầu tiên của Hội LBS. Khi Ngài được hộ tống vào sân vận động; Ngài bắt gặp ở hai bên, một đám đông nghẹt người háo hức xô đẩy chen lấn nhau, không những chỉ cố để nhìn cho được Ngài mà còn sử dụng điện thoại di động để chụp hình Ngài nữa! Ngài ngồi với các vị chức sắc khác, khi một nhóm các nghệ sĩ truyền thống biểu diễn âm nhạc và hát bài “Borgeet”- một bài hát Tiếng Assam truyền thống có niên đại từ thế kỷ 15.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rải hoa cúng dường để tưởng nhớ hai Vị sáng lập của LBS, trước khi nói chuyện tại sân vận động Nehru ở Guwahati, Assam, Ấn Độ vào 02 tháng 2, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Kashinath Hazarika đã mô tả về sự Tín nhiệm và Sáng Lập của Hội LBS mới được thành lập để tưởng nhớ đến sự nghiệp của BN và KN Dutta-Borooah trong việc thiết lập Quầy Sách của Luật sư. Để bắt đầu, BN Dutta-Borooah đã đem cầm những đồ trang sức của vợ mình để gây quỹ bắt đầu doanh nghiệp và đã mất tất cả khi cửa hàng cầm đồ đã biến đi đâu mất, không còn ở đó nữa!
Vợ của ông không lo lắng lắm về sự việc đó, bà đã nói với ông ta rằng kết quả của Quầy Sách sẽ báo đáp lại cho nó gấp trăm lần. Thật vậy, trong 70 năm tồn tại của nó đã thu hút được sự nổi tiếng có giá trị và sự tín nhiệm vô cùng đối với khách hàng! Sau khi thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người khách khác rải hoa để cúng dường cho Vị Sáng lập của LBS, Hazarika thỉnh Ngài nói chuyện với khoảng 5000 người đang tập trung để lắng nghe Ngài. Thích đứng ở bục giảng hơn là ngồi trên tòa ngồi đã được chuẩn bị sẵn cho mình, Ngài bắt đầu:
“Các anh chị em thân mến! Tôi vô cùng hạnh phúc khi có cơ hội này để được gặp gỡ và nói chuyện với quý vị ở đây! Tôi đã đi qua Guwahati nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được có cơ hội để gặp gỡ những người dân ở đây. Bất cứ khi nào tôi được gặp gỡ người khác như thế này; tôi luôn nghĩ rằng mình chỉ là một trong số 7 tỷ người đang sống hôm nay. Trên cấp độ của một con người như thế, tôi cảm thấy rất dễ dàng để giao tiếp. Thay vì nếu tôi chú trọng về sự khác biệt của chúng ta, rằng tôi là một người Tây Tạng, là một Phật tử, hoặc thậm chí rằng tôi là Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì nó chỉ tạo ra một khoảng cách giữa tôi và quý vị, có khả năng đưa đến một thái độ tự phụ, thiếu tin tưởng và bất an. Tốt hơn hết là chúng ta cần thừa nhận rằng về phương diện tinh thần, thể chất và tình cảm; tất cả chúng ta đều giống nhau.
“Tương tự như vậy, khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh của trái đất từ không gian, chúng ta thấy không hề có ranh giới giữa chúng ta, chỉ có duy nhất một hành tinh xanh này; một nơi mà sự biến đổi về khí hậu đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, nơi mà nền kinh tế toàn cầu mang tất cả chúng ta đến với nhau. Trong quá khứ, Tây Tạng được bao quanh bởi các dãy núi ôm ấp sự cô lập của nó; như tôi hoài nghi, trong quá khứ Assam cũng đã như thế. Nhưng, sự cô lập như vậy đã lỗi thời. Ngày nay, chúng ta cần phải chiếu cố đến phúc lợi của toàn thể nhân loại và chúng ta cần phải hoạt động để bảo tồn sức khỏe của hành tinh”.
Ngài tiếp tục nói rằng, trong thực tế, thế kỷ 21 đã thay đổi, nhưng chúng ta cứ tiếp tục bám víu vào cách suy nghĩ cũ kỹ của mình; xem nhau dưới dạng “bọn họ” và “chúng ta”. Ta suy nghĩ về “lợi ích của chúng ta” chứ không phải là “của họ”. Đây là loại thái độ đã kích động sự bạo lực mà chúng ta đã nhìn thấy ngày nay ở những nơi như Syria, nơi mà mọi người tha hồ giết hại lẫn nhau mà không bị trừng phạt. Ở những nơi khác, nỗi sợ hãi đang lan rộng vì nhận thức về "họ" và "chúng ta". Thái độ tự cho mình là quan trọng sẽ khiến cho nó đi ngược lại với bản chất của con người. Chúng ta là những động vật mang tính xã hội; và chúng ta phụ thuộc vào nhau để tồn tại, vì vậy, nếu chỉ suy nghĩ cho riêng mình thì thật là mâu thuẫn!
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết trình về “Cách tiếp cận của con người đối với Hòa bình” nhân Lễ Tưởng Niệm những người Sáng lập Hội LBS tại sân vận động Nehru ở Guwahati, Assam, Ấn Độ vào 02 tháng 2, 2014. Ảnh /Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài giải thích rằng các nhà khoa học đã tìm thấy rằng, việc hưởng thụ những thú vui trong sự ích kỷ là có hại cho sức khỏe và không đưa đến sự thỏa mãn. Các nhà khoa học khác đã tiến hành nghiên cứu để kiểm tra hiệu quả của việc rèn luyện ý thức về lòng từ bi. Họ kiểm tra một nhóm để đo huyết áp, các mức độ căng thẳng và các yếu tố khác lúc khởi đầu sự thí nghiệm của họ; và so sánh với kết quả của sự kiểm tra các thông số đo được sau khi đã thực hiện sự rèn luyện về lòng Từ bi được ba tuần; kết quả cho thấy rằng huyết áp và trạng thái căng thẳng đã được giảm đi đáng kể, các cá nhân cũng cảm thấy hài lòng hơn. Các nhà khoa học khác cũng có bằng chứng cho thấy rằng sự sợ hãi, lo lắng và tức giận có tác dụng bào mòn hệ thống miễn dịch của chúng ta.
“Là con người - một loại động vật mang tính xã hội - chúng ta lớn lên và tắm mình trong tình thương yêu của mẹ. Đây là kinh nghiệm chung của chúng ta, sự ảnh hưởng của nó vẫn tồn tại với chúng ta cho đến cuộc sống sau này. Tôi thường nói rằng những người được hưởng tình thương yêu của cha mẹ của mình; lúc còn bé nó sẽ có sức khỏe tốt hơn và tâm trí kiên định hơn; khi lớn lên, họ sẽ có khả năng thể hiện tình cảm với người khác một cách tốt hơn. Những người bị thiếu thốn những tình cảm như thế, sẽ có một cảm giác bất an sâu thẳm trong tâm hồn và không có khả năng hoàn toàn tin tưởng những người khác. Cho dù chúng ta có tin hay không vào kiếp sau hoặc một trạng thái của sự giải thoát, thì tất cả chúng ta cũng đều cần những giá trị cơ bản của con người - được bắt nguồn từ sự tin tưởng và tình cảm - để sống ở đây và ngay tại trong đời này. Ngay cả những người chống đối với tôn giáo cũng cần một tâm trí bình thản và lòng từ bi để làm cho công việc của mình hiệu quả hơn. Một tấm lòng nhân ái và từ bi là chìa khóa để trở thành con người hạnh phúc sống trong gia đình và cộng đồng hạnh phúc.
“Cuộc sống con người có rất nhiều vấn đề rắc rối. Lần đầu tiên tôi đi qua Assam vào năm 1959 khi tôi 24 tuổi, tôi đã có thể leo lên những ngọn núi, mà bây giờ tôi không thể leo được nữa. Tương tự như vậy, tuổi già đã mang lại một sự suy giảm về trí nhớ, và điều đó đã gây ra nhiều rắc rối. Những người bình thường đã lập gia đình, họ sẽ lo lắng nếu như họ không có con. Nếu họ có con, họ cũng vẫn lo lắng. Nếu họ không có đủ tiền, họ lo lắng; nếu họ có rất nhiều tiền, quyền lực và uy thế, họ cũng lo lắng. Đây chính là cách mà cuộc sống có đầy rắc rối. Thêm vào đó là sắp xảy ra biến đổi về khí hậu, đưa đến con số ngày càng tăng của thiên tai sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Chúng ta phải cố gắng giải quyết các vấn đề địa phương và luôn ghi nhớ trong tâm về vấn đề lợi ích của toàn cầu!
Ngài khuyên rằng chúng ta sẽ không giải quyết vấn đề của mình bằng cách sử dụng vũ lực nữa, rằng trong thế kỷ 21 việc sử dụng vũ lực đã trở nên lỗi thời, nhất là vì nó luôn luôn đi kèm với những hậu quả không mong muốn, Ngài nhấn mạnh về sự cần thiết phải áp dụng tinh thần bất bạo động. Ngài nhắc lại cuộc vận động lâu dài của mình về một giải pháp bất bạo động cho vấn đề Tây Tạng. Một giải pháp mà không tìm kiếm niềm chiến thắng cho một bên và nỗi thất bại đối với bên khác; một giải pháp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận lẫn nhau. Ngài nói rằng người dân Tây Tạng không tìm kiếm sự tách biệt khỏi Trung Quốc, quá khứ đã khác rồi! Trong thế kỷ thứ 7, ba vị Hoàng đế đã chinh phục được sự kính trọng ở Trung Á, Trung Quốc, Mông Cổ và Tây Tạng. Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với Liên minh châu Âu đã tôi luyện được một quan hệ hoạt động đối tác giữa các quốc gia đã từng chiến đấu với nhau tàn bạo trong quá khứ. Đây là một ví dụ về cách giải quyết hòa giải những xung đột. Đạo đức thế tục - quan tâm đến người khác - là rất quan trọng đối với sự thành công của việc sử dụng phương pháp bất bạo động.
Một số của hơn 5000 người đã tập hợp tại sân vận động Nehru để nghe Thánh Đức ĐLLM thuyết trình về “Cách tiếp cận của con người đối với Hòa Bình” nhân lễ Tưởng niệm những người Sáng Lập Hội LBS ở Guwahati, Assam, Ấn Độ vào 02 tháng 2, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor /VPĐLLM |
“Quan tâm đến người khác không phải là một vấn đề của sự thực hành tôn giáo; đó là một bước thực tế hướng tới việc tạo ra một xã hội hạnh phúc. Nếu bạn gặp rắc rối với hàng xóm của bạn, hãy cố gắng hòa giải nó. Nó có thể chuyển hóa kẻ thù của hôm nay thành bằng hữu của ngày mai. Hãy suy nghĩ về điều này! hãy thảo luận với bạn bè và cố gắng thực hiện!”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mời khán giả đặt câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên liên quan đến sự suy giảm về giá trị đạo đức, hỏi làm thế nào để duy trì niềm tin vào lòng tốt của con người, và Ngài nói rằng không có sự lựa chọn. Tuy nhiên, Ngài lưu ý rằng nền giáo dục hiện đại chủ yếu là thiên về vật chất, đó là lý do mà Ngài đề xuất sự đưa nền đạo đức thế tục vào hệ thống giáo dục.
Khi được hỏi Ngài có nhớ cung điện Potala không, Ngài cười và nói:
“Không nhớ nhiều, đã hơn 54 năm rồi, tôi đã quen với những tiện nghi hiện đại; và không có phòng tắm thích hợp trong cung điện Potala. Tôi nhớ văn hóa từ bi và hòa nhã của Tây Tạng. Và khi những cơn mưa gió mùa quá dữ dội ở Dharamsala, tôi nhớ khí hậu của Lhasa và cùng với nó là những cây phi yến và hoa thược dược mọc tại Norbulingka. Tuy nhiên, ở Dharamsala, tôi có thể trồng hoa tulip, hoa huệ dạ hương và thu hải đường; những loại hoa này rất khó phát triển ở Lhasa”.
Đối với một câu hỏi về giáo dục, Ngài lặp lại sự cần thiết phải giới thiệu nền giáo dục thế tục trong các trường học; và công trình này đang diễn ra để chuẩn bị cho một chương trình giảng dạy như thế. Được hỏi làm thế nào để kiểm soát sự tức giận, Ngài nói rằng chúng ta cần phải nhìn thấy được rằng, sự tức giận không bao giờ có chút ích lợi nào trong việc giải quyết vấn đề, nhưng sự kiên nhẫn và lòng từ bi là vô cùng hữu ích. Ngài cũng khen ngợi về khả năng có thể phân biệt giữa tác nhân của một hành động - là một con người khác - và hành động công kích của người đó. Khi được hỏi về chìa khóa cho một cuộc sống hạnh phúc, Ngài trả lời đó chính là sự bình yên trong tâm hồn. Được gợi ý về việc Ngài có lạc quan về tương lai hay không, Ngài nhớ lại rằng, đối với tất cả sự phát triển vĩ đại của thế kỷ 20, đó là một thời kỳ bị bao phủ bởi sự bạo lực kinh hoàng. Ngài tin tưởng rằng, thay vào đó, thế kỷ 21 có thể trở thành một thế kỷ của sự đối thoại và bất bạo động.
Cuối cùng, trong câu trả lời cho một câu hỏi về vai trò của cao nguyên Tây Tạng trong sự biến đổi của khí hậu; Ngài nói về những phát hiện của một nhà sinh thái học người Trung Quốc đã lưu ý rằng Tây Tạng đóng một vai trò quan trọng như Bắc cực và Nam cực. Do đó, ông gọi Tây Tạng là Cực thứ Ba. Ngài bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống và chính phủ mới ở Trung Quốc sẽ có một cái nhìn thực tế hơn về điều này.
Thánh Đức ĐLLM và Bộ trưởng của tiểu bang Assam - Tarun Gogoi - thắp đèn để khai mạc lễ hội của Tây Tạng; trong khi Bộ trưởng tiểu bang Arunachal Pradesh - Pema Khandu (bên trái) và lãnh đạo chính trị Tây Tạng - Tiến sĩ Lobsang Sangay (bên phải) đang nhìn vào; ở Guwahati, Assam, Ấn Độ vào 2, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Sau giờ cơm trưa, Ngài đã được tham gia cùng với Bộ trưởng của tiểu bang Assam - Tarun Gogoi và nhà lãnh đạo đắc cử Tây Tạng - Tiến sĩ Lobsang Sangay để khai mạc Lễ hội của Tây Tạng được tổ chức tại Srimanta Sankaradeva Kalakshetra, Đông Bắc Ấn Độ. Họ thắp sáng ngọn đèn bơ của người Tây Tạng.
Vị Trụ trì Tu viện Tawang, Guru Rinpoche, đã hướng dẫn Tăng chúng tụng Kinh. Pema Khandu, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Phát triển nông thôn của Chính quyền tiểu bang Arunachal Pradesh đã phát biểu lời giới thiệu, cảm ơn Ngài đã quang lâm và tán dương về cơ hội được chia sẻ văn hóa và nghệ thuật Tây Tạng với người dân của miền Đông Bắc. Đến lượt mình, Bộ trưởng của tiểu bang Asam đề cập rằng thật là một vinh dự khi được có sự hiện diện của Ngài ở Assam. Ông lưu ý rằng trong một thế giới bị tác động của sự xung đột, thật là một phước lành khi được nghe bức thông điệp của Ngài về lòng từ bi và sự hòa giải.
Khi nói chuyện với khán giả như những người anh chị em, Ngài nhấn mạnh về sự cần thiết phải phát triển một ý thức mạnh mẽ hơn về việc mình được thuộc về một gia đình nhân loại, Ngài tự khiển trách chính mình và tự hỏi, chẳng phải đã đến lúc để lật đổ những thói quen cũ và thay vào đó bằng cách nói “các chị em và anh em thân mến!”
“Thật là một vinh dự lớn lao cho tôi để được khai mạc Lễ hội này của Tây Tạng! Tôi rất vui khi đã có thể đến được nơi đây! Tôi xin chúc mừng các nhà tổ chức về việc quyết định để thực hiện điều này theo cách riêng của họ!
“Theo những phát hiện khảo cổ học thì tổ tiên của chúng ta đã sống ở Tây Tạng trong thời kỳ đồ đá. Có những vết tích ở vùng Đông Bắc Tây Tạng đã có 30.000 năm tuổi, trong khi bằng chứng ở miền Trung Tây Tạng là 10.000 năm tuổi và ở những nơi khác 7.000 năm tuổi. Không có nghi ngờ gì về việc người Tây Tạng là một dân tộc cổ đại. Trong các thế kỷ thứ 7, 8 và 9; các vị Hoàng đế Tây Tạng là ngang bằng với các Hoàng đế Mông Cổ và Trung Quốc. Tuy nhiên, trước khi Phật Giáo được truyền vào Tây Tạng, cách sống của họ cũng tương tự như của Mông Cổ. Người dân là những người du mục; ngựa và thanh kiếm là tài sản quan trọng nhất của họ. Sau khi bộ ba: Trù trì, nhà Tinh thông và Hoàng đế - đó là - Thiện Hải Tịch Hộ, Liên Hoa Sinh và Trisong Deutsan thiết lập Phật giáo thì điều này đã thay đổi.
“Ngài Thiện Hải Tịch Hộ - một nhà logic học và là một triết gia vĩ đại, một học giả hàng đầu tại Đại học Nalanda - đã đưa vào tây Tạng một truyền thống Phật giáo có liên quan đến việc học tập cực kỳ nghiêm khắc. Văn hóa Tây Tạng đã trải qua một sự chuyển hóa hoàn toàn, đã trở nên hòa bình, từ bi và bất bạo động. Nó khuyến khích sự trưởng dưỡng sức mạnh nội tâm và sự coi trọng cuộc sống của người khác. Do đó, việc săn bắt động vật hoang dã đã bị nghiêm cấm.
Những người biểu diễn đến từ Viện Nghệ thuật biểu diễn Tây Tạng đang biểu diễn trong lễ khai mạc của Lễ hội Tây Tạng ở Guwahati, Assam, Ấn Độ vào ngày 02 tháng 2, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Bộ trưởng đã đề cập về sự quan tâm của mình đối với chiêm tinh học Tây Tạng, nhưng đó không phải là điều mà cá nhân tôi có nhiều niềm tin vào đó lắm! Thực tế, có hai ngày quan trọng trong cuộc đời của chúng ta, đó là ngày chúng ta được sinh ra và ngày chúng ta chết; và thường thì chúng tôi cũng không tham khảo ý kiến của các nhà chiêm tinh về cả hai ngày này. Vị Gia sư chính của tôi Ling Rinpoche thường hay cười rằng ông đã được sinh ra vào một ngày đen tối, ngày của Chín Hành Tinh rủi ro. Tuy nhiên, truyền thống này kết hợp các yếu tố của Thời Luân, chiêm tinh học Trung Quốc và chiêm tinh học Tây Tạng bản địa có một vị trí và giá trị trong truyền thống Tây Tạng. Xin cảm ơn các bạn”.
Một loạt các chương trình văn nghệ đã diễn ra với các vũ công đến từ Assam, Arunachal Pradesh và Viện Nghệ thuật biểu diễn Tây Tạng đã làm hài lòng khán giả với những màn trình diễn của họ. Bộ trưởng đã rời khỏi trước người đại diện của Tây Tạng, Karma Yeshi đã phát biểu lời cảm tạ; ông bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính phủ của Assam và những người khác đã làm cho Lễ hội được khả thi.
Ngài viếng thăm một chút về cuộc triển lãm xảy ra cùng thời gian với Lễ hội, xem xét kỹ những tấm thảm, bánh momos, thuốc men và những dụng cụ âm nhạc trước khi trở về khách sạn của mình. Ngày mai Ngài sẽ trở lại cùng địa điểm này để truyền quán đảnh Ngài Tara Trắng trước khi đi lên khu an dưỡng vùng đồi núi ở Shillong.