Mumbai, Ấn Độ, ngày 17 tháng 9 năm 2014 - Học Viện Khoa học Xã hội Tata (TISS), với phương châm là “Tiếp tục hình dung về Tương lai”, là một trong các tổ chức khoa học xã hội hậu đại học có uy tín nhất của Ấn Độ. Hôm nay, Học Viện đã mời Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến như một vị Khách mời chính trong một cuộc Triệu tập Đặc biệt tại khuôn viên chính của Học Viện ở Deonar, Mumbai. Ngài đã được cung đón tại cửa bởi vị Giám đốc - Giáo sư S Parasuraman - người đã hộ tống ông đến giảng đường. Mọi người đều đứng lên khi hát bản nhạc của Học Viện.
Thánh Đức ĐLLM chào đón một khán giả khi Ngài đến dự lễ Phát Bằng Tốt nghiệp Đặc biệt tại Học Viện KH Xã hội Tata ở Mumbai, Ấn Độ vào 17 tháng 9, 2014 Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Trong bài phát biểu giới thiệu, Giáo sư Parasuraman đã giải thích rằng, như một phần của tầm nhìn rộng rãi của mình để trở thành một tổ chức xuất sắc, Học Viện Khoa học Xã hội Tata đã phát triển một số các khóa học sáng tạo và bước đường đột phá. Buổi Triệu tập Đặc biệt được tổ chức hôm nay là để cử hành Lễ Tốt nghiệp của một số sinh viên của các chương trình thuộc loại tiên phong đầu tiên. Trong số các chương trình này; có trường về Luật, Quyền và Quản trị Hiến pháp đã phát triển một chương trình gồm ba học kỳ LL.M trong lĩnh vực Đường vào Công Lý.
Nhận thức rằng, nước và vệ sinh đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người và phát triển xã hội nói chung, Học Viện Khoa học Xã hội Tata đã phối hợp với hệ thống xử lý nước và bộ phận vệ sinh của UNICEF, đã phát triển một khóa học đưa đến Chứng chỉ hậu đại học đầu tiên của Ấn Độ về lĩnh vực vệ sinh xử lý môi trường nước và vệ sinh. Trong khi đó, Trung tâm Học tập suốt đời đã tạo ra một chương trình cho Chứng chỉ Diploma bán thời gian, học vào các cuối tuần, giai đoạn một năm; trong sự gặp gỡ với các nhà Tư vấn để tạo thuận lợi cho những người thành niên làm việc với cộng đồng. Ngoài ra, cũng còn cung cấp chương trình Chứng Chỉ Diploma bán thời gian một năm về lĩnh vực Phát triển Thanh niên và Thay đổi Xã hội.
Thư viện Tưởng niệm Tata Sir Dorabji số hóa hoàn toàn đã cung cấp Chứng chỉ Diploma hậu đại học trong lĩnh vực Thư viện Kỹ thuật số và Quản lý Thông tin để phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng cho các thư viện đã được đào tạo và các chuyên gia kỹ thuật trong các thư viện kỹ thuật số hiện đại. Trường Truyền thông và Nghiên cứu Văn hóa đã phát triển một Chứng chỉ Diploma trong lĩnh vực Phương tiện Truyền thông Đại chúng.
Thánh Đức ĐLLM trao Bằng Tốt nghiệp cho các Sinh viên đợt đầu tiên của Thạc sĩ Luật trong Đường vào Công Lý,
tại Học Viện KH Xã hội Tata ở Mumbai, Ấn Độ vào 17 tháng 9, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Giáo sư Lakshmi Lingam đã thỉnh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lên để trao Bằng Tốt Nghiệp cho sinh viên; và Ngài đã trao Văn bằng Tốt nghiệp cho 13 ứng cử viên của Thạc sĩ ngành Luật (LL.M) trong lĩnh vực Đường vào Công Lý, những người này đã bước lên khán đài để nhận Văn bằng Tốt nghiệp của mình. 76 sinh viên tốt nghiệp còn lại, tất cả cùng nhau đứng trong Hội trường để nhận Văn bằng của mình chung một lượt, và được đón nhận những tràng pháo tay nồng nhiệt. Khi Giáo Sư Lingam cầu chúc cho họ đạt được mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gật đầu tán thưởng. Sau đó, Ngài được thỉnh mời lên để trao giải thưởng Huy chương Vàng cho một sinh viên giỏi nhất trong chương trình LL.M và các Phần thưởng Thành tích cho các sinh viên giỏi nhất trong các chương trình Chứng chỉ Diploma.
Trong phần giới thiệu của mình về Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Giáo sư Lakshmi Lingam đã liệt kê một số các giải thưởng mà Ngài đã nhận được như giải Nobel Hòa bình, Huy chương Vàng của Quốc hội và giải thưởng Templeton, và cũng đã đề cập đến sự tham gia của Ngài trong Chiến dịch quốc tế Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân. Cô ấy nói rằng đây là một đặc ân cho những sinh viên tốt nghiệp ngày hôm nay đã được nhận bằng Tốt nghiệp của mình từ Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma; và rằng Học Viện Khoa học Xã hội Tata đã rất vui khi có được sự hiện diện của Ngài. Sau đó, cô mời Ngài lên để nói chuyện với hội chúng.
“Kính thưa các bậc trí thức, các học giả giàu kinh nghiệm, và các anh chị em thân mến!”, Ngài bắt đầu, “Tôi luôn luôn nhấn mạnh rằng, là con người, tất cả chúng ta đều như nhau. Tôi không quan tâm về địa vị xã hội khác nhau hoặc các giai cấp khác nhau, điều đó không quan trọng. Tất nhiên, có những sự khác biệt về chủng tộc, đức tin và văn hóa giữa chúng ta, nhưng đây là những điều thứ yếu so với thực tế là về mặt tinh thần, tình cảm và thể chất, 7 tỷ người chúng ta đều giống nhau. Chúng ta đều có một bộ não người, và như chúng sinh khác, chúng ta đều có cùng một ước vọng về hòa bình và hạnh phúc. Đạt được một cuộc sống hạnh phúc và tránh sự đau khổ là một trong những quyền cơ bản của chúng ta”.
hánh Đức ĐLLM phát biểu tại Lễ trao Bằng Tốt Nghiệp Đặc biệt tại Học Viện KH xã hội Tata ở Mumbai, Ấn Độ
vào 17 tháng 9, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài chỉ ra rằng, vì trí thông minh của chúng ta, con người là loài duy nhất có khả năng không những tạo ra những vấn đề rắc rối, mà còn tạo ra như thế trên quy mô lớn. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần phải sử dụng trí thông minh của mình trong phương thức xây dựng. Chúng ta cần phải có một tấm lòng nhiệt thành và quan tâm đối với những người khác để thực hiện như vậy.
Mỉm cười với các sinh viên tốt nghiệp, Ngài nói:
“Tôi xin chúc mừng tất cả các bạn. Tôi tin chắc rằng khi bạn thực hiện các kỳ thi của mình, bạn cảm thấy một niềm lẫn lộn của sự lo âu và thích thú. Tôi nhớ vào lúc kỳ thi cuối cùng của tôi, tôi đã cảm nhận cả hai - sự sợ hãi và vui mừng, không chắc chắn về những câu hỏi sẽ được đặt ra cho tôi trong cuộc tranh luận. Điều quan trọng bây giờ là bạn đã có trình độ và bằng cấp của mình; bạn có sử dụng kiến thức của mình để giúp đỡ người khác hay không - điều đó sẽ phụ thuộc vào động cơ của bạn. Các kiến thức và kỹ năng mà bạn đã có được có thể rất hữu ích. Tư pháp và pháp luật, chẳng hạn, được dành một vai trò quan trọng ở Ấn Độ, một quốc gia dân chủ đông dân nhất thế giới”.
Ngài tiếp tục ca ngợi Ấn Độ về sự ổn định mà nó đã thể hiện so với một số nước láng giềng - kể từ khi giành được độc lập. Ngài cũng nhận xét rằng, giữa các nền văn minh cổ đại trên thế giới, trong đó có Ai Cập và Trung Quốc, Ấn Độ dường như đã sinh ra rất nhiều các nhà tư tưởng vĩ đại. Tự cho mình là một người chịu ảnh hưởng của truyền thống Nalanda, Ngài lưu ý rằng có rất nhiều kiến thức cổ đại của Ấn Độ, chẳng hạn như sự hiểu biết về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc, có sự tương thích với khoa học hiện đại ngày nay. Ngài cho biết - là một Phật tử - Ngài tham dự vào sự cầu nguyện, nhưng Ngài tin rằng - trong thời gian dài - chúng ta giải quyết các vấn đề rắc rối của mình không phải chỉ qua lời cầu nguyện, mà phải qua cách hành động. Nếu chúng ta hành động, chúng ta cần phải có một tầm nhìn xa rộng. Ngài cho rằng đối với sự phát triển có hiệu quả ở Ấn Độ, thì nó phải được diễn ra ở các vùng nông thôn; có nghĩa là cơ sở giáo dục và y tế ở nông thôn phải được cải thiện.
SV mới tốt nghiệp đang lắng nghe Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại buổi lễ trao Văn bằng Tôt nghiệp Đặc biệt tại Học Viện KH Xã hội Tata ở Mumbai, Ấn Độ vào 17 tháng 9, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Nhắc lại sự học hỏi về Phật giáo của riêng mình, quá trình này được bắt đầu bằng việc học thuộc lòng các bản văn vào lúc bảy tuổi; đôi khi Ngài tự hỏi, học như vậy để làm gì - mãi cho đến khi Ngài hiểu được rằng, điều đó là để chuyển hóa tâm thức và cảm xúc. Để khắc phục được những cảm xúc tiêu cực của mình như giận dữ và hận thù, đòi hỏi chúng ta phải phát triển những cảm xúc tích cực như tình yêu thương và lòng từ bi. Đây cũng là điều mà các nhà tâm lý học hiện đại và các nhà thần kinh học ngày nay đang quan tâm.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ sự khâm phục đối với truyền thống thế tục lâu đời của Ấn Độ về sự tôn trọng không thiên vị đối với tất cả các truyền thống tôn giáo và các giá trị đạo đức mà họ truyền đạt. Đó là một mô hình mà trên cơ sở đó, Ấn Độ có thể dẫn đầu thế giới. Ngài cũng bày tỏ tin tưởng rằng giáo dục hiện đại là hướng đi đến thành công về vật chất chứ không phải là bồi dưỡng các giá trị bên trong. Ngài nhắc lại sự cần thiết phải hạn chế những cảm xúc tiêu cực và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực trong khi phát triển một ý thức quan tâm đến hạnh phúc của tất cả mọi người.
“Điều này có chút ý nghĩa nào không?” Ngài hỏi. “Nếu có thì hãy nói cho những người khác biết về nó! Nếu không thì chỉ cần quên nó đi là được!”
Ngài đã được tặng một bản kim loại có khắc chữ như một vật lưu niệm vào nhân dịp này; Giáo sư Neela Dabir đã phát biểu lời cám ơn. Cô chúc mừng tất cả các sinh viên tốt nghiệp và dâng lời chân thành cám ơn đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - Vị khách quan trọng bậc nhất - về sự hiện diện của Ngài và về nguồn cảm hứng mà Ngài đã mang lại cho dịp này.
Sau khi dùng cơm trưa với Giám đốc của Học Viện Khoa học Xã hội Tata - Giáo sư Parasuraman và các thành viên của khoa khác, Ngài đã đến thăm Bệnh viện Lilavati gần đó, nơi mà Ngài đã nhận được sự chăm sóc và điều trị trong quá khứ. Bác sĩ Trivedi, Bác sĩ Chulani các thành viên khác của nhân viên bệnh viện đã gặp Ngài tại phòng Hội đồng và tận hưởng cuộc trò chuyện thân thiện trong giờ uống trà trước khi Ngài trở về khách sạn của mình. Ngày mai Ngài sẽ tham dự Lễ Kỷ niệm lần thứ 108 Ngày Thành Lập của Hiệp hội Thương mại Ấn Độ (IMA) và Cánh Phụ nữ của Hiệp hội này (IMA).