Likir, Ladakh, J & K, Ấn Độ, ngày 1 tháng 7 năm 2014 - Sáng nay Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến rất sớm tại khu đất rộng nằm thấp phía dưới khuôn viên Tu Viện Likir vừa mới được chuẩn bị cho buổi thuyết Pháp của Ngài. Mây nhẹ giăng kín cả bầu trời cung cấp bóng râm cho khoảng 15.000 người đến để nghe Ngài thuyết Pháp. Khi nghi thức cầu nguyện cho phần mở đầu được hoàn tất, Ngài khuyên rằng bất cứ khi nào có Pháp hội thuyết Pháp thì điều quan trọng là cả người Thầy lẫn đệ tử cần phải phát khởi một động cơ tốt. Kế đến, Ngài hướng dẫn cả đại chúng cùng nhau tụng những bài kệ Quy y Tam Bảo và Phát Bồ Để Tâm.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ lòng biết ơn đối với thính giả khi mở đầu buổi thuyết Pháp của Ngài ở Likir, Ladakh,J & K, Ấn Độ vào 01 tháng 7, 2014. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Lưu ý rằng buổi thuyết Pháp này là một sự chuẩn bị cho lễ Quán Đảnh Thời Luân sắp tới, thế nên Ngài đã nói với đám đông đang chăm chú lắng nghe rằng khoảng 12 năm trước Ngài đã sáng tác một tác phẩm thơ để xưng tán 17 vị Đạo Sư của Đại học Nalanda và Ngài sẽ bắt đầu luận giải về tác phẩm đó.
“Sự thực hành của chúng ta có nguồn gốc từ các tác phẩm của các bậc Đạo Sư ở Nalanda như Ngài Long Thọ, Thánh Thiên, Nguyêt Xứng và Tịch Thiên.Các luận giải mà họ trước tác là những gì mà chúng ta đang nghiên cứu trong các Tu viện lớn ngày nay.
17 bậc Đạo Sư này là những người vô cùng quan trọng đối với truyền thống của chúng ta. Sự khác biệt giữa các truyền thống khác nhau của chúng ta, Nyingma, Sakya, Kagyu, Jonang và Gelug đều nằm trong những lời dạy mà họ quan sát ngay từ lúc ban đầu được dành cho các cá nhân cụ thể; trong khi đó - những lời dạy của các bậc Đạo Sư Nalanda, như tôi đã nói hôm qua, là dành chung cho tất cả mọi người. Do đó cốt lõi của Phật giáo Tây Tạng có nguồn gốc từ truyền thống Nalanda”.
Ngài giải thích rằng các hoạt động của Đức Phật về thân, khẩu và ý, trong đó quan trọng nhất là những lời giảng dạy của Ngài. Mặc dù chúng ta tưởng niệm thân thể của Ngài với những bức tượng đẹp đẽ, nhưng những gì mà Ngài đã giảng dạy thì còn quan trọng hơn nhiều. Sự giải thích của Ngài về Lý Duyên Khởi - quan điểm loại trừ hai thái cực của thuyết hư vô và thuyết vĩnh hằng: con đường Trung Đạo - đó là Giáo lý quan trọng nhất! Các bậc Đạo Sư Nalanda đã viết rất nhiều luận giải để làm sáng tỏ quan điểm ấy.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng trong lời xưng tán về 17 vị Đạo Sư Nalanda này Ngài đã nêu tên của tất cả các Vị - bắt đầu từ Ngài Long Thọ. Ngay khổ thơ đầu tiên đã xưng tán Đức Phật về sự thuyết giảng Giáo Lý Duyên Khởi của Ngài, trong khi lời xưng tán thứ hai ca ngợi Ngài Long Thọ về sự làm sáng tỏ quan điểm ấy. Ngài Thánh Thiên đã giải thích chi tiết thêm dựa trên những gì mà Ngài Long Thọ đã đề cập đến. Sau Ngài Thánh Thiên là Ngài Phật Hộ - người đã phân tích những điểm còn chưa được rõ ràng và giới thiệu về trường phái tư tưởng được gọi là Prasangika Madhyamaka hay “Trung Quán Cụ Duyên”. Ngài Thanh Biện - người đã viết tác phẩm “Ánh Đuốc của Lý Luận” - đã thiết lập một quan điểm khác được gọi là Svatantrika Madhyamaka hay “Trung Quán Y Tự Khởi”, nó khẳng định tính vô ngã nhưng lại chấp nhận một bản chất vốn dĩ cố hữu của các pháp. Quan điểm này đã bị tư tưởng của phái Trung Quán Cụ Duyên phản bác. Mặc dù những gì Ngài Thanh Biện viết đã rất rõ ràng, Ngài Nguyệt Xứng thậm chí còn làm cho nó rõ ràng hơn. Ngài đã giải thích về cách mà các pháp đã hiện hữu như thế nào trong một mức độ thông thường - mặc dù chúng không có bất kỳ sự tồn tại cố hữu nào. Ngài Tịch Thiên cũng là một người theo phái Cụ Duyên. Ngài sáng tác “Yếu Lược Thực Hành” dựa trên những sự trích dẫn từ Kinh điển. Trong tác phẩm “Nhập Bồ Tát Hạnh” của mình, Ngài đã phác họa về con đường của một vị Bồ tát và sự thực hành Lục Ba La Mật dựa trên nền tảng của logic và lý luận.
Quang cảnh của sân bãi - nơi dành cho buổi thuyết Pháp của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Likir, Ladakh,J & K, Ấn Độ vào 01 tháng 7 2014. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Tiếp theo là Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, người đã sáng lập ra trường phái tư tưởng của chính mình - phái Yogachara Svatantrika hay “Du Già Trung Quán Tự Lập”, nó thừa nhận bản chất tồn tại cố hữu nhưng lại từ chối sự tồn tại của các đối tượng bên ngoài. Tư tưởng này cũng bị thách thức bởi những người theo phái Cụ Duyên.
Khi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ khoảng 70 tuổi, Hoàng đế Tây Tạng - Trisong Detsen -đã mời Ngài đến Tây Tạng, và Ngài đã thực hiện điều đó, giảng dạy Phật Pháp trong 19 năm còn lại của cuộc đời mình. Ngài cũng đã khởi xướng một đề án vô cùng quan trọng về công trình dịch thuật văn học Phật Giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng; và thậm chí ở độ tuổi đã khá cao nhưng Ngài vẫn học tiếng Tây Tạng để có thể tự mình tham gia vào tiến trình dịch thuật này. Kết quả của nguồn cảm hứng ấy của Ngài là ngày nay chúng ta đã có được hơn 100 bộ của Kangyur (Kinh Tạng: được dịch từ lời dạy của Đức Phật) và 220 bộ của Tengyur (Luận Tạng: được dịch từ các Luận Giải của các bậc Đạo Sư sau này).
Samye là Tu viện đầu tiên được xây dựng ở Tây Tạng và gồm có các khu vực khác nhau được thiết kế dành riêng cho sự thiền định, thực hành Kim Cương Thừa, dịch thuật và vv. Khi những nhà Sư Trung Quốc - trong phần thiền định - đã giới thiệu một phương thức thiền định tập trung vào sự vô niệm mà họ tuyên bố là hiệu quả nhất. Hoàng Đế Trisong Detsen đã thỉnh Ngài Liên Hoa Giới - đệ tử của ngài Thiện Hải Tịch Hộ - đến và thách thức các nhà Sư Trung Quốc này trong cuộc tranh luận về hiệu quả của phương pháp thực hành này. Ngài đã đánh bại họ và họ đã bị trục xuất khỏi Tây Tạng. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét: “Thậm chí ngày nay tôi gặp các Phật tử ở Nhật Bản - chẳng hạn - họ nói với tôi rằng quả vị Phật có thể đạt được thông qua sự thiền định về vô niệm, nhưng dường như cần phải có một ít yếu tố trí tuệ. Tôi cảm thấy điều này rất quan trọng để cho chúng ta cần phải biết rằng Trí tuệ Ba La Mật được nhấn mạnh hơn Thiền định Ba La Mật bởi vì nó là chìa khóa của sự đạt được Giác ngộ”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra rằng dòng truyền thừa từ Ngài Long Thọ đếnNgài Thiện Hải Tịch Hộ được gọi là dòng truyền thừa của tư tưởng uyên thâm. Một dòng truyền thừa khác bắt đầu với Ngài Vô Trước - người sáng lập nên trường phái Duy Thức - là dòng truyền thừa của con đường thực hành rộng rãi. Anh trai của Ngài Vô Trước là Thế Thân - một vị học giả vĩ đại của hệ phái Kiến Thức Cao Hơn (Luận). Tiếp theo sau Ngài Thế Thân là các nhà lô gich học vĩ đại Trần Na và Pháp Xứng, là những người có ảnh hưởng đặc biệt trong việc bác bỏ những quan điểm Phi Phật giáo. Ngài Giải Thoát Quân đã giải thích về “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận”, trong khi Ngài Sư Tử Hiền là một học giả nổi bật của văn học Bát Nhã Ba La Mật. Ngài Đức Quang đã viết những lời bình luận chủ yếu về kỷ luật Tu viện hay Luật Tạng, và Ngài Thích Ca Quang đã tiếp nối sự nghiệp nghiên cứu Luật Tạng đó.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma với miếng bánh mì Tây Tạng trong thời gian giải lao để dùng trà trong buổi thuyết Pháp của Ngài tại Likir, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 01 tháng 7, 2014. Ảnh /Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Cuối cùng là Ngài Atisha Dipamkara - người đã viết tác phẩm quan trọng nhất của mình: “Đèn Soi Nẻo Giác” tại Tây Tạng, trong đó Ngài đã mô tả ba loại hành giả tâm linh. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhắc lại rằng các luận thuyết của 17 bậc Đạo Sư Nalanda là nền tảng của truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
“Điều tôi muốn nói chính là: những bậc Thầy vĩ đại của Nalanda đã nghiên cứu một cách rộng rãi và đưa những gì họ đã học được vào trong sự thực hành; cũng như chúng tôi - những người đã noi theo tầm gương của họ - đã làm như thế ở Tây Tạng”.
Có những phiên bản dài, trung bình và ngắn của văn học Bát Nhã Ba La Mật, trong đó Bát Nhã Tâm Kinh là một trong những bản ngắn nhất. Ngài nói rằng Bát Nhã Tâm Kinh đã được tôn kính và trì tụngở các nước có truyền thống Phật Giáo Bắc truyền như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Tây Tạng, Mông Cổ và vùng Hy Mã Lạp Sơn. Trên cơ sở của những gì mà Kinh này đã đề cập, bất cứ pháp hành nào mà chúng ta thực hiện đều phải đủ điều kiện về sự hiểu biết tánh Không, nếu không thì chúng ta sẽ không đạt được giác ngộ. Kinh nói rằng tại một thời điểm Đức Phật đang nghiền ngẫm miên mật về khía cạnh Trí Tuệ thì Bồ Tát Quán Thế Âm cũng đang suy tư về Ngũ Uẩn - nền tảng của con người - cũng là Không. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra rằng từ “cũng” trong ngữ cảnh này, được tìm thấy trong cả hai: bản gốc tiếng Phạn và bản dịch tiếng Tây Tạng; trong khi đó bản dịch tiếng Trung quốc và các bản dịch của những ngôn ngữ khác được dịch từ tiếng Trung Quốc sang đều bị thiếu mất từ “cũng” này.
Khi bản Kinh nói: “Sắc chính là Không, Không chính là Sắc”; Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích rằng điều đó có nghĩa là không hề có một thực thể tồn tại thật sự nào có thể được tìm thấy. Nó là Không, bởi vì nó tồn tại trên cơ sở của những nguyên nhân và điều kiện khác. Chúng ta cũng có thể nói rằng các pháp xuất hiện nhưng không hề có sự tồn tại cố hữu. Để giúp cho sự hiểu biết và giải thích về điều này, chúng ta cần phải suy tư về lời giải thích của Ngài Long Thọ rằng các pháp có sự tồn tại thông thường nhưng thiếu sự tồn tại cố hữu. Tánh Không hàm ý về Lý Duyên Sinh. Một kết quả phụ thuộc vào một nguyên nhân, nhưng theo thuật ngữ Duyên Sinh chúng ta cũng có thể nói rằng nguyên nhân phụ thuộc vào kết quả, cũng giống như hành động, tác nhân và đối tượng đều phụ thuộc lẫn nhau.
Một số trong số hơn 15.000 người tham dự buổi thuyết Pháp của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Likir, Ladakh, J & K, Ấn Độ vào 1 tháng 7, 2014. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Ngài cũng nói rằng thần chú của Bát Nhã Tâm Kinh, “Tayata Gate gate paragate parasamgate bodhi soha” biểu lộ sự thay đổi sẽ xảy ra khi hành giả thực hiện sự tiến triển trên lộ trình tâm linh của mình. Ngài nói rằng việc thực hành của chúng ta nên cải thiện một cách đều dặn và kiên cố cho đến khi cuối cùng chúng ta cũng trở thành một Đức Phật Toàn Giác. Điều quan trọng chính là sự hiểu biết về tánh Không, bởi vì đây là đối thủ duy nhất của vô minh và phiền não - những nguyên nhân làm phát sinh khổ đau. Giáo lý về Trí tuệ Ba La Mật bao gồm hai khía cạnh: Tánh Không - như Ngài Long Thọ đã trình bày chi tiết; và Các Giai Trình của Đạo Lộ như Ngài Vô Trước đã giải thích.
Sau đó Ngài đã thông báo ý định của mình là sẽ ban khẩu truyền về tác phẩm của Ngài Tsongkhapa “Xưng Tán Duyên Khởi”, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hai: Tánh Không và Lý Duyên Sinh. Ngài khuyên rằng hàng ngày nên tụng Bát Nhã Tâm Kinh kèm theo với bản Xưng Tán Duyên Khởi này thì sẽ rất tốt. Ngài nói rằng Tánh Không và Duyên Khởi là sự bổ sung lẫn nhau. Nếu như Duyên Khởi khiến cho bạn ngẫm nghĩ về Tánh Không và Tánh Không làm cho bạn suy tư về Duyên Khởi cùng một lúc - thì có nghĩa là bạn đã có sự hiểu biết đúng đắn về Tánh Không.
Ngài Tsongkhapa đã không hài lòng với những sự giải thích mà Ngài đã nhận được sau khi đã cố công tìm kiếm; và Ngài đã đọc tất cả các bản kinh hiện có về Tánh Không và các Luận Giải về chúng; Ngài đã phân tích về tất cả những gì mà Ngài đã đọc để đạt được quan điểm đúng đắn. Trong thời kỳ nhập thất Ngài đã có được sự linh kiến về Đức Văn Thù Sư Lợi, sau linh kiến ấy, Ngài đã đọc bản Luận Giải của Ngài Phật Hộ và đạt được sự liễu ngộ hoàn toàn về Tánh Không. Ngài hiểu được rằng bởi vì các pháp phụ thuộc vào những nhân tố khác cho nên chúng không có sự tồn tại cố hữu; tuy nhiên, chúng không phải là “không-tồn tại”. Không phải “không tồn tại” cũng không phải “tồn tại một cách cố hữu”; mà là chúng tồn tại như những hiện tượng chức năng; chỉ tồn tại với phương cách của sự định danh. Các nhà khoa học bạn thân của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rất cảm kích về sự giải thích này!
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra rằng khi chúng ta nhìn thấy bất cứ điều gì,nó dường như tồn tại theo cách riêng của nó; chúng ta không xem nó như là phụ thuộc vào các yếu tố khác. Ngài nói rằng khi chúng ta nhìn Ngài, Ngài dường như tồn tại một cách cụ thể; tuy nhiên luận cứ này nói cho chúng ta biết rằng đây không phải là vấn đề mà chúng ta đang bàn đến.
Một số của rất nhiều Tăng Sĩ tham dự buổi thuyết Pháp của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang trở về Tu viện của mình sau buổi thuyết Pháp ở Likir, Ladakh,J & K, Ấn Độ vào 01 tháng 7, 2014. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Buổi thuyết Pháp được kết thúc với phần cầu nguyện ngắn cho sự trường thọ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài nhận xét rằng chúng ta không nên xem những nghi lễ như thế là quan trọng nhất. Điều cần thiết thật sự đối với chúng ta là học hỏi và nghiên cứu để hiểu về Lý Duyên Khởi.Khi sự cầu nguyện hoàn tất, Ngài cám ơn mọi người đã góp phần làm cho sự kiện này được thực hiện viên mãn.
Trên đường trở về Leh, Ngài dừng lại để thăm một ngôi Ni viện tại Basgo- nơi một trung tâm học tập đang được thiết lập. Ngài hài lòng với tất cả những gì mà Ngài đã nhìn thấy! và khuyến khích các Ni Cô và một số nhà tài trợ người Hà Lan mà Ngài đã gặp hãy tiếp tục những công việc tốt đẹp của họ.
Những sự chuẩn bị nghi lễ cho Quán Đảnh Thời Luân sẽ bắt đầu từ ngày 03 tháng bảy, trong khi những giáo huấn sơ bộ sẽ bắt đầu vào ngày 06 tháng 7.
Đối với những người quan tâm đến bản dịch của “Soi sáng niềm Tin Tam Bảo: Lời khẩn cầu Mười Bày Vị Đại Hiền Triết Thông Tuệ của Nalanda Huy Hoàng” thì có thể tìm thấy tại địa chỉ dưới đây:
http://www.thubtenchodron.org/...
và bản dịch về “Xưng Tán Duyên Khởi” của Ngài Tsongkhapa có thể được tìm thấy ở đây: http://www.berzinarchives.com/...