Vancouver, BC, Canada, 22 tháng 10 năm 2014 - Sau một đêm mưa bão, buổi sáng nay lại tràn ngập ánh mặt trời khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe vượt qua Vancouver để đến Đại học British Columbia. Cây cối dọc trên đường đi đã rực sáng với màu đỏ và chuyển dần sang màu vàng của mùa thu. Ngài sắp tham gia vào một cuộc thảo luận tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Chan được tổ chức bởi Đại học British Columbia và Trung tâm Đạt Lai Lạt Ma vì Hòa bình và Giáo dục. Hàng ngàn khán giả, chủ yếu là sinh viên, đã khiến cho Ngài rất hân hoan khi bước ra trên khán đài. Trong một đoạn giới thiệu ngắn, Victor Chan đã thu hút sự chú ý về sự quan tâm lâu dài của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đối với khoa học và công nghệ; và những nỗ lực mà Ngài đã thực hiện để tìm ra những điểm chung giữa khoa học Ấn Độ cổ đại về tâm thức và khoa học hiện đại.
Thánh Đức ĐLLM và các thành viên ban hội thẩm đã cùng nắm tay khi những người Musqueam hát thánh ca chào đón khi bắt đầu thảo luận về “Nghệ thuật và Khoa học của Giáo duc Con Tim” tại ĐH British Columbia ở Vancouver, Canada vào 22 tháng 10, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Các vị Đại diện của người Musqueam đã mời các thành viên của khán giả nắm tay nhau khi họ hát thánh ca chào đón “Bác Đại Dương”, thể hiện sự cảm kích đối với lời khuyên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tiến sĩ Anthony Phillips, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về chức năng và phản ứng của não bộ, và là một nhà khoa học cao cấp tại Đại học British Columbia đã điều hành tiến trình này. Ông đã giới thiệu Kim Schonert-Reichl phát biểu về hoạt động mà cô đang tham gia, nhìn vào những gì có thể được thực hiện để tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em. Cô báo cáo bằng chứng cho thấy rằng, đôi khi, những trẻ em trong khu vực nghèo nhất lại là những người từ bi nhất và là những người tốt nhất trong việc giải quyết vấn đề. Cô thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kể về Mẹ của Ngài và những ảnh hưởng của Bà đối với thời thơ ấu của Ngài. Ngài trả lời:
“Mẹ tôi là người mù chữ, thất học, vợ của một nông dân. Chúng tôi không quá nghèo. Có lẽ điều kiện kinh tế của một gia đình đã làm nên những sự khác biệt. Nguồn hạnh phúc chính đối với người nghèo chỉ là tình yêu thương của con người. Tôi còn nhớ, tại một cuộc Hội nghị ở Ấn Độ với một người bạn cũ xuất thân từ một gia đình Hoàng gia Ấn Độ. Tôi trêu anh ta rằng, mặc dù ông có một lai lịch của Hoàng gia, nhưng có lẽ tôi đã nhận được một tình yêu thương lớn hơn và tình cảm dồi dào hơn ông; vì mẹ tôi luôn ôm giữ tôi bên cạnh Bà. Khi đi làm, Bà luôn cõng tôi trên đôi vai của mình; và tôi thường lái Bà sang hướng này, hướng kia bằng cách kéo những lỗ tai của Bà. Trong trường hợp của ông ta, hầu hết ông chỉ được sống trong sự chăm sóc của một vú em mà thôi. Tuổi thơ của tôi đã tràn đầy niềm vui.
“Khi tôi đến tuổi đi học, hệ thống Tu viện của chúng tôi đã nhấn mạnh vào việc sử dụng các lý lẽ suy luận. Đức Phật đã khuyến khích các đệ tử của Ngài nên kiểm tra những gì mà Ngài đã giảng dạy trong ánh sáng của lý trí, để nghiên cứu và thử nghiệm. Tôi chỉ phát triển sự quan tâm thật sự vào việc học hành khi tôi khoảng 11 hay 12 tuổi, nhưng tôi đã có một sự tò mò kiên định. Tôi luôn luôn muốn biết mọi thứ có một quy trình hoạt động như thế nào. Tôi đã tháo gỡ và lắp ráp lại đồ chơi của mình. Tôi đã làm việc với một nhà sư Trung Quốc để sửa chữa và duy trì một máy chiếu phim của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Đây là cách mà tôi đã học được về các nguyên lý của dòng điện”.
Ngài đã nói về việc chứng kiến công nghệ trong các nhà máy và các xí nghiệp điện lực tại Trung Quốc vào năm 1954, đã phát triển mối quan tâm ấy và lại tiếp tục khi Ngài thoát sang Ấn Độ vào năm 1959. Hai mươi năm sau, Ngài bắt đầu một cuộc đối thoại với các nhà khoa học, tập trung vào vũ trụ học, thần kinh học, vật lý và tâm lý học; đưa đến việc thành lập Viện Tâm thức và Đời sống. Ngài đề nghị cần phải có một sự cân bằng giữa sự hiểu biết về thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm - hay ý thức. Ngài cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc áp dụng những khám phá của khoa học được hướng dẫn bởi các nguyên tắc đạo đức. Nhìn về phía các khán giả, Ngài nói:
“Tôi có lẽ là đã gần 80 tuổi, nhưng tôi vẫn xem mình là một người học trò như những vị trẻ kia vậy!”
Một số trong số hàng nghìn người tham dự cuộc thảo luận với Thánh Đức ĐLLM về “Nghệ thuật và Khoa học của sự Giáo dục Con Tim” tại TT Biểu diễn Nghệ Thuật Chan của ĐH British Columbia ở Vancouver, Canada vào 22 tháng 10, 2014. Ảnh / Robert Semeniuk |
Giáo sư Hillel Goelman đã nói đến hai lĩnh vực nghiên cứu về các trường hợp của những trẻ bị sinh non được sống sót nhưng có nhiều khuyết tật; và các trường hợp của trẻ sơ sinh lớn hơn, những bé 3 tuổi, cha mẹ của các cháu là những người đầy lo lắng và phiền muộn. Kylie Hamlin đề cập rằng, quan điểm thông thường của 2 lứa tuổi ấy là chúng không rộng lượng lắm; Tuy nhiên, nghiên cứu của bà cho thấy rằng trẻ em trong độ tuổi ấy rất vui khi được chia sẻ. Cô cho trình chiếu một đoạn video để chứng minh điều này. Ngài đã nhanh chóng để ý rằng đoạn phim này chỉ cho thấy về trường hợp của một cháu bé duy nhất; và Ngài đã hỏi về số liệu thống kê. Cô nói với Ngài rằng cô đã tiến hành hàng trăm thí nghiệm như vậy. Cô đã cho trình chiếu thêm nhiều video bằng chứng tiết lộ rằng trẻ em tỏ ra thích sự giúp đỡ hơn là các hành động gây trở ngại; từ đó, cô kết luận rằng, trẻ con rất nhạy cảm đối với những đặc tính cơ bản của sự tốt bụng; các cháu thích điều này. Bồi dưỡng cách cư xử tốt đẹp này có tiềm năng lớn đối với sự trưởng thành tích cực của các cháu.
John Helliwal, một nhà kinh tế học, đã bày tỏ niềm cảm kích đối với sự ảnh hưởng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về sự nghiên cứu và khoa học tại Đại học British Columbia. Ông cho rằng, thông qua hướng dẫn của Ngài về cách giáo dục con tim; trước tiên bạn phải hiểu được “con tim”, Ngài đã chỉ đạo sự nghiên cứu rất nhiều, như Ngài đã từng lái hướng đi của mẹ mình khi Ngài còn là một cậu bé. Ông nói rằng tại Đại học British Columbia, họ đang học hỏi rất ít về cách làm thế nào để sửa chữa những đồ hư hỏng; và học nhiều hơn về cách làm thế nào để tìm thấy niềm vui và tạo ra những thứ tốt hơn cho trẻ em. Ông chỉ ra rằng, vì Kylie Hamlin đã cho thấy rằng, sự rộng lượng được xây dựng trên tinh thần của con người; vì vậy, cần phải tìm hiểu cách làm thế nào để phát triển nó. Có một sự đánh giá cao ngày càng tăng rằng, chỉ có sự phát triển về vật chất thôi - thì không phải là nguồn hạnh phúc duy nhất.
Trong lời phát biểu kết luận của mình, Ngài có đề cập đến hai vấn đề mà Ngài không tài nào hiểu được. Một vấn đề liên quan đến việc rùa đẻ trứng trong cát của bãi biển ở những nơi như Hawaii, nơi mà những quả trứng tự nó nở ra được. Ngài tự hỏi liệu có chút cảm giác nào về sự nhận biết hay cảm nhận được giữa rùa mẹ và các chú rùa con không? Câu hỏi thứ hai có liên quan đến muỗi. Ngài giải thích một cách đùa vui rằng, đôi khi trong một tâm trạng tốt, và khi Ngài tự tin rằng không có nguy cơ mắc bệnh sốt rét, Ngài đã cho phép một con muỗi hút máu của mình. Ngài nhận thấy rằng, một khi đã hút no nê, chú muỗi bay đi mà không hề thể hiện một chút lòng cảm kích nào. Vì một số loài động vật khác đã thể hiện được lòng cảm kích của chúng, thế nên Ngài tự hỏi rằng kích thước của não bộ phải bao lớn để cho lòng cảm kích được xảy ra một cách tự nhiên trước những tình huống như thế. Ngài cho biết rằng Ngài đã đặt câu hỏi này cho các giáo sư ở Oxford, nhưng vẫn chưa nhận được sự trả lời.
Cuối cùng, Ngài nói chuyện trực tiếp với những người trẻ tuổi trong số khán giả. Thừa nhận rằng thế hệ của thế kỷ 20, thế hệ mà mình thuộc về, đã tạo ra nhiều vấn đề rắc rối trên thế giới, Ngài đã ám chỉ rằng, đến thế hệ của thế kỷ 21 là thế hệ để loại bỏ những rắc rối ấy. Đây không phải là lúc để thư giãn và hưởng thụ những thứ được ban cho - Ngài nói. Quá xem trọng bản thân mình - đó chính là nguyên nhân gây nên nhiều rắc rối. Một phần của giải pháp là sự thừa nhận rằng thế giới của chúng ta là phụ thuộc lẫn nhau và phải có sự quan tâm đến tất cả 7 tỷ người của nhân loại.
Sau bữa trưa, trong một căn hộ trên tầng 62 mượn của gia đình Hàn Quốc mang họ Kim, đó là vị trí cao nhất ở Vancouver, Ngài đã được phỏng vấn bởi Chris Anderson - người phụ trách của các cuộc Hội nghị TED. Ngài nhớ lại trong ký ức đầu tiên của mình khi Ngài mới 3 tuổi đã bị một con lạc đà màu đen to lớn làm cho khiếp sợ. Khi được hỏi rằng Ngài đã học được những gì từ mẹ của mình - người mà ngay cả sau khi Ngài đã rời xa Bà để đến ở Lhasa - vẫn thường xuyên đến thăm Ngài với những mẩu bánh mì mới ra lò, do chính tay Bà đã nướng; Ngài trả lời, đó là lòng nhân ái và tình cảm yêu thương dào dạt. Ngài đã nói về cách mà sự tò mò tự nhiên của Ngài đã được khuyến khích bởi những khía cạnh phân tích của giáo dục Phật giáo. Ngài đồng ý rằng có một khả năng tương thích giữa Phật giáo và khoa học; bởi vì chính Đức Phật đã khuyến khích sự tìm tòi và nghiên cứu.
Chris Anderson - người phụ trách các hội nghị TED - phỏng vấn Thánh Đức ĐLLM tại Vancouver, Canada vào 22 tháng 10, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Chris Anderson đã lặp lại câu hỏi mà một người khác đã hỏi Ngài - mục đích của cuộc sống là gì? Ngài trả lời:
“Ở một mức độ bình thường, tôi cho rằng đạt được sự hạnh phúc chính là mục đích của cuộc sống. Nhưng hạnh phúc bao gồm hai loại. Niềm hạnh phúc của sự trải nghiệm bằng cảm giác là sự hạnh phúc tương đối ngắn ngủi. Nhưng cũng có một loại hạnh phúc duy trì lâu dài hơn của tâm thức. Là con người, chúng ta có cơ hội để tìm thấy sự bình an và hạnh phúc ấy của tâm thức”.
Ngài nhớ lại một tu sĩ Tây Ban Nha mà Ngài đã gặp; ông ta đã trải qua 5 năm trong sự nhập thất như một ẩn sĩ trong núi rừng; sinh sống bằng một ít bánh mì và nước. Ngài đã hỏi về sự thực hành của ông; và nhà sư đã nói với Ngài rằng ông đã thiền định về tình yêu thương; và khi ông trả lời như thế, Ngài nhận ra một tia lấp lánh trong ánh mắt của niềm hạnh phúc thật sự của ông. Ngài nói rằng, trong khi tình yêu mang lại lòng tự tin thì sự tức giận lại đem đến nỗi sợ hãi. Vì vậy, tình yêu thương có thể thay thế cho sự sợ hãi và mang lại sự yên bình. Ngài đề cập đến bằng chứng khoa học mà Ngài đã được nhìn thấy trước đó vào lúc buổi sáng, rằng trẻ em phản ứng một cách tự nhiên tích cực hơn đối với sự hữu ích ở những người khác.
Anderson hỏi rằng liệu con người sẽ trở nên tốt hơn hay tồi tệ hơn: “Ngài là người lạc quan như thế nào?”
Ngài trả lời:
“Hãy nhìn vào những thay đổi trong thế kỷ 20. Vào năm 1996, tôi đã hỏi Hoàng Thái Hậu của Anh quốc - người đã sống qua hầu như cả một thế kỷ - rằng liệu Bà có cho rằng mọi việc trở nên tốt đẹp hơn, tồi tệ hơn hay là vẫn cứ như thế. Bà đã trả lời một cách không do dự rằng, mọi việc đã trở nên tốt hơn; bà chỉ ra rằng khi bà còn nhỏ, không hề có chuyện đề cập đến vấn đề nhân quyền hay sự tự quyết - những lý tưởng mà hiện nay đang được phổ biến. Tương tự như vậy, trong những năm đầu thế kỷ 20, người ta nghĩ rằng vấn đề có thể được giải quyết bằng lực lượng quân sự, điều đó hiện giờ không còn như thế nữa. Tóm lại, tại thời điểm đó, khoa học và tôn giáo còn cách nhau rất xa; trong khi hiện nay đã có sự cảm kích rất lớn - và ngay cả giữa các nhà khoa học - về giá trị của tấm lòng từ ái. Trong thế kỷ 21, chúng ta có thể tiếp tục thay đổi, nhưng nó đòi hỏi phải có sự nhiệt tình, lòng quyết tâm và tầm nhìn rộng lớn”.
Ngài nói rằng Ngài không hề sợ hãi về cái chết của mình, Ngài đề cập đến sự chết như một quá trình tự nhiên. Ngài nói rằng điều quan trọng là sống một cuộc sống có ý nghĩa. Làm những điều tốt cho người khác sẽ mang đến sự an bình cho bản thân.
Liên quan đến Trung Quốc, Ngài thừa nhận rằng Trung Quốc là một quốc gia đông dân nhất thế giới, một quốc gia cổ xưa của nmột dân tộc làm việc chăm chỉ. Ngài cho biết Trung Quốc có tiềm năng lớn để tạo ra một đóng góp tích cực vào sự tốt đẹp của thế giới, nhưng để làm như vậy, trước tiên nó phải được sự tin cậy của thế giới. Ngài lưu ý rằng 1,3 tỷ người dân Trung Quốc có quyền được biết về năng lực và sự thật, dựa trên cơ sở đó để đánh giá đúng sai. Vì vậy, sự kiểm duyệt là một sai lầm. Ngài cũng nhận xét rằng, hệ thống tư pháp của Trung Quốc cần phải được nâng lên ở tiêu chuẩn quốc tế.
Cuối cùng, Chris Anderson - người phụ trách của TED - một chương trình liên quan đến sự “phổ biến những ý tưởng giá trị” - đã hỏi về ý tưởng duy nhất mà Ngài muốn phổ biến; và Ngài đã trả lời:
“Sự hiệp nhất của nhân loại; sự bình đẳng của tất cả mọi người là những thành viên của một gia đình nhân loại; tầm quan trọng của việc khắc phục sự phân chia thành “chúng ta” và “bọn họ”.
Gặp gỡ với 20 nhà lãnh đạo của tập đoàn công ty CEO trong một cuộc thảo luận bàn tròn ngay sau đó; Ngài đã duy trì chủ đề, nói với họ rằng Ngài tự coi mình chỉ là một trong số 7 tỷ người.
Thánh Đức ĐLLM tham gia cuộc thảo luận bàn tròn với các tập đoàn của công ty CEO ở Vancouver, Canada vào 22 tháng 10, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Nếu họ hạnh phúc thì tôi cũng hạnh phúc. Nếu họ gặp rắc rối thì đó cũng chính là sự rắc rối đối với tôi. Chúng ta là những động vật mang tính xã hội; và thật rõ ràng với tôi rằng, không cần biết một gia đình giàu có đến đâu chăng nữa, nhưng nếu các thành viên của gia đình ấy có đầy lòng nghi ngờ, thì họ sẽ không có được sự hạnh phúc. Trong khi đó - một gia đình - dù nghèo túng, nhưng nếu trong đó, lòng tử tế chiếm ưu thế thì tất cả mọi người đều được hạnh phúc”.
Ngài đề cập đến một gia đình ở Mumbai có đến gặp Ngài ở Ấn Độ để xin Ngài ban phước gia trì. Ngài đã nói với họ rằng Ngài không có phước lành để ban cho họ; nhưng họ thì có những phương tiện để tạo phước cho mình. Ngài nói với họ rằng; họ giàu có, sang trọng; và rằng họ nên sử dụng sự giàu có ấy để cung cấp sự giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho cư dân sống ở khu ổ chuột nghèo trong thành phố của họ; và rằng việc làm đó sẽ tạo phước lành cho họ.
Được hỏi làm thế nào để kết hợp lòng từ bi vào mô hình kinh doanh, Ngài chỉ ra rằng ngay cả những loài động vật cũng biểu lộ một số ý thức về lòng từ bi. Khi nói đến loài người thì lòng từ bi có thể được kết hợp với trí thông minh. Lòng từ bi sáng suốt có thể được mở rộng cho tất cả 7 tỷ người. Lòng Từ bi là một cảm xúc mang tính xây dựng, có liên quan đến trí thông minh; cảm xúc tiêu cực có dính líu đến sự vô minh. Do đó, lòng từ bi có thể được dạy dỗ và học hỏi. Ngài gợi ý rằng, để làm cho việc doanh nghiệp trở nên tử tế hơn và giàu lòng bi mẫn hơn, thì điều quan trọng là cần phải suy nghĩ về bản chất của nền kinh tế toàn cầu. Ngài so sánh nó như một tán cây bao phủ một khu vực rộng lớn, nhưng được nâng đỡ bằng những trụ cột là các doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Điều này có nghĩa là sẽ có ít sự bí mật; và có nhiều sự cạnh tranh tích cực hơn là tiêu cực. Niềm tin và ý thức trách nhiệm là những yếu tố rất quan trọng.
Ngài nói rằng, niềm hy vọng thực sự đối với Ngài là trong thế hệ tới, thế hệ của thế kỷ 21, những người hiện giờ đang học hỏi và đang trưởng thành. Đối với họ, việc rèn luyện một tấm lòng nhân ái là điều rất quan trọng. Ngài bày tỏ niềm vui mừng khi nhìn thấy lời khuyên này đang được thực hiện một cách nghiêm túc ở British Columbia. Được hỏi làm thế nào các doanh nghiệp có thể đóng góp vào việc hình thành hệ thống giáo dục, Ngài do dự, nhưng sau đó đã đề cập đến những ví dụ về một công ty đồ chơi mà 10-15 năm trước đây đã xác định là không còn sản xuất những thứ đồ chơi có liên quan đến bạo lực và sợ hãi.
Thời gian đã hết và cuộc thảo luận đã đến hồi kết thúc. Ngày mai, Ngài sẽ giới thiệu về giáo lý Phật giáo dựa trên “Tám Bài Kệ Luyện Tâm” vào buổi sáng và ban truyền quán đảnh Quán Thế Âm vào buổi chiều - theo yêu cầu của Hiệp hội Tu viện Tsengdok và Hội Văn hóa Tây Tạng của British Columbia.