Koyasan, Nhật Bản, ngày 14 tháng 4 năm 2014 - Trái ngược với ngày hôm qua, thời tiết sáng nay rực rỡ ánh nắng chan hòa khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Giảng đường của trường Đại học Koyasan. Ngài thực hiện các nghi lễ để chuẩn bị cho việc truyền Lễ Quán Đảnh Đại Nhựt Như Lai Toàn Giác (Vairochana-abhisambodhi)
Thánh Đức ĐLLM và Tăng sĩ từ tu viện Namgyal thực hiện sự chuẩn bị cho nghi lễ QĐ Đại Nhật Như Lai Toàn Giác tại giảng đường ĐH Koyasan ở Koyasan, Nhật Bản vào 14 tháng 4, 2014. Ảnh / Jeremy Russell /VPĐLLM |
Ngài đã được một đội ngũ các Tăng sĩ từ tu viện Namgyal hỗ trợ, bao gồm Tu viện trưởng và Lopon, do cựu Tu viện trưởng Jhado Rinpoche dẫn đầu. Nhóm Tăng Sĩ đã đến vào đầu tháng này và đã làm việc trong vài ngày để tạo ra một mandala cát rất công phu để chuẩn bị cho lễ Quán Đảnh. Sáng nay họ ngồi tụng kinh chung với Ngài về các nghi thức tự-quán đảnh và các nghi lễ chuẩn bị cùng với việc thực hiện hàng loạt động tác thủ ấn điêu luyện.
Trong thời gian còn lại của buổi sáng, Ngài đã ban cho sự giải thích ngắn gọn về “Tám Bài Kệ Luyện Tâm”.
“Như tôi đã nói ngày hôm qua”, Ngài bắt đầu, “tâm tỉnh thức của Bồ đề tâm là nguyên nhân chính của Phật Quả. Nếu bạn có Bồ đề tâm, bạn sẽ đạt được Phật quả. Trong Bát Nhã Tâm Kinh có nói rằng chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều dựa vào trí tuệ để trở một Đấng toàn giác. Nếu bạn có một sự hiểu biết về tánh Không nhưng được thúc đẩy bởi động cơ để đạt được sự giải thoát thì đó là nơi mà nó sẽ đưa bạn đến, duy chỉ có nếu bạn có Bồ đề tâm thì nó sẽ đưa bạn đến Phật quả. Bồ đề tâm có hai khía cạnh: mong muốn làm lợi lạc cho tha nhân và mong muốn đạt được Phật quả.
“Phật quả đồng nghĩa với sự toàn tri, điều đó là cốt yếu bởi vì nếu bạn không biết những gì mà người khác cần thì có thể bạn sẽ phạm sai lầm và làm tổn hại họ. Và để đạt được sự toàn tri chúng ta cần phải vượt qua những sở tri chướng. Trong tác phẩm “Từ ngữ trong sáng” Ngài Nguyệt Xứng đã định nghĩa những điều này như là những lực lượng tiềm ẩn do những cảm xúc tiêu cực để lại. Bao lâu sở tri chướng còn tồn tại, thì bấy lâu vẫn còn sự tồn tại của sự xuất hiện của tính nhị nguyên. Tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai đã trở nên giác ngộ đều dựa trên nền tảng của Bồ đề tâm và Trí tuệ hiểu biết tánh Không”.
Ngài nhắc lại rằng Bồ đề tâm là yếu tố không thể thiếu được đối với việc đạt được giác ngộ. Và cũng không có yếu tố nào cao hơn để đạt được sự tái sinh vào những cảnh giới tốt lành, bởi vì Bồ Đề tâm - một cách tự nhiên - sẽ tạo ra sự hạn chế giết hại và hạn chế những hành động tổn hại kẻ khác đưa đến sự tái sinh vào các đọa xứ. Trong “Vòng Hoa Báu” Ngài Long Thọ đã tán dương việc thực hành hoán đổi mình và tha nhân; và Ngài Tịch Thiên cũng có nói rằng không có nguyên nhân của sự hạnh phúc nào lớn hơn đó cả. Bồ đề tâm là nguồn gốc của tất cả những gì tốt đẹp cho chính mình và cho những người khác. Mặt khác, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, nếu bạn càng ích kỷ thì bạn sẽ càng bị xa cách đối với mọi người; bạn nhìn họ qua khái niệm của “tôi” và “họ”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện trong phần thuyết giảng buổi sáng của Ngài ở Koyasan, Nhật Bản vào 14 tháng 4, 2014. Ảnh / Jeremy Russell /VPĐLLM |
Tác giả của “Tám Bài Kệ luyện Tâm” - một nguyên bản cốt yếu về sự thực hành Bồ đề tâm - Geshe Langri Tangpa, là một trong những đại đệ tử của Ngài Geshe Potowa, Ngài Geshe Potowa là một trong những đệ tử chính của Dromtonpa, Dromtonpa là đệ tử chính của Ngài Atisha. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra rằng ý nghĩa của chữ Tây Tạng gốc trong mỗi câu thơ đều nói lên được sự chủ tâm rằng “tôi sẽ làm điều này ...” hoặc “tôi sẽ làm điều đó ...” nhưng khi nó được sử dụng như một bản kinh tụng; chúng ta có xu hướng nói với lời lẽ: “Nguyện cho con có thể làm điều này ...” hoặc “Nguyện cho con có thể làm điều đó ...”.
Bắt đầu với bài kệ đầu tiên Ngài giải thích rằng trân quý những người khác có nghĩa là không xem thường họ và coi họ quan trọng hơn mình. Nó liên quan đến việc thừa nhận rằng tất cả các sự thành công của thế gian có được đều phụ thuộc vào những chúng sinh khác. Đạt được sự tái sinh vào những cảnh giới cao cũng phụ thuộc vào những chúng sinh khác. Sự toàn tri được thực hiện bằng cách dựa vào những chúng sinh khác. Vấn đề là tại sao chúng ta chỉ thể hiện sự kính trọng đối với Đức Phật mà không là những chúng sanh khác. Ngài Nguyệt Xứng cho rằng lòng từ bi đối với chúng sinh là bao gồm cả hai: hạt giống và vụ mùa. Vì chúng sinh tử tế đối với chúng ta; chúng ta nên biết ơn và trân quý họ như một bậc tối thượng.
Ngài gợi ý rằng chúng ta cũng cần phải lưu ý đến cách chúng ta loại trừ những người khác thông qua cách sử dụng ngôn ngữ của mình, Ngài nói:
“Tôi tự nhủ, là một tu sĩ Phật giáo, một đệ tử của Đức Phật, một người theo truyền thống Nalanda thuần túy xác thực, nếu bạn không thể yêu mến người khác, thì bạn cũng nên xem mình là thấp nhất trong tất cả”.
Bởi vì chúng ta bám chấp vào sự tồn tại thực sự cố hữu và trân trọng bản thân mình cho nên chúng ta bị sự thống trị của những cảm xúc phiền não ấy. Trong số những điều được cho là tiêu cực nằm trong bài kệ thứ tư, Ngài đề nghị chúng ta cũng nên tính kể đến những người bị bao vây bởi những căn bệnh nghiêm trọng. Ngài nói rằng gần đây ngài có đến thăm một phòng khám bệnh phong cùi ở Delhi, nơi mà một người Nhật Bản tên là Sasakawa đã cống hiến sự giúp đỡ và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.
Các thành viên của khán giả lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng tại Giảng đường ĐH Koyasan ở Koyasan, Nhật Bản vào 14 tháng 4, 2014. Ảnh / Jeremy Russell /VPĐLLM |
“Những người này thường bị kỳ thị và phải đương đầu với sự chống đối, nhưng như tôi đã nói với các quan chức Ấn Độ ở đó rằng, họ là loài người, những con người cũng giống như chúng ta, nhưng họ đang bị bỏ rơi”. Khi ai đó xúc phạm bạn hoặc cư xử một cách khó chịu đối với bạn; thật là khó để cho bạn đối xử tốt trở lại với họ; đặc biệt là đối với những người mà bạn đã từng cố gắng giúp đỡ họ. Nhưng điều này thật sự rất quan trọng đối với việc thực hành hạnh kiên nhẫn; và bạn có thể cảm thấy biết ơn họ đã cho bạn cơ hội để thực hành như vậy. Ngài giải thích rằng sự mô tả về việc thực hành hoán đổi chính mình với người khác, “Nguyện cho con có thể cống hiến tất cả sự lợi ích của mình cho những người Mẹ của con; và nguyện xin nhận lãnh tất cả những nghiệp chướng tiêu cực của họ”. Sự cầu nguyện này có thể không thực sự giúp đỡ được họ, nhưng nó sẽ xây dựng lòng can đảm và sự tự tin của bạn.
Bài kệ cuối cùng đề cập đến việc không để cho sự thực hành của bạn bị ô nhiễm bởi những mối bận tâm của thế gian, chẳng hạn như mong muốn một lời khen hoặc được khen thưởng. Giải pháp cho điều này là nên nhìn mọi thứ như là ảo ảnh. Ngài nhận xét rằng “nhân vô ngã” đã được đề cập đến trong lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên, nhưng Giáo lý Bát Nhã Ba-la-mật của lần Chuyển Pháp Luân thứ Hai cũng giải thích về “pháp vô ngã”. Bởi vì các hiện tượng vẫn xuất hiện như một sự tồn tại cố hữu, ngay cả khi bạn biết rằng chúng vốn dĩ là không như thế, cho nên hãy xem chúng như là ảo ảnh. Điều này là để tránh sự bám chấp vào sự hiện hữu bên ngoài vốn là cơ sở cho việc phát sinh những cảm xúc như giận dữ và tham đắm. Vô minh bao trùm tất cả những cảm xúc phiền não. Bằng cách khắc phục vô minh, chúng ta sẽ vượt qua được tất cả những cảm xúc phiền não ấy. Ngài kết luận:
“Tác phẩm này của Langri Tangpa nhấn mạnh vào việc thực hành Bồ đề tâm. Sẽ rất tốt nếu như chúng ta có thể học thuộc lòng bản Kinh này và bản Kinh mà tôi đã giải thích hôm qua. “Chứng Đạo Ca” sẽ trở nên hay hơn nếu chúng ta áp dụng những lời dạy ấy vào cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Bây giờ đã gần giữa trưa rồi! Là thời gian dành cho lễ quán đảnh … thức ăn!”
Các môn sinh trưởng lão thọ sự ban phước do Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban truyền trong lễ QĐ Đại Nhật Như Lai Toàn Giác tại Koyasan, Nhật Bản vào 14 tháng 4, 2014. Ảnh /VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Sau bữa trưa, Ngài bắt đầu bằng cách chỉ ra rằng Đại thừa bao gồm Ba-la-mật Thừa và Kim Cang Thừa. Nếu theo Ba-la-mật Thừa, bạn cần trau giồi đạo lộ, tiến triển qua bốn con đường (tư lương đạo, gia hành đạo, kiến đạo, thiền đạo - DG) để đạt được đạo lộ thứ năm (vô học đạo hoặc cứu cánh đạo - DG) là Phật quả. Trong Kim Cang Thừa thì bạn phải trau giồi bốn trạng thái thanh tịnh của Phật quả: thân thanh tịnh, môi trường thanh tịnh, tài nguyên thanh tịnh và hoạt động thanh tịnh - trong giai đoạn hiện tại và theo Đạo lộ. Kim Cương Thừa được trau giồi trong bí mật; nó được gọi là bí truyền, bởi vì Đức Phật đã dạy nó cho một số ít các môn đệ được lựa chọn. Trong một số mạn đà la Ngài xuất hiện như một vị Tăng sĩ, nhưng hầu hết là Ngài hiện thân như vị Vua của mạn đà la.
Ngài giải thích, Mật chú có thể được hiểu như sự che chở bảo vệ cho tâm thức; bảo vệ tâm thức thoát khỏi sự bám chấp vào những sự xuất hiện của bề ngoài thông thường.
Ngài lưu ý rằng Quán đảnh Đại Nhật Như Lai Toàn Giác thuộc về Bộ thứ hai của Mật Bộ - Thiện Hạnh Mật bộ, rằng Ngài đã thọ nhận nó từ Ngài Ling Rinpoche tại Tsuglagkhang ở Dharamsala và sau đó đã thực hiện sự nhập thất. Cuối cùng Ngài nói rằng mục tiêu là để thực hiện những mục đích tạm thời và mục đích tối hậu của tất cả chúng sinh và điều quan trọng là nuôi dưỡng lòng từ bi và sự hiểu biết về tánh Không.
Với lời dạy ấy, Ngài trở về phòng của mình trong đền thờ Kongo -bu -ji gần đó. Ngày mai Ngài sẽ trở lại giảng đường cho một buổi nói chuyện với công chúng và cơ hội cho các thành viên của công chúng đặt ra những câu hỏi, trước khi Ngài đến Tokyo.