New York, Hoa Kỳ, ngày 09 tháng 7, năm 2015 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến New York vào ngày hôm qua sau khi phải chờ đợi chuyến phi cơ bị hoãn lại và kéo dài từ Los Angeles. Được tỉnh táo sau một giấc ngủ ngon, Ngài đã có buổi gặp gỡ quan trọng vào buổi sáng với những người bạn cũ Dan Goleman và Tara. Họ đến để giới thiệu lên Ngài cuốn sách của Goleman mới vừa phát hành, “Nguồn động lực thiện lành: Tầm nhìn của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về Thế giới của chúng ta”, để tôn vinh lễ sinh nhật lần thứ 80 của Ngài. Cuốn sách tiết lộ thông điệp rộng lớn, quan kiến dài hạn của Ngài giúp tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn. Đó là tầm nhìn mà mỗi cá nhân có thể khai triển ở bất cứ nơi đâu và bất cứ điều gì họ làm dựa trên cơ sở về tính nhân loại chung của họ.
“Đây là bức thông điệp của Ngài”, Goleman nói khi ông cúng dường lên Ngài một bản copy của cuốn sách, “Một số người đã đọc sách và ngạc nhiên trước việc lòng từ bi lại có thể mạnh mẽ đến như vậy”.
Dan và Tara Goleman giới thiệu lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trang web về cuốn sách mới trong buổi gặp gỡ tại TP New York vào 09 tháng 7, 2015. Ảnh/Jeremy Russell |
Tiếp đến bà Tara Goleman giới thiệu trang web “Nguồn Động lực Thiện lành”, http://www.joinaforce4good.org/, trong đó bao gồm tất cả nội dung cuốn sách, và cho phép mọi người chia sẻ những câu chuyện và hành động nhân ái của mình. Trang chủ trang web chia sẻ: “Hãy giúp chúng tôi thắp sáng thế giới này - một việc làm thiện lành kế tiếp nhau”. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rất hài lòng, Ngài đùa rằng những tia sáng tỏa chiếu từ hình ảnh của thế giới giống như ngàn cánh tay của đức Quan Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn. Gặp gỡ những đội tình nguyện viên đã giành thời gian và kỹ năng phát triển trang web, Ngài đã cảm ơn việc làm của họ, “Không vì mục đích tiền bạc hay vì bất kỳ một ý nghĩ nào về “chúng tôi” hay “bọn họ”, mà bởi vì tâm từ bi là nền tảng của sự yên bình”. Tại Trung tâm Javits, hơn 14 ngàn thành viên của cộng đồng Tây Tạng Bắc Mỹ đã cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài bước ra khán đài, an tọa một bên là các vị Tu viện trưởng, các Tăng sĩ, còn bên kia là Lobsang Sangay Sikyong, Chủ tịch Hạ Nghị Viện - Penpa Tsering và một số cựu thành viên của Kashag. Phông màn phía sau khán đài là một thangka lớn hình Đức Phật và 17 Đạo sư của truyền thống Nalanda, đức Tara Trăng và đức Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn.
Thánh Đức ĐLLM vẫy tay chào 14 ngàn khán giả tham dự buổi thuyết pháp khi ngài đến khán đài Trung tâm Javits tại NY, Hoa kỳ, ngày 9 tháng 7, 2015. Ảnh/ Tenzin Choejor/ VPĐLLM |
“Tôi đã được thỉnh cầu dạy về “Các giai tầng Thiền Định”, Ngài bắt đầu, “tuy tôi thường mở đầu với việc giới thiệu về Phật giáo như một điều căn bản. Chúng ta có thể nói rằng Phật Pháp hưng thịnh tại Tây Tạng, nhưng sự hiểu biết của đại chúng về điều này thì không thật sự sâu sắc. Nếu quý vị có hiểu biết thì sự thực hành sẽ dễ dàng hơn. Ngày nay, ngay cả các nhà khoa học, những người không phải là Phật tử cũng quan tâm tới những luận giải như lý duyên khởi, một giáo lý vô cùng hữu ích cho sự hiểu biết về thực tại.
“Bộ Trung của “Các giai tầng Thiền định” được trước tác bởi Ngài Liên Hoa Giới, Ngài đã đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8 theo sự hướng đạo của Thiện Hải Tịch Hộ. Vào thời điểm đó, tại Samye có nhiều quan điểm khác nhau, trong số đó có một số thiền sư Trung Quốc giữ quan điểm cho rằng nghiên cứu giáo pháp không đóng vai trò quan trọng cho sự tiến bộ tâm linh. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã tham gia các buổi tranh biện và nội dung của những cuộc tranh biện được ghi chép lại theo chiếu lệnh của Vua Trisong Deutsan. Các tư liệu này đã góp phần là cơ sở cho bộ kinh văn “Các giai tầng Thiền Định", một bộ kinh văn hoàn hảo với những luận giải phong phú về Thiền chỉ và thiền quán”.
Buổi lễ bắt đầu bằng sự trì tụng Kinh Hạnh Phúc bằng tiếng Pali, trì tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Phạn, tiếng Trung Quốc và cuối cùng là tiếng Tạng. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy rằng, Đức Phật đã thị hiện trên cõi trần trong hình tướng của một con người, một vị hoàng tử, người đã chứng kiến những thống khổ của đời sống, nỗi khổ của sinh, lão, bệnh, tử. Ngài đã dấn thân vào sự thực hành khổ hạnh trong sáu năm, bao gồm các cách thức định tâm thịnh hành thời bấy giờ nhưng cuối cùng ngài đi tới kết luận rằng những phương pháp đó tự nó không mang lại sự giải thoát.
Khán đài Trung tâm Javits, nơi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp tại New York vào 09 tháng 7, 2015. Ảnh/ Sonam Zoksang |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng Ngài đã thọ khẩu truyền về “Các giai tầng Thiền Định” này từ Sakya Khenpo, Ngài Sangye Tenzin. Khenpo nhận từ một hành giả tại tỉnh Kham, nhưng Ngài không biết hành giả nhận giáo pháp từ ai. Tác phẩm này được biết đến như là một trong những kinh văn Phật giáo đầu tiên được trước tác ở Tây Tạng theo lời thỉnh cầu của Trisong Deutsan, vị vua thứ hai trong ba vị vua Phật giáo của Xứ Tuyết. Tác phẩm do Ngài Thiện Hải Tịch Hộ trước tác. Ngài chính là đệ tử của Ngài Long Thọ. Đức Đatt Lai Lạt Ma cũng dạy rằng thiền là sự thực hành phổ biến trong các truyền thống Phật giáo và cả truyền thống phi Phật giáo. Thiền được sử dụng ở đây với ý nghĩa chủ động làm cho dòng tâm thức quen thuộc với pháp hành.
Khi ngài bắt đầu truyền khẩu, ngài đã nhấn mạnh rằng, sẽ không đầy đủ nếu chỉ trì tụng thật nhiều Chân ngôn Manis. “Chúng ta cần phải hiểu những nhân và duyên đưa đến sự giác ngộ. Có nghĩa là phát khởi Bồ đề tâm mà nguồn cội của nó là lòng từ bi; và phát triển trí tuệ tính không, nguồn năng lực có thể đoạn trừ những phiền não - cội gốc của sự bám chấp vào sự tồn tại cố hữu của các pháp.
Một số trong hơn 14 ngàn người đang lắng nghe Thánh Đức ĐLLM thuyết Pháp tại Trung tâm Javits ở New York, Hoa kỳ, ngày 9 tháng 7, 2015. Ảnh/ Sonam Zoksang |
Trở lại sau giờ cơm trưa, Ngài cho phép khán giả đặt câu hỏi nhưng không có ai cả. Ngài tiếp tục tụng đọc bản kinh văn. Ngài nói rằng vấn đề ở đây là những nhân và duyên dẫn tới sự giác ngộ là gì. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ viết rằng ngài sẽ đảm trách việc luận giải, nhưng lại khiêm cung so sánh mình với một người mù lòa, bởi vậy ngài gợi ý rằng Ngài sẽ nương vào chính những lời dạy của đức Phật.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc đến ba phương diện của pháp, đó là: rõ ràng, tiềm ẩn và hoàn toàn tiềm ẩn. Ngài dạy rằng khoa học đề cập đến ở phương diện hiện tượng rõ ràng trong phạm vi thực nghiệm có thể nhận thức được bằng các giác quan. Hiểu biết về hiện tượng ở phương diện tiềm ẩn có thể tiếp cận trên nền tảng lý trí , nhưng đối với phương diện hoàn toàn tiềm ẩn thì chỉ có thể được thấu hiểu trên nền tảng của sự thực chứng. Ngài lấy dẫn dụ về việc gặp gỡ, lắng nghe và thấu hiểu những lời của một người như sự hiểu biết hiện tượng ở phương diện rõ ràng. Bằng sự đoán hiểu về những cử chỉ và điệu bộ của ai đó, ta có thể suy luận nhiều thêm về họ và những điều họ nói. Tuy nhiên, nếu muốn thấu hiểu tốc độ hay cách thức vận hành dòng tư tưởng của một người, ta phải dựa vào sự thực chứng của họ. Minh chứng nguồn gốc của sự chứng thực được cho là có tầm quan trọng hết sức đặc biệt. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục đọc lướt qua lời bộ kinh, các đề mục rèn luyện tâm, từ bi tâm, phát triển tâm bình đẳng và nhận dạng bản chất của khổ đau. Ngài giải thích ngắn gọn về trí tuệ trước khi giải thích về thiền chỉ và thiền quán. Ngài gợi ý là ngày mai vào buổi sáng sớm Ngài sẽ chuẩn bị cho lễ quán đảnh Trường thọ. Trước khi truyền quán đảnh Ngài sẽ tiếp tục đọc lời kinh văn còn lại, và sau lễ quán đỉnh, hiệp hội của người Tạng ở Bắc Mỹ và cộng đồng Phật giáo Hy Mã Lạp Sơn, Mông Cổ và Nga sẽ cúng dường lên Ngài một buổi lễ cầu nguyện Trường thọ.