Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu ngày thứ hai của mình tại Leh bằng chuyến viếng thăm Chùa. Các đường phố đã tập hợp đông đảo những người dân Ladakh, dân Tây Tạng và những người đến từ nhiều quốc gia khác - đang háo hức để được đón nhận một cái nhìn thoáng qua của Ngài khi Ngài đi ngang qua và bày tỏ lòng kính trọng đối với Ngài. Ngài chào đón nhiều bạn bè cũ trên đường vào chùa. Sau khi đảnh lễ những bức hình Phật, Ngài đã an tọa bên phía đối diện với những bức hình này; sát phía bên phải của Ngài là Ganden Tri Rinpoche và các vị Lạt ma trưởng thượng khác; bên trái của Ngài là các thành viên của chính quyền Ladakh. Họ cùng nhau đọc bài “Xưng Tán Duyên khởi” của Ngài Tsongkhapa và “Xưng tán mười bảy vị Luận Sư của Nalanda”, cùng lúc đó trà bơ và cháo sữa cũng được dọn ra.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Leh, Ladakh, J&k, Ấn Độ vào 28, tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Chăm chú nhìn vào những phẩm vật cúng dường từ phía mình đang ngồi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lấy làm ngạc nhiên tại sao chiếc đèn làm bằng vàng lại được đặt ở một nơi rất dễ thấy như vậy. Ngài hỏi rằng Chùa có bộ Kinh Tạng (Kangyur) và Luận tạng (Tengyur) nào không; và khi được nghe rằng chỉ có một bản sao của bộ Kinh Tạng, Ngài khởi xướng hiến cúng một Bộ Luận Tạng, và nói rằng thỉnh thoảng nên tụng những Bộ Kinh Tạng và Luận Tạng này là rất tốt.
“Tuy nhiên”, Ngài nói thêm, “mục đích chính của cả hai Kinh Tạng và Luận Tạng không phải là để trở thành đối tượng của sự sùng bái, cũng không phải là để thỉnh thoảng được tụng đọc một cách lễ nghi, mà là để được học hỏi nghiên cứu. Giáo lý của Đức Phật là sự mô tả về kinh nghiệm của bản thân Ngài. Nó thể hiện những phẩm chất vĩ đại của Ngài. Quý vị là những người dân Ladakh, cư sĩ và tu sĩ, nên nghiên cứu những điều mà Đức Phật đã dạy”.
Tươi cười, Ngài quay sang phía những người bạn của mình trong số các chính trị gia và trêu họ bằng cách nói rằng:
“Nếu quý vị nghiên cứu và áp dụng những gì mà mình đã được học vào cuộc sống thực tế, điều đó có thể giúp cho quý vị được trúng cử đấy. Ngoài ra, khi các bạn nghỉ hưu, bạn sẽ có cơ hội làm cho phần đời còn lại của mình trở nên có ý nghĩa hơn”.
Từ Chùa Jokhang, Ngài đi xe đến trường Jamyang, nơi đang có hàng ngàn người - nhất là các học sinh của những trường học ở Leh - đã tụ tập để nghe Ngài nói chuyện. Trước tiên, Ngài khánh thành cho một ký túc xá mới dành cho nữ; cùng đan tay vào nhau với những người bạn chính trị của mình khi họ cùng nhau tháo mở - để lộ ra tấm bảng kỷ niệm. Sau đó, Ngài đã cắt tấm băng rôn giăng ngang qua cánh cửa rồi tung hoa và hạt ngũ cốc vào không gian khi đọc những lời cầu nguyện cát tường.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫy chào đám đông khi Ngài quang lâm đến khán đài tại Trường Jamyang ở Leh, Ladakh, J&k, Ấn Độ vào 28, tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Ngài đi vào khán đài có mái che và an tọa giữa những vị Lạt Ma và các nhà chức sắc địa phương. Sự cung đón trang trọng đã được thể hiện trước khi các học sinh của Trường Jamyang đứng chắp tay và hát một cách nhiệt thành lời cầu nguyện “Đức Hạnh Vô Biên” do Ngài sáng tác. Trong lời giới thiệu của mình, Tiến Sĩ Lobzang Samten - Hiệu trưởng của trường - đã chào đón tất cả những người đang hiện diện, cảm ơn Ngài đã đến và đón nhận sinh nhật lần thứ 80 mới đây của Ngài. Ông kêu gọi người dân Ladakh, hãy tiếp tục bất cứ đức tin nào mà họ đang theo đuổi để duy trì khu vực được mãi mãi là một chốn yên bình. Ông kết thúc bằng bản báo cáo về các tài khoản của nhà trường trong ba năm qua, với lời cảm ơn đến tất cả các nhà tài trợ, đứng đầu trong số đó là Tín Quỹ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Ngài bắt đầu lời phát biểu của mình, có lúc nói bằng tiếng Tây Tạng, đôi khi nói bằng tiếng Anh, được dịch sang thổ ngữ Ladakh.
“Hôm nay, tôi có mặt ở Ladakh này chủ yếu là thể theo lời mời của Tu viện Spituk để tham dự các cuộc tranh biện mùa Hạ của họ về Bát Nhã Ba-La-Mật. Tri Rinpoche đã nói với tôi rằng nếu tôi có thể đến được thì quả thật là rất tốt. Trước đây một thời gian, khi tôi gặp một người phụ nữ lớn tuổi đến từ vùng Dah-Hanu, tôi đã nhận ra những người này với những chiếc khăn trùm đầu độc nhất vô nhị của họ. Tôi chợt hiểu ra rằng họ không thể chăm sóc tốt được cho bản thân, cũng không có được sự hiểu biết mạnh mẽ về Phật giáo. Chúng ta thiết lập ngôi trường này với sự lưu tâm đặc biệt dành cho con cháu của họ. Nhân dịp này, nhà trường đã yêu cầu tôi nói chuyện với học sinh của trường và nhiều học sinh khác đến từ các trường lân cận. Tôi muốn cảm ơn ban tổ chức đã dành cho tôi cơ hội này và xin được gởi lời chào của tôi đến với tất cả quý vị!”.
Ngài nói rằng Ngài được yêu cầu nói về cuộc đối thoại hiện nay giữa khoa học Phật giáo và khoa học hiện đại. Ngài bắt đầu bằng cách làm rõ rằng Ngài không bao giờ quảng bá về Phật giáo như một truyền thống tốt hơn những truyền thống khác. Ngài xem tất cả các truyền thống tôn giáo đều có những khía cạnh về tôn giáo, triết học và văn hóa. Về khía cạnh tôn giáo thì tất cả các tôn giáo đều có chung sự thực hành - bao gồm cả việc thực hành về tình yêu thương, lòng từ bi, sự bao dung và v.v. Các tôn giáo chỉ khác nhau về khía cạnh triết học và văn hóa của họ. Trong khi truyền thống hữu thần tin vào một vị thần sáng tạo, thì những truyền thống như Kỳ Na Giáo và Phật giáo thì không tin như thế mà thay vào đó là dạy về Lý Nhân Quả. Trong bất cứ cách nào mà những phương pháp tiếp cận triết học khác nhau, thì mục đích của chúng cũng đều như nhau: đó là sự hỗ trợ cho việc thực hành tình yêu thương và lòng từ bi.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện tại trường Namyang ở Leh, Ladakh, J&k, Ấn Độ vào 28, tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
“Thông điệp chính của tôn giáo là sự hòa bình. Tất cả các tôn giáo đều dạy chúng ta trở thành những con người tốt. Chẳng hạn như Hồi giáo khuyên bảo các tín đồ của họ nên mở rộng lòng từ bi với tất cả các sinh linh của Thánh Allah, vì vậy, thật là thất vọng khi nhìn thấy các cuộc đụng độ giữa các tín đồ Sunni và Shia. Tôi rất ngưỡng mộ đối với những tình cảm tốt đẹp của cộng đồng mà quý vị đã có với nhau giữa những tín ngưỡng khác nhau ở tại Ladakh này. Tuy nhiên, sự xung đột giữa Phật tử và những tín đồ Hồi giáo ở Miến Điện là điều hết sức đau lòng! Tôi xin nhắc lại lời đề nghị trước đây của tôi rằng, người Hồi giáo Ladakh hãy xem xét lại liệu họ có thể áp dụng những sự ảnh hưởng tích cực của mình đối với những người Hồi giáo anh em đang tranh cãi nhau ở những vùng khác nhau trên thế giới. Điều quan trọng là nếu chúng ta hướng về tâm linh thì chúng ta có thể sẽ thực hành một cách nghiêm túc.
“Sự thay đổi của thế giới sẽ xảy ra thông qua hành động hơn là sự cầu nguyện đơn thuần. Chúng ta đã cầu nguyện cả hàng trăm năm mà không có hiệu quả gì mấy. Điểm quan trọng là hãy bắt đầu với một ý thức về sự hợp nhất của gia đình nhân loại của chúng ta, một sự thừa nhận rằng - là con người chúng ta đều như nhau cả! thay vì chúng ta chỉ có xu hướng đặt quá nhiều sự chú ý đến những khác biệt thứ yếu giữa chúng ta về chủng tộc, quốc tịch, đức tin, tình trạng xã hội và v.v.”
Trở lại chủ đề của khoa học Phật giáo và khoa học hiện đại, Ngài nhắc lại rằng Ngài không bao giờ khuyến khích Phật giáo ở những vùng đất mà xem nó như một niềm tin ngoại lai, mà ở ngay tại Ấn Độ này, nó là một truyền thống bản địa. Ngài nhắc nhở thính chúng của mình rằng, khi Hoàng đế Tây Tạng - Trisong Deutsan - mời Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đến Tây Tạng, ông đã đưa ra quyết định thận trọng để tầm cầu giáo pháp của Đức Phật từ nguồn gốc của nó. Nói đến những lời khuyên mà Ngài vừa mới đưa ra ở Chùa Jokhang về Kinh Tạng và Luận Tạng, Ngài nhận xét rằng chúng ta thể hiện sự tôn kính Đức Phật mà lại không chú tâm đến những điều Phật đã dạy. Ngài nói rằng đã đến lúc phải thay đổi thói quen của đức tin mù quáng này. Ngài hỏi các thính chúng có đồng ý với Ngài về điều đó không và họ đã cho biết rằng quả thật là như thế.
Thính chúng đang lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện tại Leh, Ladakh, J&k, Ấn Độ vào 28, tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
“Theo kết quả phân tích của Đức Phật về thực tại, Ngài đã giải thích về nguyên nhân của đau khổ. Ngài nói về bản chất của ý thức và chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của cảm xúc phiền não của chúng ta như thế nào. Chúng ta cần phải đối phó với cái tâm trong chính tâm thức của mình, phải kiểm tra sự sân giận và tham ái là những hiện tượng tâm thức như thế nào.
Chính nhờ sự khảo sát tinh vi về tâm thức được bắt nguồn từ Ấn Độ mà khoa học Phật giáo đã mang đến sự đàm thoại với khoa học hiện đại. Mặt khác, trong khi Luận tạng chứa đựng những lời giải thích đơn giản về các nguyên tử, thì chúng lại được nghiên cứu tỉ mỉ bởi nền khoa học hiện đại. Tương tự như vậy, lời nhận xét của Raja Ramana cho rằng, những tác phẩm của ngài Long Thọ đã đề cập đến những ý tưởng được vang dội lại ngày hôm nay trong vật lý lượng tử đã cho thấy rằng cuộc đối thoại giữa khoa học Phật giáo và khoa học hiện đại có thể mang lại sự lợi ích cho nhau”.
Cần lưu ý về nền giáo dục hiện đại bị chi phối bởi những quan điểm duy vật, Ngài gợi ý rằng cần phải khuyến khích sự nhiệt tâm hơn, bằng cách đưa đạo đức thế tục vào các chương trình giảng dạy. Điều này có nghĩa là học cách hạn chế những cảm xúc tiêu cực của mình trong khi phát triển những cảm xúc mang tính xây dựng. Ngài giới thiệu cho thính giả một cuốn sách vừa mới xuất bản bằng tiếng Tây Tạng đã sưu tập khoa học Phật Giáo từ Kinh Tạng và Luận Tạng. Những bản dịch của nó sang các ngôn ngữ khác đang được tiến hành.
Ngài thích trả lời câu hỏi từ phía khán giả. Câu đầu tiên liên quan đến quan điểm của Phật tử đối với niềm tin vào Đấng tạo hóa, Ngài trả lời rằng đó là một ý tưởng rất mạnh mẽ, nó có thể làm phát sinh niềm tin vĩ đại. Khi được hỏi rằng liệu Đức Phật có chấp nhận sự tồn tại của các tôn giáo khác hay không, Ngài khẳng định rằng Đức Phật đã chấp nhận và khuyến khích sự nghiên cứu và xem xét những quan điểm khác, vì làm như vậy là phương pháp hiệu quả để mở rộng sự hiểu biết của chúng ta. Hiểu biết về các truyền thống khác sẽ giúp cho tinh thần chúng ta cởi mở hơn.
Ngài đưa ra một gợi ý rằng, Ấn Độ - một xã hội đa tôn giáo với một lịch sử lâu dài của sự hòa hợp tinh thần - nên triệu tập một cuộc hội nghị liên tôn giáo quốc tế như nó đã từng đăng cai lễ kỷ niệm Phật Đản vào năm 1956. Ngài cũng đề nghị mời các chiến binh Hồi giáo tham dự, và bằng cách tạo cơ hội cho họ trao đổi quan điểm với nhau - sẽ cho phép những cảm xúc của họ được điềm tĩnh và tìm kiếm những giải pháp hòa bình tích cực.
Một học sinh đang lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời vấn đáp tại trường Jamyang ở Leh, Ladakh, J&k, Ấn Độ vào 28, tháng 07, 2015. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Trả lời câu hỏi về việc liệu Đức Phật xuất hiện trước hay Giáo pháp của ngài có trước; Ngài nhận xét rằng dòng tương tục của tâm thức - mà bản chất của nó vốn dĩ là thanh tịnh và chánh niệm - thì không hề có sự khởi đầu và kết thúc. Phật giáo khẳng định những mức độ khác nhau của ý thức; trong trạng thái lúc đang thức thì ý thức còn thô thiển nhất; khi rơi vào trạng thái ngủ mơ thì ý thức có phần vi tế hơn; trong trạng thái ngủ sâu là lúc ý thức được trở nên vi tế nhất. Cấp độ vi tế nhất này của tâm thức sẽ lóe lên vào thời điểm chết. Có những trường hợp đã thu hút sự quan tâm của khoa học hiện đại về thân xác của một số người vẫn duy trì được sự tươi tắn trong nhiều ngày, nhiều tuần kể từ sau cái chết lâm sàng của họ. Phật giáo giải thích rằng tâm thức vi tế nhất và năng lượng vi tế vẫn còn hiện diện. Sự nghiên cứu và điều tra về hiện tượng này vẫn đang được tiếp tục thực hiện.
Trả lời một trong những câu hỏi cuối cùng, Ngài giải thích:
"Tất cả chúng sanh đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, nhưng chỉ có con người mới có khả năng phân tích những nguyên nhân của hạnh phúc. Mặc dù trên cơ bản thì tâm vốn dĩ thanh tịnh, khi chúng ta phát triển sự giận dữ, tham luyến hoặc ngay cả lòng từ bi, thì dường như tâm trí đang tràn ngập cảm xúc. Tức giận là một cảm xúc khó chịu dựa trên sự tà kiến, quan niệm sai lầm về sự tồn tại cố hữu của các pháp - chính quan niệm ấy được dựa trên cách mà các pháp xuất hiện. Cảm xúc tích cực thì phát sinh từ nền tảng của chánh kiến về thực tại.
“Đức Phật đã dạy dựa trên kinh nghiệm của riêng mình. Là một Phật tử của thế kỷ 21 thì phải nên hiểu rằng, giáo lý của Đức Phật không có gì liên quan đến đức tin, nghi lễ và sự ban phước lành nào cả.
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Ngài được thỉnh dùng cơm trưa tại trường Jamyang trước khi trở về Tu viện Spituk vào buổi chiều.