Thekchen Chöling, McLeod Ganj, Dharamsala, HP, Ấn Độ, 20 tháng 7 năm 2015 - Để bắt đầu cho buổi sáng hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an tọa phía bên dưới Chánh Điện (Tsuglagkhang) để quan sát cuộc tranh biện do các Thầy và quý Sư Cô ở Nepal thực hiện. Họ đến từ các Tu Viện Kopan, Shelkar Chöde, Chuwar Gaden Dropen Ling, Shri Chusang Gompa, Samtenling Drubgön, Thukje Chöling, Serkong Gaden Jamgonling, và Gosok Phuntsok Chöling, cũng như từ hai Ni viện Kyirong Thukje Chöling và Kopan Khechö Gakyil Ling.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang quan sát cuộc tranh biện của chư Tăng và quý Sư Cô cô từ Nepal tại Chánh Điện ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 20 tháng 7, 2015. Ảnh / Tenzin Phuntsok / VPĐLLM |
Họ cũng đã đệ trình một báo cáo và những hoạt động nghiên cứu của mình. Ngài khen ngợi họ và nhấn mạnh rằng 40 năm về trước, Ngài đã từng khuyên rằng, ngay cả các tu viện chỉ tham gia chủ yếu vào việc thực hiện các nghi lễ và các Ni Viện, cũng nên bắt đầu làm quen với các chương trình nghiên cứu. Ngài nói với họ rằng, họ không những cần phải Văn (học tập) Tư (suy ngẫm, quán chiếu) và Tu (thiền định), mà còn phải áp dụng những gì họ biết vào trong cuộc sống thực tế hàng ngày.
Từ Pháp tòa ở Chánh Điện, Ngài thông báo rằng mười một tổ chức khác nhau đã gửi lời thỉnh cầu để cúng dường Lễ Cầu Nguyện Trường Thọ cho Ngài. Họ bao gồm Hiệp hội của trường phái Gelugpa ở Nepal, Hiệp Hội Thanh niên Tây Tạng, người dân của tỉnh U-Tsang, Shang Gaden Chökhor Ling, Truyền Thống Taglung Kagyu, Hiệp hội Phụ nữ Tây Tạng, phong trào Guchusum, Hiệp hội Chithun Ngari, Hiệp hội Lodrik của Pokhara, Nepal, Hiệp hội nhân dân Trung Đạo và Hội Văn hóa Phật giáo Hy Mã Lạp Sơn. Vì không có đủ thời gian cho mỗi Hiệp Hội cúng dường riêng lẻ cho nên họ đã tập hợp tất cả tại đây ngày hôm nay.
“Hôm nay, ngày thứ tư của tháng thứ sáu theo lịch Tây Tạng, cũng là ngày chúng ta kỷ niệm lần thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật”, Ngài nói với đám đông đại chúng đang quay quần xung quanh. “Đức Phật đã thị hiện như một hóa thân để cho những người bình thường có thể nhìn thấy được, và Ngài đã sống đời sống của một Vị Thái tử. Sau khi chứng kiến cảnh tượng về bốn dấu hiệu - sinh, lão, bệnh, tử - Ngài đã từ bỏ cuộc sống Vương giả và thực hành khổ hạnh trong sáu năm. Sau khi thiền định về vô ngã, Ngài đã đạt được sự giác ngộ và sau đó chia sẻ những kinh nghiệm mà Ngài đã có được với những người khác, Ngài đã truyền bá con đường giác ngộ giải thoát.
“Có ba thời kỳ Chuyển Pháp Luân. Trong lần đầu tiên, Đức Phật đã dạy về Tứ Diệu Đế, lần thứ hai Ngài dạy về Bát nhã Ba La Mật; và lần thứ ba Ngài giảng về bản chất của tâm và Phật tính. Trong khi Kỳ Chuyển Pháp Luân đầu tiên đã diễn ra ở nơi công cộng, thì lần Chuyển Pháp Luân thứ hai chỉ được truyền dạy cho một nhớm đệ tử đã được chọn lọc.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban Pháp thoại tại Chánh Điện ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 20 tháng 7 năm 2015. Ảnh / Tenzin Phuntsok / VPĐLLM |
“Hôm nay, kỷ niệm lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên là một ngày cát tường. Tôi sẽ truyền quán đảnh liên quan đến Đức Tara Trắng với Bánh xe Thỏa mãn Ước nguyện, tiếp theo đó, tôi sẽ tiến hành nghi lễ Phát Bồ Đề Tâm. Sau đó quý vị có thể thực hiện lễ Cúng dường Trường thọ”.
Ngài nói về truyền thống Phật giáo Tây Tạng có nguồn gốc từ truyền thống Nalanda, được đặc trưng bởi phương pháp phân tích hoài nghi về những lời dạy. Phương pháp này phù hợp với lời khuyên của chính Đức Phật dành cho các đệ tử của mình là không nên chấp nhận giáo huấn của Ngài chỉ vì sự tôn kính đối với Ngài, mà chỉ nên chấp nhận giáo lý ấy bởi tính thuyết phục đích thực của nó thông qua phương pháp phân tích. Ngài nói rằng, trong tiếng Tây Tạng, từ “chö” mang ý nghĩa tiềm ẩn là “chuyển hóa”; trong khi thuật ngữ Sanskrit “Dharma” có nghĩa là thúc liễm, kiềm chế và bảo vệ.
Ngài chỉ ra rằng tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay đều mong muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Và hệ thống giáo dục hiện nay dường như chỉ dành riêng cho việc phát triển vật chất, điều này thôi là chưa đủ. Những gì chúng ta cần đó chính là sự bình an trong tâm hồn, sự tĩnh lặng của tâm thức. Để đạt được điều đó chúng ta cần phải đối phó với những cảm xúc phiền não của mình - chính những yếu tố này đã hủy hoại sự yên bình đó. Ngài cho rằng mặc dù việc đi kinh hành và cầu nguyện vẫn đáng quý; nhưng nó sẽ không giúp chúng ta vượt qua sự vô minh. Chỉ có trí tuệ và sự thông minh mới có thể làm được điều đó. Mặc dù tình yêu thương và lòng từ bi là yếu tố chung cho tất cả các tôn giáo, nhưng chỉ có Phật giáo là dạy về trí tuệ để có khắc phục sự vô minh của quan niệm sai lầm về thực tại.
“Theo sự báo cáo thì hiện giờ, ở tầng dưới, chư Tăng và Ni đến từ Nepal đang thực hiện cuộc đối thoại giữa Phật giáo và khoa học. Tôi thích nói về một cuộc trò chuyện liên quan đến khoa học Phật giáo và khoa học hiện đại. Chẳng hạn như, trong khi vật lý lượng tử nói rằng mọi vật đều không có bất kỳ sự tồn tại khách quan nào, thì trường phái Duy Tâm lại nói rằng không có vật gì có bất cứ sự tồn tại bên ngoài nào cả. Tôi tự hỏi là liệu một sự hiểu biết như thế trong tâm trí của một nhà vật lý lượng tử, thì có ảnh hưởng chút nào đến những cảm xúc phiền não của ông ta hay không?
Phật giáo Tây Tạng sâu sắc và rộng lớn, nhưng chúng ta nên tu dưỡng nó trên cơ sở của sự hiểu biết, không phải trên lý do rằng vì cha mẹ của chúng tôi đã tin tưởng nó. Khi Mao Trạch Đông đã nói với tôi rằng tôn giáo là thuốc độc, tôi nghĩ ngay rằng ông đã đề cập đến vấn đề đi theo đạo với một niềm tin mù quáng.
Cộng đồng Tây Tạng tham dự lễ Cúng Dường Trường Thọ cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Chánh Điện ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 20 tháng 7, 2015. Ảnh / Tenzin Phuntsok / VPĐLLM |
“Trong hơn bốn mươi năm qua, tôi đã kêu gọi các tu viện không có truyền thống nghiên cứu thì nên giới thiệu và đưa việc học tập nghiên cứu vào. Ngày nay tôi cũng thuyết phục các Cư sĩ nên học hỏi nghiên cứu và ngày càng có nhiều người thực hiện theo như vậy. Truyền thống Nalanda đặt trọng tâm vào logic và nhận thức luận, nó có liên quan đến nguồn tài nguyên, thiên nhiên và những phạm vi của kiến thức. Người Tây Tạng chúng ta hãy duy trì nó. Đây là kho tàng của chúng ta; và nó cũng có thể là kho báu đối với thế giới.
Ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với những tấm lòng tử tế mà nhân dân Tây Tạng đã nhận được từ các dân tộc trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Nhiều vị Tăng Sĩ đã tham gia tái lập lại các tu viện Tây Tạng, họ vẫn gặt hái được những lợi ích cho chính bản thân mình, nhưng đồng thời cũng đã giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp truyền thống. Ngài đề cập đến Gyumey Lama Umzey, Gyen Lobsang, Tu viện trưởng của Shartse - Jangchub Choden, Chosphel Zotpa và Ganden Tri Rinpoche, Rizong Rinpoche là những tấm gương điển hình. Ngài cũng nhắc lại một câu chuyện thời thơ ấu của Bakula Rinpoche đời trước tại Tu viện Drepung ở Tây Tạng. Khi Sư phụ của Rinpoche rầy la Ngài về điều gì đó, thì Rinpoche liền xin lỗi và xin được tha thứ vì ông đến từ một vùng biên ải. Ngài nhận xét, nhưng ngày nay, Ladakh giống như một vùng đất trung tâm.
Ngài nói “Mặc dù chúng ta là những người tị nạn, nhưng chúng ta đã gìn giữ truyền thống của mình và chia sẻ nó với thế giới”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền quán đảnh Tara Trắng tại Chánh Điện ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 20 tháng 7, 2015. Ảnh / Tenzin Phuntsok / VPĐLLM |
Khi Ngài bắt đầu truyền quán đảnh Trường thọ của Tara Trắng, kèm theo nghi thức phát Bồ Đề Tâm, Ngài nhận xét rằng nếu chúng ta đưa các giáo lý bao la và sâu sắc của Đức Phật vào thực hành thì chúng ta cần phải có một cuộc sống trường thọ. Ngài khuyên rằng, nếu có thể thì chúng ta nên duy trì một tâm thức trong sáng thuần túy từ thời thơ ấu, điều này rất quan trọng.
Ngài nói, “Nếu bạn không chết trong vài tháng tới, bạn có thể tạo ra những nguyên nhân cho sự tái sinh tốt đẹp. Nếu bạn không chết trong vài năm tới, bạn có thể tạo ra những nguyên nhân cho niềm hạnh phúc vĩnh hằng”.
Thời điểm truyền Quán đảnh Tara Trắng đã được hoàn tất, đại chúng bắt đầu thực hiện nghi lễ cúng dường Trường thọ. Trong đám diễu hành theo phong tục tập quán để dâng cúng những phẩm vật cúng dường bằng hiện vật thực tế và bằng biểu tượng, khoảng 1300 người từ 11 tổ chức cùng tham gia đi ngang qua Chánh điện, nhiều người trong số họ nhìn háo hức về phía Pháp tòa với hy vọng được bắt gặp ánh mắt của Ngài. Trong quá trình diễn tiến của dịp vui này, Ngài nhận xét rằng, trong khi nhiều người coi năm thứ 81 của họ là không thuận lợi, đối với Ngài, nó là năm tốt lành nhất. Một lát lâu sau đó Ngài trở về nơi cư trú của mình; và mặc dù trời mưa, nhưng những người tham dự Pháp Hội vẫn tiếp tục ca hát và nhảy múa trong sân chùa.