London, Anh quốc, 19 tháng 9 năm 2015 - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lên đường trên một chuyến phà từ Millbank Millennium Pier gần Tate Britain. Điểm đến của Ngài là Sân Vận Động O2 khoảng gần 10 dặm về phía hạ lưu. Dưới bầu trời xám xịt, cuộc hành trình đã đưa Ngài qua nhiều di tích ở London, từ Nhà Quốc hội và Cung điện Lambeth cho đến London Eye và Shard, và cuối cùng là chính Sân Vận Động O2. Ngài đã cập bến lên bờ tại Câu Lạc Bộ Greenwich Yacht, từ đó Ngài đi xe một đoạn ngắn nữa thì đến O2.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Ngài là với khoảng 700 người Tây Tạng đến từ Anh quốc và các nước khác của Bắc Âu. Vừa bước vào nhà hát O2 Indigo Ngài đã được dâng tặng với cả một biển khăn lụa Khata trắng chìa ra vẫy chào. Ngài cười và chào đón những người bạn cũ từ phía khán đài trước khi đến chỗ ngồi của mình để kiểm tra nội dung báo cáo được đọc bởi Tsering Passang, người đã nói:
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với các thành viên của cộng đồng Tây Tạng tại Nhà hát Indigo O2 ở London, Anh quốc vào 19 tháng 9, 2015. Ảnh / Ian Cumming |
“Người Tây Tạng chúng con có một sự kết nối nhân duyên đặc biệt đã được sinh ra là người Tây Tạng dưới sự lãnh đạo của Ngài. Chúng con được đoàn kết, thống nhất cũng nhờ Ngài. Chúng con đang làm hết sức mình để góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân Tây Tạng”.
Báo cáo nêu rõ rằng hiện nay có hơn 700 người Tây Tạng đang sống ở Anh, và khoảng một phần ba trong số ấy là dưới 18 tuổi. Báo cáo cũng phát thảo nguồn quỹ tài trợ và ủng hộ mà cộng đồng Tây Tạng ở Vương quốc Anh đã đóng góp cho nền giáo dục của người dân Tây Tạng về học bổng và vv. Ngài trả lời:
“Suốt giai đoạn khó khăn này trong lịch sử của chúng ta, tôi đã không thể làm được gì nhiều lắm. Nhưng tôi đã làm tất cả những gì mà tôi có thể và quý vị đã đặt niềm tin nơi tôi.
“Theo những phát hiện khảo cổ học, nền văn minh Tây Tạng là rất cổ xưa. Hoàng đế Tây Tạng, Songtsen Gampo, đã kết hôn với một người vợ Trung Quốc và một người vợ Nepal. Cả hai người này đều mang bức tượng của Đức Phật đến Tây Tạng. Trong thế kỷ thứ 8, Trisong Deutsan, mặc dù có những mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, nhưng đã đặc biệt chuyển sang Ấn Độ như là cội nguồn để đưa Đạo Phật vào Tây Tạng. Ông đã thỉnh cầu Vị học giả đứng đầu của Đại Học Nalanda - ngài Thiện Hải Tịch Hộ, một nhà triết học và logic học - để giảng dạy. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã khuyến khích việc dịch văn học Phật giáo sang ngôn ngữ Tây Tạng. Thậm chí chính bản thân Ngài cũng bắt đầu học chữ Tây Tạng. Tu viện Samye được thành lập với các phân khoa riêng biệt dành cho giới luật, dịch thuật và v. v.”.
“Chúng ta cần phải tiếp tục sự nỗ lực hết sức mình, đặc biệt là Chư Tăng Ni. Nếu chỉ học về “Các giai tầng Vĩ đại của Con đường Giác Ngộ”, (Lam Rim) là không đủ. “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” có nói rằng hãy nghiên cứu về Tam Bảo dưới dạng của Tứ Diệu Đế và Nhị Đế.
Về hệ thống giáo dục Phật giáo Tây Tạng, Ngài nói:
“Chúng ta cần phải tự hào về truyền thống của mình nhưng không nên kiêu ngạo. Cộng sản Trung Quốc đã giết và tra tấn những người Tây Tạng trong nhiều năm qua, nhưng tinh thần của chúng ta vẫn còn mạnh mẽ. Chúng ta rất bền bỉ. Điều này không phải là những gì mà họ mong đợi. Chúng ta cần phải tiếp tục duy trì, đặc biệt là đối với các tiêu chuẩn của chúng ta về giáo dục”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp gỡ bạn bè và những người ủng hộ Tây Tạng tại Sân Vận Động O2 ở London, Anh quốc vào 19 tháng 9, 2015. Ảnh / Ian Cumming |
Gặp gỡ với bạn bè và những người ủng hộ Tây Tạng trong một căn phòng khác, Ngài bắt đầu bằng cách lên tiếng lo ngại cho môi trường của Tây Tạng. Ngài đề cập rằng, vì sự mong manh của môi trường ở độ cao, bất kỳ sự thiệt hại nào xảy ra cũng đều sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi hơn là ở những nơi khác. Ngài đề cập đến các nhà sinh thái học người Trung Quốc đã khẳng định rằng cao nguyên Tây Tạng là quan trọng đối với khí hậu toàn cầu như Bắc cực và Nam cực. Ông ta gọi Tây Tạng là Cực Thứ Ba. Ngài lưu ý rằng khoảng 1 tỷ người trên khắp châu Á đang phụ thuộc vào nguồn nước từ các con sông được bắt nguồn từ Tây Tạng.
Ngài nói “Phật giáo vào Tây Tạng và biến đổi nền văn hóa của chúng ta thành một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động. Đây là một điều thật sự có giá trị trong thế giới ngày nay. Trung Quốc cũng cần một nền văn hóa như thế. Đó là một quốc gia có truyền thống Phật giáo, và hiện nay được cho là có khoảng 400 triệu Phật tử Trung Quốc, nhiều người trong số họ đã quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng. Tôi đã gặp nhiều người trong số đó và họ đã mời tôi đến Trung Quốc”.
Ngài nói rằng Tây Tạng là một đất nước lạc hậu về phương diện vật chất và nhu cầu phát triển. Ngài dẫn chứng trường hợp của một số người Tây Tạng tìm cách đến phương Tây, một số trong đó sống bất hợp pháp. Họ tìm kiếm sự phát triển vật chất, mà không trau giồi về mặt tâm linh. Ngài chỉ ra rằng có thể có những lợi ích lẫn nhau từ sự duy trì của người Tây Tạng với Trung Quốc. Ngài thừa nhận rằng có những thanh niên Tây Tạng và những người khác cho rằng họ nên chiến đấu cho nên độc lập toàn vẹn lãnh thổ, và đó là quyền của họ, nhưng họ cũng cần phải thực tế.
Ghi nhận mối quan hệ lịch sử chặt chẽ giữa Vương quốc Anh và Tây Tạng, Ngài nói:
“Tôi rất vui khi biết rằng ở đây trong số các vị, chúng tôi có những người bạn lâu đời như vậy. Hãy giúp chúng tôi duy trì các giá trị của chúng tôi về mặt kiến thức và tâm linh. Đó sẽ là sự giúp đỡ to lớn không chỉ cho chúng tôi, mà còn cho cả nhân dân Trung Quốc”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cảm ơn một nhóm thiếu nhi Tây Tạng, những cháu đã biểu diễn trước khi Ngài nói chuyện tại Sân Vận Động O2 ở London, Anh quốc vào 19 tháng 9, 2015. Ảnh / Ian Cumming |
Sau bữa trưa, Ngài được chào đón bằng sự cổ vũ nồng nhiệt từ phía khán giả khoảng 10.000 người khi Ngài bước lên khán đài ở Sân Vận Động O2. Một thiếu nữ Tây Tạng dẫn đầu một đoạn tụng lời cầu nguyện trường thọ cho Ngài trước khi giới thiệu Ngawang Ludru, một cựu tu sĩ đến từ Amdo. Ông đã biễu diễn một ca khúc núi rừng với giai điệu trầm buồn; tiếp theo là một người khác đã trình diễn ca khúc do chính mình sáng tác, trong đó đã ca ngợi Ngài là ánh sáng của thế kỷ 21 và là linh hồn của người dân xứ Tuyết. Tiếp theo, một nhóm 52 trẻ em Tây Tạng ở độ tuổi từ 6 đến 14 đã hát một ca khúc thể hiện niềm mong mỏi cho sự tái hợp của nhân dân Tây Tạng tại đất nước Tây Tạng và sự chấm dứt những đau khổ của họ.
“Anh Chị em thân mến”, Đứng ngay chỗ micro ở phía trước sân khấu, Ngài bắt đầu, “Tôi rất vui khi được ở đây với quý vị và có được cơ hội này để chia sẻ một số suy nghĩ và kinh nghiệm của tôi với quý vị. Và khi đến phần câu hỏi và trả lời, tôi hy vọng là mình sẽ học được những điều từ các bạn. Tôi rất cảm kích các nhà tổ chức đã cho chúng tôi cơ hội này và xin cảm ơn các bạn đã đến tham dự.
“Tôi chỉ là một trong số 7 tỷ người đang sống hôm nay. Chúng ta đều như nhau về mặt thể chất, tinh thần và tình cảm. Chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề rắc rối, nhưng chúng ta cũng đều có cùng tiềm năng để đối phó với chúng. Các nhà khoa học đã cho thấy rằng ngay cả những em bé cũng đáp ứng một cách tích cực đối với ý niệm của sự giúp đỡ; và chùn bước trước những ý niệm của sự tác hại, điều này cho thấy tính chất cơ bản của con người là từ bi và lương thiện.
“Chúng ta có thể sử dụng ý thức thông thường của mình cũng có thể thấy được điều này. Hãy nhìn những người hàng xóm láng giềng của bạn. Họ có thể là khá giả, nhưng nếu họ thiếu một cảm giác ấm áp của lòng từ bi, nếu họ có khuynh hướng nghi ngờ lẫn nhau, họ sẽ không được hạnh phúc, trong khi những người có lòng tin tưởng và trái tim ấm áp thì rõ ràng là họ rất hạnh phúc”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại O2 Arena ở London, Anh quốc vào 19 tháng 9, 2015. Ảnh / Ian Cumming |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng, là một người 80 tuổi, Ngài thuộc về thế hệ của thế kỷ 20. Những người trẻ dưới 30 tuổi thuộc về thế hệ của thế kỷ 21. Ngài thừa nhận rằng thế hệ của thế kỷ 20 đã gây ra nhiều vấn đề rắc rối, bao gồm cả thiệt hại cho môi trường. Một số ý tưởng của họ, chẳng hạn như quan điểm cho rằng vấn đề có thể được giải quyết bằng vũ lực hiện nay là hoàn toàn lỗi thời. Ngài nói thêm:
“Tôi muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và những người khác cũng muốn sống một cuộc sống hạnh phúc. Đây là điều mà tất cả chúng ta đều có quyền thực hiện. Tôi tin rằng nếu tất cả chúng ta đều nỗ lực và có tầm nhìn rộng mở về tương lai, chúng ta có thể thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Bây giờ là đến phần câu hỏi”.
Không đợi người điều hành chương trình giới thiệu, lúc này, ai đó từ phía sau hội trường đã kêu lên với một giọng không rõ ràng,
“Có sự đối xử phân biệt trong cộng đồng Tây Tạng? Đây có phải là sự thật?” Ngài trả lời trực tiếp.
“Tôi cho rằng bạn đang hỏi về câu hỏi Shugden, một cuộc tranh cãi đã diễn ra trong gần 400 năm nay. Tuy nhiên, nó chỉ trở nên nổi bật trong vòng 80 năm qua. Trong trường hợp của tôi, khi tôi thực hành theo vị thần này, tôi không có được sự tự do tôn giáo. Tôi chỉ có được sự tự do đó một khi tôi đã hiểu bản chất và nền tảng của nó và chấm dứt sự thực hành đó. Kể từ đó, nhiệm vụ của tôi là phải giải thích điều này thật rõ ràng cho người khác. Nếu bạn muốn quan tâm đến những gì tôi đã nói, đó là tùy thuộc vào bạn. Tuy nhiên, bạn nên đến miền Nam Ấn Độ và tự mình nhìn xem những tu sĩ muốn thực hành theo pháp này đều có tu viện của mình trên mảnh đất đã được cung cấp cho người tị nạn Tây Tạng. Bạn có thể tự mình thấy rằng trong thực tế, họ vẫn được tự do thực hành như họ muốn”.
Một quang cảnh của khán đài tại 02 Arena, nơi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện tại London, Anh quốc vào 19 tháng 9, 2015. Ảnh / Ian Cumming |
Đến đây, cả thính chúng vỡ òa lên trong tiếng cổ vũ và vỗ tay rầm rộ. Sau đó, Hansjorg Mayer của Quỹ Tài Trợ Quốc Hội Tây Tạng đã giới thiệu Daniel Goleman, nhà văn và đồng thời cũng là khoa học gia - người bạn thâm niên của Đức Đạt Lai Lạt lên điều hành chương trình phần câu hỏi và trả lời. Gần đây, ông đã xuất bản cuốn sách “Nguồn năng lực Thiện Lành: Tầm nhìn của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về thế giới của chúng ta” để tưởng nhớ sinh nhật lần thứ 80 của Ngài.
Câu hỏi đầu tiên ông nêu lên cho Ngài là ông cũng đã từng nghe tin tức BBC như Ngài vẫn thường làm và ông muốn biết làm thế nào mà Ngài tránh được cảm giác chán nản.
“Thứ nhất, rất nhiều vấn đề chúng ta đang đối mặt là do chính chúng ta gây ra, do đó, chúng ta cũng sẽ có thể giải quyết chúng, đó là điều hợp lý. Tiếp theo, chúng ta phải nhớ rằng các phương tiện truyền thông có khuynh hướng đảm nhận sự phát triển tích cực biết bao nhiêu để được phép hoạt động. Nhưng dường như chỉ có những tin tức về sự giết chóc, bạo lực, những câu chuyện về lạm dụng tình dục. Tôi nghĩ rằng các phương tiện truyền thông nên có một cách tiếp cận cân bằng hơn.
“Gần đây tôi nghe trên đài BBC nói rằng, người ta đã khám phá ra được rằng lượng sữa của người mẹ thay đổi theo nhu cầu của đứa con của họ. Điều này nhắc nhở tôi về một lần tham dự cuộc Hội nghị liên tôn giáo ở Delhi. Tôi đại diện cho truyền thống Phật giáo, một giáo viên khác đại diện cho Hồi giáo. Đại diện cho Ấn Độ giáo là Tiến sĩ Karan Singh - một vị học giả nổi tiếng về ngành tôn giáo học và đồng thời cũng là con trai của cựu Tiểu Vương Jammu và Kashmir. Tôi trêu cậu ta rằng, khi nói về việc bú sữa mẹ, là con trai của một nông dân nghèo, tôi đã có thể làm điều đó tốt hơn nhiều so với cậu là con trai của một Tiểu Vương, bởi vì người cho cậu bú sữa chỉ là một Vú nuôi.
“Một điều chúng ta đã học được là cha mẹ nên dành thời gian nhiều cho con cái của họ. Dành cho chúng tình cảm tối đa. Tình cảm này chính là bài học đầu tiên của chúng ta trong cuộc đời. Trong trường hợp của tôi, mẹ tôi rất trìu mến, chúng tôi không bao giờ nhìn thấy bà ấy giận dữ -. Không giống như cha tôi”.
Thánh Đức ĐLLM với Vị thông dịch viên của Ngài - Geshe Tashi Tsering và người điều hành Dan Goleman trả lời câu hỏi của khán giả trong buổi nói chuyện tại sân VĐ O2 ở London, Anh quốc vào 19 tháng 9, 2015. Ảnh / Ian Cumming |
Khi Goleman hỏi cụ thể hơn về việc phát triển lòng từ bi, Ngài nói với cậu ta rằng tất cả chúng ta có một ý thức dựa trên nền tảng sinh học của lòng từ bi, nhưng nó có xu hướng bị thiên vị, chủ yếu là nó hướng về những người mà chúng ta đã ưa thích. Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng trí thông minh của mình để mở rộng lòng từ bi đối với những người khác, bao gồm cả kẻ thù của mình. Ngài giải thích về sự cần thiết để phân biệt giữa tác nhân và hành động của họ. Một người nào đó có thể đã gây hại cho bạn và hành động của họ là sai, nhưng họ vẫn là con người và xứng đáng được hưởng lòng từ bi.
Ngài chỉ ra rằng sự tham luyến cũng giống như giận dữ, chúng không phải là một cảm xúc bị cô lập, mà có liên quan đến nhiều cảm xúc khác. Kiến thức của Ấn Độ cổ đại về tâm thức và phương cách hoạt động của nó có thể giúp chúng ta hiểu được điều này.
Có một câu hỏi về vấn đề chính trị bẩn thỉu và Ngài đã giải thích rõ rằng đặc tính của tất cả các hoạt động của con người đều phụ thuộc chủ yếu vào động cơ. Chính trị không phải là bẩn thỉu, nhưng nếu động cơ là ích kỷ, thiển cận và tâm trí hẹp hòi thì nó có khả năng để trở thành bẩn thỉu như vậy. Khi được hỏi liệu mọi thứ đang trở nên tốt hơn hoặc tồi tệ hơn, Ngài đề cập đến những tiến bộ to lớn trong sự hiểu biết lẫn nhau đã diễn ra trong ba mươi năm và nhiều hơn nữa khi Ngài được tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học hiện đại.
“Tôi đã học được rất nhiều về thế giới vật lý và vật chất; các nhà khoa học hiện đại đã có một mối quan tâm rất lớn về ý thức và đời sống tâm thức. Trong số các cuộc thảo luận cũng đã xuất hiện một sự hiểu biết về nhu cầu đạo đức thế tục”.
Ngài cũng ghi nhận rằng so với thái độ trong những năm đầu thế kỷ 20, ý tưởng rằng chiến tranh là một giải pháp cho các vấn đề rắc rối đã được chứng minh là không còn thích hợp nữa. Tuy nhiên, như tại hội nghị thượng đỉnh Copenhagen về biến đổi khí hậu đã cho thấy rằng, khi có quá nhiều đất nước đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên lợi ích toàn cầu, thì vẫn còn cần một nhu cầu rất lớn để nuôi dưỡng một ý thức về sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại.
Ian Cumming dâng lên Thánh Đức ĐLLM chiếc bánh trong danh dự của sinh nhật lần thứ 80 của Ngài vào lúc kết thúc buổi Pháp thoại tại Sân VĐ O2 ở London, Anh quốc, vào 19 tháng 9, 2015. Ảnh / VP Tây Tạng London |
Trước khi sự kiện kết thúc, Ian Cumming, người đã phục vụ như là một nhiếp ảnh gia khi Ngài viếng thăm Anh quốc, tình cờ là một thí sinh trong Cuộc thi Nấu ăn của nước Anh. Cậu ta dâng cúng dường lên Ngài một chiếc bánh mà cậu ta đã làm cho Ngài nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của Ngài; các thành viên của khán giả đã hát bài “Chúc Mừng Sinh Nhật”. Ngài cảm ơn cậu ta và quay về phía khán giả:
“Xin hãy nghĩ về những gì mà chúng ta đã nói hôm nay. Nếu bạn cảm thấy có chút nào trong những điểm này là hữu ích, thì hãy suy tư về nó thêm một chút nữa, xem xét và đưa nó vào thực hành. Nếu bạn có thể suy nghĩ về những điều này trong khoảng 20 phút mỗi ngày, bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn. Điều quan trọng hơn cả việc tổ chức sinh nhật là liệu chúng ta có thể sống mỗi ngày một cách có ý nghĩa hay không. Xin cám ơn!”.
Khán giả vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt. Ngài rời sân khấu và lên xe trở lại Greenwich Yacht Club, nơi mà các thành viên đang chào đón Ngài. Khi chiếc phà thực hiện cuộc hành trình quay trở lại sông Thames, ánh nắng chiều muộn đang chiếu sáng rực rỡ trên dòng sông phía trước.