Theckchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, ngày 15 tháng 5 năm 2015 - Hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ một nhóm 112 người Việt Nam từ Câu lạc bộ CEO Việt Nam tại Dinh thự của Ngài. Nhóm bao gồm khoảng 60% phụ nữ và 40% nam giới. Hầu hết đều đến Dharamsala lần đầu tiên. Để bắt đầu, những vị khách đã dâng tặng Đức Ngài hai tập sách lớn về ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên, một tập tiếng Anh và một tập tiếng Việt. Đó là công việc của 600 người cùng đóng góp. Trong sự thừa nhận của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói:
“Tôi đã được thọ nhận sự luận giải về cuốn sách ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ này từ Khunu Lama Rinpoche vào năm 1967, lúc đó Vị ấy đã yêu cầu tôi dạy lại nó nhiều lần nhất có thể. Và tôi đã cố gắng thực hiện điều đó. Tôi đã thấy nó rất hữu ích cho việc chuyển hóa tâm thức. Tôi đọc và nghiên cứu nó bất cứ khi nào tôi có thể.
“Những điều mà cuốn sách này dạy thực sự rất hữu ích trong việc giảm thiểu thái độ ái trọng tự thân và cảm giác bám chấp vào những thứ mà chúng ta xem như nó vốn dĩ tồn tại. Tất cả chúng ta đều có những cảm xúc tiêu cực và vì chúng ta muốn hạnh phúc, cho nên cuốn sách này sẽ dạy chúng ta cách giảm bớt cảm xúc tiêu cực. Dù chúng ta có chính thức theo một truyền thống tôn giáo hay không thì chúng ta cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các giá trị nội tâm”.
Ngài tiếp tục nói rằng khi chúng ta nói về hạnh phúc, chúng ta thường liên tưởng nó với những thú vui giác quan, cảnh đẹp và âm thanh nhẹ nhàng. Chúng ta không chú ý nhiều đến tâm thức - chính là nguồn hạnh phúc trong chúng ta. Ngài nói rằng mục đầu tiên trên bản tin BBC sáng nay là đề cập về những người di cư cố gắng đến châu Âu từ Bắc Phi trên những chiếc thuyền ọp ẹp, nhiều người trong số họ đã chết trên đường đi. Đây là một ví dụ về vấn đề do con người tạo ra. Nhiều trong số những vấn đề này nảy sinh là do sự phân chia mà chúng ta cảm thấy giữa “chúng ta" và “bọn họ”; và xu hướng của chúng ta là chỉ làm việc cho "phe của chúng ta" mà thôi. ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ dạy chúng ta cách đối trị lại với khuynh hướng này.
Câu hỏi đầu tiên của một số khán giả hỏi là làm thế nào chúng ta có thể nhìn thấy tâm thức của mình để thay đổi chúng. Đức Ngài giải thích:
“Để bắt đầu, bạn có thể tập trung mắt và tâm thức vào một đối tượng. Khi bạn nhắm mắt, hình ảnh của vật thể vẫn còn tồn tại. Đây là một hình ảnh chung chung và bạn có thể học cách chú ý vào đó để duy trì nó. Sau đó, bạn có thể thay đổi đối tượng tập trung của mình sang chính tâm thức.
“Chương 6 của ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’nói về sự kiên nhẫn. Chúng ta có xu hướng dựa dẫm và tin tưởng vào những cảm xúc tiêu cực của mình, nhưng nếu chúng ta đọc chương này, thì sẽ thấy rõ tác hại của chúng như thế nào và ta cần kiểm soát chúng như thế nào. Chương 8 giải thích những nhược điểm của sự bám chấp và thái độ ái trọng tự thân; cũng như những ưu điểm của việc trân trọng tha nhân.
“Cho dù chúng ta có chính thức theo một con đường tâm linh hay không, thì điều quan trọng là phải tìm hiểu điều tra nguyên nhân của sự bất hạnh, đó là những cảm xúc tiêu cực, và cách để đối trị lại chúng. Chúng ta cũng cần chú ý đến những nguyên nhân của hạnh phúc, chẳng hạn như tình yêu thương và lòng từ bi, và những phương pháp để phát triển chúng”.
Đức Ngài đã hỏi nhóm về tỷ lệ tự tử ở Việt Nam và được cho biết là khá thấp. Ngài hỏi thêm rằng liệu hầu hết các trường hợp diễn ra ở thành phố hay ở các làng quê nông thôn. Nghe nói rằng hầu hết diễn ra ở các thành phố, Ngài cho rằng mọi người dễ cảm thấy bị cô lập và cô đơn hơn ở các thành phố, trong khi ở các làng quê dường như có nhiều sự hỗ trợ xã hội và ý thức cộng đồng hơn. Ngài nhận xét rằng lòng yêu thương và tình cảm có một vai trò trong việc này. Là động vật xã hội, tình bằng hữu rất quan trọng đối với con người; và tình bạn dựa trên sự tin tưởng, sẽ phát triển khi chúng ta thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đối với người khác. Ngài nói thêm rằng ở khắp mọi nơi đều có nhu cầu về vấn đề giáo dục mọi người về giá trị của tấm lòng ấm áp nhân hậu.
Ngài hỏi về nạn tham nhũng và khoảng cách giữa giàu và nghèo ở Việt Nam; và câu trả lời cho cả hai câu hỏi là “Lớn”. Ngài nhận xét rằng, rõ ràng sự phát triển về vật chất là cần thiết, nhưng cũng quan trọng không kém là sự phát triển về nội tâm. Tất cả chúng ta đều có vấn đề - Ngài nói - nhưng chúng ta phải tìm cách để giải quyết chúng.
Câu hỏi về sự tự tử lại xuất hiện; và Ngài nhớ lại rằng đã nghe kể về một vị Tăng Sĩ ở Tây Tạng - người đã bị chính quyền Trung Quốc bắt và chịu sự ‘đấu tranh giai cấp' vào năm 1958 hoặc 59. Khi Vị Tăng ấy bị chuyển đi nơi khác và cả nhóm dừng lại để nghỉ ngơi, Vị ấy đã tham gia vào việc thực hành chuyển di tâm thức và kết quả là Vị ấy đã bị mất đi mạng sống của chính mình. Đức Ngài nói rằng chúng ta phải xem xét các trường hợp tự tử tùy theo hoàn cảnh của họ.
Một câu hỏi được đặt ra về bài kệ thứ 5 và thứ 6 của ‘Tám Bài Kệ luyện Tâm’, câu này đề cập đến việc nhận lấy thất bại về mình trong khi hiến dâng sự chiến thắng cho người khác; và đặt lên vị trí cao vời đối với những kẻ làm hại bạn cho dù bạn đã làm bao nhiêu việc tốt đối với họ. Đức Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không nổi giận với những người làm hại mình, nhưng cũng không được tự mãn về việc làm sai trái của họ. Bạn có thể và nên can thiệp.
Khi một thành viên của thính chúng thỉnh cầu một lời giải thích rất đơn giản về tính không, Đức Ngài trả lời rằng mọi thứ không tồn tại như cách mà chúng xuất hiện.
Một người khác hỏi làm thế nào để đối phó với những cảm xúc tiêu cực nảy sinh trong quá trình kinh doanh. Đức Ngài khuyên anh ta nên cố gắng tiến hành công việc kinh doanh của mình ít hơn vì lợi nhuận của mình, và không nên lừa đảo, lợi dụng hoặc dối gạt người khác, mà là để đóng góp cho xã hội nói chung.
“Tìm hiểu về những cảm xúc tiêu cực và phương pháp để đối trị với chúng. Hãy thực hành về điều đó. Không chỉ các doanh nhân phải hứng chịu những cảm xúc tiêu cực, mà ngay cả đối với những người ẩn dật thì những ngọn đồi cũng có thể là đối tượng của sự ganh tị và cạnh tranh. Nhưng nếu quý vị quen thuộc với việc nhận ra những cảm xúc tiêu cực ấy, thì quý vị có thể học cách để đối phó với chúng”.