London, Anh quốc, ngày 18 tháng Chín, năm 2015 - Trước khi rời Cambridge vào hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có vài cuộc phỏng vấn với báo chí. Fiona Wilson của tờ Thời Báo đã nói chuyện với Ngài về “Những điều Tôi đã Học”, một số câu hỏi của cô mang tính cá nhân và những câu hỏi khác mang tính thời sự. Khi cô hỏi Ngài nghĩ gì về tình trạng người tị nạn ở châu Âu, Ngài trả lời:
Fiona Wilson của tờ Thời Báo phỏng vấn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Cambridge, Vương quốc Anh, vào 18 tháng 9, 2015. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Thật là tuyệt vời khi có một số quốc gia sẽ nhận những người tị nạn vào; nhưng về lâu dài. chúng ta phải tìm một giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trong những quốc gia mà từ đó họ phải từ bỏ đất nước để ra đi. Chúng ta phải nỗ lực để mang lại sự hòa bình”.
Khi Cô hỏi liệu bạo lực có bao giờ được biện minh nhân danh tôn giáo, Ngài trả lời: “Không bao giờ”.
Và khi được hỏi chiến tranh có bao giờ từng được biện minh, Ngài cho biết: “Thật khó nói. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đánh bại chủ nghĩa Phát xít đã mang lại sự lợi ích; và cuộc chiến tranh Triều Tiên đã cứu vãn được Hàn Quốc, nhưng thật khó nói giống như thế về cuộc chiến tranh Việt Nam”.
Khi được hỏi về kỷ niệm đầu tiên của mình, Ngài nói rằng Ngài nhớ rất rõ khi Ngài khoảng hai tuổi, tình cảm của mẹ Ngài đã mãnh liệt như thế nào.
Trả lời về việc liệu thế tục hóa có làm loãng đi năng lực của giáo lý, Ngài nói với cô là Ngài tin rằng nếu Đức Phật xuất hiện ngày hôm nay, thì Đức Phật cũng sẽ dạy về đạo đức thế tục. Khi được hỏi về các nhà lãnh đạo tôn giáo mà Ngài ngưỡng mộ, Ngài đề cập đến Đức Giáo Hoàng John Paul II về sự nghiệp của ông đối với việc thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo.
Cô Wilson hỏi, “Ngài có bao giờ nổi giận không?” Và Ngài nói “Có, thỉnh thoảng khi nhân viên của tôi phạm những sai lầm, nhưng nó chỉ kéo dài trong chốc lát”.
Đối với câu hỏi “Khi nào Ngài hạnh phúc nhất?”, Ngài trả lời: “Đó là mỗi ngày tôi được dâng lời cầu nguyện hiến dâng chính mình để phụng sự tha nhân”.
Phóng viên Steven MacKenzie của Big Issue phỏng vấn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Cambridge, Vương quốc Anh vào 18 tháng 9, 2015. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Steven MacKenzie của The Big Issue - một tạp chí được xuất bản đại diện cho và được bán bởi những người vô gia cư hoặc những người dễ bị tổn thương, hỏi rằng Ngài là người tị nạn nổi tiếng nhất thế giới. Anh lại hỏi liệu Ngài vẫn còn cảm thấy bị buộc phải rời bỏ quê hương, Ngài nói rằng:
“Người Tây Tạng chúng tôi có một câu tục ngữ: “Bất cứ nơi nào bạn đang hạnh phúc thì nơi đó là nhà, bất cứ ai tử tế với bạn thì đó cũng như là cha mẹ của bạn”.
MacKenzie cũng muốn biết về những thông tin liên lạc với những người dân sống ở Tây Tạng. Ngài nói rằng giữa thời gian khi Ngài trốn thoát cho đến năm 1979, rất ít người Tây Tạng đã có thể rời khỏi Tây Tạng, nhưng khi kết quả của những cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình trong 1979-1980, một số người dân đã có thể đến và đi.
Sau đó, Ngài gặp gỡ các thành viên của một nhóm người tự gọi mình là những người sống sót NKT, những người đã rời bỏ phong trào tôn giáo mới của Truyền thống Tân Kadampa. Một trong nhiều lý do khiến họ bất an đó là đã tham gia vào các thành viên NKT trong cuộc biểu tình đầy thù hận chống lại Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại các thành phố trên khắp thế giới. Trọng tâm của các cuộc biểu tình là sự khác biệt quan điểm về một vị thần gây nhiều tranh cãi gọi là Dolgyal hay Shugden. Ngài bắt đầu:
“Tôi nghĩ rằng bạn biết về câu chuyện của vị thần này là đã gần bốn trăm năm tuổi. Bản thân tôi cũng đã từng có theo vị thần này. Bậc Thầy Tiền Bối của tôi, Ling Rinpoche, người đã xuất gia cho tôi, chẳng theo ông ta gì cả, nhưng vị Thầy trẻ của tôi, Trijang Rinpoche đã thực hành nó. Có một số nghi ngờ về vị thần đó, vào đầu những năm 70, tôi đã yêu cầu một số học giả nghiên cứu về vấn đề này. Chúng tôi phát hiện ra rằng vấn đề này bắt đầu từ thời của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ V, người đã mô tả Dolgyal như một tà thần đã phát sinh do kết quả của những lời cầu nguyện méo mó xuyên tạc.
“Sau đó, trong thời gian của Vị giám hộ của Đạt Lai Lạt Ma thứ VII, Ngawang Chokden, người cũng đã trở thành Ganden Tripa, Người Nắm Giữ chiếc Ngai và là lãnh đạo của truyền thống Gelug, một số tu viện trưởng đã theo vị thần này; và một ngôi đền thờ đã được xây dựng tại Tu viện Ganden. Ngawang Chokden, là vị Rinpoche đầu tiên trong trường hợp này tháo dỡ đền thờ và từ bỏ không theo vị thần này nữa. Ông nói rằng trong suốt cuộc đời của Je Tsongkhapa, người sáng lập của truyền thống Gelug, một ngôi đền thậm chí đối với “vị thần sinh” của ông cũng đã không được phép ở trong khuôn viên của Tu viện Ganden.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với những người sống sót NKT trong cuộc gặp gỡ tại Cambridge, Vương quốc Anh, vào 18 tháng 9, 2015. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Mặc dù vậy, sau đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIII đã từ bỏ những pháp hành có liên quan đến vị thần này và viết thư cho Ngài Pabongka Rinpoche về điều đó, nói rằng phương cách Ngài liên hệ đến nó có nguy cơ vi phạm lời thề nguyện quy y Phật giáo của mình. Tôi phát hiện ra rằng không có Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nào có bất kỳ sự liên quan với vị thần này cho đến khi tôi đã làm. Có lẽ nếu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ V và thứ XIII xuất hiện trở lại ngay bây giờ thì họ sẽ gởi tôi trở về Amdo!
“Khi tôi quyết định chấm dứt việc thực hành này, tôi chỉ làm điều ấy cho bản thân mình. Sau đó, tu Viện Ganden Jangtse đã liên lạc với tôi để nói rằng họ đã phải hứng chịu tai họa và họ đã hỏi Trijang Rinpoche về điều đó. Ông ta nói với họ rằng đó là hậu quả của sự không hài lòng về phía vị hộ pháp truyền thống của họ Palden Lhamo. Họ hỏi tôi phải làm gì về điều đó. Tôi đã tiến hành một cuộc “tiên tri”, trước tiên là hỏi những vấn đề của họ có liên quan tới sự không hài lòng của Palden Lhamo hay không. Câu trả lời là: "Có". Sau đó, tôi lại hỏi, liệu những việc không hài lòng ấy là hậu quả của việc chọn và đón nhận một vị hộ pháp mới? và một lần nữa câu trả lời là "Có". Tôi thông báo với một số vị Lạt ma cao cấp của Tu viện Ganden và yêu cầu họ phải quyết định những gì cần làm.
“Dần dần, những lời khuyên này trở nên nổi tiếng. Bên trong Tây Tạng, một số người tôn thờ Dolgyal nói rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thực hiện những bước này vì ông đã cố gắng để có lợi cho truyền thống Nyingmas, vì vậy tôi đã phải giải thích những việc này một cách công khai hơn. Trước đây, thậm chí vị Thầy Trưởng Thượng của tôi - Ling Rinpoche - người đã không có thực hành gì về vị thần này cả - đã rất cảnh giác tôi về việc nhận giáo pháp Nyingma vì sự nổi tiếng của Dolgyal. Khi tôi từ bỏ việc thực hành theo pháp của vị thần này, tôi đã đạt được sự tự do tôn giáo cá nhân của mình và đã có thể hành theo chủ trương bất phân bè phái của Phật giáo giống như các Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trước.
Tôi đã xác nhận quá trình này qua một sự tiên tri khác trước một bức tượng nổi tiếng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
"Như một hệ quả của tất cả điều này, những người ủng hộ của Dolgyal đã tự thành lập một nhóm ở Delhi. Sau đó, vụ án mạng của Gyen Lobsang Gyatso đã xảy ra. Cảnh sát của Himachal Pradesh qua các cuộc điều tra đã nhận dạng ra những tên thủ phạm nhưng chúng đã trốn thoát trở về Tây Tạng và được các quan chức Trung Quốc chào đón.
“Khi tôi giải thích về điều này, tôi làm sáng tỏ rằng đó là nhiệm vụ của tôi. Nếu mọi người không đồng ý và tiếp tục thực hành, đó là chuyện của họ. Tuy nhiên, tôi quan tâm về những kiếp sau của họ. Những người biểu tình giận dữ với tôi. Tôi cố gắng trau dồi Bồ đề tâm và trí tuệ tánh Không, tức giận với tôi sẽ không đem lại bất kỳ điều gì tốt đẹp cho họ. Khi nhìn thấy họ, tôi cảm thấy lo lắng cho họ rất nhiều.
“Là người Phật tử, chúng ta nên làm theo những lời dạy đáng tin cậy, chẳng hạn như lời dạy của 17 bậc Luận Sư Nalanda. Dựa vào những vị thần như thế là một sự thoái hóa của việc thực hành Pháp.
"Bởi vì truyền thống Mật thừa, chúng ta có xu hướng nhấn mạnh về 'Guru Yoga' và tuân theo lời của Guru. Tuy nhiên, ngay cả Đức Phật cũng khuyên những đệ tử của Ngài phải kiểm tra những gì Ngài nói, phải nghiên cứu tỉ mỉ xem nó có ý nghĩa hay không, thay vì chấp nhận nó chỉ ở giá trị bề mặt. Hãy đọc nhiều hơn! Hãy nghiên cứu các tác phẩm của Ngài Long Thọ, Pháp Xứng và Tịch Thiên. Và cũng nên đọc tác phẩm “Các giai đoạn Vĩ đại của con đường Giác ngộ” của Ngài Je Tsongkhapa. Đừng lo lắng về việc đã từng phạm những sai lầm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV cũng đã phạm như thế.
“Luận giải của Kelsang Gyatso về “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên rất hay. Tuy nhiên, cũng cần phải chú ý đến bốn điểm y cứ: Y Pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, và cuối cùng là y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa. Hãy đọc sách, tập hợp bạn bè lại với nhau và thảo luận về những gì bạn đã học được. Hãy trao cho nhau sự tự tin! Tôi rất khâm phục sự can đảm của bạn. Hãy tin vào chân lý và giáo lý đích thực của Đức Phật.
“Tôi biết Kelsang Gyatso. Ông không phải là một Geshe (Tiến sĩ Phật học Tây Tạng), nhưng ông là một học giả giỏi. Khi tôi ở Mussoorie ông đã tặng cho tôi một bản sao các tác phẩm của Gungthang Rinpoche, tôi rất biết ơn ông ta. Lama Zopa mời ông về dạy ở Anh, nhưng sau đó họ đã cãi nhau. Tôi đã gửi một quan chức đến để cố gắng hòa giải. Năm 1981, ông đến Deer Park ở Madison Wisconsin để nhận quán đảnh Kalachakra mà tôi đã truyền theo yêu cầu của Thầy ông - Geshe Sopa. Vì vậy, mặc dù bây giờ ông ấy đã chống lại tôi - người Thầy của chính ông ấy, nhưng dường như ông ấy chỉ khăng khăng rằng học trò của chính ông phải làm theo ông mà thôi. Quý vị nên tiếp tục tôn trọng ông ta, dù rằng quý vị nói với chính mình rằng quý vị đang cố gắng để thực hành giáo lý đích thực của Đức Phật và Je Tsongkhapa”. Ngài nói với cả nhóm hãy cảm thấy hạnh phúc và rằng Ngài sẽ nhớ họ. Ngài lại nói với họ là đừng lo lắng nếu họ cảm thấy mình đã phạm phải một sai lầm, họ có thể nhắc nhở bản thân rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã từng phạm như thế.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xem các học sinh thiếu nhi biểu diễn trong chuyến viếng thăm Trường Tiểu Học Dân Lập Newton ở London, Anh quốc vào 18 tháng 9, 2015. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Sau bữa trưa, Ngài đến London để thăm trường Tiểu học Dân lập Newton, Battersea. Sau hai ngày thảo luận tại Cambridge, Hội Khuyến khích Đối thoại đã sắp xếp một cuộc gặp gỡ với các em học sinh thiếu nhi - thế hệ của thế kỷ 21. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi cùng với Ngài Williams và họ đã được bà Hiệu trưởng Alison Fleming chào đón tại cửa. Bà hộ tống họ ngang qua trường học để đến giảng đường, các em học sinh thiếu nhi đứng xếp hàng theo lối đi và đang ca hát.
Đối với một giờ vui vẻ, các em thiếu nhi từ bảy nhóm khác nhau trên khắp London đã trình diễn những tiết mục mà chính họ đã sáng tạo liên quan đến nhân quyền, sự tự do và làm thế nào để đương đầu với thế giới mà họ muốn lớn lên ở đó.
Một số nhảy múa, một số ca hát, một số ngâm thơ, một số khác diễn kịch và mở kịch đèn chiếu. Vào cuối phần trình diễn của mỗi nhóm, họ ngồi ngay chân của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Williams để nói chuyện và hỏi han trao đổi lẫn nhau.
Vào cuối buổi chiều, sau những lời cảm ơn của Alison Fleming, Cameron Taylor và Ngài Rumi Verjee, Ngài chỉ vào một tấm bảng trên tường với chữ hòa bình trên đó. Ngài nói:
“Đó là từ hòa bình - hòa bình là mục tiêu của chúng ta. Và hòa bình phải đến từ sự an bình nội tâm. Nếu thế giới được hòa bình thì thật là tốt cho tất cả chúng ta. Nếu chúng ta sống một cách trung thực và minh bạch, niềm tin sẽ xuất hiện và từ sự tin tưởng đó sẽ phát triển tình bạn. Cảm ơn quý vị đã mời tôi đến đây!”.