Cambridge, Anh quốc, ngày 17 tháng Chín, 2015 - Ánh mặt trời tỏa sáng trên bầu trời trong xanh khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe một đoạn ngắn đến Giảng đường Cripps hôm nay. Chủ đề cho buổi thảo luận sáng nay là “Tầm nhìn rộng mở đối với sự Giáo Dục” và Ed Kessler là người điều hành chương trình.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào đón bạn bè thính chúng khi Ngài đến Giảng đường Sir Humphrey Cripps tại Trường Magdalene ở Cambridge, Vương quốc Anh, vào 17 tháng 9 năm 2015. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Ngài Rowan Williams khai mạc cuộc đối thoại với những lời nhận xét về giáo dục. Ông lưu ý đến tầm quan trọng của những tháng năm đầu tiên của đời người; và cho rằng quy mô của những lớp học là một nguyên nhân để quan tâm. Ông đặt câu hỏi rằng liệu giáo dục có thể làm được một điều gì đó có ý nghĩa hơn là việc chỉ đơn thuần như rót những vật được chứa đựng trong một chiếc bình sang một chiếc bình khác; và chúng ta hãy tưởng tượng về một hệ thống tạo ra những con người có đầu óc sáng tạo và có tấm lòng từ bi. Ông nhớ lại rằng khi vợ ông hỗ trợ việc giảng dạy trong các các trường học, đã có những lần cô ta nói chuyện với những trẻ em mà trước đó chưa từng bao giờ được người lớn khuyên dạy một cách nghiêm túc.
Ngài bắt đầu bằng việc mô tả các mô hình ở Tây Tạng đã được truyền xuống từ Ấn Độ cổ đại, trong đó mỗi thầy giáo chỉ sinh hoạt với một vài học trò. Vị thầy chịu khó giải thích bản kinh văn cầm trên tay. Học trò lắng nghe, nghiên cứu và sau đó áp dụng những gì họ đã học được với nhau qua cuộc tranh luận trên sân. Bằng phương pháp sử dụng logic học, họ đã đưa những nghi vấn và thắc mắc của mình vào để đàm luận, điều đó rất hữu ích cho việc làm cho tâm trí trở nên nhạy bén hơn. Ngài đã phát thảo ra ba bước để đạt được kiến thức:
“Lời dạy của Thầy hoặc những gì bạn đọc được chính là nguồn kiến thức. Sau đó, bạn tìm hiểu và suy nghĩ về những gì bạn đã học được; tiếp theo là suy ngẫm và thiền định về nó. Đọc những cuốn sách khác và quan tâm đến những quan điểm khác. Nghiên cứu về những tư tưởng đa dạng của các trường phái Phật giáo và phi Phật giáo; và tại sao những quan điểm này lại được đề xuất. Bước thứ ba là đào sâu kiến thức này thông qua sự kinh nghiệm”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trong phần buổi sáng của cuộc đối thoại ngày thứ 2 tại Trường Magdalene ở Cambridge, Vương quốc Anh, vào 17 tháng 9, 2015. Ảnh / Ian Cumming |
Ngài đề cập đến điểm tiếp theo là tìm hiểu về phương thức hoạt động của tâm thức và cảm xúc, chẳng hạn như điều quan trọng là quan sát những tác động của sự sân giận, lo lắng và thất vọng. Nó cũng cho ta một viễn cảnh trau giồi ý thức về sự hiệp nhất của toàn nhân loại. Sự suy nghĩ về tầm quan trọng của đất nước tôi, cộng đồng tôi … trong bối cảnh thế giới toàn cầu của chúng ta ngày nay là đã lỗi thời. Ngài chỉ ra rằng các nhà thờ là nơi đã từng được sử dụng để nuôi dưỡng một ý thức về giá trị nhân văn, nhưng khi sự ảnh hưởng của nó đã nhạt phai, thì các trường học và những cơ sở giáo dục lại không có trách nhiệm về việc này. Đó là lý do vì sao Ngài đã đề xướng sự hợp nhất của đạo đức thế tục vào nền giáo dục hiện đại và khuyến khích tạo ra một chương trình đào tạo thích hợp để thực hiện điều đó.
Ngài Williams đã đồng ý và đề nghị các tổ chức tôn giáo cũng cần phải thảo luận thêm về phúc lợi nhân sinh và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của chúng ta. Đáp lại câu hỏi từ phía hội nghị, Ngài nói rằng giáo dục nên cung cấp về lòng tự tin hơn là về những điều chắc chắn. Ngài cho biết Ngài muốn đặt một tấm biển trên cổng trường với dòng chữ “Đừng sợ hãi!”.
Thánh Đức ĐLLM và Ngài Rowan Williams viếng thăm một nhóm thảo luận nhỏ vào ngày thứ 2 của cuộc đối thoại tại Trường Magdalene ở Cambridge, Vương quốc Anh, vào 17 tháng 9, 2015. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Williams lại đến thăm các nhóm thảo luận nhỏ về đề tài giáo dục, giải quyết xung đột và tự do. Ngài nhận xét rằng Ngài cảm thấy lời khuyên của Đức Phật dành cho các đệ tử của mình là không nên đón nhận những lời dạy của Ngài với những giá trị bề mặt mà phải kiểm chứng và điều tra xem nó vẫn còn mang ý nghĩa của một sự chỉ đạo thích hợp với ngày nay hay không.
Ngài nói rằng những đạo đức mà chỉ đơn thuần về mặt nguyên tắc thôi thì không phải là những giới luật tuyệt đối; một tiêu chí quan trọng đối với hành động đó chính là động cơ. Ngài nói rằng, ngày nay, nhiều người đề cập đến vấn đề chính trị như là một điều dơ bẩn, nhưng thật ra, bản thân của chính trị không phải là dơ bẩn, mà vấn đề ở đây chính là động cơ của các chính trị gia. Ngài giải thích rằng tự do không có nghĩa là làm bất cứ điều gì bạn muốn, mà là căn cứ vào ý thức chung rằng con người về cơ bản là từ bi. Tinh thần bất bạo động của truyền thống ahimsa của Ấn Độ cổ xưa liên quan đến một ý thức trách nhiệm. Một mặt là phụng sự tha nhân nếu bạn có thể; nhưng quan trọng hơn là trong những trường hợp bạn có thể làm tổn thương người khác nhưng bạn đã không làm.
Đối với cuộc thảo luận tập thể cuối cùng trong buổi chiều, người điều hành là Rajiv Mehrotra - thư ký của Tổ chức Trách nhiệm Phổ quát của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma có trụ sở tại Delhi. Ngay từ đầu, ông đã yêu cầu các thính giả giong tay lên để cho biết họ cảm thấy mình là người theo tôn giáo, hay người có chủ nghĩa tâm linh, hay là người không theo truyền thống nào cả. Phần lớn đều cho rằng mình theo chủ nghĩa tâm linh, nhưng không nhất thiết phải theo tôn giáo. Rất ít người tự cho mình là không thuộc về lĩnh vực nào cả.
Điều hành viên - Rajiv Mehrotra đưa ra câu hỏi cho Thánh Đức ĐLLM và Ngài Rowan Williams trong phiên cuối cùng của cuộc đối thoại tại trường Magdalene ở Cambridge, Anh quốc, vào 17 tháng 9, 2015. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Mehrotra thỉnh cầu Ngài Williams nói về sự khác biệt giữa tôn giáo và tâm linh. Ông đề cập đến những định kiến phổ biến về tôn giáo là không linh hoạt hoặc vô cảm và tâm linh là những gì mà bạn tìm thấy cho chính mình. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu tôn giáo không phải là sự khám phá thì nó chỉ là rỗng không; và nếu tâm linh không được kết nối với thế giới thực tế mà chúng ta đang sống trong đó thì cũng chỉ là sự trống rỗng. Ông nói rằng ông thích được nói về đức tin mà ông cho rằng cũng liên quan đến sự phó thác; cũng giống như ý tưởng của Phật giáo về khái niệm quy y. Ông nói thêm - điều cơ bản đối với mỗi chúng ta là làm thế nào để trở nên trung thực, chân thành và minh bạch.
Về phần mình, Ngài cho rằng tâm linh nói chung là làm một người tốt để người ta có thể mường tượng ra một khái niệm về tâm linh thế tục. Tôn giáo thường hay liên quan đến đức tin, trong khi một số người có thể nghĩ rằng nó đòi hỏi những qui mô lớn, nhưng về mặt cơ bản thì đó chỉ là sự thực hành của tình yêu thương. Triết lý của các truyền thống tôn giáo khác nhau liên quan đến những cách thức và phương tiện khác nhau để hiểu được chân lý; với niềm tin - chức năng của nó là tăng cường sự thực hành tâm từ bi và tình yêu thương. Tuy nhiên, có vẻ như ngày nay người ta cảm thấy đức tin của họ là quan trọng hơn so với sự thực hành trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Ngài thừa nhận rằng khái niệm về cuộc sống này là do Chúa tạo ra và sự kết nối trực tiếp đến với Ngài là rất mãnh liệt. Ngài nói đến khái niệm về một sự thật và một tôn giáo đích thực thì thích hợp trong khuôn khổ thực hành của một cá nhân; nhưng tuyên bố rằng trong một thế giới đa tôn giáo, chúng ta phải chấp nhận rằng có một số chân lý và những con đường tôn giáo khác nhau. Vấn đề quan trọng là phải chân thành trong sự thực hành của bạn.
Một thành viên của khán giả đang hỏi trong ngày cuối cùng của cuộc đối thoại tại Giảng đường Sir Humphrey Cripps tại Trường Magdalene ở Cambridge, Vương quốc Anh, vào 17 tháng 9, 2015. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Câu hỏi được hỏi về Thomas Merton, hỗ trợ cho hiện tượng hấp hối và bản chất của ý thức. Ngài Williams nói rằng tôn giáo không bảo chúng ta phải giữ gìn cuộc sống bằng mọi giá; nhưng nói rằng ông vẫn chưa cảm thấy thuyết phục rằng sự hỗ trợ cho việc hấp hối là con đường để đi. Cả ông và Ngài đều bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với Thomas Merton, người mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mô tả như là một cầu nối mạnh mẽ giữa Kitô giáo và Phật giáo.
Bàn về vấn đề ý thức, Ngài nói rằng ý thức tỉnh táo bình thường của chúng ta bị chi phối bởi ý thức giác quan. Một tâm thức vi tế xảy ra khi chúng ta ngủ và mơ vì không có hành động của ý thức đưa vào. Ý thức hiện diện trong giấc ngủ sâu, khi chúng ta ngất xỉu và khi chúng ta chết thì sẽ dần dần tinh tế hơn nhiều. Ngài tuyên bố rằng, cho đến cuối thế kỷ 20, hầu hết các nhà khoa học đều coi ý thức là một hiện tượng của não bộ. Tuy nhiên, với sự phát hiện về tính mềm dẻo của hệ thần kinh; quan niệm này đã bắt đầu thay đổi.
Ngài nói về những trường hợp trong xã hội Tây Tạng, chủ yếu là những hành giả tâm linh, đã xảy ra những trường hợp sau khi chết lâm sàng mà thân xác của họ vẫn còn tươi tắn. Ngài nói rằng các nhà khoa học đang quan tâm đến hiện tượng này và cung cấp các thiết bị để đánh giá nó và điều này đã mang lại những kết quả thú vị. Sự giải thích của người Tây Tạng là trong những trường hợp như thế, ý thức vi tế vẫn còn lưu lại miên mật trong một thời gian sau khi chết.
Ngài giải thích rằng các nội dung của 300 quyển kinh Phật đã được dịch sang tiếng Tây Tạng có thể được tìm thấy về các lĩnh vực khoa học, triết học và tôn giáo. Trong khi các phần thuộc về tôn giáo chỉ thực sự hấp dẫn đối với các Phật Tử, thì các nội dung khoa học và triết học có thể là mối quan tâm đối với bất cứ ai từ quan điểm học thuật. Với ý niệm này trong tâm trí, một ban biên soạn về khoa học Phật Giáo đã được chuẩn bị và kết quả là cuốn sách ấy đang được dịch sang nhiều ngôn ngữ bao gồm cả tiếng Anh. Ngài hứa khi nó được hoàn tất thì sẽ gửi một bản tặng cho trường.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Rowan Williams vẫy tay chào khán giả khi kết thúc buổi đàm thoại tại Trường Magdalene ở Cambridge, Vương quốc Anh, vào 17 tháng 9, 2015. Ảnh / Ian Cumming |
Vào lúc kết thúc phần thảo luận tập thể, những thuyết trình viên của các nhóm thảo luận nhỏ đã báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của họ cho hội chúng. Trong một số trường hợp có bao gồm cả những tài liệu tham khảo để tạo cảm hứng cho các dự án đã được tiến hành.
Cameron Taylor bước về phía trước để cảm ơn tất cả những người đã tham gia, tất cả những người đã giúp đỡ tổ chức và tất cả những người đã hỗ trợ hội nghị. Ông nhắc nhở khán giả rằng đây là sự kiện khai trương cho Hội Truyền Cảm Hứng Đối Thoại; rằng sẽ có những sự kiện nữa tiếp theo trong tương lai; và ông hy vọng những người tham dự hôm nay sẽ giữ liên lạc và sẽ quay trở lại. Ông dành lời tri ân biệt lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài Williams và Hilary Williams-Papworth. Sự kiện đã kết thúc trong bầu không khí ấm áp và thân thiện với sự chụp hình nhóm chung với nhau vào lần cuối.
Trước khi rời khỏi Khán đài Cripps, Ngài phát biểu ngắn gọn cho một nhóm người Tây Tạng, khuyến khích họ nên tự hào về di sản ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của Tây Tạng và giữ gìn cho chúng luôn sống động. Ngài cảm ơn tất cả mọi người đã đến thăm Ngài và cám ơn về sự đón tiếp nồng nhiệt và đầy màu sắc mà họ đã dành cho Ngài bên ngoài đường phố. Ngày mai Ngài sẽ đến London.