Osaka, Nhật Bản, ngày 10 tháng 05 năm 2016 - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bước vào đại sảnh của Trung tâm Hội nghị Quốc tế Osaka sáng nay, các nhà thiện nguyện, chủ yếu là người Trung Quốc đến từ Đài Loan, đã xếp hàng để cung nghinh Ngài. Khi Ngài bước lên khán đài, hội trường vang dậy những tràng pháo tay. Sau khi đã an tọa, Ngài nói:
Các nhà thiện nguyện đang chờ đợi để cung nghinh Thánh Đức ĐLLM khi Ngài bước vào TT Hội nghị Quốc tế Osaka, Nhật Bản vào 10 tháng 5 năm 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
"Như quý vị đã biết, tôi gần 81 tuổi rồi, và hai đầu gối của tôi đang có vấn đề, vì vậy, mặc dù là một người Thầy trước khi thuyết giảng thì cần phải đảnh lễ trước Đức Phật, và điều đó đối với tôi hiện giờ thật khó khăn. Tuy nhiên, bộ não của tôi vẫn còn rất sắc bén. Mỗi ngày trong sự thực hành pháp, tôi luôn sử dụng trí thông minh của mình một cách triệt để. Tôi luôn suy tư về sự thật thực tế, phân tích... phân tích...”
Ngài nhấn mạnh rằng kể từ khi có sự đồng thời phiên dịch sang tiếng Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mông Cổ và tiếng Anh, Ngài đã thuyết giảng liên tục bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
"Tất cả mọi người đều có khả năng phân biệt đúng sai, nhưng khi chúng ta đang chịu ảnh hưởng của sự tức giận hoặc tham luyến thì chúng ta đánh mất khả năng phân biệt của mình. Để sử dụng triệt để trí thông minh của mình, chúng ta cần một tâm trí bình tĩnh điềm đạm. Nếu chỉ chắp đôi bàn tay của mình lại và nói: “Con xin quy y ...” thì vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải sử dụng lý trí. Và chúng ta có xu hướng không biết gì về bản chất của tâm thức. Chúng ta cần phải biết làm thế nào để định dạng tâm thức của mình, để chuyển hóa nó từ phiền não trở nên điềm tĩnh. Trưởng dưỡng trí tuệ bằng sự lắng nghe (văn), suy tư (tư) và thiền định (tu) thì sẽ rất hữu ích”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng Giáo lý của Đức Phật trở nên hiệu quả nhất nhờ vào những khía cạnh kỳ diệu khác nhau của thân, khẩu và ý của Ngài. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết về bản chất của Đức Phật, bởi vì, như Ngài đã nói, niềm tin mù quáng không phải là nền tảng cho sự chuyển hóa tâm thức. Nếu chỉ với đức tin đơn thuần thì không đòi hỏi sự thông minh nhiều, và nó sẽ không đảm bảo cho sự tồn tại của giáo lý Đức Phật. Mặt khác, nếu áp dụng sự phân tích thì sẽ đảm bảo được sự trường tồn của giáo lý của Ngài. Đức tin sáng suốt cần phải được dựa trên sự hiểu biết và trí tuệ.
Trong lần chuyển Pháp luân đầu tiên, Đức Phật đã trình bày Tứ Diệu Đế, lần chuyển Pháp luân thứ hai, đã được thực hiện trên đỉnh núi Linh Thứu, liên quan đến Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật. Điều này khẳng định rằng bất cứ điều gì phụ thuộc vào những điều kiện khác thì không thể tồn tại một cách cố hữu được. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ghi nhận rằng Ngài thích các truyền thống Pali và Sanskrit hơn, vì Ngài cảm thấy các thuật ngữ “Đại thừa” và “Tiểu thừa” khiến cho mọi người có ấn tượng sai lầm. Ngài tiếp tục nói rằng theo truyền thống tiếng Phạn thì mọi sự giải thích về nền tảng, đạo lộ và kết quả đều được dựa trên lý trí.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết Pháp tại TT Hội nghị Quốc tế Osaka tại Osaka, Nhật Bản vào 10 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Ngài Pháp Xứng - một bậc thầy vĩ đại của logic và nhận thức luận - Ngài đã sáng tác bảy bộ luận về nhận thức luận. Sau đó, Ngài Thiện Hải Tịch Hộ - một bậc thầy quan trọng nhất của Đại học Nalanda - đã đẩy mạnh truyền thống này với sự sáng lập của trường phái tư tưởng Du Già Trung Quán Tự Lập, trong đó kết hợp các tư tưởng Trung quán của Ngài Long Thọ và tư tưởng Du Già của Ngài Vô Trước với logic và nhận thức luận của Ngài Pháp Xứng.
Các nhà khoa học hiện đại đã quan tâm đến việc so sánh các phương thức tư tưởng này với những khám phá của họ. Trong khi trường phái Duy Tâm khẳng định về sự không thể tìm thấy của các hiện tượng bên ngoài, thì vật lý lượng tử cho thấy rằng các hiện tượng bên ngoài đều phụ thuộc vào tâm nhận thức. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trích dẫn điều mà Ngài cho là phương pháp khoa học của Đức Phật, rằng Đức Phật đã khuyên các đệ tử của mình không nên chấp nhận những điều Ngài nói bằng giá trị bề mặt của nó, hoặc với lòng sùng kính, mà là bằng sự kiểm tra nó thông qua sự nghiên cứu và thử nghiệm, và chỉ chấp nhận nó nếu như nó thật sự có ý nghĩa.
Trở lại với bản Kinh Ngài sắp dạy, Ngài nêu lên điểm chính của nó là phát Bồ Đề Tâm và trí tuệ tánh Không. Chương đầu tiên bắt đầu bằng việc phác thảo những lợi ích của Bồ Đề Tâm, trong khi chương thứ chín thì giải thích về tánh Không mà các chương trước đã đề cập sơ bộ. Chúng ta có thể quan sát thấy rằng trong khi Bồ Đề Tâm tập trung vào chúng sinh; thì trí tuệ tập trung vào sự giác ngộ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên rằng sự giải thích của Ngài sẽ kéo dài chỉ được bốn ngày thôi, do vậy, cần phải xem đó là một cơ hội để nghiên cứu và học hỏi, không phải để được ban phước lành. Ngài lưu ý rằng phương pháp của Ngài Tịch Thiên đối với sự phát Bồ Đề Tâm, hoán đổi ngã - tha, là dành cho những người có căn tánh sắc bén lanh lẹ khi so sánh với phương pháp Nhân Quả bảy phần của Ngài Atisha dạy. Ngài cũng khuyên rằng vì chương thứ chín của bộ luận này là rất khó hiểu và phức tạp, do vậy cần nên đọc các tác phẩm “Trí tuệ cơ bản của Trung Quán” của Ngài Long Thọ và “Phụ lục Trung quán” của Ngài Pháp Xứng thì sẽ rất hữu ích.
Các thành viên của cộng đồng Tu sĩ đang lắng nghe Thánh Đức ĐLLM thuyết giảng tại Osaka, Nhật Bản vào 10 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài cho biết Ngài đã thọ nhận sự luận giải về “Nhập Bồ Tát Hạnh” từ Ngài Khunnu Lama Rinpoche vào năm 1967. Vì Ngài thấy nó rất hữu ích cho nên Ngài thuyết giảng nó bất cứ khi nào Ngài có cơ hội. Tuy nhiên, Ngài cho biết, vấn đề chính yếu là áp dụng những gì mà bản Kinh đã khuyên bảo, chẳng hạn như áp dụng chương sáu - có liên quan đến sự thực hành hạnh kiên nhẫn, thì phải nói về sự sân giận. Ngài khuyến cáo thính chúng hãy cố gắng đọc một phần nhỏ về bản Kinh này mỗi ngày và suy tư về nó như là một phần của sự thực hành của mình.
Để bản Kinh sang một bên trong một lát, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố:
"Trước tiên, tôi chỉ là một trong số 7 tỷ người đang sống hôm nay. Là con người, tất cả chúng ta - về cơ bản - đều giống nhau. Chúng ta cùng có chung một kinh nghiệm là tất cả chúng ta đều được sinh ra từ người mẹ của mình. Chúng ta tồn tại được là nhờ sự chăm sóc và tình cảm của Mẹ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu ở trẻ sơ sinh và có những phát hiện cho thấy rằng tính chất cơ bản của con người là từ bi. Cảm giác thông thường cho chúng ta thấy rằng, thậm chí dù là một gia đình nghèo, nếu họ sống trong một bầu không khí tình cảm thì họ luôn có xu hướng được hạnh phúc. Một gia đình giàu có, sung túc, nhưng bị ảnh hưởng bởi sự nghi ngờ và ghen tuông, ganh tỵ thì luôn có xu hướng là không hài lòng và bất hạnh. Rõ ràng là ở đâu có tình yêu thương và lòng từ bi thì ở đó luôn có sự hạnh phúc đi kèm.
"Chúng ta là những động vật mang tính xã hội. Chúng ta cần bạn bè; và tình bạn phụ thuộc vào sự tin tưởng. Thể hiện sự quan tâm và tình cảm đối với người khác là cách để chúng ta thiết lập sự tin tưởng. Vì chúng ta phụ thuộc lẫn nhau cho nên tình yêu thương và lòng từ bi là rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Gần đây tôi đã rất phấn khởi khi nghe trên đài BBC nói về con số ngày càng gia tăng của những người trẻ tuổi đã coi mình là người công dân của toàn cầu.
"Tương tự như vậy, việc tạo ra của Liên minh châu Âu là một trường hợp của các quốc gia đã từng có chiến tranh với nhau - bây giờ biết đẩy lùi quá khứ phía sau họ và biết ưu tiên cho lợi ích chung của họ. Tất cả chúng ta đều có thể tiếp nhận tốt để áp dụng một phương pháp chín chắn như thế và hãy coi mình là người công dân của toàn cầu. Thay vào đó, chúng ta thường có xu hướng nghĩ về khái niệm 'chúng tôi' và 'họ', mặc dù - như tôi đã đề cập ở trên - sự thật là con người chúng ta đều như nhau; đều là những thành viên của một gia đình”.
Thánh Đức ĐLLM thuyết giảng vào ngày đầu tiên của đợt thuyết Pháp 4 ngày ở Osaka, Nhật Bản vào 10 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Mô tả về nền giáo dục hiện nay chỉ tập trung vào những mục tiêu vật chất, mà rất ít đề cập đến vấn đề làm thế nào để tìm thấy sự an lạc nội tâm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ý rằng điều đó đã từng là phạm vi hoạt động của tôn giáo. Tuy nhiên, ngày nay, khi tôn giáo không còn khuyến cáo sự thỉnh cầu phổ quát mà nó đã từng có, thì có một nhu cầu cần thay thế bằng phương pháp thế tục đối với giá trị của con người. Ngài đề cập đến sự đề nghị để giới thiệu đạo đức thế tục vào giáo dục hiện đại.
Nhìn lại nguồn gốc của Phật giáo Tây Tạng, Ngài nhớ về những nỗ lực của Bồ tát Viện chủ Thiện Hải Tịch Hộ đã cùng làm việc với bậc Thầy tinh thông Liên Hoa Sanh và Đức Vua Songtsen Gampo. Sau đó, khi Tây Tạng đã bị phân mảnh chính trị, Đức Vua của xứ Ngari đã thỉnh mời Ngài Atisha. Ngài đã trước tác tác phẩm “Đèn soi Nẻo Giác” và thiết lập truyền thống Kadampa. “Nhập Bồ Tát Hạnh” là một trong sáu tác phẩm cổ điển của truyền thống Kadampa.
Ngài khuyên “ngày nay, điều quan trọng là phải học tập, nghiên cứu. Trong hoàn cảnh lưu vong, các tu viện mà trong quá khứ chỉ thực hiện các việc nghi lễ thì ngày nay đã gầy dựng được chương trình học vấn. Các Sư Cô cũng đã được học hành, nghiên cứu và nhóm đầu tiên sẽ sớm tốt nghiệp và sẽ được trao bằng Geshe-ma (Nữ Tiến Sĩ). Tất cả chúng ta cần phải là những người Phật tử của thế kỷ 21, có nghĩa là - ít nhất - chúng ta cũng phải hiểu được bản chất của Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng đoàn, bậc Đạo Sư, Giáo Pháp của Ngài - con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ (Đạo Đế) - và cộng đồng của những người thực hành Giáo Pháp ấy”.
Một quang cảnh của khán đài tại TT Hội nghị Quốc tế Osaka, nơi Thánh Đức ĐLLM thuyết Pháp tại Osaka, Nhật Bản vào 10 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Trở lại sau giờ cơm trưa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lặp lại những điều mà Khunnu Lama Rinpoche đã nói với Ngài rằng, kể từ khi được sáng tác vào thế kỷ thứ 8, “Nhập Bồ Tát Hạnh” đã trở thành tác phẩm quan trọng nhất đối với sự rèn luyện tâm thức. Ngài cho biết rằng điểm quan ›trọng không phải là chỉ cần đọc nó, mà là phải đưa những điều được đề cập trong đó trở nên có hiệu lực. Ngài dịch sát nghĩa của thuật ngữ “Bodhi” trong tiêu đề “Bồ Tát Hạnh” khi đề cập đến sự xả ly và sự chứng ngộ của đại Giác Ngộ”. Ngài lưu ý sự kính trọng của các dịch giả đối với Ngài Văn Thù Sư Lợi và lời tuyên thệ của tác giả để sáng tác tác phẩm này.
Ngài giải thích rõ rằng chúng ta quy y Phật, Pháp và Tăng là để đạt được sự giải thoát. Giải thoát chính là thành quả của sự đoạn trừ các cảm xúc phiền não của chúng ta. Quan niệm sai lầm trầm trọng hoặc sự bám chấp trong tâm thức đã làm nảy sinh những cảm xúc phiền não. Ngài đề cập đến Aaron Beck - vị bác sĩ người Mỹ khoa tâm thần học - đã nói với Ngài ta rằng, khi chúng ta giận dữ, đối tượng của sự tức giận của ta dường như là hoàn toàn tiêu cực. Nhưng thật ra, 90% của ấn tượng ấy là do tâm thức chúng ta tạo nên. Nói cách khác, sự suy nghĩ mang tính khái niệm của chúng ta đã thổi phồng bản chất của đối tượng và gây kích động sự tức giận hoặc lòng tham lam luyến ái.
"Tôi đã suy tư và thiền định về tánh Không trong hơn 60 năm về lời khuyên bảo của vị Thầy của tôi là Ngài Ngodrup Tsognyi, và tôi nhận thức được những gì Ngài Long Thọ đã nói:
Nhờ loại trừ nghiệp và phiền não, ta được giải thoát.
Nghiệp và phiền não đến từ suy nghĩ mang tính khái niệm.
Những thứ này phát sinh từ sự ngụy tạo của tâm thức.
Ngụy tạo này sẽ chấm dứt nhờ vào Trí tuệ Tánh Không.
Khán giả đang theo dõi bản Kinh trong buổi thuyết Pháp của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Osaka, Nhật Bản vào 10 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Nguồn gốc của mọi đau khổ chính là những cảm xúc phiền não và gốc của chúng chính là sự vô minh. Những ai muốn giải trừ đau khổ thì nên phát triển trí tuệ. Bài kệ thứ hai của chương chín nói: "Chân lý được công nhận là có hai loại: Tục Đế và Chơn Đế. Chơn Đế thì vượt ra ngoài phạm vi của trí tuệ. Trí tuệ được gọi là “Tục Đế”. Hai chân lý là của cùng một thực thể, như Bát Nhã Tâm Kinh có nói: Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, và vv... Chương chín tiếp tục: Trong ánh sáng này, con người được xem là có hai loại: Hành giả miên mật hay còn gọi là Du Già (Yogi) và người bình thường; những người dân bình thường được thay thế bởi các hành giả, điều đó hàm ý rằng họ cảm nhận quan điểm của con người thế gian bình thường là hư dối, là không thật.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đọc lướt qua các chương đầu tiên và chương thứ hai. Trong chương đầu tiên Ngài phân biệt giữa cái tâm khát khao sự giác ngộ và sự dấn thân để thực hiện sự giác ngộ ấy. Sự khác biệt ở đây chính là liệu các vị Bồ Tát có tham gia thực hành sáu Ba La Mật hay không. Chương thứ hai, liên quan đến việc trình bày những điểm nhấn mạnh tính tất yếu của cái chết:
Thọ mạng còn lại không phải ngày cũng chẳng phải đêm,
Sự sống luôn luôn tuột trôi đi mãi
Và không bao giờ kéo dài thêm được một chút nào,
Thì có lý do gì mà cái chết lại không đến với một người như tôi?
Thông báo rằng Ngài đã hoàn tất hai chương đầu tiên, Ngài nhắc lại rằng đây là một cơ hội để học tập và nghiên cứu, không phải chỉ để nhận được phước lành. Ngài cho biết những điều mà thính chúng sẽ đạt được từ tám phần này sẽ tác động đến toàn bộ cuộc đời của họ. Ngài giới thiệu Đại Đức Yangten Rinpoche - người mà Ngài mô tả là một học giả trẻ giỏi giang - sẽ trả lời bất cứ câu hỏi nào mà mọi người muốn hỏi về những gì đã được đọc.
Sự thuyết Pháp sẽ tiếp tục vào ngày mai.