Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ, ngày 07 tháng 8 năm 2016 - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Zangdok Palri, cách nơi cư trú của Ngài không xa lắm. Như sự đại diện cho thiên cung của Đạo Sư Liên Hoa Sanh - ngôi Chùa tọa lạc trên đỉnh của một ngọn đồi có tầm nhìn toàn cảnh xuống thung lũng Leh. Ngài đã được cung nghinh bởi đại diện của Hiệp hội Phật giáo Hy Mã Lạp Sơn - những người tổ chức cuộc hội nghị kỷ niệm tưởng nhớ đến Ngài Thonmi Sambhota - người đã tạo ra chữ viết Tây Tạng vào 1372 năm về trước.
Một quang cảnh của Tu viện Zandok Palri Monastery trong buổi Hội nghị tưởng niệm Thonmi Sambhota với sự tham sự của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 7, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Trong bài phát biểu giới thiệu của mình, Tashi Rabgye và Tsering Dorjee đã ghi nhận tầm quan trọng của sự thành tựu của Thonmi Sambhota đối với sự dịch thuật của văn học Phật giáo sang tiếng Tây Tạng. Những bộ sưu tập về Kinh tạng và Luận tạng được tạo ra như là kết quả rất quan trọng của hàng bao thế kỷ đối với nền văn hóa của Tây Tạng và khu vực xuyên Hy Mã Lạp Sơn. Các thuyết trình viên cũng bày tỏ lòng biết ơn đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về sự khuyến khích phát triển Ladakh và văn hóa của nó kể từ khi Ngài đến sống lưu vong.
Trong bài phát biểu của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập đến mối quan hệ về tâm linh và lịch sử văn hóa giữa Ladakh và Tây Tạng; và bày tỏ sự cảm kích của Ngài về việc tổ chức của hội nghị.
Ngài nhận xét: “Mặc dù Ngài Thonmi Sambhota được biết là đã trước tác tám bản văn về ngữ pháp và ngôn ngữ Tây Tạng, nhưng chỉ có hai bản liên quan đến ngữ pháp là Sumchupa và Takyi Jugpa là còn tồn tại. Cho dù bạn gọi nó là Bhoti hoặc Tây Tạng, thì chữ viết này đều rất quan trọng vì nó bảo tồn nền văn hóa Phật giáo sâu sắc mà chúng tôi chia sẻ. Trong thế giới hợp lý hiện nay, các bản văn về nhận thức luận của ngài Trần-Na và Pháp Xứng - chỉ có trong ngôn ngữ Tây Tạng - đã cung cấp cho chúng ta các công cụ để phân tích bản chất của sự thật.
“Chúng ta không nên xem Phật giáo chỉ là một tôn giáo, mà nó còn là một nguồn tri thức và giáo dục. Như một khoa học về tâm thức, nó có thể dạy chúng ta phương pháp để đối phó với những cảm xúc phiền não như giận dữ, ghen tị và tham lam. Điều này có thể mang lại sự bình an trong tâm hồn; điều này sẽ đem lại lợi ích cho cá nhân, gia đình và cộng đồng của mình, và cả thế giới rộng lớn nữa. Nếu ý tưởng của lý Duyên Khởi (pratitya-samutpada) - phụ thuộc lẫn nhau - được hiểu biết rộng rãi hơn, thì có thể sẽ không có chỗ cho sự bạo lực xảy ra giữa các anh chị em nhân loại của chúng ta”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trong buổi Hội nghị tưởng niệm Thonmi Sambhota ở Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 7, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Ngài giải thích rằng nội dung của Kinh tạng và Luận tạng có thể được phân loại thành những lĩnh vực có liên quan đến khoa học, triết học và tôn giáo. Ngài đề cập đến các dự án đang được thực hiện để làm cho các tài liệu về khoa học và triết học trở nên rộng rãi hơn. Một mục về Khoa học đã được biên soạn bằng tiếng Tây Tạng và đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, Tiếng Hin-ddi, tiếng Đức, Mông Cổ, Nga, và tiếng Việt.
Ngài kết luận: “Hội nghị này không nên chỉ đơn thuần là một kỷ niệm để tưởng nhớ đến Thonmi Sambhota, mà là một cơ hội để dạy cho các cháu học sinh và các bậc phụ huynh của các cháu về ý nghĩa của ngôn ngữ mà Kinh tạng (Kangyur) và Luận tạng (Tengyur) đã được viết”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào hỏi các thành viên cao tuổi của cộng đồng Tây Tạng khi Ngài quang lâm đến Trường học của Làng Trẻ em Tây Tạng Choglamsar ở Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 7, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Tại sân bóng đá của Trường học Làng trẻ em Tây Tạng (SOS TCV) ở Choglamsar, Ngài đã được cung đón bởi Vị Trưởng đại diện dân cử địa phương của Ladakh cùng với các quan chức Tây Tạng địa phương và Hiệu trưởng của Trường Làng Trẻ em Tây Tạng (SOS TCV) ở Choglamsar. Ngài đã được chào đón theo truyền thống Tây Tạng. Trên khán đài, Ngài đã được Ngài Ganden Tripa Rizong Rinpoche đón tiếp. Phát biểu với gần 5000 người Tây Tạng, Ngài nói về bản sắc chung của người dân từ vùng đất Tuyết và những nỗ lực của họ để bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo vô song của mình. Ngài nói rằng cũng giống như người dân Trung Quốc - có di sản văn hóa cổ đại của riêng họ mà họ đã tự hào - người Tây Tạng cũng tự hào rằng mình là người Tây Tạng và đã nỗ lực để bảo vệ bản sắc và di sản phong phú của họ.
“Thật không may, một số quan chức bảo thủ Trung Quốc đã nhìn bản sắc của người Tây Tạng chúng tôi như là một mối đe dọa để ly khai Tây Tạng từ Trung Quốc. Do đó, họ đã cố gắng để loại bỏ ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng của chúng tôi. Người Tây Tạng bị bắt buộc phải học tiếng Trung tại các trường học. Nếu không có kiến thức về tiếng Trung Quốc, người dân Tây Tạng ở Tây Tạng sẽ không thể tìm được việc làm tốt”.
Ngài nói rằng, vào thế kỷ thứ 7, Hoàng đế Tây Tạng Songtsen Gampo giao nhiệm vụ cho Thonmi Sambhota tạo ra hình thức chữ viết của người Tây Tạng. Sau đó, Hoàng đế Trisong Detsen quay sang Ấn Độ - thay vì đến Trung Quốc - và thỉnh Ngài Thiện Hải Tịch Hộ - bậc Thầy của Nalanda - để thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng. Do đó, Phật giáo Tây Tạng, đã kết hợp với truyền thống Nalanda, tiếp nhận phương pháp khoa học hợp lý để nghiên cứu kiểm nghiệm. Ngày nay, nhiều người - kể cả các nhà khoa học và giáo dục trẻ của Ấn Độ - đang tỏ ra rất quan tâm đến Phật giáo, và ngôn ngữ Tây Tạng là ngôn ngữ có thể chuyển tải về Giáo lý Phật Giáo một cách chính xác nhất.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xem các em học sinh biểu diễn các ca khúc và vũ điệu truyền thống Tây tạng trong buổi nói chuyện của Ngài tại Sân bóng đá Trường làng Trẻ em Tây tạng Choglamsar ở Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 7, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Quay sang người dân Ladakh trong số các khán giả, Ngài nói:
“Kể từ thời của Nehru, Chính phủ Ấn Độ đã vô cùng tử tế và giúp ích cho người dân Tây Tạng rất nhiều. Ở Ladakh này, Bakula Rinpoche và Sonam Norbu đã nuôi dưỡng một tình bạn đặc biệt giữa nhân dân Tây Tạng và người dân Ladakh. Chúng tôi rất biết ơn quý vị vì đã có thể thiết lập các trường học và các khu định cư của chúng tôi ở đây và tôi muốn cảm ơn các Vị!”.
Các thành viên của cộng đồng địa phương đang lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện tại Sân bóng đá Trường làng Trẻ em Tây tạng Choglamsar ở Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 7, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
"Nhân dân Tây Tạng không có sự tự do bên trong Tây Tạng - nơi mà tôn giáo và văn hóa Tây Tạng đang bị đe dọa. Tuy nhiên; ở đây, tại Ấn Độ này, người dân Tây Tạng cũng như người dân các vùng Hy Mã Lạp Sơn, từ Ladakh lên tới xứ Mön, đều có sự tự do và cơ hội để bảo tồn các truyền thống Phật giáo và nền văn hóa có liên quan của họ”.
Ngài kết luận:
“Một điều vô cùng quan trọng đối với người Tây Tạng là phải đoàn kết lại thành một cộng đồng. Tất cả chúng ta phải nỗ lực trong vấn đề này. Lịch sử sẽ ghi nhớ những nỗ lực của chúng ta, vì vậy chúng ta phải liên tục tái cống hiến chính mình với lòng can đảm và hãy xem hoàn cảnh hiện nay như một cơ hội để phát huy tiềm năng của mình. Nền văn hóa Tây Tạng của chúng ta là một nền văn hóa hòa bình, bất bạo động và từ bi. Đây là loại hình văn hóa mà toàn bộ 7 tỷ người trên thế giới đều cần đến. Vì vậy, tôi tin rằng, nhân dân Tây Tạng chúng ta đã có một sự đóng góp đáng kể cho thế giới trên cơ sở những truyền thống của chúng ta”.
Ngày mai, Ngài sẽ thực hiện chuyến viếng thăm đến Saboo và Stok.