Indianapolis, IN, Hoa kỳ, ngày 25 tháng sáu, năm 2016 - Một số chuyên gia đã được mời đến tham gia vào thành viên của Hiệp hội Tây Tạng-Emory để thảo luận về hướng dẫn dự thảo cho chương trình Đạo đức Thế tục trong Giáo dục (SEE) vào sáng nay. Trong số đó, Daniel Goleman, Linda Lantieri, Mark Greenberg và Kimberly-Schonert Reichl đã từng thực hiện sự hoạt động tiên phong trong lĩnh vực Nghiên cứu Xã hội và Tình cảm.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói:
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thảo luận về Đạo đức Thế tục trong Giáo dục ở Indianapolis, Indiana, Hoa kỳ vào ngày 25 tháng 6, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Chúng ta cần phải thực hiện một chương trình khuyến khích một tấm lòng nhân hậu ấm áp - một sự cảm kích rằng, nếu bạn có tấm lòng nhân hậu thì sức khỏe của bạn sẽ được tốt hơn; cả bạn và thân bằng quyến thuộc của bạn sẽ được hạnh phúc hơn. Mặt khác, nếu tâm bạn đầy sự sợ hãi và lo lắng thì không có chút lợi lạc nào phát sinh cả. Điều này không cần phải đợi đến kiếp sau mà là cho cuộc sống hiện tại đây và ngay bây giờ. Nếu tâm trí của bạn thoải mái, thì sự giáo dục sẽ càng hiệu quả hơn”.
Thầy Tiến Sĩ Geshe Lobsang Tenzin giải thích rằng, trong sự cố gắng để phản ánh tầm nhìn của Ngài, thì Đạo đức Thế tục đã được đề xuất trong khuôn khổ Giáo dục - có nguyên tắc hướng dẫn là lòng từ bi - bao gồm ba bộ kỹ năng: tự trau giồi, trong đó bao gồm: điềm tĩnh tâm trí và cơ thể; học cách tập trung chú ý; biết thể hiện văn hóa tình cảm và biết tự chăm sóc. Bộ kỹ năng thứ hai liên quan đến việc hướng đến những người khác, bao gồm sự cảm kích dành cho những người khác; sự đồng cảm; công nhận nhân loại chung của chúng ta và các kỹ năng xã hội. Bộ kỹ năng thứ ba - chịu trách nhiệm ra quyết định, bao gồm việc: cảm kích sự phụ thuộc lẫn nhau và áp dụng tư duy phê phán.
Daniel Goleman quan sát thấy rằng khuôn khổ của Đạo đức Thế tục trong Giáo dục đề cập đến những vấn đề của sự thiếu quan tâm, tập trung rất ít về lòng từ bi và ít hiểu biết về sự phụ thuộc lẫn nhau mà không được giải quyết trong các chương trình hiện có. Ông đã thách thức việc sử dụng từ “thế tục” có thể có ý nghĩa vấn đề, và hỏi Ngài có chấp chút nào vào thuật ngữ đó không. Ngài nói rằng Ngài không chấp, nhưng Ngài luôn luôn làm rõ việc sử dụng của mình về từ “thế tục” như nó đã được hiểu ở Ấn Độ - có nghĩa là sự tôn trọng không thiên vị dành cho tất cả các truyền thống tôn giáo và ngay cả đối với quan điểm của những người không có đức tin tôn giáo. Mark Greenberg cho rằng nếu chỉ đề cập đến chỉ một mình “đạo đức” thôi, thì rất giống như triết học trừu tượng.
Linda Lantieri đã đồng ý với hầu hết những gì đã được nói, và bày tỏ sự cảm kích đối với trọng tâm trong khuôn khổ của Đạo đức Thế tục trong Giáo dục về lòng từ bi và sự phụ thuộc lẫn nhau.
Vào lúc cuộc trò chuyện đến hồi kết thúc, khi được hỏi rằng Ngài có muốn nói thêm điều gì không, Ngài nói rằng, sẽ có lợi ích nếu có một lời giải thích đơn giản về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Suy nghĩ đến những lợi ích mà cuối cùng chương trình có thể mang lại cho Trung Quốc, Ngài so sánh sự hủy diệt của Cách mạng Văn hóa Mao Trạch Đông với sự sáng tạo tiềm năng của cuộc Cách mạng Văn hóa trong giáo dục vẫn chưa xảy đến.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cảm ơn Nữ Dân Biểu Susan Brooks về lời giới thiệu của cô khi bắt đầu buổi nói chuyện của Ngài ở Indianapolis vào ngày 25 tháng 6, 2016. Ảnh / Denis Kelly |
Sau bữa trưa, tại Indiana Farmer’s Coliseum, Nữ Dân Biểu Susan Brooks đã giới thiệu Ngài với 6500 khán giả rằng, Ngài là một con người của hòa bình và chính trực - người đã chia sẻ thông điệp từ bi của mình trong nhiều thập kỷ.
Ngài bắt đầu cuộc nói chuyện của mình: “Anh chị em thân mến! Tôi rất vui khi được có mặt ở đây. Đó là niềm vinh dự lớn lao đối với tôi khi được nói chuyện với nhóm người đông đảo như thế này! Điều mà tôi cảm thấy vui là được nhìn thấy nhiều người bao gồm các tôn giáo khác nhau”. Ngài tiếp tục:
“Suốt 57 năm qua, Ấn Độ đã là quê nhà thứ hai của tôi; và tôi đã rất ấn tượng khi được nhìn thấy các truyền thống tôn giáo đến từ nước ngoài như Zoroastrianism, Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, đã phát triển mạnh mẽ như thế nào cùng với những truyền thống bản địa như Số Luận Phái, Kỳ na Giáo, và Phật giáo. Ấn Độ đã cho thấy sự hòa hợp giữa các tôn giáo là điều khả thi. Tất cả các truyền thống đều truyền tải cùng một thông điệp của tình yêu thương, sự tha thứ, lòng khoan dung, hạnh tri túc và tính chơn chất mộc mạc. Tự kỷ luật là một phần của bức thông điệp đó. Mặc dù các quan điểm triết học của họ có thể khác nhau, nhưng họ đều chia sẻ một mục tiêu chung của việc nâng cao những sự thực hành như hạnh từ bi.
“Trong thế giới ngày nay, chúng ta cần ý thức hơn về tình huynh đệ, bởi vì tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Nếu chúng ta ý thức hơn về sự hợp nhất của tất cả mọi người, thì sẽ không có cơ sở cho sự giết hại lẫn nhau, cho khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, cho sự phân biệt đối xử trên cơ sở về màu da hay đẳng cấp. Sự giết chóc nhân danh tôn giáo là điều không thể tưởng tượng được. Cho dù bạn chấp nhận tôn giáo hay không là tùy thuộc vào bạn; nhưng nếu bạn đã chấp nhận thì bạn nên thực hành nó một cách chân thành.
“Đây là lý do tại sao tôi nghĩ rằng, sẽ là sai lầm nếu như ta sử dụng những thuật ngữ như ‘Hồi giáo khủng bố’ hoặc ‘Phật giáo khủng bố’. Một người nào đó có hành động khủng bố thì họ không còn là một người Hồi giáo hay một người Phật tử chân chính nữa. Theo như các Tăng sĩ ở Miến Điện được báo cáo là quấy rối người Hồi giáo, tôi đã kêu gọi họ nên ghi nhớ khuôn mặt của Đức Phật, bởi vì Đức Phật sẽ ban cho họ sự bảo vệ an toàn.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về “Lòng từ bi là trụ cột cho Hòa bình Thế giới" tại Indiana Farmers Coliseum ở Indianapolis vào ngày 25 tháng 6, 2016. Ảnh / Denis Kelly |
Ngài quan sát thấy rằng ngày nay, khi các yếu tố như biến đổi khí hậu và kinh tế toàn cầu không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới quốc gia, mà thực tế cho ta biết rằng, chúng ta đang phụ thuộc lẫn nhau. Ngài nói rằng chúng ta cần phải tìm cách để giới thiệu tấm lòng nhiệt tâm nhân hậu vào hệ thống giáo dục mà không nhất thiết phải dựa vào tôn giáo. Điều này liên quan đến sự kêu gọi toàn cầu đối với các giá trị chung của nhân loại, như Ngài đã thảo luận với các chuyên gia và những người có liên quan vào buổi sáng. Ngài hỏi,
“Chúng ta sẽ bắt đầu như thế nào? Bằng cách nhìn vào Liên Hiệp Quốc hay Tòa Bạch Ốc? Không! - điều quan trọng là hãy phát triển tâm an bình bên trong chúng ta. Nếu chúng ta có một trái tim ấm áp nhân hậu và chia sẻ nó với 10 người; và mỗi người trong số họ lại chia sẻ nó với 10 người nữa…; và như vậy, chúng ta sẽ làm nên một sự khác biệt. Nếu, trong những năm đầu của thế kỷ 21, chúng ta chỉ làm theo mô hình của quá khứ và tìm cách giải quyết vấn đề của mình bằng cách sử dụng vũ lực, thì thế kỷ này cũng sẽ khốn khổ như thế kỷ vừa qua mà thôi!
“Khi tôi tham dự một cuộc họp của người đoạt giải Nobel Hòa bình ở Hiroshima và có người gợi ý rằng với sự ban phước lành của Chúa thì hòa bình sẽ xuất hiện. Khi đến lượt tôi nói chuyện, tôi đã nói rằng, để mang nhiều phước lành hơn nữa đến với nền hòa bình thì chúng ta cần phải hành động! Vì con người tham gia vào bạo lực và chiến tranh, cho nên chính con người phải hành động để tạo ra hòa bình!”
Trong số rất nhiều câu hỏi từ phía khán giả sau đó, một số chỉ là những yêu cầu đơn giản để có thể được bắt tay với Ngài. Trong câu trả lời khác, Ngài đã nhắc lại lời bình luận của Aaron Beck rằng, khi chúng ta giận dữ và cảm thấy đối tượng của sự tức giận của mình là hoàn toàn tiêu cực, nhưng thật ra 90% cảm giác đó là do tâm thức của chúng ta phóng ra. Về vấn đề bất bạo động, Ngài nói rằng phân định ranh giới thực sự giữa bạo lực và phi bạo lực nằm ngay trong động cơ hành động của chúng ta; và lòng từ bi không bao giờ nảy sinh ra bạo lực.
Thành viên của khán giả xếp hàng để hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi nói chuyện của Ngài tại Indiana Farmers Coliseum ở Indianapolis vào ngày 25 tháng 6, 2016. Ảnh / Denis Kelly |
Khi một người hỏi Ngài rằng, Ngài là một người trên thế giới mà nhiều người muốn được gặp gỡ; vậy thì ai là người mà Ngài muốn gặp? Ngài đã đề cập đến sự ngưỡng mộ đối với bộ não sắc bén của Stephen Hawking và sự vững vàng của ông khi đối mặt với nghịch cảnh. Mặc dù Ngài đã gặp người góa phụ của Martin Luther King Jr, nhưng Ngài muốn nếu như có thể được gặp Martin Luther King Jr. Còn hai người mà Ngài rất vui mừng khi được gặp, đó là hai người bạn của Ngài: Giám Mục Desmond Tutu và Thủ tướng Đức Angela Merkel - người mà Ngài lưu ý có một số lần sử dụng từ “lòng từ bi” trong sự liên quan đến cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu.
Khi được hỏi về cuộc sống riêng của mình, Ngài nói:
“Tôi chẳng có gì đặc biệt cả! Là con người, tất cả chúng ta đều như nhau về tinh thần, thể chất và tình cảm. Chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và tất cả chúng ta đều có quyền được sống như vậy”.
Và khi một người mẹ hỏi về cách làm thế nào để bảo vệ những phẩm chất tốt đẹp tự nhiên của con cái khi chúng còn trẻ, Ngài đã khuyên rằng nên dành thời gian với chúng và bảo bọc chúng bằng lòng yêu thương và tình cảm của mình. Ngài nói: “Mẹ của tôi chính là người Thầy đầu tiên của tôi về lòng nhân ái”.
Khi đã hết giờ, Ngài đã xin lỗi tất cả mọi người vì không thể trả lời cho những người vẫn còn đang chờ đợi để đặt câu hỏi. Cũng như tại các sự kiện công cộng khác mà Ngài đã tham gia; một đại diện của ban tổ chức đã báo cáo tài chính ngắn gọn và giải thích rằng số tiền quỹ còn lại sẽ được trao cho tổ chức từ thiện địa phương. Sau khi kêu gọi khán giả của mình nên suy nghĩ về những gì mà Ngài đã nói; và nếu như cảm thấy nó có ý nghĩa thì hãy đưa nó vào hành động; Ngài đã bước xuống khán đài và từ từ đi dọc theo hàng ghế phía trước của khán giả, bắt tay, trao đổi vài câu, ký tên vào những cuốn sách và dừng lại khi những cá nhân vui mừng thực hiện những bức ảnh tự chụp với Ngài.
Ngày mai Ngài sẽ bắt đầu cuộc hành trình của mình để trở lại Ấn Độ.