Madison, WI, Hoa kỳ, ngày 8 tháng 3 năm 2016 - Hôm nay, khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Trung tâm Masonic Madison, một nhóm nhỏ người Tây Tạng cùng với cờ xí và băng-rôn đang chờ đợi lặng lẽ để cung đón Ngài. Khi Ngài vừa bước ra khỏi xe thì vị Chủ tịch Hiệp hội Tây Tạng Wisconsin (WTA) - Tsetan Dolkar - đã diện kiến Ngài. Có 1050 người, trong đó có khoảng 700 người Tây Tạng, đã tụ hội lại để nghe Pháp Thoại của Ngài ở bên trong nhà hát. Đầu tiên, người điều hành chương trình - Sharpa Tulku - đã giới thiệu các em thiếu nhi của WTA hợp ca một bài thật vui nhộn về lòng biết ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Amdo Yeshe Gyamtso đã đọc một báo cáo tổng kết các hoạt động của Hiệp hội.
Chủ tịch Hiệp hội Wisconsin Tây Tạng, Tsetan Dolkar, giới thiệu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào lúc bắt đầu buổi Pháp thoại ở Madison, WI, Hoa kỳ, ngày 8 tháng 3, 2016. Ảnh / Sherab Lhatsang |
Trong phần giới thiệu của mình, Tsetan Dolkar đã đặc biệt báo cáo về thành tích của học sinh trong một loạt các sự nghiên cứu và bao gồm cả tiến sĩ. Bà đề cập đến lời khuyên của Ngài rằng từ bi là điều cần thiết cho sự sống còn của loài người như chúng ta. Cô bày tỏ sự biết ơn mọi người đã góp phần làm cho sự kiện này trở nên khả thi.
Vị Dân biểu Địa phương - Mark Pocan - bước về phía trước và dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một chiếc khăn lụa trắng truyền thống; nhà điều hành Dane County - Joe Pirisi đã giới thiệu ông với khán giả. Ông nhận xét về ba cam kết lớn của Ngài là phát huy giá trị của con người để đảm bảo hạnh phúc của con người, hòa hợp giữa các truyền thống tôn giáo và việc bảo tồn văn hóa Phật giáo Tây Tạng. Ông nói rằng, như một dấu hiệu của sự ủng hộ, lá cờ Tây Tạng đang tung bay cùng với những Ngôi Sao and các Sọc Viền trên tòa nhà điều hành Dane County trong thời gian chuyến viếng thăm của Ngài. Nhà điều hành sẽ hỗ trợ cho sự quan sát Tây Tạng vào ngày 10 tháng 3. Cuối cùng ông bày tỏ lòng thành kính tri ân đối với sự hiện diện của Geshe Sopa trong cộng đồng,
Ngài đáp lại những lời giới thiệu này:
“Quả thật, đây là một vinh dự lớn lao đối với tôi khi có cơ hội được gặp gỡ tất cả các bạn - những người Tây Tạng và bạn bè của người Tây Tạng - ở đây. Chúng tôi đã sống lưu vong gần 57 năm, nhưng dù chúng tôi ở bất cứ nơi đâu thì người dân địa phương vẫn luôn thân thiện và ủng hộ. Ở đây cũng vậy, chính quyền địa phương và những người bạn đã cho chúng ta cảm giác ấm áp chân thành, cũng như đã ủng hộ cho sự nghiệp đại nghĩa của chúng tôi. Xin cảm ơn các bạn!
"Tôi rất vui khi biết rằng cộng đồng của chúng ta ở đây có một ý thức trách nhiệm về cả hai là một người Tây Tạng và là công dân của địa phương. Ở Tây Tạng người dân vẫn phải đối mặt với những khó khăn lớn, đó là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta phải giữ gìn bản sắc dân tộc của mình. Đây không chỉ là vấn đề chúng ta nhìn như thế nào, mà là chúng ta biết ngôn ngữ riêng của mình, biết cách sử dụng nó như thế nào để thể hiện được phần tinh túy của kiến thức - truyền thống Nalanda - như thế nào. Trong quá khứ, chỉ có các Tăng sĩ, mới thực sự được học tập và nghiên cứu những điều này, nhưng cư sĩ thì không được phép. Điều này cần phải thay đổi. Đã có các Ni Cô tham gia học tập và nghiên cứu các bản Kinh cổ điển và một vài trong số họ sẽ sớm được trao bằng Geshe (Tiến sĩ).
“Tôi cũng đã khuyến khích các Cư sĩ nên nghiên cứu các bản Kinh cổ điển. Quý vị là những người trẻ cũng nên cố gắng nghiên cứu học hỏi những điều đó. Chính điều này đã làm cho người dân Tây tạng trở nên phong phú và có nghĩa vì duy trì được bản sắc của dân tộc mình”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi Pháp Thoại của mình tại Madison, WI, Hoa kỳ, ngày 08 tháng 3, 2016. Ảnh / Sherab Lhatsang |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng bất cứ khi nào Ngài gặp người khác, Ngài luôn coi mình chỉ là một trong số 7 tỷ người. Ngài nói rằng với cấp độ đó thì không hề có sự khác biệt giữa chúng ta - cho dù bạn có nghĩ về quốc tịch, đức tin hay người giàu hay nghèo, học hay thất học. Ngài nhận xét rằng tất cả chúng ta đều được sinh ra trong cách tương tự nhau, và lớn lên trong tình thương yêu của Mẹ. Đây là lý do tại sao tất cả 7 tỷ người đều có tiềm năng nuôi dưỡng lòng từ bi nhân ái ấm áp. Tương tự, khoa học đã phát hiện ra rằng sự giận dữ, sợ hãi và hận thù liên tục sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta, điều này áp dụng cho tất cả chúng ta. Ngài tiếp tục - Thông thường thì các gia đình mà lòng yêu thương và tình cảm phát triển mạnh thì rất hạnh phúc ngay cả khi họ nghèo khổ; nhưng những gia đình, cho dù họ giàu có, nhưng họ bị chia rẻ, phân tán bởi sự ganh tị và nghi ngờ thì họ luôn bị đau khổ.
Ngài cho rằng triển vọng của nhân loại được hòa bình hơn hay không là đều phụ thuộc vào sự an lạc hòa binh bên trong của mỗi cá nhân. Ngài khẳng định rằng nhờ bộ não tuyệt vời của chúng ta nên ta có khả năng suy nghĩ trước và lên kế hoạch cho tương lai. Thông qua việc giáo dục và nâng cao nhận thức, chúng ta có thể trau dồi sức khỏe thể chất và tâm trí an định. Ngài nói rằng chúng ta cần phải trau dồi lòng từ bi, nhưng giáo dục hiện đại có xu hướng tập trung vào phát triển vật chất hơn là bồi dưỡng các giá trị bên trong. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải tìm cách để kết hợp đạo đức và giá trị của con người vào nền giáo dục của chúng ta, đó là điều mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cam kết ủng hộ.
Ngài giải thích rằng, là một Tu sĩ Phật Giáo, sự cam kết quan trọng thứ hai của Ngài - vào thời điểm mà những điều không thể tưởng tượng đang xảy ra và con người đang giết hại lẫn nhau trong sự nhân danh tôn giáo - là thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo. Ngài nói rằng điều này là có thể khả thi - bởi vì mục đích chung của tất cả các tôn giáo là trưởng dưỡng tình cảm và xây dựng tình bạn. Ngài nói rằng Ngài có nhiều bạn bè trong đó bao gồm những người Thiên chúa giáo, người Hindu, người Do Thái, Hồi Giáo, cũng như Phật tử. Ở tuổi 81, Ngài cho biết rằng mình vẫn duy trì sự cam kết về sự hợp tác để thúc đẩy các giá trị con người và hòa hợp liên tôn giáo; và kêu gọi thính chúng rằng nếu họ nghĩ đến Ngài như một người bạn của họ, thì họ cũng nên làm như vậy.
Đến phần “Tám bài Kệ Luyện Tâm” mà chủ yếu là giảng dạy về lòng vị tha, Ngài nói:
Khán giả lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi Pháp Thoại tại Trung tâm Masonic ở Madison, WI, Hoa kỳ vào 08 tháng 3, 2016. Ảnh / Sherab Lhatsang |
“Đây không chỉ là việc tích lũy kiến thức, mà là bắt nguồn từ sự quy y Tam Bảo và phát triển Bồ Đề Tâm. Chúng ta có thể so sánh bốn dòng Kệ thông thường về sự quy y với những lời chúng ta đọc khi chúng ta cúng dường thức ăn - “Đối với Đức Phật - bậc Thầy siêu viêt; đối với Giáo Pháp - nơi quy y siêu việt; đối với Tăng đoàn - những bậc hướng dẫn siêu việt; con xin dâng lên sự cúng dường này”. Khi chúng ta nói rằng Đức Phật là siêu việt, chúng ta không nghĩ về Ngài đầy năng lực như một đấng Tạo hóa mà là một con người chia sẻ với chúng ta về con đường giải thoát, con đường mà Ngài đã từng đi. Khi chúng ta nói Phật pháp là siêu việt, chúng ta không chỉ nói về giáo lý Kinh điển, mà là một sự liễu ngộ phát sinh từ việc thực hiện chúng trong tâm trí chúng ta. Điều này liên quan đến sự rèn luyện của chúng ta về giới, định và tuệ. Một nơi nương tựa như vậy cho phép chúng ta đoạn trừ được vô minh - là gốc rễ của đau khổ.
Như Ngài Tịch Thiên đã nói:
Mặc dù tìm cách tránh xa đau khổ,
Chúng ta lại chạy bổ vào đau khổ.
Chúng ta khao khát tìm cầu hạnh phúc,
Nhưng lại khờ khạo triệt tiêu nó như chính kẻ thù của mình.
"Vô minh là một biến dạng của thực tế, và chúng ta chỉ có thể khắc phục được nó nhờ vào trí tuệ. Khi chúng ta đề cập đến “Tăng già như bậc hướng Đạo siêu việt” thì chúng ta không phải chỉ nghĩ đến những người trong bộ Pháp phục, mà là bất cứ ai đã thực sự thực hành theo giáo lý của Đức Phật. Vì vậy, trong hai dòng đầu tiên của bài Kệ mà chúng ta sẽ đọc, chúng ta quy y và khao khát sự giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh; và trong hai dòng sau là chúng ta phát Bồ đề tâm. Điều này khẳng định khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là tìm cầu hạnh phúc và tránh xa khổ đau, nhưng như Ngài Tịch Thiên đã nói; xu hướng của chúng ta lại thiên về trọng tâm của chính cái ngã của mình - điều này đã lôi kéo chúng ta đi theo hướng ngược lại:
Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng mình.
Lòng ích kỷ luôn dẫn đến sự sai lầm khiếm khuyết, trong khi đó, mối quan tâm dành cho người khác luôn mang lại những điều thuận lợi. Mặc dù đạt được quả vị Phật là để cứu giúp những chúng sanh khác, nhưng chúng ta nên nhớ rằng:
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Theo phương cách quy y của Đại Thừa thì chúng ta sẽ quy y cho đến khi chúng ta đạt được bản chất của sự giác ngộ. Mục tiêu là để giúp tất cả chúng sinh giảm bớt những đau khổ của họ. Dòng thứ ba nói rằng, “nhờ công đức của sự bố thí và v.v.; nguyện con giác ngộ vì lọi lạc của chúng sanh”. Tuy nhiên, ở đây không phải chỉ là về công đức, mà là cả về mặt trí tuệ nữa. Nếu chúng ta tìm hiểu về chủ thể “con” - người quy y - thì chúng ta khám phá ra rằng ý thức của chúng ta về một bản ngã mà bản chất tồn tại của nó là không có cơ sở. Đó là thứ mà chúng ta chỉ gán đặt cho một đối tượng được hình thành do sự kết hợp của thân và tâm mà thôi.
Một quang cảnh của Nhà hát Trung Tâm Madison Masonic trong buổi Pháp Thoại của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Madison, WI, Hoa kỳ, ngày 08 tháng 3, 2016. Ảnh / Sherab Lhatsang |
"Sự phân tích không phải là một điều mà chúng ta có thể đạt được một cách nhanh chóng, mà đó là năng lực của sự hiệu quả. Đó là điều mà tôi đã thực hiện trong 60 năm qua và nó có tác dụng thực sự. Nó làm suy yếu dần quan niệm sai lầm của chúng ta về “bản ngã” và khi làm như vậy nó đã chống lại cảm xúc phiền não của chúng ta. Nhà trị liệu tâm thần Aaron Beck đã nói với tôi rằng - khi chúng ta nổi giận, đối tượng của sự tức giận của chúng ta dường như hoàn toàn tiêu cực, nhưng 90% của điều này là do sự phóng chiếu của tâm thức chúng ta.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyến khích việc áp dụng Bốn Y: Y Pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa.
Trở lại với Tám bài Kệ, Ngài cho biết rằng nó được sáng tác bởi Ngài Langri Thangpa một đệ tử của Ngài Potowa - thuộc dòng truyền thừa của những người nghiên cứu các bản Kinh văn cổ điển. Điểm chính của bản Kinh, tuy ngắn gọn nhưng rất hiệu quả, là sự trưởng dưỡng lòng vị tha có liên quan đến Tâm Bồ Đề tương đối. Tuy nhiên, Ngài cho biết, chúng ta sẽ chỉ thực sự tiến bộ, khi không phải chỉ đọc lời cầu nguyện hoặc trì tụng thần chú, mà là bằng cách suy tư thiền định về tánh Không.
Ngài nói rằng, câu Kệ cuối cùng nói về “nhìn thấy tất cả mọi thứ như là ảo ảnh”, điều đó đề cập đến kết quả của sự thiền định và sự chênh lệch giữa những gì xuất hiện đối với chúng ta và trên thực tế. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trích dẫn lời của Ngài Long Thọ:
Những gì phát sinh một cách phụ thuộc,
Thì được cho là vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là sự định danh phụ thuộc,
Thì nó chính là con đường Trung đạo.
Vì chẳng hề có gì,
Không phải là phụ thuộc
Nên cũng chẳng có gì
Mà không phải là Không.
Và Ngài đã liên hệ điều này với những câu nổi tiếng trong “Bát Nhã Tâm Kinh”:
“Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khắc Sắc”.
Ngài đã được vị Hiệu Trưởng trường Đại học Wisconsin ở Madison - Rebecca Blank - mời dùng cơm trưa tại Trung tâm Nghệ thuật Overture. Khi đến nơi Ngài cũng đã được người bạn cũ của mình là Richie Davidson tiếp đón. Trong phần giới thiệu ngắn gọn, Hiệu trưởng Blank đã tán thán lòng nhân ái nền tảng của Ngài và sự hỗ trợ dành cho những nỗ lực để xây dựng những Tâm Hồn Khỏe Mạnh. Cô nói rằng mặc dù có 1000 người trong phòng, nhưng có cả 10.000 người đang tham gia thông qua dòng sự kiện của Địa Lý Quốc Gia.
Trong giờ ăn trưa, Chade Meng Tan từ Google - người mà Richie Davidson xem như là anh trai của mình - nói về mục tiêu của mình để tạo ra hòa bình thế giới trong suốt cuộc đời của mình thông qua sự bình yên, niềm hoan hỷ và lòng từ bi.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tham gia cuộc thảo luận về “Tầm quan trọng của sự bình an nội tâm” tại TT Nghệ thuật Overture ở Madison, WI, Hoa kỳ, ngày 08 tháng 3, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Sau bữa trưa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham gia vào cuộc thảo luận rất cảm động về tầm quan trọng của sự bình yên trong tâm thức và sự hứng thú mà các nhà khoa học hiện nay đang quan tâm. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra rằng những gì thực sự phá hủy sự bình an của ta đó chính là cảm xúc phiền não của chúng ta. Ngài khen ngợi vai trò lớn hơn đối với các nhà lãnh đạo phụ nữ, gợi ý đùa rằng nếu thế giới gần 200 quốc gia này được lãnh đạo bởi những phụ nữ thì thế giới có thể sẽ là một nơi an toàn hơn. Ngài đề cập đến bằng chứng khoa học đáng khích lệ rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi, có nghĩa là chúng ta có thể rèn luyện chính mình nhiều hơn nữa theo cách đó.
Ngài nhắc nhở rằng tham nhũng là một kết quả của tính thiển cận, tiêu chuẩn đạo đức thấp kém và tham lam. Và trong khi quan sát thấy rằng sự hảo tâm phóng khoáng chỉ thực sự xảy ra khi không có bất kỳ mong cầu nào của sự đền đáp; Ngài nhắc nhở các thính giả về tầm quan trọng của sự bố thí bằng sự kính trọng đối với người nhận. Khi Ngài nói đùa rằng sự quán tưởng cũng có thể là hành động hảo tâm hào phóng, Richie Davidson đã nêu ra rằng ngành khoa học thần kinh đã cho thấy rằng trong quá trình quán tưởng, các mạch thần kinh cùng được kích hoạt như khi bạn đang thực sự bố thí vậy.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng các phương tiện truyền thông có một vai trò quan trọng đối với việc giáo dục người dân về những sự phát triển tích cực bao gồm cả việc có một cái nhìn cân bằng hơn về hoạt động và tiềm năng của con người. Đối với vấn đề Ngài muốn các nhà khoa học nghiên cứu những gì để góp phần tạo ra một thế giới tốt hơn, Ngài trả lời rằng họ nên chấp nhận rằng kiến thức của họ còn hạn chế và nên giải quyết công việc của mình với một tâm trí cởi mở. Ngài nhớ lại những lời cảnh báo mà Ngài đã nhận được gần 40 năm trước rằng hãy cẩn thận đối với khoa học, bởi vì nó như là một "sát thủ của đức tin”. Ngài đã bỏ qua lời khuyên này và tham gia vào cuộc đối thoại với các nhà khoa học và qua quá trình thời gian cả hai đều cùng có lợi ích và làm phong phú lẫn nhau.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ tham gia một cuộc thảo luận nữa vào ngày mai về “Thế giới Chúng Ta Tạo: Hạnh Phúc năm 2030”.