Boulder, CO, USA, ngày 23 tháng 6 năm 2016 - Sau cơn mưa vào chiều hôm qua, không khí trong lành và ánh mặt trời rực sáng khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe đến Trung tâm tổ chức sự kiện Coors tại Boulder vào sáng nay. Ngài đã được cung đón theo truyền thống Tây Tạng ngay tại cửa ra vào. Vị Hiệu trưởng của Đại học Colorado - Phil DiStephano đã có mặt ở đó để chào đón Ngài và hộ tống Ngài vào giảng đường. Chủ tịch Hiệp hội Tây Tạng Colorado đã giới thiệu về sự kiện và một nhóm đông đảo các cháu thiếu nhi Tây Tạng đã ca hát và nhảy múa ở phía trước khán đài.
Nghị sĩ của Colorado - Jared Polis đã đưa ra bài phát biểu nồng nhiệt bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với vai trò của Ngài là bậc lãnh đạo tinh thần và lãnh đạo thế gian của nhân dân Tây Tạng; và là một con người của hòa bình. Ông nhắc đến cuộc vận động của Ngài về sự cần thiết của nền đạo đức thế tục đối với việc chấm dứt bạo lực trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Ông mô tả về cơ hội được chào đón Ngài là một niềm vinh dự lớn lao đối với người dân Boulder; và đề nghị mọi người vỗ tay cỗ vũ, kêu gọi tất cả khán giả hãy là những con người với tâm an bình để trở thành những con người vì hòa bình.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đội mũ bảo hiểm xe đạp do Thị trưởng của Boulder - Suzanne Jones tặng trước khi thuyết Pháp tại TT tổ chức sự kiện Coors ở Boulder, Colorado vào 23 tháng 6, 2016. Ảnh / Glenn Asakawa / CUBoulderr |
Thị trưởng thành phố Boulder - Suzanne Jones nói câu tiếp theo: “Ngài đã ban phước cho chúng con bằng chính sự hiện diện của Ngài ở đây”. Cô trích dẫn lời nói của Ngài rằng, nếu chỉ có lòng từ bi thôi thì cũng không đủ, mà chúng ta cũng cần phải bắt tay vào tham gia hành động nữa. Để biểu lộ rằng ngày hôm qua là ngày “đạp xe đạp đi làm”, cho nên cô đã dâng tặng Ngài một món quà là một chiếc áo đi xe đạp và một chiếc mũ bảo hiểm đi xe đạp màu trắng, khi Ngài vừa nhanh chóng đội mũ lên thì tiếng cười lan rộng mọi nơi. Ngài nói rằng chúng ta có thể nghĩ về nó như là biểu tượng nhu cầu của chúng ta để bảo vệ chính mình trên cuộc hành trình tâm linh được ngụ ý qua các thần chú của Trí tuệ Bát nhã bao hàm trong Bát Nhã Tâm Kinh. Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình về những điều mà cả Nghị sĩ quốc hội và Thị trưởng đã nói; và an tọa để bắt đầu buổi nói chuyện của mình.
“Các anh chị em thân mến! Tôi xem tất cả chúng ta đều là những con người giống nhau về mặt tinh thần, cảm xúc và thể chất. Để đảm bảo một thế giới hòa bình hơn và một môi trường lành mạnh hơn, đôi khi chúng ta chỉ tay vào những người khác và bảo họ nên làm điều này hay điều nọ. Tuy nhiên, sự thay đổi phải bắt đầu từ mỗi cá nhân của chúng ta. Nếu một cá nhân trở nên từ bi hơn, thì nó sẽ ảnh hưởng đến những người khác, và vì vậy chúng ta sẽ thay đổi thế giới”.
Ngài cho biết là Ngài sẽ giải thích một bản văn ngắn được trước tác bởi bậc thầy Tây Tạng - Geshe Langri Thangpa, “Tám bài Kệ Luyện Tâm” mà Ngài đã tụng đọc mỗi ngày qua nhiều thập kỷ. Ngài mô tả nó như là bản tóm lược truyền thống Nalanda được đặc trưng bởi việc sử dụng phương pháp lý luận và logic học.
Ngài nói thêm rằng, bất cứ khi nào Ngài có cơ hội giải thích Giáo lý Phật giáo ở hải ngoại, Ngài đều thừa nhận rằng các nước khác nhau đều có những truyền thống tâm linh của riêng họ; và rằng ở phương Tây thì chủ yếu là truyền thống Do thái-Kitô giáo. Trong khi thường khuyên mọi người hãy gắn bó với truyền thống mà họ đã được sinh ra; thì Ngài cũng chấp nhận rằng mọi người được tự do lựa chọn tôn giáo cho chính mình; và một số người thấy rằng Phật giáo là đặc biệt hiệu quả đối với họ. Ngài đã thu hút sự chú ý đối với phong tục lâu đời ở Ấn Độ của các truyền thống tôn giáo khác nhau, cả những truyền thống bản địa như Số Luận Phái, Kỳ Na giáo và Phật giáo; và những truyền thống từ bên ngoài như Zoroastrianism, Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo - tất cả họ đều sống bên nhau trong sự hài hòa.
Một quang cảnh của khán đài trong giờ thuyết Pháp của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại TT tổ chức sự kiện Coors ở Boulder, Colorado vào 23 tháng 6, 2016. Ảnh / Glenn Asakawa / CU Boulder |
“Tất cả những truyền thống tôn giáo đều truyền đạt một thông điệp của tình yêu thương và lòng từ bi. Để có được hiệu quả hơn, họ cũng dạy về sự khoan dung và lòng tha thứ. Và do sự tức giận thường liên quan đến sự luyến ái và tham lam; thế nên, để bảo vệ cho việc thực hành lòng vị tha, họ đã dạy về hạnh tri túc (biết đủ). Tại Tây Ban Nha, tôi gặp một Tu sĩ Thiên Chúa Giáo - người đã sống như một ẩn sĩ trong núi với chút bánh mì và trà. Tôi hỏi ông về sự thực hành của mình; và vị ấy nói với tôi rằng ông thiền định về tình yêu thương; và khi ông nói, tôi thấy đôi mắt ông lấp lánh với lòng từ bi và niềm hoan hỷ. Mặc dù điều kiện vật chất của ông rất ít ỏi, nhưng tinh thần của ông thật là sung mãn. Tôi tin rằng tất cả các truyền thống tôn giáo của chúng ta đều có khả năng để tạo ra những con người tốt”. Chuyển sự quan tâm của mình đối với Phật Giáo, Ngài giải thích về cách truyền thống Pali đại diện cho các giáo lý nền tảng được thể hiện trong Tứ Diệu Đế và Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo như thế nào. Trong số này có bốn Chánh niệm; và Ngài đề cập đến sự “Chánh niệm về Thân” liên quan đến sự hiểu biết bản chất của khổ đau - Khổ Đế. “Chánh niệm về Thọ” liên quan đến sự hiểu biết về nguồn gốc của đau khổ - Tập Đế. “Chánh niệm về Tâm” liên quan đến sự chấm dứt đau khổ - Diệt Đế, trong khi “Chánh niệm về Pháp” tương ứng với sự hiểu biết về con đường - Đạo Đế.
Báo cáo rằng bác sĩ khoa tâm thần Aaron Beck đã nói với Ngài rằng, cảm giác của chúng ta về những tiêu cực hoàn toàn đối với đối tượng mà ta nổi giận; hoặc sự thổi phồng lên đối với đối tượng mà ta ưa thích…, nhưng 95% của điều này là do sự ảo tưởng cường điệu của tâm thức chúng ta. Ngài nói rằng điều này tương ứng với những gì mà Ngài Long Thọ đã nói. Ngài trích dẫn một câu Kệ trong bộ luận “Trí Tuệ cơ bản” của Ngài Long Thọ:
Nhờ đoạn trừ phiền não và nghiệp báo, ta đạt được Diệt Đế.
Nghiệp báo và phiền não phát sinh từ những suy nghĩ về khái niệm.
Các niệm tưởng này đến từ sự cường điệu hay ngụy tạo của tâm thức.
Sự ngụy tạo này chỉ chấm dứt nhờ vào sự hiểu biết Tánh Không.
Ngài nhận xét rằng cũng giống như vật lý lượng tử khẳng định rằng, không có gì tồn tại một cách khách quan, mọi thứ không tồn tại như cách mà chúng xuất hiện. Một lần nữa Ngài lại trích dẫn từ “Trí tuệ cơ bản”:
Những gì phát sinh từ những nhân duyên,
Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là một pháp nhân duyên,
Thì chính nó là con đường Trung đạo.
Vì chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không.
Khi hiểu được rằng không có gì vốn dĩ tồn tại cố hữu, sẽ có tác dụng nới lỏng bớt cảm giác của chúng ta về sự tham luyến chấp thủ. Đây là một ví dụ về cách khẳng định mang tính triết học của các bậc Thầy Nalanda đã được thực hiện không chỉ vì lợi ích của riêng nó. Sự hiểu biết rõ ràng hơn về sự thật sẽ là vũ khí giúp chúng ta có thể sử dụng để giải quyết các cảm xúc phiền não của mình. Bên cạnh đó, lòng vị tha sẽ giúp chúng ta đối trị được thái độ ích kỷ của mình.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại TT tổ chức sự kiện Coors ở Boulder, Colorado vào ngày 23, 2016. Ảnh / Tsering Choney |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng chúng ta phải sử dụng trí thông minh của mình để chuyển hóa cảm xúc của chúng ta. Nếu ta là Phật tử, thì cần phải là người Phật tử của thế kỷ 21, có nghĩa là chúng ta cần phải học hỏi và nghiên cứu.
“Tôi đã gần 81 tuổi rồi, nhưng tôi vẫn xem mình là một học trò của các bậc thầy vĩ đại. Người Tây Tạng chúng tôi có một câu châm ngôn rằng, khi nào bạn vẫn chưa đạt đến Phật quả thì việc học hành của bạn vẫn chưa hoàn tất”.
Về “Tám bài Kệ Luyện Tâm”, Ngài nói rằng, tác giả Geshe Langri Thangpa thuộc truyền thống Kadam, noi theo Dipamkara Atisha - người có ảnh hưởng rộng rãi đối với Phật giáo Tây Tạng qua tác phẩm “Đèn soi Nẻo Giác” của mình. Ngài đã sáng tác tác phẩm này thể theo yêu cầu của một Vị Vua Tây Tạng. Thuộc dòng truyền thừa có nguồn gốc từ các kinh điển Phật giáo Ấn Độ, nguồn trực tiếp cho bản văn này chính là “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Tịch Thiên. Tác phẩm này thì lại được xuất phát từ lời hướng dẫn của Ngài Long Thọ qua “Vòng Hoa Báu” và “Bình luận về Bồ Đề Tâm” của Ngài. Và Kinh Hoa Nghiêm chính là nguồn kinh điển của Ngài Long Thọ.
Ngài tán thành việc suy nghĩ về chữ “tôi” của bài Kệ đầu tiên. Ngài nhắc lại rằng, Vị Sufi mà Ngài đã gặp tại một Hội nghị tôn giáo đã nói rằng tất cả các truyền thống tôn giáo đều cố gắng để trả lời ba câu hỏi: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Và tôi sẽ đi về đâu? Ngài nhận xét rằng, người Phật tử không chấp nhận có một cái “ngã” độc lập, nhưng chỉ là một sự định danh dựa trên cơ thể và tâm thức.
Ngài tiếp tục đọc bản kinh; ghi nhận rằng bài Kệ thứ hai liên quan đến sự khiêm nhường, bài Kệ thứ ba với việc áp dụng sự đối trị cho những cảm xúc tiêu cực và bài Kệ thứ tư đề cập đến việc trân quý những người luôn tỏ ra khó chịu đối với mình. Bài Kệ thứ năm liên quan đến việc thực hành pháp “cho và nhận”, trong khi bài thứ sáu giải thích rằng kẻ thù của chúng ta có thể là những bậc Thầy vĩ đại nhất của chúng ta. Bài Kệ thứ bảy liên quan đến một khía cạnh khác của sự “cho và nhận”, trong khi hai pháp thực hành được khuyên trong bài Kệ cuối cùng: đảm bảo rằng sự thực hành của chúng ta không bị ô nhiễm bởi tám mối bận tâm của thế gian; và xem sự xuất hiện của mọi thứ vốn dĩ chỉ tồn tại như một ảo ảnh.
Thành viên của khán giả hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi nói chuyện của Ngài tại TT tổ chức sự kiện Coors ở Boulder, Colorado vào 23, tháng 6, 2016. Ảnh / Glenn Asakawa / CU Boulder |
Ngài kết thúc bài giảng của mình bằng cách hướng dẫn cho Hội chúng thực hiện một buổi lễ ngắn gọn về nghi thức Phát Bồ Đề Tâm liên quan đến việc tụng 3 lần bài Kệ đầu tiên trong “Tám Bài Kệ Luyện Tâm”. Tiếp theo đó, Ngài ban khẩu truyền về các Thần Chú của Đức Phật, Ngài Quán Thế Âm, Đức Văn Thù và Thánh Tara.
Sau khi dùng cơm trưa xong, Ngài quay trở lại khán đài để thực hiện buổi nói chuyện với công chúng. Vì cả 9000 khán giả cần thời gian để đi vào bên trong và ngồi vào chỗ của mình, cho nên Ngài đã trả lời một số câu hỏi từ phía khán giả. Khi được hỏi về mục đích cuộc sống của con người, Ngài đã trả lời đó chính là “hạnh phúc”. Trong khi khẳng định rằng mình không có kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ em để trở nên từ bi hơn; Ngài gợi ý rằng, bố mẹ nên thể hiện tình yêu thương dành cho các cháu nhiều hơn nữa. Mặc dù đã quen với việc có thông dịch viên cho những buổi nói chuyện của mình, nhưng có vài người, lúc bắt đầu thường hỏi Ngài bằng phương tiện truyền đạt. Ngài nói rằng, hiện nay nền giáo dục không truyền tải đầy đủ các phẩm chất đạo đức, vì vậy, chúng ta phải tìm cách để kết hợp các nguyên tắc đạo đức vào trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Những giá trị con người như thế sẽ được rút ra từ ý thức chung, từ những kinh nghiệm phổ quát của chúng ta và từ những sự phát hiện của khoa học.
Ngài tiếp tục nói về chủ đề này, nhắc lại sự cần thiết đối với sự nhiệt tâm nhân hậu và lòng từ bi. Ngài lưu ý rằng chúng ta đang rất phụ thuộc lẫn nhau đến nỗi sự lợi ích của riêng chúng ta sẽ liên quan đến toàn bộ nhân loại. Ngài nói rõ ràng rằng, niềm hy vọng thật sự nằm ở thế hệ này - những người dưới 30 tuổi thuộc về thế kỷ 21. Nếu họ bắt đầu ngay bây giờ để học hỏi từ quá khứ và định hình một tương lai khác, thì vào cuối thế kỷ này, thế giới sẽ có thể là một nơi yên bình hơn hạnh phúc hơn.
Ngài kết luận:
“Nếu những điều tôi nói có chút ý nghĩa nào đối với quý vị, thì xin hãy suy nghĩ thêm về nó! Hãy thảo luận với bạn bè của quý vị và cố gắng đưa nó vào áp dụng cho có hiệu quả. Đôi khi tôi trêu chọc những người phụ nữ trẻ, đã phải đi xa như thế để làm cho mình trở nên thật đẹp, thoa những loại mỹ phẩm thật cẩn thận như thế và v.v. Nhưng điều quan trọng là, trong khi bề ngoài trông thấy đẹp thì cũng tốt - nhưng quan trọng hơn cả vẫn là vẻ đẹp bên trong của việc có một trái tim ấm áp”.
Khán giả đã vỗ tay và reo hò khi Ngài vẫy chào chia tay họ. Ngày mai Ngài sẽ đi đến Indiana.