Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ, ngày 9 tháng 8 năm 2016 - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe từ nơi cư trú của mình ở Choglamsar đến Thiksey. Trên đường đi, Ngài đã dừng lại một thời gian ngắn ở làng Shey để ban phước gia trì cho một bảo tháp tưởng niệm mới. Ngài đã được tiếp đón ngay tại sân thuyết giảng của Tu viện Thiksey bởi Thiksey Rinpoche - Viện trưởng của Tu viện và là hiện thân tái sinh thứ 9 của Jangshem Sherab Zangpo - một đệ tử của Je Tsongkhapa. Thiksey Rinpoche đã học tại Tu viện Drepung ở Tây Tạng từ năm 1953 đến năm 1959.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang cầm một huy chương do Thiksey Rinpoche kính tặng cho Ngài trong dịp Lễ Sinh Nhật lần thứ 81 của Ngài tại Tu viện Thiksey ở Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 9, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Ngài đã được mời đến Tu viện Thiksey để khai mạc Đại Hội Nghị Tôn giáo Mùa Hạ (Yarchö Chenmo) lần thứ Tư đang được tổ chức từ ngày 09 đến ngày 22 tháng Tám. Đại Hội Nghị đầu tiên như thế đã được tổ chức vào năm 2012 và Ngài đã khuyên rằng Đại Hội Nghị này nên trở thành một sự kiện thường niên. Chư Tăng Ni từ mọi truyền thống, các em học sinh từ hai mươi trường ở Leh đều tham gia, cũng như các thành viên của công chúng cũng đều tham dự vào Đại Hội Nghị năm nay.
Trước khi bước vào Giảng đường vừa mới được xây dựng, cùng tháp tùng là Ngài Ganden Tripa, Rizong Rinpoche và Thiksey Rinpoche, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cắt dải băng ở cửa để biểu thị sự Khánh thành trong khi những lời cầu nguyện Cát Tường được trì tụng. Sau khi an tọa trên Pháp tòa phía bên trong dành cho mình, Ngài đã được Thiksey Rinpoche dâng tặng một huy chương nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 81 của Ngài. Thiksey Rinpoche, Tiến sĩ Sonam Dawa - Ủy viên Giám đốc điều hành của Hội đồng Phát triển Miền núi Tự trị Ladakh, Sheikh Javed của cộng đồng Hồi giáo Shia, Molvi của cộng đồng Hồi giáo Sunni, Tsering Dorjee - Bộ trưởng tiểu bang Jammu & Kashmir, và Ganden Tri Rinpoche đã phát biểu với Hội chúng. Giữa những bài phát biểu của họ, các nhóm sinh viên cũng như Chư Tăng Ni đã tham gia vào các cuộc tranh luận. Ngài đã được thỉnh cầu lên trao giấy chứng nhận và huy chương cho Thiksey Rinpoche để đánh dấu sự biết ơn của mọi người dành cho Thiksey.
Ngài mở đầu nhận xét của mình bằng sự quan sát rằng, là con người - tất cả chúng ta về cơ bản đều giống nhau. Thật không may, chúng ta đã tạo ra nhiều vấn đề rắc rối cho chính mình bằng cách đặt nặng về những sự khác biệt thứ yếu giữa chúng ta như chủng tộc, màu da, tôn giáo, hay giàu - nghèo .... Điều quan trọng hơn nhiều đó là chúng ta đều như nhau.
Một quang cảnh ở sân thuyết giảng – với Tu viện Thiksey ở phía sau - khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tuyên bố khai mạc Đại Hội Nghị Tôn Giáo mùa Hạ lần thứ Tư ở Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 9, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
“Những ngày này, thế giới đang chứng kiến những thảm họa thiên nhiên thường xuyên hơn. Chúng tôi đang bổ sung thêm cho những vấn đề rắc rối này bằng sự chấp nhận một thái độ tiêu cực. Điều này có thể hiểu được nếu chúng ta là những động vật; nhưng chúng ta là những con người thông minh với khả năng phân biệt điều gì là hữu ích, điều gì không. Chỉ bằng cách mở rộng sự giúp đỡ lẫn nhau thì chúng ta sẽ có thể làm cho thế kỷ 21 này trở nên một kỷ nguyên hạnh phúc”.
Quan sát về điều đáng buồn khi mà tôn giáo trở thành nguyên nhân của sự xung đột trên thế giới, Ngài nói:
“Tất cả các tôn giáo đều dạy về tình yêu thương, lòng từ bi, sự tha thứ và hạnh bao dung, vì vậy không hề có cơ sở cho sự xung đột giữa các tôn giáo. Là một tu sĩ Phật giáo, tôi đã có nhiều năm cố gắng để thúc đẩy sự hiểu biết và hòa hợp tôn giáo. Vì chúng ta có rất nhiều điểm chung trong sự thực hành, cho nên chúng ta cần phải tôn trọng lẫn nhau.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Lễ Khai Mạc Đại Hội Nghị Tôn Giáo Mùa Hè lần thứ Tư tại Tu viện Thiksey ở Ladakh, J&K, Ấn độ vào 9, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
“Tại Ladakh này, tôi rất vui khi thấy rằng các Phật tử và người Hồi giáo có những mối quan hệ rất tốt và cùng chung sống với nhau trong hòa bình; và người Hồi giáo Shia và Sunni cũng sống hòa thuận với nhau. Đây là điều rất quý giá của Ladakh mà quý vị cần phải giữ gìn. Đó là kho báu mà những vùng khác của Ấn Độ và thế giới nói chung có thể chiêm ngưỡng. Quý vị đã thể hiện được một tấm gương điển hình rằng một cộng đồng đa tôn giáo có thể sống chung với nhau - đó chính là sự hòa bình và hòa hợp”.
Phát biểu riêng với Phật tử, Ngài nói:
“Cho dù có trở thành một Phật tử hay không - đó là sự lựa chọn của quý vị; nhưng nếu như quý vị đã chọn, thì nên trở thành một Phật tử của thế kỷ thứ 21. Quý vị nên nghiên cứu và tìm hiểu việc trở thành người Phật tử có nghĩa là gì. Chỉ có niềm tin mù quáng không thôi thì không đủ”.
Ngài kêu gọi Chư Tăng nên học tập chăm chỉ, khuyên họ nên sử dụng logic và tranh luận như một công cụ để mở rộng sự hiểu biết của mình, nhấn mạnh rằng đây không phải là lời khuyên mới mẻ, mà là điều mà Ngài đã từng nói trong gần 60 năm qua. Chúng tôi cũng khuyến khích họ không nên có một tư tưởng hẹp hòi, mà hãy mở rộng tầm nhìn của mình.
Sau bữa trưa, Ngài trở lại hội trường của Thiksey để trả lời câu hỏi từ những thính giả trong số 350 học sinh đến từ Leh. Một học sinh từ Trường Jamyang đã hỏi cách làm thế nào chúng ta có thể đạt được sự hòa bình thực sự trong khi có quá nhiều bạo lực trên thế giới. Ngài trả lời rằng, chúng ta phải nhớ rằng, bất chấp sự khác biệt - chẳng hạn như - về chủng tộc hay tôn giáo; chúng ta đều là những con người như nhau. Nếu ta đặt nặng vào sự khác biệt thứ yếu, thì sẽ tạo ra rào cản giữa chúng ta. Thay vào đó - chúng ta phải nhớ đến những điểm mà chúng ta có chung với nhau. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc, và cũng giống như chúng ta không muốn đến sự tác hại, thì ta cũng không nên làm hại đến người khác. Cho dù chúng ta có đức tin tôn giáo hay không thì chúng ta cũng đều là con người.
Một thành viên của khan giả hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một câu hỏi trong phần giao lưu của Ngài với 350 sinh viên ở Tu viện Thiksey tại Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 9, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
“Các nhà khoa học đã chứng minh rằng sự sợ hãi và tức giận liên tục sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta. Họ cũng đã tìm ra bằng chứng cho thấy rằng tính chất cơ bản của con người là từ bi. Khi tôi biết được điều này, nó đã cho tôi hy vọng lòng tự tin thật sự. Nếu như tính chất cơ bản của con người chúng ta là sự sân giận thì sẽ không có hy vọng. Thật không may, giáo dục hiện nay có xu hướng tập trung vào các mục tiêu bên ngoài. Nhưng nếu mục đích của sự giáo dục là tạo ra con người khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn, thì nó cũng nên tập trung vào tấm lòng nhân ái. Đây là ý nghĩa phổ quát”.
Khi được hỏi học sinh có thể làm gì khi phải đối mặt với những chướng ngại trong sự học hỏi nghiên cứu của họ, Ngài nói rằng đây không phải là điều bất thường. Ngài cho biết rằng vào lúc 6-7 tuổi, Ngài đã không quan tâm đến việc học tập. Sự thiếu nhiệt tình này của Ngài là do lúc đó Ngài không biết giá trị của sự giáo dục; và đó là một trở ngại.
Ngài nhớ lại “Anh trai tôi và tôi học cùng nhau. Gia sư của tôi giữ hai cây roi. Một cây roi thường dành cho anh trai tôi; và một cây roi màu vàng - cây 'roi thánh' - dành cho tôi. Tuy nhiên, tôi biết rằng sự ‘đau thánh’ cũng sẽ tồi tệ như đau thông thường, do đó, để bắt đầu với nó, tôi phải chú tâm đến việc học của mình bởi vì nỗi sợ hãi về cây roi. Tuy nhiên, cuối cùng, tôi cũng đã hiểu được giáo dục là quan trọng đến cỡ nào”.
Ngài khuyên các sinh viên rằng, khi họ cảm thấy căng thẳng, thì họ nên thư giãn. Ngài nói rằng điều quan trọng là không nên học quá lâu trong một lần, mà phải nghỉ ngơi xen kẻ vào khoảng giữa hai thời học. Ngài nói với họ rằng, Ngài Tịch Thiên dạy rằng, khi con đang học tập một cách quá nghiêm trọng và trở nên kiệt sức, thì điều quan trọng là con nên nghỉ ngơi một chút.
Ngày mai, Ngài sẽ dạy về “Đèn Soi Nẻo Giác” của Ngài Atisha và “Bình luận về Bồ Đề Tâm” của Ngài Long Thọ.