Sacramento, CA, Hoa kỳ, ngày 20 tháng 6 năm 2016 - Rời khỏi Los Angeles sáng nay dưới ánh nắng rực rỡ, vào một ngày dài nhất trong năm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bay tới thủ phủ bang California ở Sacramento. Từ phi trường Ngài đi xe tới ngôi Biệt Thự Leland Stanford, tòa nhà mà ban đầu thuộc về người sáng lập của trường Đại học Stanford; và bây giờ là trung tâm tiếp nhận chính thức của nhà nước. Ngài đã được vợ chồng Thống đốc Jerry Brown cung đón. Họ cùng tham gia bữa trưa với Chủ tịch Thượng viện Tempore Kevin De Leon, Chủ tịch Hạ Nghị Viện Anthony Rendon với vợ của ông, và Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn.
Thánh Đức ĐLLM vẫy tay với những người ủng hộ và các nhà thiện nguyện khi Ngài đến Trụ sở Cơ quan Lập pháp ở Sacramento, California vào 20 tháng 6, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Từ ngôi Biệt Thự ở Leland Stanford đi xe một đoạn ngắn là đến Trụ sở Cơ quan Lập pháp của Tiểu bang. Người dân Tây Tạng trong trang phục truyền thống, cầm cờ Tây Tạng và biểu ngữ cung đón, tập hợp với số lượng đông đảo để cổ vũ khi Ngài quang lâm. Ngài xá chào và vẫy tay với họ từ những bậc thang của Trụ sở Cơ quan Lập pháp.
Chủ tịch Hạ viện tiểu bang California triệu tập một cuộc hội nghị chung và mời Rinban Bob Oshita của Giáo hội Phật giáo Sacramento, ở một ngôi đền Jodo Shinshu, để hướng dẫn sự cầu nguyện trong ngày. Một ủy ban được bổ nhiệm để hộ tống Ngài đến diễn đàn. Chủ tịch Hạ Viện giới thiệu Chủ tịch Thượng nghị viện Tem - người đã giới thiệu Đức Đạt Lai Lạt Ma với Hội nghị chung. Ông mô tả nguồn gốc khiêm tốn của Ngài và cách mà trong thời cận đại này Ngài đã nhận được những giải thưởng như giải Nobel Hòa bình trong sự thừa nhận về bức thông điệp nhất quán của Ngài về hòa bình, bất bạo động, lòng từ bi và sự hòa hợp giữa các tôn giáo, cũng như mối quan tâm của Ngài đối với môi trường tự nhiên của chúng ta. Ông nói rằng Hội nghị đã có lời cám ơn Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn vì đã thỉnh Ngài quang lâm để nói chuyện với họ, lưu ý rằng trong những thời điểm bất ổn này thì không phải cuộc sống xa xỉ là điều cần thiết đối với chúng ta mà chính tình yêu thương và lòng từ bi mới là nhu cầu cần thiết đối với mọi người.
Ngài bắt đầu bằng cách đôn đốc mọi người ngồi xuống và cười khi Ngài giải thích rằng Ngài không thích vấn đề hình thức.
Ngài nói: "Kính thưa Chủ tịch Thượng nghị viện và Chủ tịch Hạ Viện! Thưa anh chị em thân mến! Về cơ bản chúng ta đều là một phần của nhân loại, cùng thuộc về gia đình nhân loại. Về mặt tinh thần, thể chất và tình cảm chúng ta đều như nhau. Là động vật xã hội, chúng ta cần có sự ý thức về cộng đồng, do đó chúng ta cần phải suy nghĩ về sự hạnh phúc toàn cầu của chúng ta. Chăm sóc bản thân là điều hết sức tự nhiên; nhưng là động vật xã hội - cách tốt nhất để chăm sóc bản thân là hãy chăm sóc lẫn nhau. Trong bối cảnh mà tất cả chúng ta đều là những con người như nhau thì sự khác biệt về đức tin, chủng tộc hay quốc tịch đều là điều thứ yếu.
"Chúng ta được sinh ra cùng một cách và cũng sẽ chết đi theo cùng một cách. Sau khi chúng ta được sinh ra, tình cảm của người mẹ là điều cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta. Tình cảm chúng ta được tận hưởng sau đó là một nguồn an toàn cho phần còn lại trong quảng đời của mình. Những phát minh của khoa học đã cho thấy rằng tính chất cơ bản của con người là từ bi. Đây là một nguồn hy vọng, điều này sẽ không tồn tại nếu bản chất cơ bản của chúng ta là sự tức giận. Bởi vì chúng ta có hy vọng rằng chúng ta có thể nghĩ đến việc tạo ra một thế giới hòa bình hơn, hạnh phúc hơn. Hòa bình trên thế giới chỉ có thể xảy ra trên cơ sở của sự bình an nội tâm. Việc đưa đến một cuộc sống hạnh phúc hay không còn phụ thuộc vào tâm trí của chúng ta có được yên bình hay không. Cơ sở vật chất phong phú của mình không đảm bảo chắc chắn rằng nó sẽ mang lại cho mình sự hạnh phúc; trong khi đó, một người - tuy là nghèo khó nhưng sẽ được hạnh phúc nếu họ được bao quanh bởi những tình cảm thương yêu. Chúng ta cần phải chú ý hơn đến những giá trị bên trong, đó là chìa khóa cho hạnh phúc của chúng ta”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với Hội nghị Tiểu bang ở Sacramento, California vào 20 tháng 6, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Khi nói đến những mối quan hệ giữa các truyền thống tôn giáo lớn của chúng ta, Ngài nói rằng, tất cả đều có tiềm năng để tạo ra những con người từ bi hơn. Ngài giải thích rằng, là động vật xã hội, chúng ta có một khả năng tự nhiên của lòng vị tha; và là con người, chúng ta có thể sử dụng trí thông minh của mình để mở rộng nuôi dưỡng khả năng ấy của lòng vị tha để ôm ấp yêu thương tất cả chúng sinh. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng, cam kết đầu tiên của Ngài là để thúc đẩy sự nhận thức về giá trị của con người như là một nguồn hạnh phúc lâu dài.
Về cam kết thứ hai của mình, Ngài mô tả đó là làm việc để thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo - điều mà Ngài đã thấy hưng thịnh ở Ấn Độ - nơi Ngài đã sống trong hơn năm thập kỷ. Ngài nói - vấn đề thường xuyên bùng lên mà chỉ được mong đợi trong số hơn 1 tỷ người. Mặc dù có những người ngày nay cho rằng người Hồi giáo chỉ là về mặt quân sự và bạo lực; tuy nhiên Ngài nói rằng - Ngài có nhiều bạn bè Hồi giáo là những người rất tuyệt vời. Ngài nhắc lại rằng, có bằng chứng rõ ràng ở Ấn Độ là tất cả các tôn giáo của chúng ta đều có khả năng để tạo ra những con người tốt. Và cách mà tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đã sống chung bên cạnh nhau ở đó trong hơn một ngàn năm qua là một ví dụ điển hình cho cả thế giới có thể học hỏi.
Ghi nhận rằng California cũng là một xã hội đa văn hóa đa sắc tộc, Ngài thúc giục các nhà lập pháp hãy xem xét cách làm thế nào để đảm bảo sự tôn trọng và hiểu biết giữa các truyền thống tôn giáo. Ngài cũng thừa nhận những nỗ lực đặc biệt của California đã thực hiện liên quan đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
"Chúng ta phải bảo vệ hành tinh này", Ngài nói, "bởi vì nó là ngôi nhà duy nhất của chúng ta. Mặt trăng treo lơ lững đẹp mắt trên bầu trời đêm, nhưng đó không phải là một nơi mà chúng ta có thể sống thoải mái được”.
Ngài tiếp tục quan sát rằng, vì giáo dục hiện nay có mục tiêu chủ yếu về vật chất, cho nên bị thiếu đi một phần tương ứng về giá trị của con người hay giá trị nội tại. Ngài đề nghị một giải pháp là tìm phương pháp phổ quát hơn đối với các giá trị của con người và có thể thu hút tất cả mọi người mà không bị giới hạn đối với đức tin này hay là tôn giáo nọ. Có một nhu cầu cần thiết đối với những gì mà Ngài đề cập đến như là đạo đức thế tục. Từ “thế tục” ở đây không có nghĩa là bác bỏ tôn giáo, mà “thế tục” như được hiểu ở Ấn Độ. Ở đây, nó ngụ ý là sự tôn trọng không thiên vị đối với tất cả các truyền thống tôn giáo. Ngài giới thiệu sự kết hợp của đạo đức thế tục vào hệ thống giáo dục - điều mà Ngài kêu gọi các nhà lập pháp phải thực hiện một cách nghiêm túc.
Thánh Đức ĐLLM với các thành viên của cơ quan lập pháp sau lời phát biểu của Ngài tại Hội nghị Tiểu bang ở Sacramento, California vào 20 tháng 6, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
"Hòa bình thực sự trên thế giới phụ thuộc vào việc chúng ta có sự bình an trong tâm hồn hay không. Nếu chúng ta chứa đầy sự sân giận trong tâm thì làm sao ta có thể mong đợi mang lại hòa bình cho thế giới? Ở đất nước này có đề cập về việc kiểm soát súng ống; nhưng sự kiểm soát súng ống thực sự phải được bắt đầu ở đây - ngay trong trái tim này của chúng ta với sự tôn trọng nhiều hơn đối với cuộc sống và quyền lợi của những người khác. Để đạt được hòa bình, chúng ta cần một thế giới phi quân sự; và để đạt được giải trừ vũ khí bên ngoài, chúng ta phải bắt đầu với sự giải trừ vũ khí bên trong tâm thức của chúng ta.
“Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong thế giới của mình. Có quá nhiều sự giết chóc do nhân danh tôn giáo là điều không thể tưởng tượng được. Vì con người chúng ta gây ra những vấn đề này, cho nên chúng ta cũng phải có trách nhiệm để giải quyết chúng. Trong thế kỷ 20, chúng ta đã cố gắng để giải quyết vấn đề của chúng ta bằng vũ lực; nhưng bây giờ, trong sự liên kết hơn của chúng ta trong bối cảnh thế giới toàn cầu, việc sử dụng vũ lực đã trở nên lỗi thời. Trong thế kỷ 21, một giải pháp thích hợp cho các vấn đề, đó chính là sự đối thoại, gặp gỡ nhau và bàn luận mọi vấn đề thông qua phương pháp mặt đối mặt.
“Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy rằng mỗi cá nhân không thể làm được gì nhiều; tuy nhiên, nhân loại được tạo thành từ các cá nhân; chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt. Là những cá nhân, chúng ta có thể ảnh hưởng đến gia đình riêng của mình. Gia đình riêng của mình có thể ảnh hưởng đến cộng đồng của chúng ta; và cộng đồng của chúng ta có thể ảnh hưởng đến các quốc gia của chúng ta. Bất cứ nơi nào tôi có thể, tôi đều nói về những điều này! Bởi vì là con người - chúng ta có thể làm việc cùng nhau để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Xin cảm ơn quý vị!”
Trước khi rời khỏi khán đài, Ngài nói thêm rằng, từ lâu, Ngài đã coi Hoa Kỳ là quốc gia hàng đầu của thế giới tự do. Trong bối cảnh đó, California không những chỉ là một trong những bang lớn nhất của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ, mà còn được ngưỡng mộ trên toàn thế giới như là một địa điểm chính của sự đổi mới. Do đó Ngài kêu gọi các nhà lập pháp hãy xem xét và hỗ trợ cho sự thay đổi sáng tạo đối với nền giáo dục, điều đó có thể đưa đến sự xuất hiện của hạnh phúc và hòa bình cho tất cả mọi người.
Trong đoạn cuối của bài diễn văn đã được chuẩn bị sẵn sàng, Ngài nói:
“Đã đến lúc phải thực hiện các bước cụ thể để mang lại một sự cải cách thực sự trong phương pháp mà chúng ta giáo dục các thế hệ tương lai của mình. Chúng ta cần kết hợp cả một nền giáo dục của tâm trí với một nền giáo dục của con tim để cho trẻ em của chúng ta khi lớn lên sẽ là những người có tinh thần trách nhiệm, chăm sóc cho công dân có được sự trang bị để đối phó với những thách thức của thế giới ngày càng toàn cầu hóa hiện nay”.
Ngài đã được hộ tống vào Phòng Thượng viện - nơi Ngài chụp ảnh chung với các thành viên của cơ quan lập pháp. Ngài đã gặp những người khác trong một buổi tiếp tân ngắn ở phòng lớn hình tròn của trụ sở cơ quan lập pháp trước khi ra sân bay để bay đến Thành phố Salt Lake - nơi nhiều người Tây Tạng đang chờ đợi để chào đón Ngài. Chiều mai, Ngài sẽ nói chuyện với công chúng về “Từ Bi và Trách nhiệm Toàn cầu” tại Đại học Utah.