Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, ngày 01 tháng sáu, năm 2016 - tại Tsuglagkhang - ngôi Chùa chính của Tây Tạng - và khoảnh sân xung quanh hôm nay đã được bao kín bởi 10.000 người cho ngày đầu tiên trong đợt thuyết Pháp cho công chúng kéo dài ba ngày của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Họ bao gồm 2500 học sinh từ TCVs Thượng và Hạ (Làng Trẻ em Tây Tạng Thượng và Hạ), cũng như các em học sinh từ lớp 10-12 đến từ các Làng Trẻ em Tây tạng ở Gopalpur, Suja, Selakui và Chauntra. Ngoài ra còn có các em sinh viên được mời đến từ các Trường (chuyển tiếp) Sherab Gatsel Ling, Trường Men-tsee-khang và Sarah. Họ được tham gia cùng với 600 sinh viên đại học, khoảng 2000 người nước ngoài đến từ 66 quốc gia và 5.000 thành viên khác của công chúng Tây Tạng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào mừng các học sinh khi Ngài bắt đầu chuyến thuyết giảng của mình cho thanh thiếu niên Tây Tạng ở ngôi Chùa chính Tây Tạng tại Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 01 tháng 6, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Sự kiện này được tổ chức bởi Trường Làng Trẻ em Tây Tạng và Nhóm Nghiên cứu Phật giáo Sơ khởi tại địa phương. Khi vừa xuất hiện qua cánh cổng từ nơi cư trú của mình, Ngài đã nhận được sự cúng dường 'Chema Changpu' theo truyền thống. Lối đi bên trong giữa sân có 40 em học sinh nữ Tây Tạng đứng xếp hàng, mỗi em đều cầm hương và những đóa hoa trong tay, họ cùng ca bài hát của trường, và hộ tống Ngài đến cửa của Chánh điện. Ngài đảnh lễ Tượng Phật và chào đón một số vị Tăng sĩ trước khi an tọa trên Pháp Tòa của mình.
Bát Nhã Tâm Kinh đã được tụng bằng tiếng Tây Tạng, tiếp theo đó là những bài Kệ kính lễ Đức Phật. Các thành viên của Nhóm Nghiên cứu Phật giáo Sơ khởi tại địa phương - chủ yếu là các Vị Cư Sĩ - đã thực hiện các kỹ năng tranh luận của họ và tiếp theo đó là các sinh viên đến từ Trường Sherab Gatsel Ling.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu bằng cách giải thích rằng mặc dù nó đã trở thành thường lệ để duy trì sự thuyết giảng hàng năm này tại Trường Làng Trẻ em Tây tạng Thượng, nhưng năm nay đã quyết định giảng tại Tsuglagkhang để được thuận tiện hơn. Ngài bày tỏ sự vui mừng rằng, sau nhiều thế kỷ, phép biện chứng và tranh luận vốn dĩ chỉ được bảo tồn duy nhất tại các tu viện - thì ngày nay - việc sử dụng các phương pháp ấy giữa các sinh viên và những Cư Sĩ khác đã được bén rễ. Ngài cũng nhận xét rằng, việc học các môn như toán học thì ít có tác dụng phát triển nội tâm của chúng ta; trong khi đó - nếu chúng ta nghiên cứu những điều Đức Phật dạy thì ta sẽ đạt được sự thuyết phục cần thiết để chuyển hóa tâm thức của mình. Ngài đề cập rằng đã có một số áp dụng về tranh luận trong các trường học vào những ngày đầu lưu vong, nhưng nó đã phai nhạt dần. Bây giờ điều ấy đã được hồi sinh, Ngài đã đề nghị nên xem những Vị giảng dạy môn này như những giảng viên Triết học chứ không phải là các Vị Thầy tôn giáo.
“Là con người, chúng ta có một bộ não và trí tuệ tuyệt vời giúp ta có khả năng khám phá và tìm hiểu các sự vật, hiện tượng như thế nào”. Ngài nói, “Nhưng điều rất quan trọng là cần phải đưa nó vào sử dụng một cách tích cực. Chúng ta có khoảng 100 cuốn của Kangyur (Kinh tạng) và khoảng 220 cuốn luận thuyết trong Tengyur (Luận tạng). Kangyur chứa những lời dạy của Đức Phật; và mặc dù chúng ta không tìm thấy sự sử dụng rõ ràng của tam đoạn luận và phương pháp logic bác bỏ một luận đề trong đó, nhưng ý nghĩa thì tiềm ẩn nơi đó. Xét cho cùng thì Đức Phật là Bậc duy nhất trong số các vị Thầy tôn giáo về việc khuyến khích các đồ đệ của mình nên nghiên cứu và kiểm chứng về những điều mà Ngài đã dạy chứ không phải chỉ chấp nhận nó theo giá trị bề ngoài.
Thánh Đức ĐLLM thuyết Pháp ngày đầu tiên của đợt giảng dạy 3 ngày của Ngài cho thanh thiếu niên Tây Tạng tại ngôi Chùa chính Tây Tạng ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào ngày 01 Tháng Sáu, 2016. Ảnh / Tenzin Phuntsok / VPĐLLM |
"Sau đó, Ngài Trần Na và Ngài Pháp Xứng đã lập nên logic và nhận thức luận. Các bản văn có liên quan đã được dịch sang tiếng Tây Tạng và vẫn đang được nghiên cứu, nhưng chúng không được dịch sang tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đọc và nghiên cứu những cuốn sách này. Cũng như chẳng có ý nghĩa gì khi có một cuốn sách nấu ăn hay tại nhà, mà chỉ cất giữ nó trên kệ sách thay vì đem nó ra để sử dụng; vì vậy, cũng sẽ chẳng có giá trị gì nếu chỉ để thờ phụng những cuốn Kinh điển trên bàn thờ của bạn, mà không cố gắng để đọc hiểu chúng.
"Kể từ thời của Đức Vua Trisong Detsen, Đạo Sư Liên Hoa Sanh và Ngài Thiện Hải Tịch Hộ; nhân dân Tây Tạng đã có một sự truyền thừa hoàn hảo về Giáo lý của Đức Phật từ những những nguồn được tìm thấy trong truyền thống Pali cho đến Mật Thừa Du Già Tối thượng. Tuy nhiên, sự hiểu biết về những giáo lý này thì hiệu quả hơn nhiều so với chỉ có niềm tin vào đó. Nếu tất cả 6 triệu người Tây Tạng đều có thể nghiên cứu Giáo Pháp một cách rộng rãi, thì đó thực sự sẽ là điều xứng đáng để tự hào, đúng không?”
Ngài quan sát thấy rằng dường như thiếu vắng các nguyên tắc đạo đức trong thế giới ngày nay, điều này ảnh hưởng đến những cá nhân, gia đình và quốc gia. Ngài lưu ý rằng thông điệp cần thiết của các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta là để phụng sự tha nhân, và nói thêm rằng, cho dù chúng ta nhìn vào Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo hay Do Thái giáo, thì mỗi tôn giáo đều đã sản sinh ra các Bậc Hành Giả gương mẫu và chân thành. Lòng nhân hậu không những chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn là tốt cho xã hội. Một nhu cầu thiết yếu cần phải hiểu biết được lợi thế của các nguyên tắc đạo đức và những hạn chế của sự thiếu kỷ luật. Phật giáo - với cái nhìn hoài nghi na ná như khoa học và sự hiểu biết về cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực - sẽ có một sự đóng góp cho thế giới.
"Những phát hiện khoa học cho thấy tính chất cơ bản của con người là từ bi, vì vậy chúng ta còn có hy vọng. Ta có thể thay đổi chính mình và có thể hy vọng sẽ tạo ra một thế giới từ bi hơn. Nhưng chúng ta cần phải có phương pháp phổ quát và toàn diện hơn cho việc giáo dục con tim cũng như giáo dục khối óc. Đây vẫn còn là những năm đầu của thế kỷ 21, nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta thực hiện một sự nỗ lực ngay bây giờ thì chúng ta có thể mong đợi sự thay đổi tích cực trên thế giới trong tương lai. Tôi cảm thấy được khích lệ rất nhiều khi nghe trên đài BBC nói về con số ngày càng tăng của thanh thiếu niên ngày nay tự coi mình là công dân của toàn cầu”.
Một số trong số hơn 3000 sinh viên Tây Tạng tham dự buổi thuyết giảng của Thánh Đức ĐLLM tại Chùa Chính Tây Tạng ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 01 tháng 6, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài cho rằng sự tiến thoái lưỡng nan của Đức Phật (về việc có nên thuyết Pháp hay không) sau khi Ngài đạt được giác ngộ - là bởi vì không ai có thể liễu ngộ được trí tuệ thậm thâm và sự thanh thoát đó. Nhưng sau khi chư Thiên thỉnh cầu Ngài giảng dạy thì Ngài đã đi tìm năm người bạn cũ của mình trong lúc cùng thực hành khổ hạnh và đã giải thích về Tứ Diệu Đế cho họ. Ngài cho họ thấy rằng có thể khắc phục được nguyên nhân của đau khổ (Tập Đế); và rằng nếu bạn đoạn trừ được những nguyên nhân ấy thì bạn sẽ có được sự hạnh phúc miên trường. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét:
"Nếu bạn không muốn đau khổ thì bạn phải loại bỏ nguyên nhân của nó. Đứng đầu trong số đó chính là nghiệp chướng và những cảm xúc phiền não - và chúng bắt nguồn từ vô minh. Bản chất của tâm là sáng suốt và chánh niệm. Vô minh không có phần trong đó; vì vậy đương nhiên là có thể đoạn trừ được. Có thể phát triển sự đoạn trừ thật sự bên trong bạn; và để làm được điều đó thì cần phải trưởng dưỡng ba sự rèn luyện: Giới - Định - Tuệ”.
Sau giờ giải lao ngắn, trong phần thứ hai, trà đã được phục vụ thêm và có tụng phần “Xưng tán 17 bậc Hiền triết Nalanda”, Ngài đề cập đến ba thời kỳ Chuyển Pháp Luân. Ngài chỉ ra rằng trong lần đầu tiên, Tứ Diệu Đế đã được tiết lộ; trong lần thứ hai, Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật đã làm sáng tỏ bản chất của Diệt Đế. Lần Chuyển Pháp Luân thứ ba đã giải thích về Đạo Đế và bản chất của tâm thức.
Về “Cây Niềm Tin - sự Tự Khích Lệ” - bản Kinh mà Ngài sẽ dạy - Ngài nói rằng nó bắt nguồn từ “16 Giọt Kadam”, một Giáo lý đặc biệt xuất hiện từ sự tương tác của các Ngài Atisha, Dromtonpa, Ngok Legpai Sherab, Nagtso Lotsawa và Geshe Kawa tại Yerpa Lhari Nyingpo. Ngok thỉnh cầu Ngài Atisha nói cho họ về những tiền kiếp của Ngài Dromtonpa trong khi Drom bày tỏ sự miễn cưỡng, chỉ lặp đi lặp lại sự thỉnh cầu của ông.
Nhiều trong số hơn 10.000 người tham dự buổi thuyết Pháp của Thánh Đức ĐLLM - đang chờ Ngài xuống cầu thang vào lúc kết thúc ngày đầu tiên tại Chùa Chính Tây Tạng ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 01 tháng 6, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma báo cáo rằng Ngài đã thọ Giáo lý này từ Ngài Ling Rinpoche ở Tây Tạng, và khi Ngài thỉnh cầu Trijang Rinpoche truyền lại cho Ngài một lần nữa, thì Rinpoche đã thực hiện sự nhập thất trước khi truyền cho Ngài. Bản Kinh này được đọc như là một phần của sự quán đảnh. Khi thọ được Giáo lý này Ngài cũng đã thực hành sự nhập thất. Liên quan đến Giáo lý này thì có năm điều cần phải tưởng nhớ: quy y vào bậc Đạo Sư; quán tưởng chính mình là một vị thần; trì niệm Thần chú; phát Bồ đề Tâm và sự hiểu biết về tính Không. Ngài nói rằng khi Ngài truyền quán đảnh ở Nam Ấn vào mùa đông vừa rồi khi kết thúc phần thuyết giảng về Giáo lý “Các giai trình của Đạo giác ngộ” thì lại xảy đến với Ngài trong dịp này được giảng về bản Kinh ấy.
Ngài đọc những bài Kệ đầu tiên trước khi kết thúc trong ngày. Nhận thấy rằng tất cả mọi người đều có bản sao của cuốn sách, Ngài đã khuyến khích các thính chúng hãy đọc lại nó một lần nữa, để suy ngẫm về những gì Ngài đã giải thích và mọi người cùng thảo luận với nhau.
Khi rời khỏi chùa và đi bộ về nơi cư trú của mình, Ngài đã dừng lại thường xuyên để trao đổi đôi lời với các thành viên của khán giả và để bắt tay với họ; hoặc chỉ đơn giản là vẫy tay và mỉm cười. Phần thuyết giảng sẽ được tiếp tục vào ngày mai.