Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, ngày 07 tháng 6, 2016 - Sáng nay, một tập thể thính chúng khoảng 7000 người đang chờ đợi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Tsuglagkhang - ngôi Chùa Chính của Tây Tạng - đối diện với nơi cư ngụ của Ngài. Họ bao gồm 450 người đến từ vùng Hy Mã Lạp Sơn, chủ yếu là người miền Lahaul & Spiti; 350 thành viên của Hiệp hội Thanh niên Phật giáo (YBS), đến từ bang UP, Bihar và Rajasthan; 30 thành viên đến từ Tamil Nadu và 400 người từ các khu vực khác của Ấn Độ. Họ được cùng tham gia với 1700 người nước ngoài đến từ 78 quốc gia, 1500 Tăng Ni Tây Tạng và 3500 thành viên của công chúng Tây Tạng.
Đây là loạt Pháp thoại do các thành viên của Nalanda Shiksha thỉnh cầu và tổ chức. Họ là nhóm bạn bè người Ấn Độ đã từng học tập và nghiên cứu với những bậc Thầy xuất sắc từ tất cả các truyền thống Phật giáo sống động và uy tín. Họ tuyên bố về mối quan tâm đã được công nhận về việc giữ gìn sự sống còn của các pháp hành về Văn - Tư - Tu (lắng nghe - suy ngẫm - thiền định) ở Ấn Độ ngày nay - là một phần không thể thiếu của truyền thống Nalanda. Họ đã có cơ hội tổ chức thỉnh Ngài giảng được bốn lần rồi; - ở Dharamsala vào năm 2012 và 2013, ở Mumbai vào năm 2014 và ở Sankissa vào năm 2015. Thể theo lời thỉnh cầu của họ, Ngài đã thuyết giảng từ hai bộ luận có ý nghĩa của Ấn Độ: “Các Giai tầng Thiền định” của Ngài Liên Hoa Giới và “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên. Nhóm Nalanda Shiksha tuyên bố thực hiện sự cam kết là phụng sự cho tổng thể Phật pháp và các bậc Thầy của các truyền thống uy tín đích thực vì Phật pháp chứ không thiên vị cho bất cứ trường phái nào hay dòng truyền thừa nào cả.
Thánh Đức ĐLLM được dâng tặng các phẩm vật cúng dường truyền thống khi bắt đầu Pháp thoại của Ngài tại Chùa Chính Tây Tạng ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 07 tháng 6, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Sau khi Ngài đã an tọa trên Pháp Tòa, Chư Tăng Ấn Độ của truyền thống Pali đã tụng Kinh Hạnh Phúc bằng tiếng Pali. Tiếp theo, thay mặt cho Nalanda Shiksha, Veer Singh đã thông báo nguyện vọng dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nguyên bộ phẩm vật cúng dường xuất phát từ truyền thống Ấn Độ về lòng hiếu khách, bao gồm nước uống, nước rửa chân, hoa, hương, đèn, nước hoa, thực phẩm và âm nhạc. Những chiếc Khay mang các phẩm vật cúng dường này sau đó đã được mang dâng lên phía trước thành một cuộc diễu hành ngắn. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét:
"Chúng tôi cũng thực hiện những cách cúng dường như thế này trong các nghi lễ Mật thừa. Sự cúng dường này nhắc nhở chúng ta rằng Phật giáo là một truyền thống của Ấn Độ. Và ở Ấn Độ hôm nay chúng ta có cả hai: những người mà Phật giáo là di sản tôn giáo lâu đời của họ; và những người khác đã đón nhận Phật giáo như một tôn giáo mới; trong số đó có những môn đồ của Tiến sĩ Ambedkar.
“Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã sống ở Ấn Độ, và những gì Ngài dạy sau đó đã được bảo trì trong các cơ sở học thuật tuyệt vời như Takshashila, Vikramashila và Nalanda. Khi Hoàng đế Tây Tạng Trisong Detsen thỉnh Ngài Thiện Hải Tịch H ộđến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8, Ngài đã mang truyền thống Nalanda đến Xứ Tuyết. Tây Tạng đã gìn giữ những truyền thống này trong hơn 1.000 năm qua. Chúng tôi có thể nói rằng, về phương diện lịch sử thì người Ấn Độ các bạn đều là những bậc Thầy của chúng tôi, nhưng kể từ đó đến nay, chúng tôi - những đệ tử đã giữ gìn cho truyền thống ấy được sống còn. Vì vậy, trong tôi đã dâng lên một cảm xúc đặc biệt để có thể chia sẻ nó với các bạn ngay lúc này”.
Ngài đề cập rằng, điều mà làm cho Ấn Độ trở nên nổi bật - Xứ sở của các bậc Thánh - là tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ ở đây qua hàng nghìn năm. Có những truyền thống bản địa như truyền thống Số Luận Phái, Kỳ Na Giáo và Phật giáo, và họ cũng đã được tham gia bởi các tôn giáo khác như Zoroastrianism (một tôn giáo do nhà tiên tri nước Ba Tư - Zoroaster khởi xướng), Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Ngài cho biết đây là nơi mà chúng ta có thể tìm thấy được tất cả các truyền thống này sống chung với nhau trong sự tôn trọng lẫn nhau; và như vậy - đây chính là một mô hình mẫu mực cho những người khác noi theo. Ngài quan sát thấy rằng các truyền thống thiền định của Ấn Độ - bao gồm Phật giáo - đều sở hữu những kiến thức cổ đại về các hoạt động của tâm thức và kiến thức ấy tiếp tục có liên quan đến ngày nay và hiện đang rất được nhiều người quan tâm.
Ngài nhấn mạnh rằng, trong khi một số truyền thống tôn giáo hữu thần nhấn mạnh sự tồn tại của một Đấng Tạo Hóa, thì những tôn giáo khác là vô thần đã tập trung vào lý duyên khởi và luật nhân quả. Tuy nhiên, tất cả họ đều truyền tải cùng một thông điệp về tầm quan trọng của tình yêu thương và lòng từ bi, và sự cần thiết phải bảo vệ những phẩm chất này với lòng khoan dung, sự tri túc và tinh thần tự kỷ luật. Đây là những truyền thống đã từng đạt được những lợi ích trong quá khứ, có lợi ích trong hiện tại, và sẽ tiếp tục mang lại những lợi lạc trong tương lai. Họ có thể khẳng định bảo vệ những quan điểm triết học khác nhau, nhưng tất cả đều thúc đẩy việc thực hành của tình yêu thương và lòng từ bi. Vì lý do này, điều quan trọng là chúng ta nên thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo đó.
Thính chúng đang lắng nghe Thánh Đức ĐLLM thuyết giảng tại Chùa Chính Tây Tạng ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 07 tháng 6, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài nói thêm “Giáo lý độc đáo của Đức Phật - Tứ Diệu Đế - được dựa trên luật nhân quả và cuối cùng đưa đến hạnh phúc lâu dài. Ngài khẳng định không hề có sự tồn tại của một Đấng Sáng Tạo nào, và cũng không hề có sự tồn tại cố hữu của một cái “ngã” nào cả. Những vị đến sau thời Đức Phật, như Ngài Long Thọ và Vô Trước và các tín đồ của họ đều đã trước tác nhiều bộ luận giải thích bằng tiếng Phạn. Đúng trình tự đó, những lời của Đức Phật đã được dịch sang tiếng Tây Tạng bao gồm 100 cuốn của Kangyur (Kinh tạng) và các bản dịch của những bộ luận đã lên đến 220 cuốn của Tengyur (Luận tạng).
"Trên cơ sở của những cuốn này mà sự nghiên cứu về khoa học năm ngành chính (Ngũ minh): khoa học nội tại của học thuyết Phật giáo và thực hành (Nội minh), ngôn ngữ (Thanh minh), logic (Nhân minh), y học (Y phương minh) và nghệ thuật và hàng thủ công (Công xảo minh); và Khoa học năm nghành phụ về ngữ pháp và v.v. đã được duy trì. Vị Thầy gia sư của tôi đã dạy tôi ngữ pháp tiếng Phạn, nhưng bây giờ kiến thức này đã hòa tan vào tánh Không rồi”.
Trong thời gian nghỉ giải lao ngắn, Ngài mời thính chúng đặt câu hỏi; và câu hỏi đầu tiên là về cái chết. Ngài nhận xét rằng, sự vô thường đã được đề cập đến trong bài Pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế. Ngài cho biết là có sự vô thường vi tế ngụ ý về sự thay đổi trong từng sát na; và sự vô thường thô hơn đó là những biểu hiện như khi hoa nở - tàn và chết. Ngài nói rằng sẽ rất hữu ích nếu ta luôn suy tư về sự thật của cái chết mỗi ngày như là một phần của sự thực hành tâm linh của mình. Ngài đề cập rằng nó là một phần thói quen của sự thực hành Mật thừa để hình dung quán tưởng quá trình của cái chết, tám giai đoạn tan rã mỗi ngày, điều này có thể phục vụ như là một số sự chuẩn bị cho các sự kiện thực tế. Ngài kết luận:
“Cái chết là một phần của cuộc sống; chúng ta nên chấp nhận điều đó”.
Một người khác hỏi về những pháp phục của Tăng sĩ. Ngài giải thích rằng nói chung là nên có màu xanh, đỏ hoặc vàng, nhưng không được là màu đen hoặc trắng. Màu đỏ là một màu sắc thích hợp hơn cho vùng khí hậu lạnh như ở Tây Tạng, trong khi các nhà sư ở Thái Lan, Sri Lanka và Miến Điện mặc áo cà sa màu vàng nghệ. Dù là màu gì đi nữa, thì Pháp phục phải được thực hiện bằng cách ráp nối những miếng vải lại. Chư Tăng được phép có một bộ Y mà họ có thể xem là thuộc về họ. Nếu họ có nhiều hơn thì họ nên xem chúng thuộc về của cộng đồng. Tương tự như vậy, có 13 vật dụng mà một tu sĩ có thể có và có một thủ tục để ban phước cho những vật dụng ấy.
Liên quan đến mối quan hệ giữa khu vực Hy Mã Lạp Sơn và truyền thống Nalanda, Ngài nói:
"Tôi đã được thọ những giáo lý quan trọng từ những bậc thầy từ khu vực ấy của thế giới. Từ Khunu Lama Rinpoche, tôi nhận được sự trao truyền và giải thích về “Nhập Bồ Tát Hạnh”; và từ Geshe Rigzin Tenpa tôi được nghe “Chuỗi Tràng Hạt Quý Báu” của Je Tsongkhapa. Ngày nay có khoảng 400 Tăng sĩ từ vùng này đang học tập tại tu viện của chúng tôi. Nhiều người trong số họ sẽ trở thành các bậc Thầy.
"Ngài Thế Thân nói rằng, giáo lý của Đức Phật có hai khía cạnh: kinh điển và sự chứng ngộ. Chỉ thông qua nghiên cứu và thực hành thì chúng ta mới bảo vệ được những Giáo lý ấy. Liên quan đến các kinh điển mà đòi hỏi phải ban truyền và lắng nghe những bài thuyết giảng; liên quan đến sự chứng ngộ; có nghĩa là phải tham gia vào sự thực hành của Tam Vô Lậu Học. Những người từ vùng Hy Mã Lạp Sơn nên nghiên cứu và thực hành trong khả năng mà họ có thể. Điều này có nghĩa là không những chỉ có các Tăng Sĩ mà là Chư Ni chúng và quý vị Cư Sĩ Phật tử cũng nên học hỏi nghiên cứu nữa.
"Khi chúng ta nói “Con xin quy y Tam Bảo, thì chúng ta cần phải hiểu Tam Bảo là gì; những nguyên tắc của chúng. Và sự hiểu biết của chúng ta cần phải được hỗ trợ bởi lý luận logic”.
Thánh Đức ĐLLM giảng về “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên tại Chùa Chính Tây Tạng ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 07 tháng 6, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Trở lại với “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên, Ngài lặp lại những điều Khunu Lama Rinpoche đã nói với Ngài rằng, kể từ khi Ngài Tịch Thiện Hộ sáng tác nó vào thế kỷ thứ 8, đã không có tác phẩm nào tuyệt vời hơn viết về sự Phát Bồ Đề Tâm, Ngài cho biết:
"Nguồn của Ngài Tịch Thiên chính là “Vòng Hoa Báu” và “Luận Giải về Bồ Đề Tâm” của Ngài Long Thọ - là luận giải về một chương của Mật thừa Bí Mật Tập Hội. Nguồn của Ngài Long Thọ đối với cách Phát Bồ Đề Tâm bao gồm trong kinh ‘Hiện Quán Trang Nghiêm’ và kinh “Bát Nhã Ba La Mật”.
"Sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài vẫn duy trì sự im lặng và suy nghĩ rằng không ai có thể hiểu được những gì mà Ngài đã khám phá – trí tuệ uyên thâm của Ngài về tánh Không. Cuối cùng, Ngài đã dạy cho Đại chúng về Tứ Diệu Đế, 16 thuộc tính của nó và 37 phẩm trợ Đạo. Một sự giải thích kỹ càng hơn về tánh Không Ngài đã ban cho một nhóm người chọn lọc ở đỉnh núi Linh Thứu. Vì vậy, trong ba lần chuyển Pháp Luân, lần đầu tiên liên quan đến Tứ Diệu Đế, lần thứ hai với Bát nhã và lần thứ ba đề cập đến Phật tính và bản chất của tâm thức”.
Ngài nói rằng Ngài sẽ không đọc tất cả mọi thứ trong cuốn sách, nhưng sẽ cố gắng để làm sáng tỏ những điều có đề cập đến phương tiện, trí tuệ và Nhị Đế. Ngài nói rằng các pháp hiện tượng không tồn tại trong cách mà chúng xuất hiện; và quan niệm sai lầm của chúng ta về điều này là những gì làm phát sinh sự phiền não của chúng ta. Ngài chỉ ra rằng chúng ta có thể chống lại khuynh hướng ái trọng tự thân của chúng ta bằng cách nuôi dưỡng một mối quan tâm dành cho những người khác. Ngài lưu ý rằng mặc dù Chương 9 của “Nhập Bồ Tát Hạnh” liên quan đến tánh Không; nhưng để hiểu được nó một cách đúng đắn đòi hỏi cũng phải đọc và nghiên cứu những cuốn sách khác nữa.
Pháp thoại sẽ tiếp tục vào ngày mai.