Rochester, Minnesota, Hoa Kỳ, ngày 11 tháng 2, 2016 - Vào buổi sáng, trời se lạnh và đầy nắng ở Rochester, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có cuộc gặp gỡ với Thị trưởng Tom Tait của Anaheim, CA; Thị trưởng Greg Fischer của Louisville, KY và Thị trưởng Ardell Brede của Rochester, MN, cùng với một số cá nhân có cùng tư tưởng; những người đang làm việc để xây dựng các thành phố nhân ái và từ bi. Anaheim đã lấy tên là "Thành phố của Tâm Từ” và Louisville đã lấy tên là “Thành phố của lòng Bi”.
Khi chào đón cả nhóm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói, “Chúng ta đang phải chứng kiến rất nhiều sự đau khổ trong thế giới ngày nay, bao gồm cả các vấn đề người tị nạn trong thời gian gần đây. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi xem có điều gì bất ổn đối với thế giới ngày nay. Tôi cảm thấy chúng ta đang thiếu ý thức tôn trọng đối với sự sống của người khác, ý thức quan tâm đến phúc lợi của người khác, đó chính là lòng nhân ái - là Từ Tâm. Chúng ta chỉ nghĩ về mình, mình, mình! Đó chính là mầm mống của các vấn đề rắc rối ngày nay”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị thị trưởng cùng các cá nhân khác có sự quan tâm đến việc xây dựng các thành phố từ bi sau cuộc họp của họ ở Rochester, Minnesota vào 11 tháng 2, 2016. Ảnh / Tenzin Taklha / VPĐLLM |
Khi chào đón cả nhóm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói, “Chúng ta đang phải chứng kiến rất nhiều sự đau khổ trong thế giới ngày nay, bao gồm cả các vấn đề người tị nạn trong thời gian gần đây. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi xem có điều gì bất ổn đối với thế giới ngày nay. Tôi cảm thấy chúng ta đang thiếu ý thức tôn trọng đối với sự sống của người khác, ý thức quan tâm đến phúc lợi của người khác, đó chính là lòng nhân ái - là Từ Tâm. Chúng ta chỉ nghĩ về mình, mình, mình! Đó chính là mầm mống của các vấn đề rắc rối ngày nay”.
Ngài khâm phục những nỗ lực của các Thị trưởng trong việc đặt tên các thành phố của họ là các thành phố của tâm từ và lòng bi. Ngài cảm thấy đã đến lúc để bắt đầu một sự nỗ lực có hệ thống để phát triển thêm về những con người nhân ái. Phương pháp này có thể dành cho tất cả bảy tỷ người bất kể họ là những người có đức tin tôn giáo hay không.
"Tất cả trẻ em đều nhận được tình cảm bao la và tình yêu thương từ những bà mẹ của mình. Đây là một yếu tố sinh học, không dựa trên tôn giáo. Chúng ta có thể sẽ tìm ra một cách để thúc đẩy các giá trị ấy ở mức độ này, không dựa trên niềm tin tôn giáo. Đây là điều mà tôi gọi là “đạo đức thế tục”. “Thế tục” trong bối cảnh Ấn Độ là sự tôn trọng không những chỉ dành cho các tín đồ tôn giáo, mà còn dành cho cả những người không tin vào tôn giáo”.
Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm một chương trình giảng dạy về đạo đức thế tục mà có thể phù hợp với lĩnh vực giáo dục thế tục. Ngài thông báo với nhóm rằng dự thảo chương trình giảng dạy về đạo đức thế tục đã được phát triển với sự giúp đỡ của Đại học Emory. Chương trình giáo dục thế tục này được dựa trên nền giáo dục khoa học kết hợp với những kinh nghiệm và cảm giác phổ biến của chúng ta. Các cuộc họp và thảo luận ở Ấn Độ và Hoa Kỳ đã được lên kế hoạch vào cuối năm nay để hoàn chỉnh cho dự thảo chương trình giảng dạy này.
Khi nhấn mạnh cam kết của mình đối với sự nỗ lực này, Ngài nói, “Tôi vẫn duy trì cam kết của mình cho đến khi tôi chết - đối với việc thúc đẩy sự hợp nhất của bảy tỷ người. Bất cứ khi nào tôi nhìn vào một người khác - tôi luôn luôn thấy họ như một người đồng loại - và điều này đã tự động mang đến một cảm giác mạnh mẽ của sự gần gũi, thân thiện. Nếu ta đặt nặng vào những khía cạnh thứ yếu thì chúng ta sẽ bị bao trùm bởi một cảm giác cô đơn.
Ngài nói rằng Ngài cảm thấy như được khuyến khích khi gặp gỡ những người đã thể hiện sự quan tâm thật sự và bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của sự nhân ái và lòng từ bi. Ngài nhận thấy rằng đây là một dấu hiệu đầy hy vọng. Ngài cũng nhìn thấy được Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này.
"Mỹ là quốc gia kinh tế mạnh mẽ nhất. Đó là điều đáng khen ngợi. Bây giờ đã đến lúc phải chú ý thêm về sự phong phú nội tâm của chúng ta, giá trị nội tại của chúng ta. Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này. Nếu Hoa Kỳ có thể phát triển nhiều thành phố của sự nhân ái và lòng từ bi và phù hợp với giá trị thực tiễn của con người dựa trên chương trình giáo dục, thì nó sẽ có kết quả. Đã có nhiều người nhận ra rằng nếu chỉ có một mình sự tiến bộ về vật chất thôi - thì sẽ không đủ để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc”.
Thị trưởng Greg Fischer của Louisville cho biết rằng trong chuyến viếng thăm của Ngài đến thành phố của họ vào năm 2013, Ngài đã yêu cầu ông hãy thử và giới thiệu các khái niệm về đạo đức thế tục trong cộng đồng của họ. Qua kinh nghiệm của mình, Thị trưởng thấy rằng người dân vẫn còn một chút e ngại khi họ dùng từ "thế tục" vì một số người cảm thấy đó là phi tôn giáo. Ông nói rằng ông đã sử dụng từ “giá trị con người” hay "giá trị phổ quát" thì thấy rằng người ta đã chấp nhận nhiều hơn. Ông đã nói về lòng tốt, tình yêu thương và lòng từ bi như những giá trị cơ bản của con người.
Ông báo cáo với Ngài rằng Louisville đã triển khai thực hiện việc giảng dạy các giá trị cơ bản của con người trong hệ thống trường học của họ với dự án trường học từ bi của họ. Họ đã bắt đầu với ba ngôi trường nơi họ đang dạy trẻ em về hành vi xã hội và tình cảm xoay quanh lòng nhân ái, tình yêu thương và tâm từ bi, chánh niệm và thiền định. Những trẻ em này đến từ những tầng lớp khó khăn và đó là lần đầu tiên trong đời họ đã có thể làm lắng đọng tâm tư của mình xuống và thực sự mở tâm trí của họ ra để bắt đầu học hỏi cho lần đầu tiên trong đời.
Sau khi đặt câu hỏi liệu họ đã đưa ra bất kỳ báo cáo nào hoặc thực hiện bất kỳ sự nghiên cứu nào về kết quả hay chưa, Thị trưởng Fischer thưa với Ngài rằng họ đang làm việc với trường Đại học Virginia và đã lập kế hoạch để kiểm tra mười trường học đang sử dụng phương pháp khoa học này và 10 trường khác không sử dụng cách tiếp cận này để so sánh với nhau và xem thử có sự khác biệt cố định nào không.
Ngài nói, "Tôi đã có những cuộc đối thoại với một số nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục và những người khác trong hơn mười năm qua. Nhiều người trong số họ đồng ý rằng hệ thống giáo dục hiện tại là chưa đủ thích hợp vì nó còn tập trung vào các giá trị vật chất. Vì vậy, có một nhu cầu cần phải bổ sung thêm sự giáo dục về lòng nhân ái. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu này cần phải được thực hiện trên một mức độ quy mô nhỏ và khi những kết quả khả quan trở nên rõ ràng hơn thì mới có thể được mở rộng ra để bao gồm thêm nhiều trường học và nhiều địa điểm khác”.
"Các nhà lãnh đạo chính trị đã quá bận rộn đối với những vấn đề rắc rối đang tồn tại hiện nay. Nhưng sự nỗ lực này là giải pháp cho các vấn đề trong tương lai. Tôi tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo trong giai đoạn sau của thế kỷ - những người lớn lên với một hệ thống giáo dục dựa trên giá trị con người sẽ từ bi hơn. Khi ấy, thế kỷ 21 có thể là thế kỷ của hòa bình và lòng bi mẫn”.
Một đại biểu khác nói về những nỗ lực của họ trong việc phát triển một chương trình nhân ái cho các trường học ở Canada. Họ khám phá ra rằng những học sinh trong các chương trình nhân ái này đã phát triển được những kỹ năng vượt trội khỏi phạm vi lớp học. Họ đã trở thành những người có những kỹ năng trong cuộc sống và cũng đem về áp dụng ở nhà cho cha mẹ của họ. Họ rất vui khi nhận được những cuộc gọi từ các bậc phụ huynh nói rằng đứa trẻ 10 tuổi của họ đã nói về sự giải quyết xung đột tại bàn ăn. Các bậc phụ huynh đã trở nên quan tâm hơn vì họ đã thấy được những kết quả rất khả quan.
Sau khi chiêu đãi một bữa trưa đơn giản cho nhóm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cám ơn tất cả mọi người đã đến tham dự buổi gặp gỡ này.