Geneva, Thụy Sĩ, 11 tháng 3 năm 2016 - Tối hôm qua, khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Geneva, một số lượng lớn người Tây Tạng đã tụ tập trước khách sạn để cung đón Ngài.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với các nhà báo tại Geneva, Thụy Sĩ vào 11 tháng 3, 2016. Ảnh / Olivier Adam |
Sáng nay, trong một cuộc họp với các nhà báo, Ngài đã giải thích ba cam kết của mình. Ngài đề nghị rằng giáo dục cần nhấn mạnh các giá trị bên trong của lòng nhiệt tâm, khoan dung và tha thứ. Ngài quan sát thấy rằng mặc dù tôn giáo đã trở thành nguồn hạnh phúc cả hàng ngàn năm nay, nhưng thật đáng buồn, ngày nay, nó đang trở thành một nguồn của lòng thù hận.
Ngài nói rõ rằng khi Ngài rút khỏi trách nhiệm chính trị của mình vào năm 2011, Ngài đã làm như vậy trong niềm tự hào và hoàn toàn tự nguyện, nhưng Ngài thừa nhận rằng 99 phần trăm người Tây Tạng tiếp tục đặt niềm tin và hy vọng vào Ngài. Do đó, bên cạnh sự quan tâm dành cho họ, Ngài vẫn tiếp tục làm việc để bảo vệ văn hóa Tây Tạng và môi trường tự nhiên của Tây Tạng. Ngài giải thích rằng vì văn hóa Tây Tạng là một nền văn hóa hòa bình, phi bạo lực và từ bi, thế nên mọi người đều quan tâm đến việc cầu mong cho nó được bảo tồn.
Vào buổi chiều, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, đồng giải Nobel Laureate Tawakkol Abdel-Salam Karman và Leila Alikarami, một luật sư của Iran và nhà hoạt động nhân quyền đại diện cho người đoạt giải Nobel Shirin Ebadi, tham gia vào cuộc thảo luận về chủ đề “Người đoạt giải Nobel về Nhân quyền - Cái nhìn từ xã hội dân sự” tại Viện đại học Geneva. Sự kiện này được tổ chức bởi Phái Đoàn Thường Trực của Hoa Kỳ và Canada đối với Liên Hiệp Quốc, diễn ra bên lề kỳ họp thứ 31 Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Bà Kate Gilmore, Phó Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền đã điều hành sự kiện này.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại buổi hội thảo về “người đoạt giải Nobel về Nhân quyền - Một cái nhìn từ xã hội dân sự” tại Geneva, Thụy Sĩ vào 11 tháng 3, 2016. Ảnh / Olivier Adam |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ lòng biết ơn của mình đến Phái Đoàn Thường Trực của Mỹ và Canada đối với Liên Hiệp Quốc đã tổ chức sự kiện này. Ngài cũng cám ơn hai bài tham luận rất cảm động của hai thuyết trình viên đã phát biểu trước Ngài.
“Chúng ta đang nói về tương lai của nhân loại”, Ngài nói. “Cho dù tiếng nói của chúng ta ở đây nhỏ bé thế nào đi nữa cũng không thành vấn đề! Chúng ta cần phải lên tiếng. Đôi khi người ta nói với thế giới rằng tất cả đều tốt, nhưng họ đã bị lầm. Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Trong suốt cuộc đời của tôi, tôi đã chứng kiến sự xung đột liên tục và đổ máu mà trong quá trình đó hàng triệu người đã bị giết chết. Chúng ta cần phải hỏi là ta đã sai ở chỗ nào, chúng ta bị thiếu những phẩm chất gì và lý do tại sao những sự vi phạm nhân quyền đã diễn ra. Để trả lời được những vấn đề này và tạo ra sự hòa bình - đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ và từ bi.
“Mặc dù tôi là một tu sĩ Phật giáo, nhưng tôi hoài nghi về ý kiến cho rằng chỉ bằng những lời cầu nguyện thôi thì sẽ đạt được hòa bình trên thế giới. Thay vào đó chúng ta cần phải nhiệt tình và tự tin trong hành động”.
Ngài cho biết những người đang gây rắc rối và quấy nhiễu nền hòa bình trên thế giới cũng rất tự tin, nhưng không đủ để gây xúc động bởi các giá trị cơ bản của con người. Do đó, nếu chúng ta muốn tạo ra một thế giới hòa bình hơn trong tương lai, chúng ta cần phải giới thiệu về lòng từ tâm nhiệt huyết và đạo đức thế tục vào hệ thống giáo dục - nói chung - của chúng ta.
Nhiều người trong số 3.000 thành viên của cộng đồng Tây Tạng lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Palais des Nations tại Geneva, Thụy Sĩ vào 11 tháng 3, 2016. Ảnh / Olivier Adam |
Ngài quan sát thấy rằng sự thay đổi khí hậu và những thăng trầm của nền kinh tế toàn cầu là những vấn đề ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Chúng không chỉ giới hạn ở phạm vi quốc gia. Nếu chúng ta chú trọng vào những sự khác biệt thứ yếu giữa chúng ta, chẳng hạn như chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, giới tính… thì sẽ chia con người thành “chúng ta” và “họ” - điều đó dễ trở thành cơ sở của sự xung đột. Ngài nhấn mạnh rằng nếu chúng ta nhớ đến sự hợp nhất của nhân loại và nghĩ về nhau như anh chị em thì chúng ta có thể khắc phục được tiềm năng ấy của bạo lực.
Sau khi thảo luận xong, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe đến Palais des Nations để gặp gỡ khoảng 3000 người Tây Tạng. Ngài đảm bảo với họ rằng sức khỏe của Ngài rất tốt và Ngài cám ơn họ về những lời cầu nguyện mà họ đã dành cho sự phúc lạc của Ngài.
Sáng sớm ngày mai Ngài sẽ rời Geneva để trở về Ấn Độ.