Westminster, CA, Hoa Kỳ, ngày 18 tháng 6 năm 2016 - Hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được thỉnh đến giảng ở một Ngôi Chùa Phật Giáo Việt Nam mới, đó là Chùa Điều Ngự ở Westminster, trước khi lễ Khánh thành chính thức vào ngày mai. Ngài chỉ đi xe một đoạn tương đối ngắn ngang qua thành phố - và được cung đón bởi Vị Viện Chủ Thích Viên Lý và Sư Huynh của Viện Chủ là Thích Viên Huy. Khi đi ngang qua, Ngài chắp tay kính lễ bức tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tượng Đức Quán Thế Âm và Đức Phổ Hiền ở hai bên. Pháp tòa được thiết lập dưới một vòm màn trên hành lang, và sau khi chào hỏi chư Tăng Việt nam và chư Tăng Tây Tạng đang vân tập xung quanh nó, Ngài an tọa trên Pháp tòa của mình.
Thánh Đức ĐLLM trong buổi nói chuyện với công chúng tại chùa PG Điều Ngự ở Westminster, California vào 18 tháng 6, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Các anh chị em Phật tử thân mến!” Ngài bắt đầu bằng tiếng Anh, “Tôi rất vui khi được ở đây với quý vị. Là con người, chúng ta đều giống nhau về mặt thể chất, tinh thần và tình cảm. Tôi muốn cảm ơn ban tổ chức đã ban cho chúng ta cơ hội này.
“Bất cứ khi nào tôi gặp bất cứ ai mới mẻ, tôi đều phản ánh rằng cả hai chúng ta đều là con người. Chúng ta được sinh ra cùng một cách và cũng sẽ chết đi cùng một cách như nhau. Khi chúng ta còn ở trong bụng mẹ, mẹ đã cố gắng để tránh sự tức giận hay lo lắng để tránh làm xáo trộn chúng ta. Trong thời gian hai năm sau khi chúng ta được sinh ra, tình cảm của mẹ thực sự vô cùng quan trọng. Thật vậy, một số bác sĩ nói rằng, sự âu yếm của người mẹ là rất quan trọng cho sự phát triển đúng đắn về bộ não của trẻ sơ sinh.
"Các nhà khoa học đã khám phá ra bằng chứng cho thấy rằng tính chất cơ bản của con người là từ bi. Và cho dù chúng ta tin vào tôn giáo hay không, thì tình cảm và lòng lòng từ bi là những yếu tố quan trọng trong sự bình an của tâm thức; trong khi sự tức giận và sợ hãi liên tục được cho là sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta.
"Trong suốt cuộc sống của chúng ta, tình cảm là quan trọng. Đến cuối đời, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu có những người yêu thương xung quanh chúng ta. Vào thời điểm đó thì tiền bạc và quyền lực không còn quan trọng nữa. Khi mà ý thức thô của cái "tôi" tan biến, có người thân trìu mến và bạn bè bên cạnh sẽ đưa chúng ta ra đi một cách dễ dàng..
"Giữa sự bắt đầu và kết thúc cuộc sống của mình, ta luôn có xu hướng quên mất tầm quan trọng của lòng từ ái. Trong bối cảnh của cuộc sống cạnh tranh về vật chất, thì tình thương yêu có vẻ không có liên quan gì. Mặc dù với những người không quan tâm đến tôn giáo thì rất ít chú ý đến giá trị nội tại, nhưng vì tất cả chúng ta đều là con người cho nên lòng từ bi và tình cảm là rất cần thiết.
"Nếu chúng ta bắt đầu trưởng dưỡng các giá trị như thế ngay bây giờ, thì có lẽ thế giới sẽ ít bạo lực hơn vào cuối thế kỷ này. Bạo lực không phải là đề cập về việc sử dụng các loại vũ khí, mà là động lực trong tâm hồn chúng ta. Sự giải trừ vũ khí bên ngoài sẽ chỉ có thể đạt được nếu trước hết chúng ta đạt được sự giải trừ vũ khí bên trong. Tương tự như vậy, hòa bình thế giới sẽ chỉ có được chiến thắng trên cơ sở bình an nội tâm. Và không có bình an nội tâm thì sẽ rất khó để loại bỏ bạo lực trong xã hội.
Khán giả ở Hội trường kế bên đang lắng nghe Pháp thoại của Thánh Đức ĐLLM tại Chùa PG Điều Ngự ở Westminster, California vào 18 tháng 6, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
"Chúng ta đều là những con người có chủng tử từ bi. Chúng ta phải sử dụng trí thông minh của mình để nuôi dưỡng các giá trị bên trong có liên quan với nó, điều mà tôi gọi là đạo đức thế tục”.
Ngài giải thích rằng, là một tu sĩ Phật giáo, Ngài cũng cố gắng để thúc đẩy hòa hợp các tôn giáo. Ngài đề cập đến những truyền thống lâu đời của sự hài hòa tồn tại ở Ấn Độ giữa các thành viên của các truyền thống tôn giáo bản địa - như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ Na Giáo - và những tôn giáo đã đến từ bên ngoài như đạo Zoroastrianism, Kitô giáo và Hồi giáo. Ngài nói rằng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo, Ngài coi mình như một sứ giả của tư tưởng Ấn Độ cổ đại. Ngài nhấn mạnh rằng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều dạy về tình yêu thương, lòng từ bi, sự khoan dung và tha thứ; và rằng, mặc dù có trong số đó có sự khác biệt về quan điểm triết học, nhưng họ cùng chia sẻ một mục tiêu chung. Ngài chỉ ra rằng ngay cả trong số đệ tử của Đức Phật cũng vẫn có những quan điểm triết học khác nhau.
Ngài khuyên những người ngồi ngoài ánh nắng thiêu đốt của mặt trời hãy che đầu lại. Ngài nói rằng Ngài muốn giới thiệu về giáo lý Phật giáo. Ngài nhắc lại sự xuất hiện của Đức Phật ở Ấn Độ 2600 năm trước đây, rằng Ngài lớn lên trong hoàng cung, nhưng đã bỏ cuộc sống Vương giả lại sau lưng để thực hiện sáu năm khổ hạnh, trưởng dưỡng từ bi và trí tuệ thông qua Thiền Chỉ và Thiền Quán. Ngài giải thích rằng trong lần chuyển Pháp luân đầu tiên tại Sarnath, Đức Phật đã đặt ra nền tảng Giáo lý của mình về Tứ Diệu Đế.
Ngài lưu ý rằng cả hai truyền thống Pali và Sanskrit đều dạy về Tứ Diệu Đế và 37 Phẩm Trợ Đạo, từ Tứ Niệm Trụ lên đến Bát Chánh Đạo, mà đỉnh cao là Diệt Đế - Chân lý thứ Ba. Ngài cũng đề cập đến bốn đặc điểm của từng Khổ đế, mà trong trường hợp của sự Khổ đầu tiên là vô thường, khổ, không, vô ngã. Ngài gợi ý rằng một khi chúng ta hiểu được Tứ Diệu Đế và 16 đặc điểm của nó thì chúng ta sẽ phát triển sự đánh giá đúng đắn về lời dạy của Đức Phật và phương pháp để phát triển Đạo lộ.
"Trong khi truyền thống Pali phát triển mạnh ở Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Sri Lanka, thì truyền thống tiếng Phạn - bao gồm cả truyền thống Nalanda - đã được chuyển đến Trung Quốc, và từ nơi nó lan sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Sau đó, vào thế kỷ thứ 8, truyền thống Nalanda đã được Ngài Thiện Hải Tịch Hộ truyền trực tiếp từ Ấn Độ vào Tây Tạng. Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, chúng tôi phân loại hai đợt dịch thuật, cũ và mới, tùy thuộc vào việc nó diễn ra trước hay sau thời của Ngài Rinchen Zangpo - một dịch giả của thế kỷ 11. Ngôn ngữ Tây Tạng tiến hóa trong quá trình dịch thuật văn học Phật giáo Ấn Độ, vì vậy mà nó vẫn còn duy trì đến ngày nay là ngôn ngữ có khả năng thể hiện chính xác nhất về những lời dạy của Đức Phật.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban Pháp thoại tại Chùa PG Điều Ngự ở Westminster, California vào 18 tháng 06, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
"Bằng cách hiểu được sự giải thích của Đức Phật về Nhị Đế - sự thật quy ước và tối hậu - được khám phá trong bốn trường phái tư tưởng phát triển ở Ấn Độ, thì ta có thể khắc phục được vô minh; và do đó sẽ giải thoát chúng ta khỏi vòng luân hồi sinh tử. Giáo Lý Trí tuệ Bát nhã, mà điển hình là Bát Nhã Tâm Kinh, đã giải thích một cách rõ ràng về sự trí tuệ hiểu biết tánh không, trong khi ngầm mô tả các phương tiện thiện xảo của lòng từ bi”.
Quay trở lại sau bữa trưa, Ngài tham gia vào việc chuẩn bị cho lễ Quán đảnh Đức Phật Dược Sư, khi đầu tiên các tu sĩ Việt Nam tụng Bát Nhã Tâm Kinh và sau đó chư Tăng Tây Tạng tụng thần chú Phật Dược Sư. Ngài đề cập rằng việc thực hành cụ thể về Đức Phật Dược Sư, Ngài sẽ ban ra từ một trong những giáo lý có tầm nhìn uyên bác của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm.
"Trong khi truyền thống Pali nhấn mạnh việc đạt được sự giải thoát, thì truyền thống tiếng Phạn không dừng lại ở đó mà còn để hết tâm vào việc khuyến khích phụng sự cho tất cả chúng sinh, phát Bồ đề tâm - nguyện vọng đạt được sự giác ngộ”.
Ngài hướng dẫn Hội chúng thực hành một buổi lễ ngắn gọn về phát Bồ Đề Tâm dựa trên những câu thơ về quy y Phật, Pháp, Tăng và nguyện vọng vị tha để đạt đến giác ngộ. Sau đó Ngài đã hướng dẫn họ thông qua các bước để quán tưởng Đức Phật Dược Sư màu xanh da trời.
Ngài sẽ trở lại Chùa Phật Giáo Điều Ngự vào ngày mai để dự Lễ Khánh Thành.