Indianapolis, IN, Hoa Kỳ, 24 tháng 6 năm 2016 - Gặp gỡ với 650 người Tây Tạng đến từ Colorado và New Mexico sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với họ:
“Người Tây Tạng chúng ta thuộc về một quốc gia cổ đại. Các Hoàng Đế của quá khứ là những bậc nhìn xa trông rộng. Một số người nói rằng chữ viết của Tây Tạng đã tồn tại trước đó, nhưng những gì mà Thönmi Sambhota sáng tác vẫn được sử dụng cho đến ngày hôm nay.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với các thành viên của cộng đồng Tây Tạng Colorado và New Mexico ở Boulder, Colorado vào ngày 24, tháng 9, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Vào thế kỷ thứ 7, Hoàng đế Songtsen Gampo đã kết hôn với một Công chúa Trung Quốc và một Công chúa Nepal, mỗi người đều mang hình ảnh của Phật giáo đến Tây Tạng. Tượng Phật đến từ Trung Quốc đã được đặt trong Chùa Ramoche, đã làm lóe lên sự quan tâm đến Phật pháp. Sau đó, vào thế kỷ thứ 8, Hoàng đế Trisong Detsen đã có Mẫu hậu là người Trung Quốc, vì vậy, ông có thể đẩy mạnh sự kết nối với Trung Quốc; nhưng thay vào đó - Hoàng đế đã chọn để tạo sự liên kết với Phật giáo Ấn Độ - đặc biệt là với truyền thống Nalanda. Hoàng đế đã thỉnh Ngài Thiện Hải Tịch Hộ; các tác phẩm của Ngài như “Trung Quán Trang Nghiêm Luận” và “Nhiếp Chân Thật Luận”, với hai bình luận của Ngài Liên Hoa Giới về hai tác phẩm này, điều đó cho thấy Ngài quả thật là một học giả hàng đầu. Đó là Thiện hải Tịch Hộ, được sự hỗ trợ của Guru Padmasambhava (Ngài Liên Hoa Sanh), đã vượt qua các chướng ngại và thiết lập truyền thống Nalanda của Phật giáo ở Tây Tạng.
“Cũng chính Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã đôn đốc việc dịch thuật văn học Phật giáo Ấn Độ sang ngôn ngữ Tây Tạng. Và mặc dù Ngài được cho là đã 70 tuổi khi Ngài đến Tây Tạng, nhưng Ngài rõ ràng là đã thực hiện một nỗ lực rất lớn để học tiếng Tây Tạng. Tại thời điểm đó nó chỉ được phát triển như một ngôn ngữ văn học, với những thuật ngữ mới được đặt ra để biểu đạt những ý tưởng mới. Ngày nay, nếu chúng ta muốn biết về truyền thống Nalanda, thì tiếng Tây Tạng là phương tiện tốt nhất để chúng ta nghiên cứu nó. Sự ra đời của Phật giáo đã nâng cao và làm giàu ngôn ngữ của Tây Tạng. Đây là điều mà người Tây Tạng chúng ta có thể tự hào”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng, Ngài có thể đàm luận với các học giả và các nhà khoa học hiện đại là nhờ được đào tạo trong truyền thống Nalanda. Ngài tiếp tục giải thích rằng, các bộ luận liên quan đến lý luận Phật giáo và nhận thức luận - hiện nay chỉ có ở Tây Tạng. Sự tồn tại của loại văn học như thế đã trở nên rất quan trọng cho việc bảo tồn các truyền thống Tây Tạng. Ngài đã nói về những người dân bản địa khác mà Ngài đã từng gặp gỡ, họ đã đấu tranh để giữ gìn truyền thống riêng của họ, giống như người dân Scandinavia Sami, vì họ không có hệ thống chữ viết cho nên Ngài đã đôn đốc họ nên tạo ra một hệ thống chữ viết cho dân tộc của mình.
Các thành viên của cộng đồng Tây Tạng ở Colorado và New Mexico lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Boulder, Colorado vào ngày 24 tháng 6, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Phật giáo Tây Tạng là sự truyền đạt toàn diện nhất về những gì Đức Phật đã dạy và có sẵn để sử dụng trong bối cảnh ngày nay. Đây là điều mà người Tây Tạng cần phải ý thức. Dù là quốc gia chúng ta đang phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn, nhưng chúng ta đã có thể giữ gìn di sản của mình được sống còn.
“Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã nhận ra được sự cần thiết để thích ứng với thế giới hiện đại. Ngài đã gửi những học trò sang Anh Quốc để nghiên cứu - nơi mà Lungshar đã chăm sóc họ. Tuy nhiên, các tu viện đã chống lại việc nghiên cứu về tiếng Anh và làm xói mòn những nỗ lực của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 về vấn đề cải cách. Sau đó, người Anh xâm lược cho nên những mối nghi ngờ của họ dường như đã được thỏa mãn.
“Sau khi chúng tôi thoát khỏi Tây Tạng vào năm 1959, với sự giúp đỡ của Nehru, chúng tôi đã thiết lập những trường học hiện đại cho người Tây Tạng. Chúng tôi cũng tìm kiếm đất đai để chúng ta có thể thiết lập các cộng đồng Tây Tạng. Những phản ứng thái quá nhất sau đó đến từ tiểu bang Mysore và lãnh đạo của tiểu bang là Nijalingappa - một người ủng hộ mạnh mẽ cho người dân Tây Tạng. Do đó, chúng tôi đã có thể tái thiết lập lại Bộ Ba Tu Viện Lớn: Sera, Ganden và Drepung; cũng như Tashi Lhunpo và một vài tu viện quan trọng khác.
"Trong những ngày đầu, học sinh đã học cách tranh luận. Gyen Lobsang Gyatso - Vị Thầy đã bị giết - bắt đầu dạy về tranh biện. Nhưng sau một thời gian thì thói quen này bị thuyên giảm. Ngày nay, tôi đã gợi ý rằng, những người giảng dạy về các chủ đề này nên được gọi là Giảng Sư Triết học chứ không phải là những Vị Thầy Tôn Giáo.
"Khi chúng ta nói chuyện về việc học Phật Pháp, là chúng ta đang nói về sự chuyển hóa tâm thức. Chúng ta cần phải nghiên cứu những gì được chứa trong 300 quyển của Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng) về khoa học, bản chất của sự thật, bản chất của tâm thức và triết học.
"Chúng ta đã sống lưu vong 57 năm và khi các thế hệ tiền bối đã đi qua thì những người trẻ phải mang ngọn đuốc tiến về phía trước. Đồng thời chúng ta phải tránh để khỏi rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa khu vực”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Trung tâm Phật giáo Indiana ở Indianapolis, Indiana vào 24 tháng 6, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Cất cánh từ sân bay Rocky Mountain, Ngài bay qua năm tiểu bang và hạ cánh tại Sân bay Indianapolis, từ đó Ngài đi xe đến Trung tâm Phật giáo Indiana. Ngài đã được chào đón bởi các thành viên - người Mỹ và người Tây Tạng. Bước vào ngôi Chùa nhỏ, Ngài thắp đèn và dâng lời cầu nguyện Cát Tường. Trong lời khuyên của mình, Ngài nhấn mạnh đề nghị rằng những Trung tâm như thế này nên trở thành Trung tâm nghiên cứu và học tập - nơi mà bất cứ ai cũng có thể đến để tìm hiểu về những hoạt động của tâm thức và cảm xúc theo những truyền thống đến từ tâm lý học Ấn Độ cổ đại.
Nhân dân Tây Tạng đã cung đón Ngài khi Ngài về đến khách sạn của mình tại Indianapolis - nơi mà Ngài nghỉ lại đó vào ban đêm.