Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 13 tháng sáu, năm 2016 - Sau khi từ Ấn Độ đến Washington vào ngày hôm qua - và như Ngài đã tuyên bố sáng nay - đã có mười tiếng đồng hồ để ngủ nghĩ vào đêm hôm qua; cuộc gặp gỡ đầu tiên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP). Chủ tịch của Viện - Nancy Lindborg và Nhà Lãnh đạo Dân chủ Nancy Pelosi đã đón Ngài tại cửa và đưa Ngài vào bữa gặp gỡ điểm tâm. Giới thiệu về Ngài, bà Pelosi nói:
“Một chuyến viếng thăm của Ngài luôn luôn là một nguyên nhân cho lễ kỷ niệm; và trong ánh sáng của thảm kịch ở Orlando - hôm nay chúng con cần Ngài hơn bao giờ hết”. Ngài trả lời:
Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại cuộc gặp gỡ điểm tâm tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ ở Washington DC, Hoa Kỳ vào 13 tháng 6, 2016. Ảnh / Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (USIP) |
“Hòa bình thật sự phải đến từ sự bình an nội tâm. Hòa bình không thể tìm thấy được nếu như chúng ta đầy dẫy sự thất vọng, hồ nghi và ngờ vực. Viện Hòa Bình Hoa Kỳ phải khuyến khích một sự thay đổi của trái tim dựa trên sự thay đổi trong nhận thức chứ không phải là sự phụ thuộc vào việc ban phước lành. Chúng ta có hạnh phúc hay đau buồn đều phụ thuộc trực tiếp vào những hành động của chúng ta. Tôi biết rằng Viện Hòa Bình Hoa Kỳ được cam kết là tạo ra hòa bình. Tôi tin rằng để đạt được điều đó, chúng ta phải cần đến nền giáo dục. Giáo dục ngày nay hầu như tập trung vào những mục tiêu vật chất; do vậy cần phải chú ý nhiều hơn đến giá trị nội tâm. Nếu điều này có thể thực hiện được, thì chúng ta có thể tạo ra một thế giới hòa bình hơn vào giữa thế kỷ này”.
Khi Nancy Lindborg đề cập đến việc Viện Hòa Bình Hoa Kỳ mới đây đã dẫn đầu chuyến viếng thăm của các nhà lãnh đạo trẻ từ các nước đang trong sự xung đột đã đến Dharamsala để diện kiến Ngài, Ngài đã nhận xét rằng những người trẻ tuổi này có lòng can đảm và có sự quyết tâm thực sự - điều mà Ngài cho rằng là dấu hiệu thực sự của niềm hy vọng cho sự thay đổi. Trong sự trả lời của mình cho những câu hỏi, Ngài đã nói về một dự thảo cho chương trình đang được phát triển để kết hợp các giá trị của con người vào nền giáo dục hiện đại, điều này cũng đòi hỏi phải có sự đào tạo cho đội ngũ giáo viên. Khi được hỏi làm thế nào để giúp đỡ cho những làn sóng người tị nạn hiện nay, Ngài nói:
"Tôi ngưỡng mộ tất cả những quốc gia đang giúp đỡ họ! Nhưng chỉ đơn giản là cung cấp nơi trú ẩn thôi thì vẫn không đủ. Giải pháp lâu dài là để khôi phục lại nền hòa bình ở những vùng đất mà họ đã phải đang chạy trốn. Đồng thời, những người trẻ tuổi của họ phải được giáo dục và đào tạo để trang bị cho họ khả năng giúp xây dựng lại đất nước của họ khi đúng lúc.
"Cuộc sống thì khó khăn, nhưng nếu bạn có một sự bình an nội tâm thì sự đối phó với nó sẽ dễ dàng hơn nhiều. Một phương pháp để đạt được điều này là khuyến khích một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với nền giáo dục để nuôi dưỡng một tấm lòng ấm áp nhân hậu hơn dựa trên những phát minh của khoa học, những kinh nghiệm phổ biến và những ý thức chung”.
Nancy Lindborg đã kết thúc cuộc gặp gỡ bằng sự cảm ơn Kalden T Lodoe - Đại diện của người Tây Tạng, Kaydor Aukatsang và George Moose - Phó Chủ tịch của Viện Hòa Bình Hoa Kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến viếng thăm Dharamsala.
Thánh Đức ĐLLM và Nancy Lindborg - CT Viện Hòa bình Hoa Kỳ đang quán tưởng giây phút mặc niệm cầu nguyện cho thảm kịch ở Orlando vào lúc bắt đầu cuộc thảo luận tại Washington DC, Hoa Kỳ vào 13 tháng 6, 2016. Ảnh / Viện Hòa bình Hoa Kỳ |
Chuyển sang phần thảo luận trước một lượng khán giả đông hơn ở thính phòng Frank Carlucci, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mở đầu buổi hội thảo với lời mời mọi người cùng nhau quán tưởng phút mặc niệm cầu nguyện cho những nạn nhân của thảm kịch ở Orlando. Tự giới thiệu mình là Chủ tịch của Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, Nancy Lindborg nói, "Hòa bình là điều khả thi, thực tế và cần thiết cho sự an ninh của thế giới”. Cô đề cập một lần nữa về chuyến viếng thăm của 28 nhà lãnh đạo trẻ đến Dharamsala, và mời tất cả mọi người đang hiện diện cùng xem một đoạn video ngắn tóm tắt những gì đã diễn ra. Cô cho biết, "Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn của các bạn trong thế kỷ 21 như là một kỷ nguyên của hòa bình”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói trong bài phát biểu của mình rằng, “Tất cả chúng ta đều có vấn đề trong việc đối phó với nỗi sợ hãi và sự sân giận của mình; tuy nhiên, nếu bạn có sức mạnh về tinh thần thì sự chịu đựng những khó khăn ấy sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Trong trường hợp của tôi, tôi đã bị mất tự do ở độ tuổi 16, và sau đó bị mất nước khi tôi lên 24 tuổi. Tôi phải đối mặt với một loạt các vấn đề sau đó, nhưng tâm trí của tôi vẫn yên bình.
"Tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay - về mặt tinh thần, thể chất và tình cảm đều như nhau. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng để tìm sự bình an trong tâm hồn. Một số người nhầm lẫn kết luận rằng, nuôi dưỡng lòng từ bi là tất cả những gì vì lợi ích của tha nhân; nhưng thật ra - lợi ích đầu tiên là cho chính chúng ta. Lòng từ bi mang đến cho chúng ta sự bình yên trong tâm hồn. Nó thu hút được bạn bè. Bạn bè dựa trên sự tin tưởng; và niềm tin phát triển khi chúng ta thể hiện sự quan tâm đến những người khác. Tôi thực sự ngưỡng mộ các bạn trẻ - những người đã đến gặp tôi, không phải chỉ cho lợi ích của riêng họ, mà là vì những hoạt động mà họ đã thực hiện cho các quốc gia của chính họ”.
Columnist Michael Gerson đã mô tả về cuộc hội thảo của giới trẻ Dharamsala dưới dạng mà Robert Kennedy đã nói ở thủ phủ của Western Cape (Nam Phi) 50 năm trước đây, "Mỗi lần một người đứng lên vì một lý tưởng, hoặc hành động vì sự cải thiện cuộc sống của người khác, hoặc tấn công để chống lại sự bất công - người ấy đã làm tỏa ra một gợn sóng nhỏ của hy vọng ..."
Soukaina Hamia, một nhà lãnh đạo trẻ của Trung tâm Văn hóa Sidi Moumen, một khu ổ chuột lớn tại Casablanca, Morocco đã cho biết, cô đã học để trở nên trung thực hơn; và cô không cần phải sợ hãi để được trở nên cởi mở hơn. “Chúng ta đều là thành viên của một gia đình nhân loại”, cô nói. “Chúng ta là hòa bình và tình yêu. Kiến thức chỉ trở nên thực tế khi nó được chia sẻ. Chúng ta nên xây dựng một thế hệ mà nó cống hiến cho hòa bình mỗi ngày, và mãi mãi…”.
Victoria Ibiwoye đến từ Nigeria đang chia sẻ kinh nghiệm của mình trong cuộc thảo luận với Thánh Đức ĐLLM tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ ở Washington DC, Hoa Kỳ vào 13 tháng 6, 2016. Ảnh/ Viện Hòa bình Hoa Kỳ |
Victoria Ibiwoye đến từ Nigeria - người làm việc với một nhóm giúp trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương - cho biết, “Chúng tôi có sự lựa chọn để làm việc vì hòa bình. Tại trung tâm của cộng đồng, chúng ta có cơ hội để xây dựng hòa bình. Chúng tôi muốn làm thay đổi câu chuyện”.
Trong số các câu hỏi từ phía khán giả, Ngài đã được yêu cầu ban lời khuyên cho các em gái và phụ nữ trong hoàn cảnh bạo lực. Ngài đã giải thích về lý do mà những nhóm người thời sơ khai không hề có người lãnh đạo, nhưng một khi có nền nông nghiệp thì cảm giác sở hữu đã xuất hiện và cần có một nhu cầu cho họ. Tại thời điểm đó, tiêu chí cho sự lãnh đạo là sức mạnh về thể chất, đó là lý do tại sao những người đàn ông đã trở nên chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên, nền giáo dục đã mang lại sự bình đẳng hơn giữa nam giới và phụ nữ. Ngài cho rằng, vào thời điểm mà chúng ta cần phải khuyến khích một sự ý thức hơn về tấm lòng nhân hậu từ ái; vì người phụ nữ hòa hợp hơn đối với nỗi đau của người khác, cho nên họ cần phải đảm trách một vai trò tích cực hơn. Ngài tự hỏi nếu gần 200 quốc gia trên thế giới được phụ nữ lãnh đạo nhiều hơn, thì thế giới có thể là một nơi yên bình hơn. Mỉm cười với hai vị đại biểu, Ngài nhận xét:
“Cảm ơn các bạn đã đến với cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Tôi đã học được ý kiến hay từ các bạn”.
Lời khuyên của Ngài dành cho các nhà lãnh đạo trẻ để tránh sự chán nản là nên gặp gỡ với những người khác, nhận ra họ như những con người đồng loại, và kết bạn với họ.
Khi Ngài đang rời khỏi tòa nhà, Oren Dorell của tờ nhật báo USA Today đã hỏi Ngài về cuộc họp mà Ngài vừa tham dự. Ngài đã nhắc lại tầm quan trọng của việc trưởng dưỡng sự bình yên trong nội tâm. Ngài viện dẫn đó là lý do chính mà bạn bè đã nói với Ngài rằng, mặc dù hiện nay Ngài gần 81 tuổi, nhưng khuôn mặt của Ngài trông trẻ hơn. Ngài tiếp tục chủ đề này trong cuộc phỏng vấn với David Bronnstrom của Reuters sau khi cơm trưa; Ngài nói với anh ta rằng hòa bình chỉ có thể phát triển nơi mọi người có sự bình an trong tâm hồn. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không nên cô lập các anh chi em Hồi giáo của chúng ta. Ngài lặp lại một lần nữa về việc liên quan đến cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay, mà yếu tố quan trọng là để đạt được một lệnh ngừng bắn và khôi phục lại nền hòa bình cho vùng đất mà mọi người đang chạy trốn.
Bronnstrom hỏi trong bối cảnh của những gì mà Ngài đã nói về sự lãnh đạo của người nữ, liệu sẽ tốt hơn không cho Hoa Kỳ nếu có một nữ Tổng thống? Ngài chỉ nói rằng Ngài tin tưởng người dân Mỹ sẽ có sự lựa chọn đúng đắn. Ngài kết thúc bằng câu nói:
“Tôi ủng hộ sáng kiến gần đây của Tổng thống Obama là làm giảm thiểu và tiến tới loại bỏ vũ khí hạt nhân; cầu nguyện rằng điều đó sẽ trở thành hiện thực!”.
Nhà lãnh đạo Dân chủ Nancy Pelosi đang ngắm nhìn khi nam diễn viên Richard Gere giới thiệu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào lúc bắt đầu của buổi nói chuyện tại ĐH vào 13 tháng 6, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Tại trường Đại học Mỹ vào buổi chiều, Ngài đã được cung đón bởi Richard Gere - Chủ tịch Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng, Nhà Dân chủ lãnh đạo Nancy Pelosi và Chủ tịch Hiệp hội Tây Tạng Khu Vực Thủ đô - Jigme Gorap. Trong phần giới thiệu của mình, bà Pelosi nói về phái đoàn đại biểu của bà gần đây đã đến viếng thăm Tây Tạng, nơi chính quyền địa phương đã tự hào về mái của ngôi Chùa được mạ vàng là bằng chứng về sự tôn trọng của họ đối với tự do tôn giáo; trong khi những gì được học trong các tu viện thì lại bị hạn chế. Cô cho biết không có cách nào tốt hơn để tôn vinh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hơn là trở thành một người bạn của nhân dân Tây Tạng. Về phần mình - Richard Gere - đã mô tả Ngài là người ủng hộ vĩ đại nhất của nhân dân của Ngài; và là người đề xướng gương mẫu của tinh thần bất bạo động.
Ngài bắt đầu "Các Anh chị em thân mến! Tôi rất vui mừng khi được gặp gỡ tất cả các bạn ở đây! Là con người, chúng ta có một bộ não tuyệt vời; và chúng ta phải sử dụng nó để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và tránh khỏi khổ đau. Các nhà khoa học đã tìm ra dấu hiệu cho thấy tính chất cơ bản của con người là từ bi; điều này đã cho chúng ta niềm hy vọng thực sự. Nó cho phép chúng ta nuôi dưỡng một ý thức cộng đồng và phát triển lòng vị tha vô hạn.
“Chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, nhiều trong số đó là do chính chúng ta gây ra, nó phát sinh từ sự giận dữ và ái trọng tự thân. Nhưng chúng ta có thể thay đổi. Chúng ta có thể sử dụng bộ não của mình để tìm hiểu và mở rộng mối quan tâm của mình dành cho những người khác; nhận ra rằng con người chúng ta đều có thể chất, tinh thần và tình cảm như nhau. Chúng ta đều có hạt giống chủng tử từ bi trong bản tính cơ bản của mình. Hôm qua có người hỏi tôi tại sân bay Heathrow về bí quyết hạnh phúc của tôi, tôi đã trả lời rằng đó là một bí mật, nhưng sau đó tôi đã nói với ông rằng đó là nhờ có được sự bình an trong tâm hồn.
“Giáo dục có thể giúp chúng ta thay đổi cách suy nghĩ của mình. Thế hệ của thế kỷ 20 của chúng tôi đã gây ra rất nhiều vấn đề mà các bạn - những người thuộc thế kỷ 21 đã phải giải quyết. Nếu chúng ta chọn phương pháp bình tĩnh và từ bi, tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra một thế giới hòa bình hơn, tốt đẹp hơn; nhưng nếu chúng ta tiếp tục cãi nhau, lừa gạt và bóc lột lẫn nhau thì chúng ta chỉ có thể nhìn thấy nỗi thống khổ khủng khiếp hơn mà thôi!”.
Một cảnh của Khán đài của ĐH Hoa Kỳ, nơi tổ chức buổi nói chuyện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Washington DC, Hoa kỳ vào 13 tháng 6, 2016. Ảnh / Sonam Zoksang |
Phát biểu bằng tiếng Tây Tạng, Ngài khuyến khích người dân Tây Tạng không nên chỉ nghĩ về sinh kế của mình, mà còn phải nhớ rằng mình là những đại sứ của Tây Tạng. Ngài khuyên họ nên đánh giá cao giá trị của nền văn hóa của mình, để nhớ rằng Phật giáo Tây Tạng có nguồn gốc trực tiếp từ truyền thống Nalanda xoáy mạnh vào việc sử dụng lý luận. Ngài gợi ý rằng chính Ngài đã được đào tạo từ truyền thống này - không có sự giáo dục hiện đại - và sự đào tạo ấy đã trang bị cho Ngài có thể tham gia vào các cuộc thảo luận đầy ý nghĩa với các nhà khoa học trong hơn ba mươi năm qua.
Ngài cho rằng sự hiểu biết về các hoạt động của tâm thức và sự điều chỉnh của cảm xúc là điều mà người Tây Tạng có thể đóng góp cho thế giới. Chẳng hạn như - sự phân tích rằng nỗi tức giận liệu có chút giá trị nào không; hay là một tấm lòng nhân hậu ấm áp sẽ hữu ích hơn nhiều - là một ví dụ điển hình. Ngài nói rằng trong khi tức giận có thể xuất hiện để mang lại năng lượng để chịu đựng, nhưng năng lượng ấy có xu hướng bị mù quáng. Ngài nhấn mạnh một lần nữa về tầm quan trọng của giáo dục.
Ngài nhắc đến sự chuyển giao quyền chính trị của chính mình cho vị lãnh đạo được dân chúng bầu lên; và Ngài rút lui thể chế của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma từ hoạt động chính trị trong tương lai trong bối cảnh nhu cầu thích ứng với thế giới hiện đại.
Bước xuống từ khán đài, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã luôn làm theo cách của mình - cùng với những khán giả ở hàng đầu đang háo hức để tiếp xúc với Ngài, bắt tay, trao đổi vài lời với những người bạn cũ, và đặt tên cho trẻ con. Cuối cùng, Ngài quay lại vẫy tay chào và - khi khán giả hô vang “Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trường thọ” - thì Ngài lên xe để trở về khách sạn của mình.