Deer Park,Oregon, WI, Hoa kỳ, ngày 06 tháng ba năm 2016 - Hôm nay, khi đàn ngỗng hoang dã bay theo đội hình và kêu vang trên không trung; và một làn gió mang dấu hiệu của mùa xuân thổi qua những cánh đồng tuyết rải rác, khoảng 300 người đã tụ tập trong ngôi chùa tại Trung tâm Phật giáo Lộc Uyển để lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban Pháp Thoại.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cầu nguyện trước bàn thờ tại nơi cư trú của Geshe Sopa tại Trung tâm Phật giáo Công viên Deer ở Oregon, WI, USA, 06 tháng 3, 2016. Ảnh /Sherab Lhatsang |
Kể từ chuyến viếng thăm cuối cùng của Ngài vào năm 2013, người sáng lập ra - Trung tâm - Geshe Sopa Lhundub đã viên tịch. Do đó, trên đường đến Chùa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã viếng thăm nơi cư trú của Geshe-la trong tòa nhà Lộc Uyển gốc để thể hiện lòng kính trọng của Ngài dành cho Geshe-la. Sau đó, Ngài đến thăm Chùa Thời Luân (Kalachakra) nơi mà Ngài đã truyền Quán đảnh Thời Luân vào năm 1981. Cuối cùng, sau khi đảnh lễ trước bức ảnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các Pháp Khí của Geshe-la trong Chùa, Ngài đã an tọa.
Geshe Tenzin Dorje - Giáo thọ thường trú đương nhiệm của Lộc Uyển - đã cung nghinh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và đoàn tùy tùng của Ngài trong chuyến viếng thăm lần thứ 10 của Ngài và thỉnh cầu Ngài hãy xem Lộc Uyển như là nhà của Ngài tại Hoa Kỳ vậy. Ông nói rằng các thành viên đã duy trì tu viện ở đây thể theo lời dạy của Vị Thầy của họ và thỉnh cầu sự hỗ trợ tinh thần của Ngài. Ông cầu nguyện cho Ngài luôn được mạnh khỏe và an lạc; và bày tỏ hy vọng rằng các đệ tử của Geshe Sopa sẽ sớm được diện kiến thân tái sinh của Ngài.
"Các Anh chị em tinh thần quý mến!” Ngài nói: "Tôi rất hạnh phúc khi được trở lại đây, mặc dù Geshe-la không còn ở đây nữa. Tôi rất vui khi thấy rằng các đệ tử của Geshe-la đang thực hiện những mong ước tâm huyết của Ông. Các bậc Thầy vĩ đại của quá khứ như Đức Phật và Ngài Long Thọ không còn với chúng ta nữa, nhưng giáo lý của họ vẫn sống động trong suốt hơn 2000 năm qua.
“Là một đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tôi tự hào khi nghĩ về bản thân mình là một tu sĩ Phật giáo đơn giản, cũng giống như tôi vẫn tự hào khi tự xem mình là một học trò của Ngài Long Thọ. Những bậc Thầy vĩ đại, các nhà tư tưởng vĩ đại, các triết học gia và các nhà luận lý học vĩ đại đã không dựa vào Giáo Pháp của Đức Phật chỉ vì đó là những lời dạy của chính Ngài; mà họ đã phân tích và nghiên cứu tỉ mỉ về Giáo Pháp ấy. Ðức Phật khuyên rằng các Tăng sĩ và các học giả theo Ngài thì nên kiểm tra những gì Ngài đã nói bằng ánh sáng của lý trí. Những bậc Thầy Ấn Độ sau này như Ngài Long Thọ, Nguyệt Xứng, Phật Hộ và Thanh Biện đã thực hiện theo lời dạy ấy. Tương tự như vậy, trong vòng 30 năm qua, tôi đã tham gia vào các cuộc đối thoại và thảo luận với các nhà khoa học hiện đại, một người trong số đó - Richie Davidson - đang ngồi ở đây với vợ của ông ta. Tôi đã học được rất nhiều điều từ Richie - người đã nghiên cứu và phân tích mọi thứ như một học trò của Nalanda. Và chính tôi cũng là một học trò của Nalanda nên tôi đã công khai bác bỏ những ý tưởng chẳng hạn như sự tồn tại của núi Tu Di và một trái đất mặt phẳng, bất chấp sự khó chịu của một số tu viện trưởng và các học giả”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang nói chuyện tại Lộc Uyển ở Oregon, WI, Hoa Kỳ vào ngày 06 tháng 03, 2016. Ảnh /Jeremy Russell/VPĐLLM |
Ngài tiếp tục nói rằng Giáo lý của Đức Phật và truyền thống Nalanda nói riêng đều hoàn toàn dựa trên lý trí. Ngài nói rằng Nalanda đã từng hưng thịnh một thời là một trung tâm học tập trong nhiều thế kỷ, nhưng bây giờ đang nằm trong đống đổ nát. Truyền thống Phật giáo Trung Quốc cũng xuất phát từ Nalanda, nhưng chỉ ở Tây Tạng là những tác phẩm logic học của các Ngài Trần-na, Pháp Xứng, Thiện Hải Tịch Hộ và Liên Hoa Giới là được bảo tồn. Ngài nói rằng, ngày nay không những chỉ làm cho các bản dịch của những cuốn sách này tồn tại, mà còn phải có sự hiểu biết thấu đáo về các bản dịch ấy.
“Geshe Sopa là một trong số những học giả thoát khỏi Tây Tạng”, Ngài trân trọng, “người đã đóng góp vào khả năng của chúng tôi để thiết lập lại Tu viện của chúng tôi ở Ấn Độ, với hơn 10.000 Tăng sĩ hiện đang học hành. Hơn nữa bây giờ có những người ở nơi khác đang quan tâm đến logic học Phật giáo và khoa học tâm thức từ quan điểm học thuật. Cho đến năm 1959 vẫn còn có những người cho rằng Phật giáo Tây Tạng là Lạt Ma Giáo ‘Lamaism’, không phải là một truyền thống thực sự của Phật giáo. Từ năm 1959, một sự đánh giá cao đã phát triển rằng nếu bạn muốn biết những gì mà Ngài Long Thọ hoặc Ngài Trần-na đã giảng dạy, thì bạn có thể tìm đến truyền thống Tây Tạng. Tôi đã thực hiện một nỗ lực để cho thấy rằng Phật giáo Tây Tạng thuộc về truyền thống Phật giáo Phạn ngữ chân chính.
“Ngày nay, mặc dù Mỹ không phải là một quốc gia có truyền thống Phật giáo, nhưng bởi vì ngày càng có nhiều người quan tâm tới triết học Phật giáo và khoa học tâm thức nên đã có các trung tâm nhỏ đã thành lập nên ở một số nơi. Tuy nhiên, nếu như đó không những chỉ là những ngôi chùa để thờ phương mà còn là những trung tâm học tập nghiên cứu thì sẽ tốt hơn. Tôi đã kêu gọi người dân ở những nơi thuộc khu vực Hy Mã Lạp Sơn, như Ladakh, hãy đảm bảo rằng ngay cả người chăm sóc Chùa cũng nên có đào tạo đầy đủ để có thể giải thích cho du khách những điều họ có thể nhìn thấy ở đó. Ngay cả những tu viện nhỏ cũng có thể có chức năng như trung tâm học tập.
“Ở đây, nhờ sự quyết tâm của Geshe-la cho nên chúng ta đã thiết lập được một trung tâm khá tốt. Quý vị có thể thực hành ở đây, quý vị cũng có thể thực hiện các nghi lễ, nhưng điều quan trọng là suy nghĩ về trung tâm giống như là một lớp học. Vì quý vị có những người ở đây có trình độ để giải thích giáo lý, thế nên quý vị nên tổ chức các lớp về khoa học tâm thức có thể thu hút tất cả mọi người”.
Các thành viên của thính chúng lắng nghe Pháp Thoại của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Lộc Uyển ở Oregon, WI, Hoa kỳ vào ngày 06 tháng 3, 2016 |
Ngài đã chỉ ra rằng các bản Kinh truyền thống có liên quan đến khoa học tâm thức được dựa trên “Thích Lượng Luận” (Pramanavarttika) và “A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận” (Abhidharmakosa) và cũng dựa trên quan điểm của các trường phái tư tưởng Kinh Lượng Bộ và Duy Thức. Tuy nhiên, Ngài cho biết, cũng có một bản văn được trước tác do Ngài Gyen Lobsang Gyatso, vị Điều hành sáng lập của Viện Biện chứng Phật giáo - người đã bị ám sát bởi những người Shugden - được gọi là “Viện Cao Cấp Khoa học Tâm thức” (Lo-rig Gong-ma ). Trong tác phẩm đó; Ngài đã rút ra từ các tác phẩm của Ngài Long Thọ và Tsongkhapa để trình bày về khoa học tâm thức từ quan điểm tinh tế của trường phái tư tưởng Trung Quán Cựu Duyên. Điểm cơ bản này xuất phát từ kiến thức về tâm thức của Ấn Độ cổ đại.
Ngài nói rằng trong quá khứ ở Tây Tạng, chỉ có Chư Tăng mới tham gia vào sự nghiên cứu này như thể nó thuộc quyền hạn duy nhất của họ. Ngày nay Chư Ni và Phật tử cũng tham gia. Thật ra, Ngài sẽ sớm tham gia một buổi lễ trao Văn bằng Nữ Tiến Sĩ (Geshe-ma) cho các Ni Cô. Sẽ sớm có được các Ni Cô và Phật tử trong số các học giả hàng đầu. Ngài đùa rằng Chư Tăng ở các Tu viện đi thực hiện các nghi lễ tại nhà Phật tử thì không nên nói quá nhiều vì nó sẽ khiến cho các Phật tử hỏi những câu hỏi mà Chư Tăng không thể trả lời được.
“Vì sự quan tâm trong việc tìm hiểu các hoạt động của tâm thức và cảm xúc đang ngày càng tăng triển ở nước ngoài”, Ngài nói, “vì vậy cũng sẽ phát triển nhu cầu cần phải tranh luận với các nhà khoa học - những người không chấp nhận có bất kỳ chức năng tinh thần ngoài não bộ. Do đó, các trung tâm như thế này nên trở thành những trung tâm nghiên cứu và học tập.
“Ngoài ra, họ cần tạo cơ hội cho việc đối thoại liên tôn giáo. Tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều truyền tải cùng một thông điệp của tình yêu thương, cho dù họ dạy về Đấng Táo Hóa hay không. Nếu chúng ta muốn tạo ra một nhân loại hạnh phúc hơn và sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, chúng ta phải học cách thể hiện tình yêu lớn hơn và tình cảm vĩ đại hơn dành cho nhau. Chúng tôi thấy nhiều hành giả tuyệt vời về những đức hạnh này giữa các tín hữu Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Ấn Độ giáo và Hồi Giáo. Đó là bởi vì con người có những khả năng khác nhau và cá tính khác nhau cho nên cần có những phương pháp khác nhau như thế.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang nói chuyện tại Lộc Uyển ở Oregon, WI, Hoa kỳ ngày 6, tháng 3, 2016. Ảnh/ Sherab Lhatsang |
“Có những trường hợp mà tôn giáo được sử dụng để khai thác nỗi sợ hãi của người dân, nhưng điều này là hoàn toàn không phù hợp. Khi Đức Phật dạy về Khổ Đế, sở dĩ Ngài đã dạy như vậy chỉ trong bối cảnh Ngài dạy về Diệt Đế và Đạo Đế. Tôi nhớ lại câu chuyện có một người đến một tu viện ở vùng Kham và xin được diện kiến vị trụ trì. Thị giả của Ngài trả lời rằng Thầy trù trì không có ở nhà vì Ngài đã đi đến làng để làm hoảng sợ các người già. Đây là một dấu hiệu về sự thoái hóa của truyền thống Nalanda. Không có gì trong đạo Phật mà khiến cho người ta cảm thấy sợ hãi cả.
“Tôi mong cầu các vị hãy làm cho nơi đây trở thành một trung tâm học tập không hạn chế trong một tâm thức hẹp hòi của “Lạt Ma Giáo”, mà là cống hiến cho truyền thống phong phú của sự nhận thức đòi hỏi chúng ta phải sử dụng bộ não của mình một cách hoàn hảo trọn vẹn. Tôi mong chờ, khi tôi quay trở lại, để nhìn thấy các lớp học mà quý vị đang tổ chức và được gặp gỡ các giáo sư giảng dạy cho họ. Tôi hy vọng quý vị cũng có thể mở rộng các mối liên kết với trường Đại học Wisconsin. Tôi cũng muốn cho quý vị biết rằng chúng tôi đã chuẩn bị những cuốn sách tiếng Tây Tạng có chứa nội dung về triết học và khoa học Phật giáo rút ra từ Kinh Tạng (Kangyur) và Luận Tạng (Tengyur). Những cuốn sách này hiện nay đang được dịch sang một số ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, và sẽ xong vào cuối năm nay. Các sách giáo khoa này có thể hình thành nên những cơ sở của các lớp học trong tương lai. Xin cám ơn quý vị! Bây giờ đã đến giờ ăn trưa rồi!”.
Vào Thứ Ba, Ngài sẽ ban cho một thời Pháp Thoại ngắn về “Tám Bài Kệ Luyện Tâm” của Ngài Geshe Langri Thangpa; và vào ngày Thứ Tư Ngài sẽ tham gia một cuộc thảo luận về “nuôi dưỡng hạnh phúc trong chính chúng ta, trong cộng đồng chúng ta và thế giới”.