Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ, ngày 21 tháng 2, 2016 - Sáng sớm hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rời khỏi trụ sở tôn giáo - nơi mà Ngài đang ở tại Rochester để đi xe khoảng chín mươi dặm đến Minneapolis. Cộng đồng Tây Tạng địa phương đã thỉnh Ngài đến đó để thuyết Pháp. Cuộc hành trình đã đưa Ngài đi qua những cảnh quan băng giá ngang qua những cánh đồng vẫn còn mang đầy dấu tích còn lưu lại của mùa đông tuyết phủ.
Các thành viên của cộng đồng Tây Tạng dâng lên cúng dường Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sự cung nghinh truyền thống khi Ngài vừa đến TT hội nghị ở Minneapolis, Minnesota, Hoa kỳ vào 21 tháng 2, 2016. Ảnh / Tenzin Phuntsok |
Vừa đến Trung tâm Hội nghị Minneapolis, khi Ngài vừa bước ra khỏi xe của mình thì đã được các Vị đại diện của cộng đồng Tây Tạng cung nghinh chào đón; và khi vừa bước vào bên trong tòa nhà thì nhận được sự cúng dường theo truyền thống 'Chema Changpu'. Các em thiếu nhi Tây Tạng đã nhảy múa và hát một bản nhạc vui nhộn để tán thán Ngài khi Ngài bước lên khán đài. Gương mặt Ngài rạng rỡ và tràn đầy sức khỏe, Ngài vẫy tay chào thính chúng trước khi chào hỏi các vị Lạt ma và Chư Tăng. Thị trưởng thành phố Minneapolis - Betsy Hodges - và Vị đại diện của tiểu bang - Carolyn Laine đã cung nghinh chào đón Ngài đến thành phố của họ.
Tiến sĩ Tsewang Ngodup - Chủ tịch của Hội Tạng - Mỹ ở Minnesota - đã phát biểu ngắn gọn, ông bày tỏ sự vui mừng về sức khỏe tốt của Ngài và cảm ơn Ngài vì đã chấp nhận lời mời của Hội. Ông đề cập đến sự Cát Tường đặc biệt - đó chính là nhân dịp Năm mới, một ngày trước ngày Miracles (Những điều Mầu Nhiệm) và khởi đầu của một năm con Khỉ với các liên kết thuận lợi đối với Ngài Guru Padmasambhava (Ngài Liên Hoa Sanh). Ông khẳng định mục tiêu của người dân Tây Tạng ở Minnesotan là thành viên tích cực của cộng đồng người Tây Tạng, để đóng góp cho cộng đồng địa phương của họ và cư xử với họ như những công dân toàn cầu. Ông bày tỏ mong muốn rằng việc điều trị sức khỏe của Ngài sẽ được thành tựu mỹ mãn.
An tọa trước những bức thangka của Đức Quán Thế Âm, Đức Phật Dược Sư và Đức Liên Hoa Sanh, Ngài bắt đầu buổi Pháp thoại của mình:
“Tôi luôn luôn bắt đầu bằng lời chào đến các anh chị em của tôi. Đó là cách mà tôi nghĩ về quý vị và nghĩ về tất cả 7 tỷ người, vì vậy nên tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn! Nhiều người Tây Tạng đã đến đây với số phận như những người tị nạn, mặc dù nhiều người trong số họ đã qua đời, nhưng bây giờ đã có một thế hệ mới - những người được sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi đã được gặp quý vị tại đây ngay bây giờ; và trong vòng mười năm qua tôi đã nhận được sự chăm sóc Y tế tại Bệnh viện Mayo. Cách đây hai năm về trước, chúng ta đã cùng nhau cử hành lễ Losar (Tết) tại đây và giờ này tôi rất vui khi được gặp lại tất cả quý vị một lần nữa.
“Tôi rất vui khi biết rằng quý vị đang cố gắng để bảo tồn giá trị truyền thống của chúng tôi. Cho đến nay, chúng tôi đã sống lưu vong 57 năm, trong khi những tình hình bất ổn ở Tây Tạng đã bắt đầu cách đây 60 năm về trước. Tuy vậy, quý vị vẫn giữ vững tinh thần của mình, đó là điều đáng tán thán, và quý vị đã duy trì các giá trị mà chúng tôi đã xem trọng, ấp ủ; tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn về điều đó. Tinh thần của người dân Tây Tạng thì rất vững mạnh và chúng tôi đã bảo tồn gìn giữ cho nền văn hóa và truyền thống tôn giáo của chúng tôi còn mãi sống động, đó là điều rất quan trọng; bởi vì nó đã góp phần làm cho thế giới trở nên hoàn toàn trọn vẹn. Đó là điều đáng tự hào! Truyền thống Nalanda được dựa trên logic và lý luận, đó là lý do tại sao các lĩnh vực của nó đã trở nên hấp dẫn đối với các nhà khoa học ngày nay. Người Tây Tạng chúng tôi có thể nghiên cứu các truyền thống đó bằng ngôn ngữ riêng của chúng tôi mà không cần phải tìm kiếm ở nơi khác. Trách nhiệm của chúng tôi là giữ gìn cho những truyền thống này được sống còn và nuôi dạy con cháu của chúng tôi với tình yêu thương và lòng bi mẫn.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban Pháp thoại tại TT hội nghị ở Minneapolis, Minnesota, Hoa kỳ vào 21, tháng 02, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Hôm nay tôi muốn nói về một số suy nghĩ và kinh nghiệm của tôi như một con người, không phải là một Phật tử hay một Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gì cả”.
Ngài nói rằng Ngài đã cam kết chia sẻ với mọi người về phương pháp để giúp cho con người sống hạnh phúc hơn và an lạc hơn. Điều quan trọng là cần phát triển một sự quan tâm đối với hạnh phúc của người khác; một ý thức về lòng từ bi. Ngài lưu ý rằng rất nhiều các vấn đề chúng ta đang đối mặt là do chính chúng ta gây ra, tồi tệ nhất trong số đó là khi những người khác bị giết hại.
Ngài nhận xét rằng chúng ta cảm thấy quan tâm khi nghe về chuyện một người nào đó bị một con hổ hay một con voi giết chết; nhưng dường như chúng ta chấp nhận những báo cáo về việc loài người giết hại lẫn nhau như một điều gì đó rất bình thường. Ngài nhắc nhở thính chúng rằng, mặc dù họ cảm thấy thoải mái tại nơi mà họ đang ngồi, thì cùng lúc ấy, ở một nơi khác trên thế giới, con người đang bị giết chết vì bạo lực, vì một số người đã nhân danh tôn giáo. Ngài đã thu hút sự chú ý của mọi người đối với mối liên kết giữa thân - khẩu - ý của chúng ta. Nếu - thay vì giận dữ, hận thù và nghi ngờ - chúng ta cần được kích thích bằng lòng nhân ái, chúng ta tự nhiên sẽ có sự tôn trọng lớn lao đối với những người khác và hành động của chúng ta sẽ trở nên thiện lành và bất bạo động.
Ngài quan sát thấy rằng chúng ta đang sống trong một thế giới vật chất mà không có đủ sự quan tâm đến giá trị của con người. Chúng ta dựa vào những thỏa mãn vật chất hơn là lòng nhân ái từ tâm. Nhưng - là con người - chúng ta là một loại động vật xã hội. Chúng ta cần tình bạn; và tình bạn thì dựa vào niềm tin. Xây dựng lòng tin thì cần phải phụ thuộc vào mối quan tâm mà mình dành cho người khác và bảo vệ cho quyền lợi của họ, không làm hại họ. Tình bạn có một sự liên kết trực tiếp đối với lòng nhân ái - một trạng thái tâm rất có lợi đối với sức khỏe thể chất của chúng ta. Ngài nói thêm rằng, một số nhà khoa học đã khám phá ra rằng sự giận dữ, sợ hãi và nghi ngờ liên tục sẽ làm suy yếu đi hệ thống miễn dịch của chúng ta.
“Theo kinh nghiệm của tôi, điều chúng ta cần đó là một tâm trí điềm tĩnh; và lòng nhân ái niềm nở sẽ cung cấp nền tảng cho tâm điềm tĩnh ấy. Đó là cách mà chúng ta làm cho mình hạnh phúc trong phạm vi cá nhân trong gia đình, cộng đồng địa phương và quốc gia. Tôi tin rằng nếu chúng ta có thể đào tạo những bạn trẻ ngày nay về những phẩm chất này thì vào cuối thế kỷ này thế giới sẽ trở thành một nơi yên bình hơn. Tôi cố gắng để thúc đẩy các giá trị con người, bởi vì chúng ta có xu hướng quên rằng tất cả chúng ta đều là những con người giống nhau. Nếu bạn nghĩ về tôi như một người bạn của bạn thì hãy cố gắng làm như vậy. Đây không phải là điều mà chúng ta có thể hy vọng chính phủ hoặc Liên Hợp Quốc có thể thực hiện; sự thay đổi thực sự phải được bắt đầu với các cá nhân. Mỗi chúng ta đều phải góp phần thực hiện. Tôi thỉnh cầu quý vị cũng nên làm như thế”.
Làn sóng vỗ tay gợn lên trên khắp gần 3.000 người trong hội trường.
“Hãy cho tôi nói thêm một điều,” Ngài tiếp tục. “Tôi đã từng đàm luận với các nhà khoa học trong hơn 30 năm qua. Nhiều người trong số họ tỏ ra quan tâm khi nghiên cứu về khoa học của tâm thức. Sự hiểu biết của Ấn Độ cổ đại về tâm thức là rất sâu sắc khi so sánh với tâm lý học hiện đại - điều mà có vẻ như đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển.
Các thành viên của khán giả lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban Pháp thoại tại TT hội nghị ở Minneapolis, Minnesota, Hoa kỳ vào 21 tháng 2, 2016.Ảnh / Tenzin Phuntsok |
"Tuy nhiên, các nhà khoa học đã cho thấy rằng ngay cả những trẻ thơ còn quá nhỏ để biết nói chuyện đi nữa - thì cũng có thể phân biệt được giữa các hình ảnh minh họa của hành vi có hại và hành vi hữu ích; và chúng sẽ phản ứng tích cực đối với hành vi hữu ích và phản ứng tiêu cực đối với hành vi làm hại. Họ kết luận rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Và điều này đã cho chúng ta hy vọng”.
Ngài giải thích rằng cam kết thứ hai của mình là thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ngài tuyên bố rằng, mặc dù có sự khác biệt rõ ràng về tư tưởng triết học, nhưng tất cả các tôn giáo đều mang một thông điệp chung của tình yêu thương, sự tha thứ và lòng bao dung. Mục đích chung của họ là để tạo ra con người từ bi. Ngài trích dẫn những tấm gương của những con người tôn giáo đã cống hiến để phụng sự cho nhân loại. Ngài cũng lưu ý rằng Đức Phật đã dạy những điều khác nhau vào những thời điểm khác nhau và những nơi khác nhau cho những con người khác nhau. Điều này không phải vì Ngài nhầm lẫn, cũng không phải vì Ngài muốn khiến cho những người khác bị mơ hồ. Mà là bởi vì Ngài đã đánh giá cao về những con người có những năng khiếu khác nhau thì đối với sự giải thích khác nhau sẽ đáp ứng tốt hơn, cũng giống như một căn bệnh tương tự có thể được đáp ứng với những biện pháp chữa trị khác nhau.
Ngài chỉ ra rằng, nhiều tôn giáo dạy về Chúa và Đấng Sáng tạo, trong khi những tôn giáo khác - như một chi nhánh của truyền thống Số Luận phái, Kỳ Na giáo và Phật giáo - thì dạy rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với những gì chúng ta đã làm; và những gì xảy ra đối với chúng ta đều dựa vào đôi vai của chúng ta. Tuy nhiên, suy nghĩ về Chúa như là một Đấng của tình yêu thương vô hạn và tìm cách thực hành để được như Đức Chúa là một sự thực hành rất mạnh mẽ.
"Những người trong chúng ta theo một sự thực hành tôn giáo thì chúng ta phải có trách nhiệm làm việc để thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo”.
Trong quá trình nói chuyện, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thỉnh thoảng nói bằng tiếng Tây Tạng và yêu cầu thông dịch viên của mình phiên dịch ra những ý nghĩa tinh túy của những điều Ngài đã nói; và thỉnh thoảng Ngài đã nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Anh.
"Tôi cũng là một người Tây Tạng," Ngài nói, "và vì tôi đã được nuôi dưỡng bởi những người Tây Tạng kể từ khi tôi còn bé, cho nên tôi không bao giờ có thể từ bỏ sự nghiệp đại nghĩa của nhân dân Tây Tạng. Năm 2001 tôi đã rút lui một nửa về trách nhiệm chính trị của mình; và vào năm 2011 tôi đã hoàn toàn nghỉ hưu. Tôi làm điều này để đẩy mạnh sự phát huy tính dân chủ. Tuy nhiên, người Tây Tạng cả bên trong đất nước Tây Tạng và bên ngoài đều đặt hy vọng vào tôi; nhưng bây giờ trách nhiệm của tôi là làm việc để bảo vệ môi trường thiên nhiên của Tây Tạng, nó vốn rất mong manh và dễ hỏng vì độ cao và khí hậu khô. Vì nó được coi là rất quan trọng đối với sự thay đổi khí hậu toàn cầu cũng giống như Bắc và Nam cực, thế nên một số nhà môi trường học đã xem cao nguyên Tây Tạng như là Cực Thứ Ba. Cần phải dành cho nó một sự quan tâm chăm sóc đặc biệt.”
Mô tả về nền văn hóa Tây Tạng như là một nền văn hóa của hòa bình và bất bạo động, Ngài gợi ý rằng nó có thể góp phần làm cho thế giới trở thành một nơi từ bi và hòa bình hơn. Đối với truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Ngài nói nó được cho là có thể truyền tải một cách đầy đủ nhất về truyền thống của Đại học Nalanda của Ấn Độ, bao gồm logic, tâm lý và lĩnh vực các quan điểm triết học. Những truyền thống này được hàm chứa trong hơn 300 tập của văn học Phật giáo đã được phiên dịch - chủ yếu là từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng.
Một bé gái đang đứng phía trước khán đài nhìn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài ban Pháp thoại tại Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ ngày 21 tháng 2, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Lúc này, một bé gái mặc chiếc áo đỏ đến đứng ngay phía trước khán đài nhìn lên Ngài. Ngài mỉm cười và vẫy tay với bé, hỏi bé bao nhiêu tuổi và nghe nói rằng bé được bốn tuổi. Cô bé vẫn giữ ánh mắt điềm tĩnh nhìn Ngài một lúc trước khi quay người và chạy trở lại với gia đình. Ngài đã nhận xét:
"Trẻ em như thế thì rất trong sáng và cởi mở. Chúng không hề có thành kiến hay định kiến gì cả. Chúng không hề bị làm phiền bởi những sự khác biệt thứ yếu của chủng tộc, đức tin, quốc gia, tài sản hay trình độ học vấn … những yếu tố mà người lớn dường như đều bị chúng chi phối. Chúng ta sẽ trở nên tốt hơn nếu chúng ta được trong sáng và cởi mở như các em bé ấy; và một biện pháp để khắc phục là nên nhớ rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau cả”.
Ngài tiếp tục sự giải thích của mình về truyền thống của Nalanda được truyền đến Tây Tạng nhờ vào Vị đại học giả của Nalanda - Ngài Thiện Hải Tịch Hộ. Ngài đã đến Tây Tạng thể theo lời thỉnh mời của Hoàng đế Tây Tạng - Trisong Detsen. Ngài là một học giả vĩ đại có thể được nhìn thấy ngày nay qua các tác phẩm của Ngài như "Yếu Lược của Thực Tại", mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gợi ý rằng cả hai tu viện Namdroling của truyền thống Cổ Mật và Tu viện Tashi Lhunpo ở Nam Ấn Độ đều nên có tác phẩm này trong chương trình giảng dạy của họ. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã cho thọ giới đầu tiên ở Tây Tạng, đã giúp xây dựng tu viện đầu tiên ở Samye, và giải thích các bộ đại luận, cũng như khuyến khích và tham gia vào chương trình dịch thuật của văn học Phật giáo sang tiếng Tây Tạng. Vị du khách Ấn Độ nổi tiếng, Rahul Sankrityayan, người đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Tây Tạng vào đầu thế kỷ 20, đã ghi lại với sự sửng sốt rằng mặc dù hình ảnh của Đức Liên Hoa Sanh chiếm ưu thế rộng rãi ở Tây Tạng, nhưng ông đã nhìn thấy không ít bức tượng của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ ở đây.
Sau những thành tựu ở thế kỷ thứ 8, vào thế kỷ thứ 9, Tây Tạng đã bị phân chia về chính trị và đạo Phật đã bị suy tàn. Đến thế kỷ 11, một hậu duệ của các Hoàng đế trước đó - Vị Vua của xứ Ngari đã thỉnh mời Ngài Atisha từ trường đại học Vikramashila của Ấn Độ. Ngài đã sáng tác tác phẩm chuyên đề của mình “Đèn Soi Nẻo Giác” tại Thöling. Đệ tử chính của Ngài là Drom Ton, Gyalwai Jungney người đã sáng lập truyền thống Kadampa. Trong truyền thống ấy bao gồm những người thuộc dòng truyền thừa uyên thâm - những người nghiên cứu các luận giải Ấn Độ cổ điển; và những người thuộc các giai đoạn của con đường truyền thừa và những người thuộc dòng truyền thừa hướng dẫn rộng rãi. Geshe Langri Tangpa, đệ tử của Ngài Potowa và là tác giả của “Tám Bài Kệ Luyện Tâm” mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được thỉnh đến đây để dạy - thuộc dòng truyền thừa uyên thâm.
Chuyển sang bản văn, Ngài giải thích rằng bài kệ đầu tiên nhấn mạnh việc thực hành lòng vị tha - “Nguyện cầu cho tôi luôn trân trọng tất cả chúng sinh”. Nhưng, Ngài hỏi, “tôi” ở đây ngụ ý đến điều gì vậy? Ngài giải thích rằng trong khi nhiều trường phái triết học Ấn Độ khẳng định sự tồn tại của một cái “ngã” độc lập, thì tất cả bốn trường phái Phật giáo đều có tư tưởng bác bỏ một cái “ngã” thường hằng, độc lập, tự đủ khả năng để tồn tại. Ngài trích dẫn lời của Ngài Long Thọ:
Con người không phải là đất, không là nước,
Không là lửa, không là gió, không là không gian,
Không phải ý thức, và không phải là tất cả trong số đó.
Vậy con người là gì khác hơn ngoài những thứ ấy?
Cần lưu ý rằng trong khi “con người” được định danh trên nền tảng của sáu yếu tố, những yếu tố này cùng chỉ tồn tại như những sự định danh. Ngài nêu rõ rằng sự hiểu biết này thì chẳng dễ dàng gì và Ngài đã phải tìm hiểu về nó trong thời gian 60 năm. Ngài nói rằng cách đây 40 năm về trước nó mới bắt đầu có ý nghĩa đối với Ngài. Khi được hỏi về lợi ích của sự hiểu biết này, Ngài trả lời rằng nó có liên quan đến việc phát triển một cái tâm an lạc. Ngài đề cập đến câu chuyện có một hôm khi Ngài đang nói chuyện với một số nữ tu Kitô giáo, họ hỏi Ngài rằng họ cần phải làm gì với “cái tôi” mạnh mẽ của chúng ta. Ngài nói với cô ấy rằng sẽ rất mãnh liệt nếu như chúng ta suy nghĩ rằng mình chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ sự tạo hóa của Chúa.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Trung tâm hội nghị ở Minneapolis, Minnesota, Hoa kỳ vào 21 tháng 2, 2016. Ảnh / Tenzin Phuntsok |
Trở lại với “Tám Bài Kệ Luyện Tâm”, Ngài giải thích rằng bài kệ đầu tiên cho thấy rằng bạn nên có lòng từ bi và tình yêu thương dành cho người khác. Bài thứ hai đề cập đến sự khiêm tốn, Kệ thứ ba là về sự chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như việc áp dụng tình yêu thương để đối trị khi bạn cảm nhận được sự tức giận đang phát khởi.
Bài kệ thứ tư đề cập đến việc không nên đáp trả bằng sự tức giận mà hãy biểu lộ lòng từ bi khi bạn gặp phải những người cộc cằn thô lỗ, ngang bướng; bài kệ thứ năm khuyên ta nên chấp nhận sự thua thiệt về phần mình và dâng hiến sự chiến thắng cho những người khác. Bài thứ sáu khuyên nên trưởng dưỡng lòng nhẫn nhục khi những người bạn đã từng giúp đỡ mà quay ngược lại khinh bỉ chế giễu bạn. Bài kệ thứ bảy lien quan đến phương pháp thực hành “cho và nhận”; hãy tưởng tượng bạn hiến dâng những công đức thiện lành cho người khác và đón nhận những đau khổ bất hạnh của họ cho riêng mình. Bài kệ cuối cùng trong tám bài kệ đã nói với bạn rằng không nên quan tâm đến tám mối bận tâm của thế gian mà hãy xem tất cả mọi thứ như là ảo ảnh, hoàn toàn không có sự tồn tại độc lập của chính nó.
Sau đó Ngài đã hướng dẫn cả đại chúng của gần 3000 người, trong đó có khoảng 2.000 người Tây Tạng, cùng tụng ba bài kệ như là nền tảng đối với sự phát Bồ Đề Tâm. Bài kệ đầu tiên liên quan đến sự quy y Phật, Pháp và Tăng; Ngài nói rằng những người thuộc các tôn giáo khác có thể hình dung và tưởng tượng là mình đang tán dương những đối tượng quy y của chính mình. Bài kệ thứ hai đề cập một cách rõ ràng về việc phát Bồ Đề Tâm; và bài kệ thứ ba đã khuyến khích sách tấn về việc thực hành Pháp.
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại, Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy, Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫy tay chào khán giả của hơn 3000 người vào lúc kết thúc buổi Pháp thoại của mình tại Minneapolis, Minnesota, Hoa kỳ vào 21 tháng 2, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kết thúc buổi nói chuyện bằng một lời giải thích ngắn gọn về những tiến triển thông qua năm đạo lộ mà Ngài đã liên hệ đến câu thần chú trong “Bát Nhã Tâm Kinh”. Ngài cho biết là từ “Gate” đầu tiên ngụ ý cho “tư lương đạo” (con đường tích lũy công đức), “Gate” thứ hai ngụ ý cho “gia hành đạo” (con đường chuẩn bị), “paragate” chỉ cho “kiến đạo” (con đường nhìn thấy [tánh Không]), “parasamgate” là “Thiền đạo” (con đường thiền định) và “bodhi svaha” là sự đạt được giác ngộ.
Sau khi các Vị đại diện của các thành viên của Ban tổ chức đã cúng dường khăn 'Katas' lụa trắng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma mỉm cười, vẫy tay chào tạm biệt đám đông vui vẻ và rời khỏi khán đài. Ngài được cúng dường bữa trưa trước khi lên xe trở về Rochester.