Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ, 27 tháng 7 năm 2016 - Sau cả một ngày nghỉ ngơi vào hôm qua; sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến khu chợ chính của Leh, nơi có đám đông hàng trăm người đang chờ đợi để được nhìn thấy Ngài. Là một phần của dự án làm đẹp của chợ Leh, con đường chính chạy qua chợ đã bị ngăn chặn không cho sự giao thông xe cộ và chỉ mở cho người đi bộ. Mọi người tranh thủ sự chú ý của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài đi bộ khoảng 50 mét để đến Chùa Jokhang.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chuyển lời chia buồn sâu sắc đến một du khách đến từ Nice về thảm kịch đã xảy ra ở Pháp khi Ngài gặp ông ta trên đườg đến Jokhang ở Leh, Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 27, tháng 7, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Trên đường đi, Ngài đã ban phước gia trì cho nhiều người dân Ladakh già nua và chào đón các khách du lịch. Một du khách nước ngoài chìa tay ra chào đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và báo với Ngài rằng ông đã đến từ Nice, Pháp. Ngài chuyển lời chia buồn sâu sắc đến người dân của Nice và Pháp nói chung về thảm kịch gần đây đã tấn công thành phố của ông. Ngài nói rằng tất cả chúng ta đều phải nỗ lực để xây dựng một thế giới hòa bình, chứ nếu chỉ có cầu nguyện không thôi thì sẽ không đạt được mục tiêu này.
Khi vào đến sân của ngôi Chùa Jokhang, Ngài được hộ tống bởi Chủ tịch và Viên Chức của Hiệp hội Phật giáo Ladakh, Hội Thanh niên Phật giáo Ladakh và Hội Phụ nữ Phật giáo Ladakh. Ngài ban phước gia trì cho các tay trống Ladakh truyền thống. Bên trong Chánh Điện, Thiksey Rinpoche - Giám đốc điều hành, Tiến Sĩ Sonam Dawa MLA Nawang Rigzin Jora, và các nhà lãnh đạo chính trị khác, các thành viên của Hội đồng Chính của Hiệp hội Phật giáo Ladakh đang chờ đợi để cung đón Ngài.
Sau khi an tọa, Ngài dẫn Đại chúng khai Kinh tụng lời Xưng tán Đức Phật. Tiếp theo đó là tụng lời cầu nguyện của Đức Tsongkhapa về Xưng Tán Duyên Khởi (tendrel toepa) và lời Cầu nguyện của Ngài cho sự Truyền bá giáo lý đoàn kết bất phân bộ phái của Đức Phật (rimey TengYe Monlam).
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hướng dẫn buổi cầu nguyện trong chuyến hành hương của Ngài đến Jokhang ở Leh, Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 27, tháng 7, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Trong lời phát biểu mở đầu, Ngài nói rằng bất cứ khi Ngài viếng thăm ngôi chùa Tây Tạng nào, Ngài đều khuyên người Tây Tạng không nên chỉ sử dụng các ngôi chùa làm nơi thờ phượng thôi, mà còn dùng để làm những trung tâm học tập. Điều quan trọng là để giới thiệu triết lý và giáo pháp của Đức Phật. Kiến thức về Phật giáo là cần thiết cho việc trở thành một Phật tử hoàn hảo. Tương tự như vậy, Ngài kêu gọi người dân Ladakh cần đảm bảo rằng ngôi Chùa Jokhang cũng nên trở thành một trung tâm học tập.
Ngài lưu ý rằng trong sự báo cáo của Hiệp hội Phật giáo Ladakh đã được trình bày lên Ngài, những người Hồi giáo từ Kargil đã được mời đến Jokhang để trao đổi và giao lưu về tôn giáo. Ngài khen ngợi về sự nỗ lực này. Ngài khuyên những người có trách nhiệm rằng, thỉnh thoảng, trong dịp một số ngày lễ tôn giáo, cần nên tổ chức các cuộc hội thảo và thảo luận giữa các Phật Tử và các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, và thậm chí kể cả những người không có niềm tin tôn giáo. Ngài ca ngợi truyền thống nghìn năm về sự hòa hợp tôn giáo của Ấn Độ. Thể hiện cho cả thế giới thấy được sự điển hình về sự hòa hợp tôn giáo của Ấn Độ là việc làm hết sức quan trọng hiện nay.
Trong thế giới ngày nay, ở những nơi như Syria, Iraq và Afghanistan, đã có nhiều bạo lực và sự giết người nhân danh tôn giáo. Là những tín hữu, nếu chúng ta vẫn còn thờ ơ với những đau khổ này thì đó là sự sai lầm về mặt đạo đức. Ngài nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều có trách nhiệm trong việc thúc đẩy sự hiểu biết nhiều hơn nữa giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau; điều này mới có thể đưa đến một thế giới hòa bình hơn.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại nhà thờ Hồi giáo ở Leh, Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 27, tháng 7, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Khởi hành từ Chùa Jokhang, Ngài đi bộ thêm 50 mét nữa đến nhà thờ Hồi giáo Sunni được xây dựng trong những năm 1666-1667 theo một thỏa thuận do Hoàng đế Mughal Aurangzeb và Vị Vua Ladakh địa phương Deldan Namgyal. Ngài đã được Vị Chủ Tịch của Cộng Đồng Sunni và những bậc lãnh đạo khác đón tiếp ngay tại bậc thềm của nhà thờ Hồi giáo. Sau khi vào phòng cầu nguyện, Vị giáo sĩ Sunni đã dẫn Đại chúng trong thời cầu nguyện trước khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma an tọa.
Đi xuống 200 mét đường khác nữa, Ngài đã thực hiện bước chân cuối cùng trong cuộc hành hương của mình vào sự viếng thăm Nhà thờ Hồi giáo Shia - nơi Ngài đã được vị Chủ tịch của cộng đồng người Shia và một số giáo sĩ Shia tiếp đón. Bên cạnh đó các thành viên của cộng đồng Shia, đại diện của các công đồng Sunni và cộng đồng Phật giáo cũng tham gia tập trung tại phòng cầu nguyện.
Chủ tịch Shia đã thông báo với khán giả rằng đây là chuyến viếng thăm lần thứ ba của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến nhà thờ Hồi giáo. Trong lời nhận xét của mình, Chủ tịch nói rằng thế giới đang phải đối mặt với những thách thức của chủ nghĩa khủng bố nhân danh tôn giáo, điều này thật bất hạnh cho nhân loại và cần phải lên án. Ông nêu lên rằng một vài Nhà tư tưởng đã nhân danh Hồi giáo để thực hiện các hành động khủng bố và điều này là vô cùng sai trái.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện tại nhà thờ Hồi giáo Shia ở Leh, Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 27, tháng 7, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Trong bài phát biểu của mình cho cả hai cộng đồng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập đến sự liên hệ đến thời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm đã cung cấp đất cho một nhóm các thương gia Hồi giáo Ladakh để họ xây dựng một nhà thờ Hồi giáo. Điều này đã đánh dấu sự thành lập của cộng đồng Hồi giáo Tây Tạng. Kể từ đó, tất cả các chức năng của chính phủ Tây tạng đều có các đại diện của cộng đồng Hồi giáo Tây Tạng tham gia. Họ đích thực là một cộng đồng tôn giáo đặc trưng bởi sự dịu dàng và an lạc của họ. Không có hồ sơ nào về sự tranh cãi giữa họ. Họ luôn có những câu chuyện đẹp để chia sẻ. Họ là những tín đồ thật sự của Hồi giáo.
Sau đó Ngài phản ánh về hậu quả của cuộc chiến tranh thế giới thứ 1 và thứ 2 trong quá khứ đã đau khổ tột cùng như thế nào. Nhiều người đã bị giết chết. Bây giờ, ở ngay tại thời điểm này, cũng trên cùng hành tinh này, có hàng ngàn người bị giết và nhiều người đang phải đối mặt với sự chết đói. Tuy nhiên, Ngài đã được khuyến khích để học hỏi từ các nhà khoa học rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Nếu bản chất cơ bản của con người là độc ác thì sẽ không có ích lợi gì trong việc cố gắng để thúc đẩy lòng từ bi, nhưng không phải như thế.
Ngài nhấn mạnh rằng tất cả bảy tỷ người trên thế giới đều muốn hạnh phúc. Về vấn đề này, tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều nhấn mạnh đến sự thực hành về tình yêu thương, sự tha thứ và lòng bao dung. Tôn giáo không phải là một nguồn gốc của sự chia rẽ và xung đột. Điều quan trọng là cần phải nhớ rằng, khái niệm về một chân lý, một tôn giáo chỉ ở vào mức độ của một cá nhân. Và nhiều chân lý, nhiều tôn giáo cần phải có trong mức độ của cộng đồng.
Giải thích về sự cần thiết cho tính đa dạng của các tôn giáo, Ngài nói,
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện tại nhà thờ Hồi giáo Shia ở Leh, Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 27, tháng 7, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
“Những triết lý khác nhau là cần thiết. Trong hơn hai ngàn năm qua, những cách thức khác nhau của cuộc sống đã được phát triển. Các bậc Đại Đạo Sư đã xuất hiện và giảng dạy về thông điệp của tình yêu. Nhưng vì môi trường khác nhau, cho nên có nhiều cách khác nhau của cuộc sống. Vì vậy, có khuynh hướng tinh thần khác nhau. Thế nên cần thiết phải có những quan điểm triết học khác nhau”.
Ngài tiếp tục giải thích rằng Trung Đông đã có Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, những tôn giáo này đều đến từ cùng một gia đình Abraham của các tôn giáo. Ấn Độ có Số Luận Phái, Ấn Độ giáo, Kỳ Na Giáo và Phật giáo. Các triết lý khác nhau là những phương pháp khác nhau đơn thuần là để mang lại niềm tin về tầm quan trọng của tình yêu. Mỗi tôn giáo đều có những cách mạnh mẽ của riêng mình để thực hành về lòng yêu thương.
Trong sự thảo luận về Hồi giáo, Ngài đã bày tỏ về việc Ngài đã học được từ những người bạn Hồi giáo của mình rằng, việc thực hành thực sự của Hồi giáo là thực hành về tình yêu thương. Một hành giả Hồi giáo chân chính là phải mở rộng tình yêu của mình đến với tất cả các sinh vật của Thánh Allah. Tương tự như vậy, một Phật tử chân chính phải mở rộng tình yêu của mình đến với tất cả chúng sinh. Mặc dù quan điểm triết học khác nhau, nhưng cả hai đã có cùng mục đích và mục tiêu tương tự.
Bàn đến sự xung đột trong cộng đồng Hồi giáo, Ngài nói,
“Thật đáng tiếc khi thấy rằng ở nhiều nước Hồi giáo có sự xung đột giữa người Shia và Sunni. Điều này thật đáng buồn, đặc biệt là vì tôn giáo lại là nguồn gốc của sự xung đột này. Điều quan trọng là hãy nên nhớ rằng, cả người Shia và Sunni đều là đệ tử của cùng một nhà tiên tri Muhammad. Cả hai đều nghiên cứu kinh Koran và cầu nguyện năm lần một ngày. Họ nên dẹp sang một bên những sự khác biệt nhỏ nhoi của mình và hãy nhớ rằng họ là những hành giả của cùng một đức tin”.
Các thành viên của cộng đồng Shia lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện trong chuyến hành hương của Ngài đến Shia ở Leh, Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 27, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Ngài đã nêu lên sự bất hạnh như thế nào khi ngày nay có nhiều cuộc tấn công khủng bố đã bị đổ lỗi cho cộng đồng Hồi giáo. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết đối với tất cả chúng ta là phải thay đổi thái độ này. Sẽ luôn luôn có những người gây hại trong từng cộng đồng, cho dù đó là Phật giáo, Do thái giáo, Kitô giáo hay Hồi giáo.
Ngài nói rằng chúng ta phải cẩn thận và không nên sử dụng từ “khủng bố Hồi giáo” hay “khủng bố Phật giáo”. Khi một tín đồ có hành vi khủng bố thì người đó không còn là một hành giả thực sự của đức tin của họ nữa. Một giáo sĩ Hồi giáo, trong khi giải thích cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về thuật ngữ "thánh chiến", ông đã định nghĩa rằng, “thánh chiến” chính là việc chống lại những cảm xúc tiêu cực của chính mình, không làm tổn hại đến người khác. Vì vậy, đã có đủ lý do để giải thích rằng các hành giả Hồi giáo là những hành giả của tình yêu thương.
Về phần mình, Ngài nói rằng, kể từ ngày 11 tháng 9 Ngài đã nỗ lực trong việc bảo vệ Hồi giáo; và giải thích rằng đạo Hồi là một tôn giáo quan trọng của thế giới. Bản chất của Hồi giáo là thực hành về tình yêu thương.
Trên đường Ngài trở về, cả đám đông lên đến hàng nghìn người đứng dọc theo bên lề đường để vẫy chào cung tiễn Ngài.