Osaka, Nhật Bản, ngày 11 tháng năm, 2016 - Đến tại Hội trường của Trung tâm Hội nghị Quốc tế Osaka sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi đến trước khán đài trong tiếng vỗ tay vang dậy của thính giả; Ngài hướng về phía bên phải, bên trái và ở giữa với đôi bàn tay chắp lại để cúi chào tất cả khán thính giả.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cúi chào khán giả vào đầu ngày thứ hai của đợt thuyết Pháp tại TT Hội nghị Quốc tế Osaka tại Osaka, Nhật Bản vào 11 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
"Xin chào quý vị buổi sáng" - Ngài bắt đầu - “chúng ta biết rằng Đức Phật đã xuất hiện trên thế giới này - mặc dù có bất đồng về thời gian xuất hiện của Ngài. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Ngài đã đạt được giác ngộ ngay trong một đời này hay không - hay là Ngài đã giác ngộ trước đó rất lâu.Truyền thống kinh tạng Pali nói rằng Ngài là một người bình thường và đã trở thành Đức Phật trong quá trình ngồi thiền định. Tác phẩm “Dòng Tương tục Cao cả” của Ngài Di Lặc đã liệt kê 12 hành trạng của cuộc đời Đức Phật, một số hành trạng được thực hiện như một vị Bồ Tát và một số được thực hiện như một vị Phật. Thật khó có thể hình dung về sự tích lũy Công đức và Trí tuệ của Ngài trải qua ba A Tăng Kỳ Kiếp; nhưng cũng rất khó để tin rằng Ngài đã đạt được giác ngộ trong một đời. Tài liệu ghi chép từ truyền thống Phạn cho rằng Ngài tích lũy phước - trí trải qua 3 A Tăng Kỳ Kiếp có vẻ hợp lý hơn.
"Câu chuyện tường thuật phổ biến là Đức Phật đã đạt được Giác ngộ và chuyển Pháp Luân khi Ngài dạy về Tứ Diệu Đế. Lần chuyển Pháp Luân thứ Hai liên quan đến Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật, không được ghi lại trong lịch sử, vì vậy một số người tranh cãi cho rằng liệu Đức Phật đã thuyết giảng tất cả những Kinh này không. Tuy nhiên, các Ngài Long Thọ, Di Lặc và Thanh Biện đã viết bảo vệ một cách thấu đáo tính xác thực của truyền thống tiếng Phạn này. Truyền thống Kinh tạng này chú trọng vào Tánh Không - không có sự tồn tại cố hữu của các pháp hiện tượng".
Ngài nhận xét rằng "Bát Nhã Tâm Kinh" liên quan đến một cuộc trò chuyện giữa Ngài Xá Lợi Phất và Đức Quán Thế Âm, là một điển hình nổi tiếng của truyền thống Kinh điển tiếng Phạn. Ngài nói thêm rằng Kinh “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” đã được thuyết giảng tại Vaishali, đề cập đến lần chuyển Pháp Luân thứ Ba. Ngài nhận xét rằng những lời Xưng tán truyền thống được gọi là “Sáu Bảo Trang” và “Hai Tôn Giả” dường như thuộc về lần chuyển Pháp Luân thứ Ba vì một số bậc Luận Sư của Tư tưởng Trung Quán - Ngài Pháp Xứng, Thanh Biện và Phật Hộ - không bao gồm trong đó. Do đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng tác lời Xưng Tán đầy đủ hơn với “17 bậc Hiền Triết của Nalanda”. Kinh “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” cũng nói về năng lực căn cơ khác nhau của chư đệ tử”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết Pháp trong ngày thứ hai của đợt thuyết giảng tại Osaka, Nhật Bản vào 11 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Tứ Diệu Đế (bốn Chân lý): Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế đã được chấp nhận bởi tất cả các trường phái Phật giáo và hàm chứa toàn bộ nền tảng của Giáo lý. Quan trọng nhất là sự hiểu biết về Chân lý thứ ba - Diệt Đế - được giải thích một cách rõ ràng trong lần chuyển Pháp Luân thứ Hai. Trong khi đó, lần chuyển Pháp Luân thứ Ba giải thích về bản chất của tâm, điều đó đã hình thành nên cơ sở cho việc thực hành Mật Tông. Đức Phật thuyết giảng các Giáo lý khác nhau, vì Ngài hiểu rằng các môn đệ có những căn cơ trình độ khác nhau.
Khi vừa đạt được giác ngộ, Đức Phật nghĩ rằng nếu Ngài dạy những gì Ngài đã chứng ngộ thì sẽ không có ai có khả năng hiểu được. Sau khi Ngài dành 49 ngày suy tư miên mật tại các điểm lân cận quanh cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, chư Thiên đã thỉnh cầu Ngài chuyển Pháp Luân. Ngài đã tìm kiếm những vị cùng tu khổ hạnh với Ngài trước đây, và họ cũng chính là những người đã rời bỏ Ngài lúc Ngài chấm dứt sự nhịn ăn hành xác. Khi Ngài tiếp cận họ ở Sarnath gần Varanasi, họ kiên quyết không đến chào Ngài nhưng cuối cùng họ nhận ra rằng họ không thể cưỡng lại sự thôi thúc phải đảnh lễ Ngài. Ngài đã xuất gia cho họ và sự hướng dẫn đầu tiên của Ngài là cách đắp Y của một vị Tăng Sĩ. Sau đó Ngài đã dạy Tứ Diệu Đế cho họ.
Ngài khuyên rằng - nhận biết được đau khổ, khắc phục những nguồn gốc của nó, đạt được sự chấm dứt đau khổ và phát triển đạo lộ để đạt được sự chấm dứt ấy. Trong bối cảnh đó, bốn đặc tính hoặc thuộc tính của đau khổ là vô thường, khổ, không và vô ngã. Bốn đặc điểm về nguồn gốc của đau khổ là nguyên nhân, nguồn gốc, sự phát xuất mạnh mẽ và điều kiện. Bốn đặc điểm liên quan đến sự chấm dứt là chấm dứt, thanh thản, tuyệt vời và xuất hiện rõ ràng, trong khi bốn đặc điểm của con đường là con đường, tỉnh giác, chứng ngộ và giải thoát. Nghiên cứu các thuộc tính này sẽ góp phần vào trí tuệ, điều này trái ngược với sự quan sát rằng nguồn gốc của cơ thể mà chúng ta đang sở hữu hiện giờ đây chính là vô minh.
Khán giả lắng nghe Thánh Đức ĐLLM trong ngày thuyết giảng thứ hai của Ngài tại Osaka, Nhật Bản vào 11 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / Văn phòng Đạt Lai Lạt Ma |
Đức Phật đã mô tả ba khía cạnh của sự đau khổ. Mọi người đều quen thuộc với sự đau khổ của đau khổ (khổ khổ). Sự đau khổ của sự thay đổi liên quan đến cách mà niềm vui bị thay đổi thành nỗi buồn (hoại khổ). Các nhà Yogi không phải Phật tử đã tìm cách để tránh điều này bằng cách nhập vào Tứ thiền, một trạng thái thiền định đặc trưng bởi cảm giác trung tính. Nguồn gốc của sự đau khổ thứ ba, đau khổ phổ khắp (hành khổ), là nghiệp và các cảm xúc phiền não, đó chính là nguồn gốc của vô minh.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rõ rằng các cấu trúc cơ bản của giáo lý của Đức Phật có thể được tìm thấy trong các giáo lý về Tứ Diệu Đế và 37 yếu tố giác ngộ (37 Phẩm Trợ Đạo), những giáo lý này là chung cho cả hai truyền thống Pali và Sanskrit. 37 phẩm trợ đạo bao gồm 4 niệm xứ (Tứ Niệm Xứ), 4 nỗ lực tối thượng (Tứ Chánh Cần), 4 phương tiện để thành tựu (Tứ Như Ý Túc), 5 bộ phận giác quan (Ngũ Căn), 5 sức mạnh (Ngũ Lực) và Bát Chánh Đạo.
Tóm tắt sự đọc của Ngài về chương ba của “Nhập Bồ Tát Hạnh” Ngài chỉ ra rằng chỉ có con người chúng ta mới có thể phát Bồ Đề Tâm. Rồi thậm chí, như bản Kinh đã làm rõ, rất hiếm - “Cũng giống như một người mù có thể tìm thấy một viên ngọc giữa một đống rác, vì vậy tinh thần của Bồ Đề Tâm - bằng cách nào đó - đã phát khởi trong tôi’. Nó là vô giá - "Đó là thuốc trường sinh được sản xuất để đánh bại sự chết chóc trên thế giới. Nó là một kho tàng vô tận để xoá đói giảm nghèo trên thế giới".
Ngài Long Thọ đã thể hiện Bồ Đề Tâm Nguyện theo cách này:
Nguyện cho con luôn là đối tượng của sự hưởng thụ
Đối với tất cả chúng sinh tùy theo ý muốn của họ;
Và không hề có một sự cản trở nào - cũng như đất,
Nước, lửa, gió, thảo mộc, và khu rừng hoang dã!
Khi đến cuối chương, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng tất cả chúng ta cần một tấm lòng nhân hậu, một trái tim ấm áp, đó có thể là một nguồn gốc cho sự hòa bình của thế giới.
Một quang cảnh khán đài từ ban công của TT Hội nghị Quốc tế Osaka, nơi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết Pháp tại Osaka, Nhật Bản vào 11 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Đọc đến chương bốn - Sự tận tâm - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thu hút sự chú ý đến kẻ thù thực sự của chúng ta, đó không phải là con người bằng xương bằng thịt đe dọa chúng ta về mặt thể chất, mà đó là những cảm xúc phiền não trong tâm trí của chúng ta. Chúng đã từng là kẻ thù của chúng ta từ vô thỉ; và mặc dù chúng ta có thể nhận một một kẻ thù bằng xương bằng thịt để làm bạn với chúng ta, nhưng kết bạn với những cảm xúc phiền não thì hoàn toàn chẳng tốt chút nào cả.
Sau bữa trưa, Ngài nhận xét rằng các buổi thuyết giảng hôm nay và ngày hôm qua đã được tiến hành như trong lớp học không có phần tụng kinh vào lúc ban đầu. Tuy nhiên, Ngài cho biết, vào ngày mốt, “Bát Nhã Tâm Kinh” sẽ được trì tụng khi truyền quán đảnh của Ngài Văn Thù Sư Lợi và lời cầu nguyện bắt đầu là:
Con xin đảnh lễ Bậc Đạo Sư và là Đấng Bảo Hộ của con - Đức Văn Thù Sư Lợi,
Người giữ nơi ngực quyển Kinh tượng trưng cho sự thấy biết các pháp như chúng là.
Nếu thuộc lòng được bài cầu nguyện này thì thật là rất tốt. Ngài nói rằng, vị Thầy xuất gia cho Ngài và vị Thầy giám hộ - Ling Rinpoche đã thường đọc tụng kinh này và trì câu thần chú của Đức Văn Thù Sư Lợi rất thường xuyên.
Trở lại với bản Kinh, Ngài nói:
"Ai đã thọ Bồ Tát Giới rồi thì phải giữ gìn và bảo vệ nó thật cẩn thận, giống như một người bị bệnh thì phải cẩn thận về những thực phẩm mà họ dùng hoặc cách mà họ cư xử. Sự Chánh niệm là quan trọng bởi vì điều này cần phải thận trọng. Các Tu sĩ Kỳ Na Giáo rất gương mẫu trong sự thận trọng của mình để tránh làm tổn hại đến những chúng sinh khác”.
Hoàn tất chương thứ năm, Ngài tiếp tục đọc chương thứ sáu, trong đó liên quan đến hạnh Nhẫn nhục. Khổ thơ mở đầu đã làm rõ rằng sự sân giận sẽ phá hủy tất cả các đức hạnh tốt - chẳng hạn như sự bố thí và kính lễ chư Phật - mà đã được tích lũy qua hàng ngàn kiếp. Do đó, hạnh Nhẫn nhục có vai trò bảo vệ hết sức quan trọng. Đọc đến phần cuối của chương cũng vào lúc kết thúc buổi giảng, các câu áp chót tóm tắt tinh thần của bản Kinh:
Khoan nói đến Phật quả
Ngay trong cõi đời này
Người nhẫn nhục nhận được
Bao hạnh phúc tràn đầy
Được danh thơm, phát tài
Kết tựu từ hành động
Làm vui lòng chúng sinh?
Sự thuyết giảng sẽ được tiếp tục vào ngày mai.