Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, 08 tháng 6 năm 2016 - Ngày Pháp thoại thứ hai thể theo lời thỉnh cầu của Nalanda Shiksha bắt đầu bằng thời tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Phạn do các thành viên chư Tăng trưởng thượng thực hiện.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Chùa Chính Tây Tạng vào ngày Pháp thoại thứ hai của ngài ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 09 tháng 6, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài quan sát rằng, là con người, tất cả chúng ta đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc và thực sự có quyền được sống như thế. Vì nhiều vấn đề do con người làm ra mà chúng ta phải đối mặt hôm nay đều xuất phát từ nền tảng của sự thiếu nguyên tắc đạo đức, Ngài kêu gọi nên quan tâm chú ý nhiều hơn nữa về việc kết hợp đạo đức thế tục vào hệ thống giáo dục. Điều này đã được đưa lên khi Ngài mời câu hỏi từ phía khán giả và Ngài lưu ý rằng Ấn Độ có một hiến pháp thế tục. Ngài đề nghị rằng, nếu chỉ đơn giản tham gia vào các nghi lễ thôi thì sẽ không đủ để đạt được sự thay đổi tích cực; việc sử dụng lý luận và nghiên cứu là điều hết sức cần thiết. Bày tỏ sự đánh giá cao vai trò của ngôi chùa trong cộng đồng, Ngài đề xuất rằng cũng cần phải có những nhà sách để cho mọi người đến học tập và nghiên cứu. Ngài cũng khuyến cáo rằng vị Thầy tâm linh không phải chỉ kể những câu chuyện có tính cách giáo dục mà cũng cần phải giải thích về những quan điểm triết học nữa.
"Một phẩm chất khác nữa của Ấn Độ mà tôi rất ngưỡng mộ, đó là truyền thống lâu đời của ahimsa hay còn gọi là bất bạo động” Ngài nói. “Điều này có hai phần: hành động không gây tổn hại và động cơ của lòng từ bi”.
Khi được hỏi về sự phát triển tâm linh của chính mình, Ngài trả lời:
“Cho đến khi tôi là một thiếu niên, tôi đã không quan tâm đến việc nghiên cứu hoặc thực hành. Tôi chỉ muốn nô đùa. Nhưng khi tôi độ khoảng 15 hay 16 tuổi thì tôi đã phát triển một sự quan tâm đối với triết học và ý tưởng của Lý Duyên Khởi. Trong suốt 60 năm qua, suy nghĩ đầu tiên khi tôi thức dậy vào buổi sáng là nhớ đến Đức Phật và giáo lý Duyên Khởi của Ngài.
Khán giả lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào ngày Pháp thoại thứ 2 của Ngài tại Chùa Chính Tây Tạng ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 09 tháng 6, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
"50 năm trước, tôi đã phát triển một số kinh nghiệm về “Nhân vô ngã” và kể từ đó tôi đã chú ý quan tâm đến “Pháp vô ngã”. Sự hiểu biết này có hiệu lực thực sự trong việc làm giảm thiểu những cảm xúc phiền não như tham ái. Và trên cơ sở đó, tôi tin chắc rằng sự chấm dứt của đau khổ là có thể. Tuy nhiên, một khía cạnh trong sự thực hành mà tôi bị thiếu đó chính là sự tập trung nhất-tâm; và tôi sẽ phải đi nhập thất yên tĩnh để đạt được nó. Điều này đưa tôi đến một tình thế khó xử, rút về một nơi tĩnh mịch để thực hiện sự tiến triển về tâm linh; hay làm việc cùng những người khác vì sự phúc lợi lớn hơn. Tấm gương điển hình của Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên, sau một cơ hội được dành cho việc thực hành Pháp, đã cống hiến đời mình cho thiết lập Tu viện Tashi Lhunpo và dạy Pháp cho những người khác, đã gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi”.
Khi được yêu cầu tư vấn cho người khác về cách tiến hành sự thực hành của họ, Ngài nhận xét rằng, Đức Phật dạy rằng nguồn gốc của đau khổ là vô minh. Ngài nói thêm rằng, có một loại vô minh chỉ đơn thuần là không biết cái gì đó; và một loại vô minh là bóp méo sự thật. Ngài trích dẫn một bài Kệ trong luận giải “Trí Tuệ Căn Bản” của Ngài Long Thọ:
Nhờ đoạn trừ các nghiệp và cảm xúc phiền não mà đạt được Diệt Đế.
Nghiệp và phiền não phát sinh từ tư tưởng khái niệm.
Tư tưởng này khởi lên từ sự cường điệu hoặc hư cấu của tâm thức.
Hư cấu này sẽ chấm dứt nhờ vào sự hiểu biết tánh Không.
Ngài nói rằng Khunu Lama Rinpoche đã giải thích rằng trong bản tiếng Phạn, dòng cuối cùng có thể đọc là “Sự hư cấu sẽ hòa tan vào tánh Không”. Sau đó Ngài đã thu hút sự chú ý đến hai câu thơ nữa từ “Trí Tuệ Căn Bản” của Ngài Long Thọ mà Ngài rất xem trọng và trì tụng mỗi ngày:
Những gì phát sinh một cách phụ thuộc,
Thì được cho là vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là sự định danh phụ thuộc,
Thì chính nó là con đường Trung đạo.
Vì chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ sự phụ thuộc
Nên cũng chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là sự trống Không.
Trích dẫn từ “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” có nói rằng cội rễ của Bồ Đề Tâm chính là lòng Từ bi, ước nguyện cho người khác thoát khỏi khổ đau, và nó sẽ được kích hoạt khi khát vọng giúp đỡ thực sự cho họ thoát khỏi khổ đau - khi khát vọng ấy hiện hữu, Ngài mở chương số Bốn của “Nhập Bồ Tát Hạnh”, thảo luận một số câu thơ trong chương này trước khi thuật lại cuộc chuyện trò giữa Ngài với Khunu Lama Rinpoche về bài Kệ 46:
Hỡi khái niệm phiền não dại khờ! Khi ngươi bị tuệ nhãn bỏ rơi?
Và bị xua tan khỏi tâm trí của ta, ngươi sẽ đi đâu?
Ngươi sẽ ở đâu để có thể làm tổn thương ta một lần nữa?
Nhưng, tâm yếu đuối, tôi đã bị đánh bại mà không nỗ lực.
Để trả lời câu nhận xét của Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng những cảm xúc phiền não thì rất mạnh mẽ, Khunu Lama Rinpoche đã nói: "Không, chúng không mạnh mẽ như thế! Chúng không cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân để loại bỏ chúng, đó là sự hiểu biết về như thị, một sự hiểu biết về thực tại, sẽ giúp chúng ta tiêu diệt chúng ".
Ngài thông báo rằng ngày mai sẽ có buổi lễ Phát Bồ Đề Tâm