Osaka, Nhật Bản, 12 Tháng Năm, 2016 - Sau nhiều ngày bầu trời đầy mây và có mưa, Osaka sáng nay đã bừng tỉnh với những tia nắng mặt trời chiếu xuyên qua cửa sổ và bầu trời trong xanh tươi sáng trên cao. Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi bách bộ qua khách sạn đến Trung tâm Hội nghị Quốc tế Osaka, ánh sáng lọt qua những tán lá xanh tươi trên những hàng cây xung quanh các tòa nhà.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào khán giả khi đến tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Osaka tại Osaka, Nhật Bản vào 12 tháng 5 năm, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
"Hôm nay tôi muốn nói với quý vị về “Các giai trình của Đạo Giác Ngộ” - vừa an tọa xong Ngài đã bắt đầu - "Vào thế kỷ thứ 8, Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã đến Tây Tạng thể theo lời mời của Hoàng đế Trisong Detsen. Ngài là một học giả hàng đầu của Đại học Nalanda vào thời ấy, và thiết lập truyền thống Nalanda thuần túy ở Tây Tạng. Sau triều đại của Tri Ralpachan, Tây Tạng đã bị phân mảnh vì chính trị.
“Ở phía tây của đất nước Tây tạng là xứ Ngari - Vương quốc Guge - với thủ đô là Thöling. Đức Vua muốn thỉnh những bậc Thầy Phật giáo từ Ấn Độ đến để khôi phục lại truyền thống đã được thiết lập bởi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ và Bậc Đạo Sư Liên Hoa Sanh đã bị rơi vào tình trạng suy thoái. Một dịch giả địa phương - Rinchen Zangpo - đã hoạt động trong khu vực khi nhà vua thuyết phục Ngài Dipamkara Atisha từ Đại học Vikramashila đến Tây Tạng”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng, nhà vua thỉnh cầu Atisha soạn tác một Giáo pháp đặc biệt thích hợp cho người dân Tây Tạng; và để đáp ứng lời thỉnh cầu đó của Đức Vua, Ngài Atisha đã viết “Đèn soi Nẻo Giác”. Điểm khác biệt giữa tác phẩm này so với các luận thuyết khác của Ấn Độ là nó đã trải ra toàn bộ Đạo lộ đưa đến sự giác ngộ trên phương diện thực hành tâm linh của một cá nhân - các Giai trình của Đạo Giác Ngộ. Ngài mô tả những giai đoạn trong mối liên quan đối với các hành giả thuộc ba căn cơ khác nhau. Những người có căn cơ thấp nhất thì chỉ nhằm đạt được sự tái sinh vào cảnh giới cao hơn. Những người có căn cơ trung bình thì tìm cách giải thoát khỏi những đau khổ của vòng sinh tử luân hồi; và những hành giả thượng căn thì luôn khát khao trau dồi lòng từ bi và phát khởi Bồ Đề Tâm, kiên quyết trên bước đường tu tập để đạt được giác ngộ giải thoát.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban Pháp thoại trong ngày thứ 3 của đợt thuyết Pháp 4 ngày ở Osaka, Nhật Bản vào 12 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Tác phẩm “Các giai trình của Đạo Giác Ngộ” trở thành một mô hình cho các tác giả Tây Tạng sau này. Một Luận Sư thuộc trường phái Nyingma (phái Cổ Mật) - Longchenpa đã theo tư tưởng của tác phẩm này qua sự sáng tác “Tâm thanh thản” của mình; Ngài Dagpo Lharje - một hành giả thuộc trường phái Kagyu cũng đã viết trên tư tưởng này qua tác phẩm “Trang hoàng Quí báu của sự Giải thoát” với sự mở đầu bằng lời giải thích về Phật tính. Các bậc Luận Sư của trường phái Sakya cũng theo mô hình của tác phẩm ấy qua Luận giải “Đạo lộ và Kết quả”. Và cuối cùng là người sáng lập của truyền thống Tân Kadampa; Ngài Je Tsongkhapa đã luận giải và biên soạn lại dựa trên “Đèn soi Nẻo Giác” trong những tác phẩm “Các Giai trình của Đạo Giác Ngộ” của mình. Ngài cũng đã tham khảo các bản Kinh của Sáu Kadampa, một trong số đó chính là “Nhập Bồ Tát Hạnh”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng theo “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” thì dựa trên nền tảng của sự hiểu biết về Nhị Đế và Tứ Diệu Đế nên mọi người xin quy y Tam Bảo. Ngài nhận xét rằng, một khi họ đã hiểu được rằng Giải thoát là điều có thể đạt được, thì chắc chắn họ sẽ có cảm hứng. Điều này sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với cách khiến cho họ sợ hãi về viễn cảnh của địa ngục nếu như họ không làm theo những lời giáo huấn. Ngài quan sát thấy rằng Đức Phật dạy theo cách giúp cho mọi người có thể thấy thoải mái, thêm vào đó, nó là nền tảng vững mạnh của Phật giáo về lý luận và triết lý; chính những yếu tố đó đã trang bị cho Phật giáo có đủ kiến thức để tham gia vào các cuộc đối thoại với các nhà khoa học.
Trở lại với “Nhập Bồ Tát Hạnh”, Ngài bắt đầu đọc chương tám, trong đó liên quan đến hạnh Nhẫn nhục và mở ra những lời khuyên chân thành:
Sau khi đạt Nhẫn nhục
Nên khởi lòng Tinh tấn
Bồ Đề Tâm chỉ trụ
Trong Hành giả chuyên cần.
Ngài nhấn mạnh nhu cầu cần thiết đối với sự tự tin trong việc đạt được những gì bạn muốn làm; và đề cập đến cách mà trong mối quan hệ với những cảm xúc phiền não cần phải được kết hợp như thế nào với sự thận trọng và tỉnh táo chánh niệm. Nếu bạn cho phép những cảm xúc phiền não phát sinh trước khi bạn hành động - như vậy sẽ quá muộn; bạn phải nắm bắt và giải quyết chúng trước khi chúng bùng nổ.
Một thành viên của khán giả đọc cùng với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi thuyết Pháp tại Osaka, Nhật Bản vào 12 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Chuyển sang chương về Thiền Định, Ngài giải thích rằng đề tài chính là phát triển sự nhất tâm, sự thực hành này cũng được duy trì bởi truyền thống Ấn Độ khác - không phải Phật giáo. Ngài nói 'shamatha' là để đạt được sự kiên định, nhưng không nhất thiết phải giữ gìn thân thể kiên định không nhúc nhích với một cái tâm trống rỗng không có sự tư duy khái niệm. Bản Kinh thảo luận về cách làm thế nào để phát triển một tâm trí an trụ tĩnh lặng; cách lựa chọn một đối tượng để tập trung tâm trí vào; và trạng thái tâm này sẽ bị gián đoạn như thế nào do sự hôn trầm hoặc trạo cử. Ngài khuyên các Phật tử thường chọn một hình ảnh của Đức Phật làm đối tượng để tập trung vào khi quán, nhưng có một số truyền thống chỉ chọn sự rõ ràng và tỉnh giác của tâm để làm đối tượng thiền quán của mình.
Ngài giải thích rằng, khi Ngài Tịch Thiên khuyên cách làm thế nào để đối phó với sự bị phân tâm do dục vọng và ham muốn đối với phụ nữ, thì Ngài nói với những đối tượng là Tăng sĩ. Những điều Ngài dạy như thế cũng được áp dụng bình đẳng như nhau dành cho phụ nữ đối với nam giới.
Sự giải thích đặc biệt của Ngài Tịch Thiên về sự Hoán đổi ngã - tha (đặt hoàn cảnh của mình vào địa vị của người khác), bắt đầu bằng sự suy ngẫm phản chiếu:
Trước hết tôi cần phải thực hành Hạnh Tinh Tấn
Thiền định về sự bình đẳng giữa mình và người khác:
Phải bảo vệ tất cả chúng sinh như tôi đã làm đối với bản thân
Vì ta đều bình đẳng trong sự ưa thích niềm vui và không muốn khổ đau.
Và tiếp tục:
Ai muốn nhanh chóng đủ khả năng bảo vệ
Cho chính mình và cho cả chúng sinh khác
Nên thực hành Pháp bí mật thiêng liêng:
Hoán đổi tự thân với hoàn cảnh tha nhân.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, việc hoán đổi hoàn cảnh tự thân với tha nhân được gọi là bí mật bởi vì nó kết hợp với việc thực hành Mật tông - một pháp môn thuộc về bí mật; nhưng cũng bởi vì nó là một pháp hành mà không phải tất cả mọi người đều có thể thực hành được. Sự thực hành được tóm tắt bằng những câu sau đây:
Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Xuất phát từ lòng khát khao mang niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng mình.
Trở lại sau bữa trưa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên rằng khi nói đến hướng dẫn về thiền Ngài gợi ý đến một cuốn sách được gọi là “Các giai đoạn Thiền Định” được sáng tác tại Tây Tạng do Ngài Liên Hoa Giới - một bậc Luận Sư Ấn Độ và cũng là đệ tử của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ.
Bắt đầu vào chương chín của “Nhập Bồ Tát Hạnh” liên quan đến trí tuệ, Ngài nhấn mạnh:
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Chương này trái ngược với quan điểm của các trường phái Phật giáo khác nhau về tư tưởng; đặc biệt là phái Duy Tâm với Trung đạo đối với sự chứng minh về Nhị Đế. Chương này tiếp tục khám phá về “Nhân vô ngã” và “Pháp vô ngã”. Nó kết luận:
Do đó cuộc sống này nhanh chóng trôi qua một cách vô nghĩa,
Và thật khó khăn để tìm thấy cơ hội chiêm nghiệm thực tại.
Trong trạng thái này, đâu rồi những phương tiện dùng để đảo ngược
Thói quen từ vô thỉ bám chấp vào sự tồn tại thực sự?
Thật khó có thể tìm được sự nhàn hạ (của kiếp người) một lần nữa,
Và rất khó để tìm thấy sự hiện diện của chư Phật.
Thật khó để từ bỏ cơn lũ của những quan niệm não phiền.
Than ôi, chúng sinh sẽ phải tiếp tục chịu đựng sự đau khổ triền miên!
Và nhờ vào cách không xem các pháp thật sự tồn tại
Tôi đã trân trọng tích lũy công đức,
Đến khi nào - với tâm niệm nghĩ đến tha nhân -
Tôi sẽ có thể tiết lộ về Trí tuệ Tánh Không
Cho những người đang đau buồn và khốn khổ?
Khán giả lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong ngày thứ ba của đợt thuyết pháp 4 ngày ở Osaka, Nhật Bản vào 12 tháng 5, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Khi buổi chiều đã kết thúc, Ngài lưu ý rằng Ngài đã không đọc từng câu trong bản Kinh, nhưng đã cố gắng để truyền đạt tinh thần và ý nghĩa của tác phẩm của Ngài Tịch Thiên.
“Hãy giữ tác phẩm ấy với bạn - và khi có thể - hãy đọc nó. Hãy suy nghĩ về những gì chúng ta đã nói. Nó không giống như một câu chuyện; hãy đọc nó và suy tư về nó. Nếu bạn làm điều đó thì sự hiểu biết của bạn sẽ phát triển và những cảm xúc phiền não của bạn sẽ bắt đầu suy giảm.
"Ngày mai, trước tiên tôi sẽ truyền giới Cư sĩ, đó là điều mà Ngài Atisha cho rằng sẽ tạo nên một nền tảng rất tốt; tiếp theo sẽ truyền Giới Bồ Tát và truyền Quán Đảnh của Ngài Văn Thù. Chúng ta sẽ tụng “Bát Nhã Tâm Kinh”. Vì chúng ta đang ở Nhật Bản, cho nên chúng ta sẽ tụng bằng tiếng Nhật trước, sau đó đến tiếng phổ thông Trung Quốc. Những vị nói tiếng Nga, Mông Cổ, Hàn Quốc, Tây Tạng hay tiếng Anh có thể tụng bằng ngôn ngữ riêng của mình”.
Một lần nữa, khán giả của 2700 người đã vỗ tay một cách nồng nhiệt và thân thiện khi Ngài rời khỏi Hội trường.