Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, 09 tháng 6 năm 2016 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xin lỗi về việc sáng nay đã đến Chùa muộn hơn dự kiến, Ngài giải thích rằng Ngài đã có cuộc gặp gỡ với các thành viên của Ủy ban nghị viện về vấn đề phúc lợi của các Bộ Lạc và những đẳng cấp thấp của Xã hội Ấn độ. Ngài nhận xét:
"Tôi vô cùng tôn trọng đất nước Ấn Độ là một quốc gia dân chủ đông dân nhất thế giới và là thành trì của tinh thần ahimsa (bất bạo động)”.
Các thành viên của Nalanda Shiksha tụng kinh vào lúc bắt đầu của ngày Pháp thoại cuối cùng của Thánh Đức ĐLLM tại Chùa Chính Tây Tạng ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 09 tháng 6, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Sau đó, các thành viên của Nalanda Shiksha đã tụng bài “Xưng tán 17 bậc Hiền Triết Nalanda” bằng tiếng Hin-ddi. Khi họ kết thúc, Ngài nói:
"Những bậc Luận Sư vĩ đại này của Ấn Độ đã thực sự là các bậc Thầy của chúng ta. Tôi có cảm giác rất mạnh mẽ, gần gũi đối với Ngài Long Thọ, Ngài Thánh Thiên và v.v.. Bất cứ khi nào tôi đọc những tác phẩm của họ, tôi đều nghĩ về họ. Quan điểm chung của chúng ta về các pháp hiện tượng là không thật. Sự giải thích của ngài Long Thọ giúp chúng ta nhìn thấy ở một mức độ sâu sắc hơn về sự thật. Người Tây Tạng chúng tôi thường có xu hướng ca ngợi các bậc học giả Tây Tạng của mình; nhưng những bậc Thầy Nalanda là rất quan trọng đối với truyền thống của chúng tôi. Một bài Xưng tán tên là “Hai bậc Xuất sắc và sáu bậc Trang hoàng” đã không đề cập đến các vị Luận Sư quan trọng như ngài Pháp Xứng, Phật Hộ, Tịch Thiên và Giải Thoát Quân. Khi tôi nhận ra điều này, tôi đã quyết định sáng tác bài “Xưng tán 17 bậc Hiền Triết Nalanda” này”.
"Nhiều năm trước, nhà vật lý vĩ đại Ấn Độ - Raja Ramana đã nói với tôi rằng, ông đã đọc một trong những tác phẩm của ngài Long Thọ và bị ấn tượng bởi bao nhiêu sự phù hợp với quan điểm hiện đại của vật lý lượng tử. La một người Ấn Độ, ông nói với tôi rằng ông cảm thấy tự hào biết bao về Ngài Long Thọ vì Ngài đã tiên đoán được sự phát triển hiện đại như thế, mà không có bất cứ dụng cụ cả, chỉ có tâm thức của ngài đã giúp Ngài khám phá ra những điều ấy.
"Một vài năm trước, khi tôi đang giảng về “Trí tuệ Căn bản” của Ngài Long tại Amaravati, nơi đó gần Nagarjunakonda - địa điểm gắn liền với cuộc sống của ngài Long Thọ, tôi cảm thấy tôi đã có một sự cảm kích khác thường và rất rõ ràng về sự giải thích của Ngài Long Thọ về Lý Duyên Khởi. Trong những năm 60 ở Varanasi, tôi đã mời vị học giả tiếng Phạn - Jagannath Upadhyaya tụng bài “Minh Cú Luận” (Prasannapada) của Ngài Pháp Xứng bằng tiếng Phạn, và tôi thấy cảm động vô cùng. Sau đó, vào một dịp khác, tại Nalanda, chúng tôi tụng “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” (Abhisamayalankara) bằng tiếng Tây Tạng và tôi đã tưởng tượng một cách rõ ràng về bản Luận này đã được tụng bằng tiếng Phạn trong nhiều thế kỷ trước như thế nào”.
Khán giả đang lắng nghe Thánh Đức ĐLLM vào ngày Pháp thoại cuối cùng tại Chùa Chính Tây Tạng ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 09 tháng 6, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài tiếp tục giải thích rằng, khi Ngài nhớ về sự Giác ngộ của Đức Phật, Ngài thích nghĩ về Đức Phật như là một nhà tư tưởng, một triết gia và thậm chí là một nhà khoa học nữa. Ngài đề cập đến những người mà Ngài đã gặp ở phương Tây, họ mô tả về Phật giáo không mang tính tôn giáo quá nhiều, mà như là một khoa học của tâm thức nhiều hơn. Ngài cũng nhận xét về lòng Từ của Đức Phật trong sự giảng dạy tùy theo nhu cầu và căn cơ của người nghe. Đây là lý do tại sao Đức Phật dường như đã dạy điều này ở nơi này và một điều khác ở nơi khác. Cũng như Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quan sát, chúng ta không thể nói rằng một loại thuốc sẽ chữa trị cho tất cả mọi bệnh nhân. Một phương thuốc này phù hợp với bệnh nhân này, trong khi loại thuốc khác có thể là tốt nhất đối với người khác.
Biết được có sự hiện diện của vị Tăng Sĩ Thái Lan, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rằng truyền thống Pali đã được duy trì tốt ở Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka và v.v. Trong khi đó - Ngài nói - truyền thống tiếng Phạn đã được truyền đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và vẫn còn tồn tại, nhưng Ngài đã khuyến khích các anh chị em Ấn Độ của mình nên gánh vác trách nhiệm trong việc giữ gìn sự sống còn của truyền thống thuần túy Nalanda.
Mở lại “Nhập Bồ Tát Hạnh”, đến chương Năm - Giữ gìn Chánh Niệm - Ngài giải thích tầm quan trọng của sự Chánh niệm; một góc của tâm thức sẽ duy trì sự quan sát hành động của chúng ta một khi ta đã phát Bồ Đề Tâm. giữ tâm về ứng xử của chúng ta khi chúng ta đã tạo ra tâm thức tỉnh. Đây là một khả năng đặc biệt nhắc nhở chúng ta không vượt qua ranh giới của Bồ Tát Giới. Ngài đề cập đến một ví dụ như ngay cả trong những giấc mơ của mình, Ngài cũng nhớ rằng mình là một Tu Sĩ.
Trong phần trả lời các câu hỏi từ phía khán giả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thu hút sự chú ý đối với tầm quan trọng của việc ghi nhớ rằng - là con người - tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình nhân loại. Đáng buồn thay! Ngài nói - chúng ta có khuynh hướng bỏ quá nhiều thời gian thay vì tập trung vào sự khác biệt thứ yếu giữa chúng ta - như những vấn đề quốc tịch, đức tin, chủng tộc, màu da và v.v…. Ngài nhấn mạnh rằng những vấn đề như sự biến đổi về khí hậu sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Điều này sẽ chỉ được giải quyết một cách hiệu quả khi chúng ta nghĩ về mình như những công dân toàn cầu.
Thánh Đức ĐLLM cùng với các khán giả Ấn Độ vào lúc kết thúc Pháp thoại của Ngài tại Chùa Chính Tây Tạng tại Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 09 tháng 6, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài gợi ý rằng, mặc dù thế hệ của thế kỷ 20 đã chịu trách nhiệm về nhiều vấn đề phải đối mặt với thế giới ngày nay, nhưng đó vẫn là trách nhiệm của họ để khuyến khích những người thuộc thế kỷ 21 để học hỏi từ quá khứ và định hình một tương lai khác. Ngài đề nghị đọc Chương Sáu của “Nhập Bồ Tát Hạnh” để tìm hiểu cách làm thế nào để đối phó với sự tức giận; và Chương Tám để học hỏi làm thế nào để đối phó với sự ái trọng tự thân. Ngài cho biết là Ngài vẫn luôn tự mình ôn lại những chương này bất cứ lúc nào Ngài có thể.
Quay lại với Chương Năm, Ngài nói:
"Chúng ta phải tập luyện tâm trí của mình để phát triển những phẩm chất tốt. Điều đó đòi hỏi sự học tập và khiêm tốn, nhưng cũng phải dịu dàng và tốt bụng. Bài Kệ108 tóm tắt những điều mà cả chương đã đề cập đến.
Các đặc tính của bảo trì Chánh niệm
Tóm lại, chỉ có mỗi điều này:
Hãy luôn luôn chuyên cần quán sát
Các điều kiện của cả thân và tâm.
"Hãy giữ cuốn sách này lại với quý vị và đọc nó bất cứ khi nào bạn có thể."
Ngài chân thành cảm ơn ban tổ chức về tất cả những công việc tốt đẹp của họ và ghi nhận những nỗ lực mà nhiều người trong số khán giả đã thực hiện để có thể đến được với Pháp thoại này.
Cuối cùng, Ngài kêu gọi các khán giả hãy quán tưởng Đức Phật được bao quanh bởi những bậc thầy của Ấn Độ và Tây Tạng, cũng như vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đức Tara, Ngài yêu cầu họ lặp lại bài Kệ bằng Tiếng Hin-di khi Ngài hướng dẫn cho họ thực hiện một buổi lễ ngắn gọn về phát Bồ Đề Tâm. Ngài nói với họ hãy nghĩ về điều này như một nguyện vọng mãnh liệt - không chỉ trong một vài tuần hoặc thậm chí nhiều năm, mà là trong nhiều A tăng kỳ kiếp, Ngài trích dẫn câu thơ nổi tiếng của Ngài Tịch Thiên:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.