Leh, Ladakh, J & K, 05 tháng tám, 2016 - Sáng hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khởi hành sớm để đến thăm Tu viện Dakthog nằm khoảng 40 km từ nơi cư ngụ của Ngài ở Shewatsal Phodrang tại Choglamsar, Leh, Ladakh. Ngài đã được đông đảo những người dân Tây Tạng và dân Ladakh mộ đạo đứng hai bên đường cung nghinh chào đón; nhiều người nồng nhiệt cầm những đóa hoa đầy màu sắc đứng bên lề đường gần nhà của họ, tay cầm những chiếc khăn khata truyền thống để kính mừng Ngài.
Ngay khi vừa đến Tu viện Dakthok ở Làng Sertri (hoặc Sakti), Ngài được cung nghinh bởi vị Viện trưởng và vị Cựu Viện trưởng của Tu viện. Trước khi bước vào ngôi Chùa mới được xây dựng, Ngài cùng với chư Tăng của Dakthok và chư Tăng của trường Đại Học Mật Tông Namgyal ở McLeod Ganj đã tụng những bài Kệ Cát Tường để khẩn cầu chư Phật và chư Bồ Tát. Bên trong Chánh Điện, bức tượng trung tâm là của bậc Đạo Sư Liên Hoa Sanh, hai bên phải và trái lần lượt là Đạo Sư Dorje Droloe và Đạo Sư Padma Gyalpo. Sau khi thực hiện nghi thức an vị cho ba bậc Đạo Sư - từng Vị một - bên trong Chánh điện, Ngài đã được Chư Tăng Tôn Túc Trưởng Thượng của Tu viện Dakthok dâng cúng dường Mạn-đà-la.
Sau đó, trong khi Ngài thực hiện nghi lễ cúng dường Tsog đặc biệt lên bậc Đạo sư Dorje Doloe dựa trên những nghi thức từ bản Kinh do Rinchen Terdzod biên soạn; thì chư Tăng tụng những lời cầu nguyện khác dâng lên bậc Đạo Sư Liên Hoa Sanh: Bảy Dòng Cầu Nguyện, bài Kệ Đạo Ca khẩn cầu đức Đạo Sư Liên Hoa Sanh bi mẫn lập tức xua tan những chướng ngại và thành tựu các nguyện vọng, và thần chú của Đạo Sư Dorje Doloe.
Khi đã thực hiện xong nghi lễ cúng dường Tsog, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có buổi nói chuyện với công chúng đầu tiên của năm nay ở Ladakh tại Dakthok với một số lượng lớn người dân địa phương và những người phương Tây đã tập trung trong sân của Tu viện. Ngài bắt đầu bằng cách giới thiệu về bức tượng của Đạo Sư Dorje Doloe được tạo nên do Ngài Cố Taklung Tsetul Rinpoche - Cố Pháp Chủ của truyền thống Nyingma của Phật giáo Tây Tạng, theo chỉ thị của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài nói: "Bức tượng của Ngài Dorje Doloe ở đây tại Ladakh này đã được tạo nên để gia hộ cho những sự kiện thế tục và những vấn đề tâm linh của nhân dân Tây Tạng. Chúng tôi cũng đã thỉnh những bức tượng tương tự đến Arunachal Pradesh, Sikkim và một số khu vực ở biên giới”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với đám đông người dân địa phương và khách du lịch đang tập trung tại Tu viện Dakthog ở Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 5, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Ngài tiếp tục nói với công chúng rằng, hôm qua Ngài đã hoàn thành khóa nhập thất về Dorje Doloe kéo dài một tuần của mình; và do đó khi hoàn mãn pháp thực hành này, Ngài đã đến Dakthok để thực hiện nghi thức Cúng Dường Lễ Hội này. Mặc dù lúc đầu Ngài không có kế hoạch gặp gỡ công chúng, nhưng Ngài đề cập rằng, lý do để gặp gỡ họ là, "bởi vì rất nhiều Vị đã đến đây và tôi muốn gởi lời chào đến với quý vị”.
“Đức tin của quý vị đã đưa quý vị đến đây. Nhưng trong Phật giáo chỉ có đức tin thôi thì chưa đủ. Nó cần phải được nhấn mạnh bởi một đức tin có sự kết hợp của khả năng phân tích đặc biệt của trí thông minh”. Ngài tiếp tục nói rằng chính Đức Phật đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải phân tích bình luận về những lời dạy của Ngài như Ngài đã từng nói:
Hỡi chư Tỳ Kheo và các bậc Trí,
cũng giống như vàng được thử nghiệm bằng cách đốt cháy, cắt xén và cọ xát,
các vị nên kiểm tra giáo lý của ta thật kỹ lưỡng rồi sau đó mới chấp nhận.
Chứ đừng vì sự thành tâm sùng mộ mà các vị đã dành cho ta!
Do đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra rằng, chỉ có Ðức Phật mới yêu cầu đệ tử của mình nên kiểm tra lời giảng dạy của mình thay vì chấp nhận nó chỉ qua đức tin và lòng sùng mộ. Trong khi đó, các Giáo Chủ của các tôn giáo khác trên thế giới đều nói với tín đồ của họ là phải tin vào những gì mà họ đã tiết lộ.
Một thành viên cao tuổi của cộng đồng địa phương đang lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện tại Tu viện Dakthog ở Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 5, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Vì logic được xem là rất quan trọng trong việc phân tích bình luận lời của Phật dạy, các bậc thầy của Nalanda như Ngài Long Thọ và đặc biệt là Ngài Nguyệt Xứng đã xem xét kỹ lưỡng về kinh điển và phân biệt rõ ràng giữa các giáo lý tạm thời như Kinh Giải Thâm Mật (Samdhinirmochana) và những sự định nghĩa rõ ràng phải dùng đến lý luận và logic. Để chỉ ra tầm quan trọng của sự hiểu biết mang tính bình luận trong giáo lý của Đức Phật, Ngài ám chỉ đến thuật ngữ “trí tuệ” trong “Trí tuệ Ba La Mật”, tâm trí huệ tối thượng của chư Phật, mà không được ám chỉ đến bởi những Ba La Mật khác như Bố thí Ba La Mật chẳng hạn.
Vì vậy, chạm vào tầm quan trọng của việc sử dụng lý trí và logic để nghiên cứu kỹ lưỡng vào sâu trong giáo lý của Đức Phật, Ngài nói về ba khía cạnh của các pháp hiện tượng - nghĩa là các đối tượng hiển thị rõ ràng, đối tượng hơi ẩn tàng và đối tượng hoàn toàn ẩn tàng của tri thức; và nói rằng logic suy luận được sử dụng để đạt được trí tuệ sâu sắc vào các hiện tượng hơi ẩn tàng - như tánh Không, chúng ta cần phải căn cứ vào kinh nghiệm thực tiễn của hiện tượng hiển thị rõ ràng như mức độ thô thiển của nhân và quả được quan sát thấy trên thế giới bằng sự nhận thức giác quan của chúng ta. Và thông qua việc xác minh sự thật của lời Phật dạy liên quan đến hai khía cạnh này của kiến thức giúp chúng ta có thể suy ra sự thật và bản tính tự nhiên không thể sai lầm của giáo lý về các hiện tượng rất ẩn tàng như các sự vận hành rất vi tế của luật nhân quả, hay nghiệp báo.
Trong mối liên hệ với việc sử dụng lý trí và sự thử nghiệm để tìm ra sự thật về giáo lý của Đức Phật, Ngài đã ngụ ý đến những cuộc đối thoại hiệu quả với các nhà khoa học hiện đại - họ không phải là những người theo tôn giáo nhưng họ đã sử dụng phương pháp nghiêm ngặt của việc điều tra để tìm hiểu về sự thật - mà bắt đầu từ hơn 30 năm trước. Ngài cho biết khi Ngài bày tỏ sự quan tâm của mình trong các cuộc thảo luận với các nhà khoa học hơn 40 năm trước, một số người bạn phương Tây cảnh báo Ngài chống lại sự ảnh hưởng lẫn nhau như vậy. Tuy nhiên, Ngài đã bắt đầu các cuộc thảo luận với các nhà khoa học phương Tây và Ngài nói, "Hôm nay, sau khi tổ chức các cuộc đối thoại với các nhà khoa học hiện đại trong hơn 30 năm qua, tôi cảm thấy tôi đã bước ra như người thắng lợi!"
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang nói chuyện tại Tu viện Dakthog ở Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 5, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Ngài tập trung vào ba loại trí tuệ đạt được thông qua sự nghe và học hỏi (Văn), suy tư (Tư) và thiền định (Tu) mà sự tiến triển theo trình tự từ bước đầu cho đến bước kế tiếp sau đó. Ngài khuyên các khán giả rằng, hơn 300 tập của Kagyur (Kinh tạng) và văn học Tengyur (văn học Luận tạng) rất có ý nghĩa đối với việc theo đuổi của chúng ta về lĩnh vực kiến thức để xây dựng niềm tin của mình đối với sự thật của giáo lý, thông qua logic suy luận, qua kinh nghiệm, và qua thiền định. Vì vậy, chúng ta có thể thấy được đức tin của chúng ta về Giáo lý của Đức Phật, về chính bản thân Bậc Đạo Sư và v.v… đã được đặt nền tảng như thế nào trên kiến thức đúng đắn của triết học Phật giáo thông qua lý trí và sự kiểm nghiệm nghiêm túc. Ngài nói rằng bốn trường phái triết học của truyền thống Nalanda không giống nhau là do cách giải thích của họ về giáo lý của cùng một Vị Thầy - Đức Phật. Bởi vì truyền thống Nalanda nhấn mạnh lý luận trên các bậc thầy trích dẫn kinh điển, Ngài Trần Na và Ngài Pháp Xứng đã viết những cuốn sách của họ về nhận thức luận mà ngày nay tất cả chỉ được tìm thấy trong những bản dịch Tây Tạng.
Trong phần kết luận, Ngài nói với khán giả: “Tôi đã 81 tuổi rồi, nhưng tôi vẫn còn học hỏi và suy ngẫm về những bản Kinh từ Kinh tạng và Luận tạng và từ những bản Kinh khác bất cứ khi nào tôi có thời gian rảnh rỗi”. Ngài khuyến khích các bạn thanh niên và những vị cao tuổi với lời khuyên này, "Không cần phải nói rằng thế hệ trẻ phải nghiên cứu và tìm hiểu những lời dạy của Đức Phật; mà ngay cả những người lớn tuổi cũng phải nghiên cứu Giáo lý - như Ngài Sakya Pandita nói:
Bạn phải học kiến thức ngay cả khi bạn sẽ chết vào ngày mai.
Dù bạn có thể không trở thành một học giả ngay trong đời này Nhưng giống như bạn gởi tài sản của mình [trong một ngân hàng]
Bạn sẽ rút nó ra cho kiếp sau của bạn.
Ngài nói rằng Ngài sẽ giảng dạy chi tiết hơn trong những ngày tới và tuần tới; và chào tạm biệt tất cả Hội chúng. Sau khi bắt tay với các thành viên háo hức của khán giả, Ngài trở về cung điện cư ngụ của mình ở Shewatsal Phodrang.