Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ, 08 tháng 8 năm 2016 - Tham dự lễ khai mạc của Học Viện Biện Chứng Phật giáo Ngari sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được tiếp đón nồng nhiệt bởi vị Viện trưởng Học viện, Tiến sĩ Geshe Tsewang Dorje, Ganden Tripa Rizong Rinpoche, các vị khách mời, và những người dân địa phương đến từ làng Saboo.
Học sinh, khách mời và các thành viên của cộng đồng địa phương đang lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Lễ Khai mạc của Học Viện Biện Chứng Phật giáo Ngari tại Saboo, Ladaklh, J&K, Ấn độ vào 8, tháng 8, 2016. Ảnh/tenzin Choejor/VPĐLLM |
Trong bài phát biểu chào mừng, Tiến sĩ Geshe Tsewang Dorje đã nhắc lại với Ngài rằng khi trường được thành lập 11 năm về trước, một nhóm 25 sinh viên được lựa chọn từ những gia đình phải đối mặt với sự khó khăn về kinh tế. Ngày nay, trường có 49 học sinh đến từ khắp Ladakh, bao gồm Changthang và Zanskar. Ông cho biết nhà trường - nhằm mục đích để cung cấp những cơ hội giáo dục cho những người thiệt thòi - sẽ tiếp tục được hướng dẫn bởi lời khuyên của Ngài.
Tiếp theo đó, một nhóm học sinh lớp 5 đã tụng về “Tám bài Kệ luyện Tâm”.
Đến lượt mình, Ngài đã bày tỏ sự đánh giá cao về những cơ hội mà Hiệu trưởng và các nhân viên của Học Viện đang ban cho các học sinh dưới sự chăm sóc của họ. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết của kiến thức trong thế kỷ 21.
Ngài nói: “Là Phật tử, chúng ta cần phải nghiên cứu Phật giáo. Chúng ta cần phải sử dụng trí thông minh của mình để hiểu về ý nghĩa của những lời dạy như thế nào. Nếu chỉ dựa vào các nghi lễ và sự trì tụng không thôi thì chưa đủ. Là con người, chúng ta có một trí óc thông minh tuyệt vời, chúng ta nên sử dụng nó một cách triệt để. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cẩn thận để sử dụng nó một cách hiệu quả vì lợi ích của tha nhân chứ không phải là gây ra những vấn đề rắc rối cho họ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại lễ Khai mạc của Học Viện Biện Chứng Phật giáo Ngari tại Saboo, Ladaklh, J&K, Ấn độ vào ngày 8, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
“Nhiều nhà giáo dục từ Hoa Kỳ, Châu Âu và Ấn Độ đã nhận ra rằng, nền giáo dục hiện đại, với những mục tiêu vật chất, là không hoàn hảo. Cần phải có một nhu cầu cho sự bình an nội tâm. Điều chúng ta cần làm là chọn một phương pháp toàn diện hơn để kết hợp một nền giáo dục của con tim với một nền giáo dục của khối óc.
“Cho dù chúng ta có tin vào tôn giáo hay không, thì cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của tình yêu thương và lòng từ bi. Tất cả chúng ta đã bắt đầu cuộc sống của mình tại nơi trú ẩn của lòng yêu thương và tình cảm mẹ. Ngày nay, các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy rằng tính chất cơ bản của con người là từ bi và điều này đã đưa ra sự phủ nhận về những cảm xúc tiêu cực mang sự tai hại đến cho chúng ta.
“Mặc dù có sự khác biệt trong quan điểm triết học, nhưng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đều giảng dạy về tầm quan trọng của tình yêu thương, lòng từ bi, sự tha thứ và đức bao dung. Vì mục đích chung này mà những người tôn giáo đều nên phát triển sự tôn trọng và ngưỡng mộ dành cho nhau”.
Trong phần kết luận, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tái khẳng định tầm quan trọng của giáo dục. Ngài đã tặng một bức tượng Phật cho nhà bảo trợ người Pháp của trường; trồng một cây non để kỷ niệm chuyến viếng thăm này; và chụp một bức ảnh với các học sinh.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xem các học sinh tham gia tranh biện về triết học Phật giáo khi Ngài đến thăm trường Trung học Tất Đạt Đa ở Stok, Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 8, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Ngài đi xe đến làng Stok; nơi dừng chân đầu tiên của Ngài là Trường Trung học Tất Đạt Đa. Ngài đã được tiếp đón bởi người sáng lập của trường - Khenpo Lobsang Tsetan của Tu viện Tashi Lhunpo. Trên đường đến bục giảng, Ngài đã quan sát ba nhóm học sinh tham gia vào các cuộc tranh luận triết học Phật giáo.
Thay mặt cho tất cả các nhân viên và sinh viên, Hiệu trưởng - Tiến sĩ Geshe Tsewang Dorje đã hoan nghênh Ngài quang lâm đến với trường, nhận xét rằng đây là lần thứ ba họ được cung đón Ngài. Tiến sĩ cảm ơn Ngài về sự tiếp tục quan tâm và hướng dẫn cho trường. Đến lượt mình, Ngài đã bày tỏ lòng cảm kích sâu sắc đối với tất cả những người trong nhiều năm đã làm việc không mệt mỏi ở trường, cũng như những người đã hỗ trợ về mặt tài chính cho trường. Ngài tiếp tục:
“Chúng ta cần phải hành động để tạo ra một nhân loại từ bi hơn. Đây không phải chỉ là một khát vọng tôn giáo, mà còn là vấn đề về sự tồn tại của 7 tỷ con người đang sống hôm nay và một số phạm vi tồn tại của hành tinh chúng ta. Chúng ta không còn có thể thiển cận được nữa, không thể chỉ suy nghĩ đơn thuần về những phần thưởng tạm thời. Chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và tìm cách tránh khỏi khổ đau; nhưng thật không may! rất nhiều khổ đau của chúng ta là do chính chúng ta gây tạo ra.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với các sinh viên và nhân viên trong chuyến viếng thăm trường Trung học Tất Đạt Đa ở Stok, Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 8, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
“Sự bạo lực mà chúng ta thấy và nghe ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay là bắt nguồn từ sự nhìn thấy con người qua tâm phân biệt “chúng tôi” và “bọn họ”. Nếu chúng ta không vượt qua được lối suy nghĩ này, thì có thể thế kỷ 21 sẽ là kỷ nguyên của bạo lực giống như thế kỷ trước đó. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi điều này. Phương pháp thực tế để tạo ra con người ôn hòa hơn không phải là qua lời cầu nguyện và giảng dạy tôn giáo, mà là thông qua con đường giáo dục. Chúng ta phải sử dụng sự ý thức chung để hiểu về những tác hại của sự giận dữ và căng thẳng. Ý thức quan tâm đến tha nhân chính là ý nghĩa của lòng từ bi. Nó không phải một cái gì đó thiêng liêng; mà nó chỉ là một cảm giác đơn thuần của sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác, bao gồm cả động vật và côn trùng”.
Ngài kêu gọi các học sinh nên học hành chăm chỉ. Ngài khen ngợi họ đã học hỏi về logic và tranh biện, gợi ý rằng nó sẽ giúp họ trong sự nghiệp học tập của mình. Ngài nói với họ rằng, họ chính là những niềm hy vọng cho tương lai, và hoàn thành một nền giáo dục hoàn hảo sẽ giúp họ xây dựng một thế giới hạnh phúc hơn.
Tại Tu viện Stok, Ngài đã được cung đón bởi hóa thân trẻ của Ngài Bakula Rinpoche đã viên tịch - người đã đạt được bằng Geshe Lharampa từ trường Drepung Loseling trước năm 1959, và sau đó là người hỗ trợ vĩ đại đối với những người Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ. Ngài khuyên vị tu sĩ trẻ này hãy tham gia tốt trong việc nghiên cứu về những tác phẩm kinh điển.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Tu viện Stok ở Stok, Ladakh, J&K, Ấn Độ vào ngày 8, tháng 8, 2016. Anh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Bước vào ngôi Chánh Điện, Ngài đảnh lễ tỏ lòng tôn kính của mình và an tọa. Ngài hỏi về nguồn gốc của Tu viện và những gì đã được học ở đó. Chư Tăng trả lời rằng nó đã được thành lập bởi một đệ tử trực tiếp của Khedrup Gelek Palsang (1385-1438) - một trong những đệ tử chính của Je Tsongkhapa (1357-1419) - người sáng lập của truyền thống Gelug. Họ giải thích rằng chư Tăng học cách thực hiện các sự thực hành nhập môn, học về “Các giai trình của Đạo Giác ngộ”, và theo sự thực hành của Kim Cang Đại Phẫn Nộ (Vajrabhairava). Mười lăm vị Tăng thường trú của Tu viện Stok đã gia nhập vào tu viện Chính ở Spituk để làm lễ Sám Hối thiền môn hàng tháng hai lần và vào mùa An cư Kiết hạ.
Ngài khuyên chư Tăng nên nghiên cứu kinh điển, như đã được thực hiện tại Học viện Phật giáo Tây Tạng được tái thiết lập ở miền Nam Ấn Độ, mà Tu viện Spituk đang gửi Tăng chúng của mình tu học ở đó.
Ngài tiếp tục: “Trong khi đó, quý vị nên bắt đầu bằng cách nghiên cứu và thảo luận về Tứ Diệu Đế và quan điểm về Tánh Không như được giải thích trong “Các giai trình của Đạo Giải Thoát” của Ngài Tsongkhapa. Bakula Rinpoche cũng nên học tập thật tốt và không nên chỉ bằng lòng với danh hiệu của một Lạt Ma”.
Các
thành viên cộng đồng tập trung lắng nghe Thánh Đức Đạt
Lai Lạt Ma nói chuyện tại bức tượng Thích Ca Mâu Ni mới
được tạc dựng ở Stok, Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày
8, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Toàn bộ dân của Stok đã tập hợp xung quanh một bức tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới được xây dựng. Công trình này chủ yếu được tài trợ bởi những cựu binh Ladakh, những người đã cúi chào Ngài một cách tự hào khi Ngài vừa đến.
Ngài khuyên Hội chúng nên xem bức tượng như một lời nhắc nhở về Giáo lý chủ yếu của Đức Phật: để đối xử với những người khác bằng tình yêu thương và lòng từ bi; và luôn ghi nhớ trong tâm thức về tính chất phụ thuộc lẫn nhau của các pháp. Ngài nói rằng phần đầu của lời khuyên là được duy trì chung trong tất cả các tôn giáo lớn khác, nhưng phần thứ hai thì chỉ có duy nhất đối với Phật giáo. Ngài nói rằng người Phật tử rèn luyện tâm thức của mình, hiểu rõ bản chất duyên khởi của các pháp sẽ giúp chúng ta đối phó với những cảm xúc phiền não của mình khi chúng ta làm việc để đạt được mục tiêu của sự giác ngộ.
Cuối cùng, Ngài được thỉnh dùng cơm trưa với Hoàng gia Ladakh tại Cung điện Stok trước khi trở về Shiwatsel Phodrang.