Derry, N Ireland, Anh - Hôm nay, trong buổi sáng với bầu trời xám xịt, ướt át, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với chủ nhà Richard Moore gặp gỡ các thành viên của báo chí. Sau lời giới thiệu trang trọng và ngắn gọn, Ngài đã nêu rõ quan điểm của mình về vai trò và vị trí của báo chí.
"Trong một xã hội dân chủ hiện đại, truyền thông có một vai trò quan trọng trong việc giáo dục và thông tin cho người dân. Khi tôi gặp bạn bè ở Trung Quốc, tôi nói với họ rằng 1.3 tỷ người Trung Quốc có quyền được biết điều gì đang xảy ra; và một khi họ có được quyền đó thì họ sẽ có khả năng đánh giá đúng sai. Do đó, sự kiểm duyệt cắt bỏ mà họ phải đối mặt là một sai lầm về mặt đạo đức. Ở một đất nước tự do, các phương tiện truyền thông thi hành nhiệm vụ với một vai trò rất quan trọng.
"Tôi có ba cam kết chính. Tôi chỉ là một con người, nhưng tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm đóng góp cho một nhân loại hạnh phúc hơn. Thế nên tôi cam kết thúc đẩy các giá trị của con người. Với tư cách là một Tu sĩ Phật giáo, tôi cũng cống hiến cho sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Là một người Tây Tạng, tôi quan tâm đến việc bảo tồn văn hoá Phật giáo Tây Tạng, cũng như bảo vệ môi trường tự nhiên và sinh thái của Tây Tạng”.
Các câu hỏi bắt đầu với Thánh Đức Đạt Lai Lat Ma rằng, nếu Ngài có một ước nguyện thì điều đó sẽ là gì - và điều gì khiến cho Ngài phải đau buồn. Ngài trả lời rằng Ngài muốn được nhìn thấy một thế giới hòa bình hơn, ít xung đột hơn và vai trò của vũ khí trong cuộc sống con người được giảm bớt. Hòa bình - Ngài nói - sẽ chỉ thực sự được tạo ra thông qua đối thoại. Ngài trích dẫn tình hình ở Yemen và những gì đang xảy ra với người Rohingyas ở Miến Điện là những điều khiến cho Ngài buồn, bởi vì cả hai đều là những trường hợp đau khổ do con người gây nên, trong khi đối với điều đó vẫn có một giải pháp dành cho con người.
Về tiến trình hòa bình của Bắc Ireland, Ngài tuyên bố rằng mọi quốc gia đều thuộc về nhân dân của nước đó, vì vậy những gì xảy ra với tiến trình hoà bình cũng sẽ phụ thuộc vào người dân ở đó.
Ngài mô tả Richard Moore là một tấm gương rất điển hình cho tất cả chúng ta. "Trong khi tôi chỉ nói thôi, còn anh ta mới thực sự tham gia vào việc đưa sự từ bi vào hành động. Và điều này đã xảy đến đối với sự chuyển hóa khi anh ta biến tấn bi kịch trở thành điều mà đã làm cho anh ta trở nên lợi lạc cho biết bao trẻ em khác”.
Nhấn mạnh về việc Ngài sẽ khuyên những người có liên quan đến cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên như thế nào, Ngài nhận xét là, vì Ngài không chắc rằng những người đóng vai trò chủ đạo trong vấn đề này đã nghĩ đến cảm giác chung của cộng đồng, cho nên sẽ rất khó cho họ lời khuyên. Tuy nhiên, Ngài cho rằng sự quả quyết của ông Putin về nhu cầu cần thiết cho việc đàm phán là chính xác. Để thực hiện một chương trình vũ lực nữa sẽ không những không giải quyết được vấn đề, mà còn có thể gây ra rnhững đau khổ thảm khốc hơn cho Hàn Quốc và Nhật Bản.
"Việc sử dụng vũ khí hạt nhân là điều không thể tưởng tượng. Chúng ta phải nghiêm túc nhằm đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Thật vậy, mục tiêu lâu dài của chúng ta phải là một thế giới phi quân sự. Tôi không hy vọng là sẽ được nhìn thấy điều đó trong cuộc đời của mình, nhưng chúng ta phải đặt nó làm mục tiêu của chúng ta”.
Nêu rõ về tầm quan trọng của sự hỗ trợ mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma dành cho sự khởi đầu của Hội “Trẻ Em trong Lửa Chớp”, Richard Moore đã giải thích rằng chủ đề của cuộc hội nghị ngày hôm nay - “Giáo dục Con Tim” đã khởi lên trực tiếp từ ý kiến của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2011. Ông nói thêm rằng ông mong đợi đến lúc khi không còn cần đến Hội “Trẻ Em trong Lửa Chớp” nữa; nhưng trong khi chờ đợi đó, mục tiêu của nó là làm giảm bớt sự đau khổ; vì vậy trẻ em có cơ hội để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình. Ông đã cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về tình bằng hữu và sự ủng hộ của Ngài.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt tay với nhiều nhà báo trước khi rời khỏi đó để đến với Diễn đàn Thiên niên kỷ tham dự hội nghị. Trong phần giới thiệu của mình, Richard Moore đã báo cáo rằng các buổi lễ kỷ niệm lần thứ 20 của Hội Trẻ Em trong Lửa Chớp đã được lên kế hoạch trong một thời gian. Trong mối liên quan 10 năm của Hội đối với Tanzania và Ethiopia, đã nhận ra được nhu cầu cần thiết đối với việc về giáo dục thêm về mầm non và tầm quan trọng của các giáo viên được đào tạo tốt hơn.
Trong bài phát biểu của mình, Ngài đã nhớ lại chu kỳ bạo lực gần như liên tục mà Ngài ta đã chứng kiến kể từ khi được sinh ra, kể từ cuộc xung đột Trung-Nhật và chiến tranh thế giới thứ hai bùng phát cho đến các cuộc khủng hoảng gần đây ở Irac và Afghanistan.
Ngài nói, “Suy nghĩ về thế giới ngày nay, mặc dù bản chất con người cơ bản đã được chứng tỏ là từ bi, nhưng vẫn còn có rất nhiều đau khổ mà chính chúng ta tạo ra. Tại sao? Bởi vì hệ thống giáo dục của chúng ta bị khiếm khuyết trong việc không quan tâm đúng mức đến các giá trị của con người. Khi chúng ta đang dưới sự thống trị của tham lam và sân giận, chúng ta đang bị quấy rầy và không thể thực hiện trí thông minh của mình một cách đúng đắn. Vì vậy, chúng ta cần một sự hiểu biết rõ ràng hơn về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc của mình.
"Cho đến nay, châu Á đã học được về khoa học và công nghệ từ phương Tây, nhưng bây giờ cũng có một khả năng là phương Tây học hỏi từ Châu Á về tâm thức. Rõ ràng là sự phát triển công nghệ đã thất bại trong việc đảm bảo có được một cái tâm an bình. Vì vậy, chúng ta phải làm cho nền giáo dục hiện đại trở nên hoàn thiện hơn.
"Thế kỷ trước, với những thành tựu của nó, đã quá đầy bạo lực. Như tôi đã nói với giới báo chí, mục tiêu của chúng ta là một thế giới phi quân sự, thế nhưng chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí. Mâu thuẫn ở Trung Đông và bán đảo Triều Tiên bị vướng vào những cảm xúc và cảm giác rằng vấn đề có thể được giải quyết bằng việc sử dụng vũ lực. Chúng ta có nhiệm vụ thông báo cho những người còn trẻ ngày nay - thế hệ tương lai - rằng những suy nghĩ cũ rích như vậy là đã lỗi thời. Tuy nhiên, nếu họ thực hiện một sự nỗ lực để tiếp nhận một phương pháp khác ngay bây giờ, thì một thế giới hòa bình hơn có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Tôi không hy vọng sẽ được nhìn thấy nó, nhưng tôi sẽ luôn dõi mắt về nó trên tất cả”.
Các câu hỏi đã được mời để phát biểu ý kiến, câu đầu tiên được đưa ra kèm với ý kiến cho rằng, cũng giống như người ta thường chấp nhận rằng toán học là bắt buộc, thì “giáo dục con tim” cũng nên bắt buộc. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chấp nhận chương trình giảng dạy dành cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi và đề cập đến sự cần thiết phải phối hợp nhiều hơn với những sáng kiến đó.
Khi được hỏi làm thế nào để cho các nhà tâm lý học phương Tây hiểu rõ hơn về kiến thức của Ấn Độ cổ đại về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc, Ngài đã đề cập đến công trình được thực hiện bởi Viện Tâm Thức và Đời Sống trong 30 năm qua để đến với những sự giải thích của Phật giáo về sáu Tâm Vương và 51 Tâm Sở. Ngài đã đề cập đến những nghiên cứu nghiêm khắc được thực hiện ở các tu viện Tây Tạng, và gần đây ở những Ni viện cũng vậy - dựa trên truyền thống của Đại học Nalanda của Ấn Độ.
Được hỏi về việc rèn luyện tâm từ bi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho thấy rõ ràng rằng việc sử dụng trí thông minh của con người là rất quan trọng. Ngài đề nghị các chương trình đào tạo giáo viên nên dựa trên những phát hiện khoa học, ý thức chung và kinh nghiệm chung của nhân loại.
Liên quan đến việc giảng dạy về bình đẳng giới, Ngài đã giải thích quan điểm của mình về sự phát triển của con người và sự xuất hiện lịch sử của nhu cầu lãnh đạo mà tiêu chí đó là sức mạnh thể chất. Đây là điều dẫn đến sự thống trị của nam giới. Sự hiện hữu của giáo dục đã khôi phục lại sự bình đẳng và giờ đây đã đến lúc sự lãnh đạo của phụ nữ - những người nhạy cảm hơn với những đau khổ của tha nhân - là điều mà chúng ta cần. Ngài suy đoán rằng, nếu đa số của gần 200 quốc gia trên thế giới mà do phụ nữ lãnh đạo, thì thế giới sẽ là một nơi yên bình hơn.
Cuối cùng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ý rằng rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt - đã nảy sinh vì chúng ta bị cuốn vào những sự khác biệt thứ yếu giữa chúng ta. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào tính đồng nhất của nhân loại.
Sự kiện buổi sáng đã chấm dứt khi Mary Kabati từ Tanzania đã thay mặt cho Hội “Trẻ Em trong Lửa Chớp” tặng quà cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Như thường lệ, Ngài bắt tay và giao lưu trực tiếp với một số người tham dự hội nghị khi Ngài rời khỏi khán đài.
Sau giờ cơm trưa, gặp gỡ người Tây Tạng và những người ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Tây Tạng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ôn lại những thành tựu của gần 58 năm lưu vong. Ngài cũng nhớ lại sự thành lập ban đầu của truyền thống Nalanda ở Tây Tạng sau khi vua Trisong Detsen đã mời Ngài Thiện Hải Tịch Hộ trí tuệ uyên bác đến vùng đất tuyết. Ngài khuyến khích các khán giả nên luôn luôn tự hào về việc mình là người Tây Tạng; và nếu có bất cứ cơ hội nào thì họ phải nói với người khác về Tây Tạng. Ngài đã bảo đảm với họ rằng sau khi điều trị y tế cách đây một năm, Ngài đã khỏe mạnh và có sức khoẻ tốt. Ngài thừa nhận rằng đầu gối của Ngài đã gây cho Ngài một số rắc rối, nhưng đề cập đến việc biết rằng đây là điều mà Ngài đã chia sẻ cùng với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm.
Khi người Tây Tạng và bạn bè của họ tập trung xung quanh Ngài để chụp ảnh, Ngài lại khuyến khích họ nên nghiên cứu và tiếp tục sử dụng ngôn ngữ sống động của Tây Tạng. Mặt trời đang chiếu sáng khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại khách sạn của mình. Ngày mai Ngài sẽ rời Derry để bay tới Frankfurt, Đức.