Frankfurt, Đức - Hôm qua, vì lý do kỹ thuật nên chuyến bay của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma từ Derry, Bắc Ailen, đến Frankfurt đã bị trì hoãn lại và cuối cùng cũng đã cất cánh trong bầu trời mưa như trút nước. Khi Ngài đáp xuống Frankfurt, vùng thôn quê tràn ngập trong ánh nắng ấm áp của mặt trời buổi chiều muộn.
Bắt đầu với buổi sáng nay, Ngài gặp gỡ một nhóm người Trung Quốc, Mông Cổ và người Duy ngô Nhĩ - những học giả, sinh viên và doanh nhân - Ngài nói với họ rằng người Tây Tạng sẵn sàng ở lại với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngài cũng nói rằng khi lần đầu tiên Ngài gặp Rebiya Kadeer - Vị lãnh đạo của người Duy Ngô Nhĩ - bà đã nói về việc sử dụng bạo lực để giành được độc lập, nhưng Ngài đã thuyết phục bà thay vì vậy - nên theo đuổi con đường bất bạo động. Vào thời điểm đó, bà cũng chấp nhận sự tự trị là mục tiêu của mình.
Ngài được hỏi về tình trạng suy giảm nhân quyền ở Trung Quốc, được chứng minh qua cái chết của Lưu Hiểu Ba. Ngài trả lời rằng Ngài đã nghe nói, ông Tập Cận Bình đã rất ngạc nhiên trước sức mạnh của sự phản đối cải tổ trong số những người bảo vệ trong Đảng. Ngài đề cập đến hy vọng rằng trong Đại hội Đảng sắp tới, khi nhiều thành viên cao tuổi của Bộ Chính trị sẽ nghỉ hưu, họ sẽ được thay thế bởi những khuôn mặt mới. Cơ hội cho sự thay đổi sau đó có thể sẽ xảy ra. Ngài lưu ý rằng nhiều người Trung Quốc có học thức đang ủng hộ phương pháp Trung đạo, Ngài nói thêm rằng, bộ máy chính quyền có thể đến và hết nhiệm kỳ, nhưng người dân thì vẫn tồn tại. Ngài nhận xét rằng quan hệ Trung Quốc -Tây Tạng đã có hơn 2000 năm qua, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc mới tồn tại chưa đầy một thế kỷ.
Khi được hỏi về sự tiến triển có thể đạt được, Ngài đã gợi ý rằng khi Ngài tham gia vào cuộc đối thoại hiệu quả với các nhà khoa học trong hơn 30 năm qua, điều quan trọng là người Trung Quốc và Tây Tạng lưu vong, đặc biệt là sinh viên, đã hiểu rõ về hơn nhau. Ngày nay, khi có ít người trên thế giới nói về nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương, thì sẽ rất ích lợi nếu khôi phục lại mối liên hệ giữa người Tây Tạng, Mông Cổ và Duy Ngô Nhĩ, tập trung vào các quyền và bảo vệ bản sắc văn hoá. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đồng ý với đề xuất dựng tượng của Lưu Hiểu Ba để những kỷ niệm về Ông sẽ không bị xóa nhòa, và Ngài đề xuất nên dựng ở Phố Trung Hoa (Chinatown) tại New York là một địa điểm xứng đáng nhất.
Chuyến xe dưới cơn mưa đều đều đã đưa Ngài đến Jahrhunderthalle, Hội trường Thế kỷ. 1600 sinh viên đến từ 60 trường học trong và xung quanh tiểu bang Hesse đã tập trung ở đó để nghe Ngài nói chuyện và 10 người trong số họ sẽ đặt những câu hỏi với Ngài.
"Anh chị em thân mến!", Ngài bắt đầu, "Tôi rất vui khi có cơ hội này để nói chuyện với các bạn sinh viên trẻ. Tôi tin rằng tất cả 7 tỷ người chúng ta đều giống nhau như một con người. Nhiều vấn đề chúng ta phải đối mặt là do chính chúng ta gây ra. Tại sao? Bởi vì chúng ta liên tục suy nghĩ về dân tộc của tôi, quốc gia của tôi, tôn giáo của tôi, chúng ta tập trung vào những khác biệt thứ yếu giữa chúng ta.
"Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta vẫn có thể định hình cho tương lai. Kể từ khi tôi sinh ra vào năm 1935, tôi đã chứng kiến việc bạo lực và chiến tranh liên tục. Chúng ta đang ngồi một cách yên bình và hữu nghị với nhau ở đây, nhưng ở những nơi khác trên hành tinh này, những con người khác đang đau khổ - bị giết và chết đói. Liệu chúng ta có thể thờ ơ được không? Chúng ta cần phải nhớ đến sự đồng nhất của nhân loại; và rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em. Những người thuộc thế kỷ 21 phải có trách nhiệm tạo ra một thế giới hòa bình hơn. Nếu bạn bắt đầu ngay bây giờ và thực hiện một sự nỗ lực thì bạn có thể thấy sự thay đổi như vậy trong đời sống của bạn, mặc dù tôi sẽ không sống được đến lúc đó để nhìn thấy nó. Sự bình yên của tâm hồn sẽ là nền tảng của nó - đòi hỏi một sự kết hợp của lòng nhân hậu nhiệt thành và trí thông minh”.
Khi được hỏi làm thế nào để tiến hành, Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tiến giáo dục. Ngài nói rằng trong quá khứ nhà thờ đã đã là nơi chăm sóc cho sự khắc sâu những giá trị của con người, thì ngày nay sự ảnh hưởng của tôn giáo đã bị giảm sút. Bây giờ cần phải có tầm nhìn thoáng rộng và sự nhiệt tình để đưa các nguyên tắc đạo đức vào sự giáo dục chính thống.
Khi được hỏi về những vấn đề người tị nạn ở châu Âu, Ngài giải thích rằng hầu hết trong số họ đã chạy trốn khỏi đất nước của mình vì tình trạng bất ổn ở đó. Ngài đã so sánh những người tỵ nạn đương thời với người Tây Tạng, những người luôn mong muốn trở về lại Tây Tạng. Người tị nạn hôm nay, Ngài nói, nên được che chở và cung cấp sự giáo dục và đào tạo cho thế hệ trẻ để khi hòa bình được phục hồi ở quê hương của họ, họ có thể trở về xây dựng lại quê hương.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh sự thay đổi thái độ giữa đầu thế kỷ 20, khi mọi người tự hào tham gia lúc chiến tranh được tuyên bố, chống lại chiến tranh, bạo lực và vũ khí hạt nhân vào lúc kết thúc. Sự mong muốn hiển nhiên cho hòa bình là đáng khích lệ, Ngài nói, lưu ý rằng bức tường Berlin không phải là kết quả của việc sử dụng vũ lực, mà là do ý chí của cộng đồng. Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với tinh thần của Liên minh châu Âu, điều này đã phản đối sự suy nghĩ về "bọn họ" và "chúng tôi" - nguồn gốc của sự chia rẽ.
"Bản chất con người cơ bản của chúng ta rất nhiệt tình nhân hậu”, Ngài khẳng định. "Nếu không có nó, chúng ta không thể sống sót. Nhưng chúng ta cũng phải sử dụng trí thông minh của mình, tự hỏi bản thân mình, ví dụ như - nếu tức giận thì có ích lợi gì không. Câu trả lời là nó phá hủy sự bình yên trong tâm hồn của chúng ta. Phụ nữ có xu hướng trang điểm để làm tăng vẻ đẹp, nhưng nếu sự biểu hiện của họ là giận dữ, thì không ai muốn nhìn họ cả”.
Trong bối cảnh học hỏi từ kinh nghiệm, Ngài đã mô tả ba bước để phát triển sự hiểu biết rõ ràng hơn. Đầu tiên là đọc hoặc lắng nghe những gì người khác nói. Tiếp theo là suy tư về điều đó cho đến khi nó được rõ ràng trong tâm trí của bạn; và thứ ba là trở nên hết sức quen thuộc thông suốt với những nhận thức này đến nỗi nó trở thành một phần kinh nghiệm của bạn.
Khi được yêu cầu để nói về sự tự do hay an ninh là quan trọng hơn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:
"Sự tự do - bởi vì sự khéo léo tự nhiên của chúng ta. Chúng ta có tiềm năng lớn cho sự sáng tạo, điều này đòi hỏi sự tự do nếu chúng ta muốn tránh sự trì trệ. An ninh đôi khi được viện dẫn là bảo vệ sự sáng tạo đó, nhưng nó không nên để hạn chế suy nghĩ của chúng ta. Các hệ thống chuyên chế thường hay gắn kết an ninh với sự hạn chế thu hẹp”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với một học sinh khác rằng mục đích cao nhất của con người là đạt được hạnh phúc.
Liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội, Ngài nói rằng điều quan trọng là không nên trở thành nô lệ cho những cơ hội như vậy hoặc công nghệ hỗ trợ chúng, mà là để sử dụng chúng với trí thông minh, không để cho chúng bị thao túng. Ngài kết thúc cuộc họp bằng cách đề nghị các sinh viên nên suy nghĩ về những gì họ đã nghe. Nếu họ chấp thuận và ưa chuộng nó, thì hãy cố gắng thực hiện nó trong cuộc sống của mình và chia sẻ những gì mình đã hiểu với người khác. Tuy nhiên, Ngài nói thêm rằng nếu điều đó không có ý nghĩa gì đối với họ, thì họ luôn được hoan nghênh để quên nó đi.
Nói chuyện với gần 3000 người sau bữa cơm trưa, Ngài một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt qua một khuynh hướng sống dựa vào những sự khác biệt thứ yếu và nhận ra rằng chúng ta về cơ bản là những con người như nhau. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn, thanh bình hơn, thừa nhận tính nhất thể của nhân loại. Ngài chỉ ra rằng khi chúng ta đến bệnh viện, không ai hỏi chúng ta đến từ đâu và chúng ta tin điều gì. Chúng ta được tiếp đón như một bệnh nhân cần được điều trị.
"Tương tự như vậy, nếu bị thất lạc ở nơi hoang dã, cuối cùng chúng ta nhìn thấy người khác từ ở xa, thì suy nghĩ đầu tiên của chúng ta sẽ không hỏi họ đến từ đâu, thuộc về chủng tộc hay tôn giáo nào, mà là yêu cầu cứu giúp khi được gặp người khác".
Ngài lặp lại sự thán phục của mình đối với tinh thần của Liên minh Châu Âu và ý thức về sự láng giềng tốt đẹp mà nó đòi hỏi. Ngài mong muốn một liên minh như vậy được phát triển ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á. Ngài đề nghị rằng sự tôn trọng lẫn nhau dẫn đến sự tin tưởng và quan hệ thân thiện hơn, trong khi sự nghi ngờ đưa đến rắc rối. Ngài nhắc lại rằng khi nhìn những người khác với khái niệm 'bọn họ' và 'chúng tôi' chỉ đưa đến việc chia rẽ hơn nữa mà thôi. Do đó, việc nuôi dưỡng ý thức về sự đồng nhất của nhân loại là điều thiết yếu cho hòa bình trong thế giới rộng lớn hơn.
Trong số những câu hỏi của khán giả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được hỏi làm thế nào để đối phó với nỗi sợ hãi. Ngài trả lời rằng một số nỗi sợ hãi, chẳng hạn như sự sợ hãi về một con chó điên, là có giá trị và có cơ sở tốt. Tuy nhiên, cũng có những nỗi sợ hãi bắt nguồn từ việc suy nghĩ quá nhiều về bản thân. Khi điều đó nảy sinh, Ngài gợi ý, có thể sẽ thú vị khi tự hỏi mình rằng cái “Tôi” ở đâu và “Tôi” là gì mà mình phải lo lắng đến như vậy.
Câu trả lời của Ngài về lý do tại sao người ta lại tham lam như vậy; là vì họ thiếu các nguyên tắc đạo đức cơ bản và tôn trọng quyền của người khác. Họ không hiểu rằng hạnh phúc thực sự có liên quan đến tâm thức hơn là sự hài lòng về thể xác.Khi một thành viên của khán giả thỉnh cầu Ngài cầu nguyện cho cô sau khi vượt qua những khó khăn khủng khiếp, Ngài đã nói với cô rằng Ngài sẽ thực hiện, và thêm rằng lời cầu nguyện hàng ngày của Ngài là:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Cuối cùng, để kết thúc một ngày dài, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói chuyện với 1500 người Tây Tạng đến từ các vùng khác nhau ở Bắc Âu. Ngài ca ngợi ý thức kiên trì của họ về việc mình là người Tây Tạng ở bất cứ nơi nào họ sống; và cảm ơn họ vì sự trung thành và niềm tin vững chắc. Ngài khẳng định lại rằng đó là quyết tâm bền bỉ của người dân Tây Tạng đang sống ở Tây Tạng, điều đó giúp cho những người lưu vong cũng giữ vững tinh thần của mình.
Ngài ôn lại những gì đã đạt được trong cuộc sống lưu vong về mặt văn hoá Phật giáo Tây Tạng, truyền thống Nalanda, bằng cách mở rộng cơ hội học tập nghiêm túc. Ngài nhấn mạnh rằng chỉ có người Tây Tạng mới duy trì cách tiếp cận giáo lý của Đức Phật dựa trên tính hoài nghi, logic và lý luận. Bên cạnh đó, Ngài khẳng định rằng ngôn ngữ Tây Tạng là phương tiện mà thông qua đó lời dạy của Đức Phật có thể được diễn đạt một cách chính xác nhất. Ngoài ra, những giải thích chi tiết về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc được tìm thấy trong văn học Phật giáo ngày nay có ý nghĩa rất quan trọng. Ngài tuyên bố - đây là điều đáng để tự hào.
Ngài kể lại một dịp vào đầu năm nay bay từ Guwahati đến Dibrugarh trên một chiếc máy bay nhỏ trong một cơn bão khi sự hỗn loạn khiến Ngài lo về cuộc đời mình. Ngài nói rằng mối quan tâm chính của Ngài là vì cả sáu triệu người Tây Tạng đã đặt niềm hy vọng của họ vào Ngài mà Ngài sẽ làm được gì nếu như Ngài gặp tai nạn, khi Ngài nói đến đây, khán giả đã vỗ tay hoan nghênh tán thành. Ngài đảm bảo với họ rằng sức khoẻ của Ngài rất tốt và Ngài có thể sống thêm 15-20 năm nữa, trong thời gian đó có thể sẽ có sự thay đổi tích cực cho Tây Tạng. Trước khi vẫy chào tạm biệt, Ngài kêu gọi mọi người hãy vui vẻ và thoải mái.
Ngày mai, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ tham dự một cuộc hội thảo về 'Khoa học Tây phương và Quan điểm Phật giáo' và sẽ viếng thăm Viện Tây Tạng mới ở Frankfurt.