Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Sáng nay, bất cứ nơi nào Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi qua, đám đông đều tụ tập lại để nhìn Ngài cười, nghe những lời Ngài an ủi, hoặc cảm nhận những cái chạm tay đầy an lạc của Ngài; sau khi chào hỏi hàng chục người trong số họ xong, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi đến cổng của khu Shiwatsel Phodrang. Ngài bước lên xe để đi đến lều giảng đường thuyết Pháp ở tận cuối sân của khu vực thuyết Pháp. Hàng ngàn người đang xếp hàng để cung đón Ngài. Gần nơi lều, những phụ nữ địa phương trong những bộ trang phục của họ, các tay chơi trống, những người thổi tù và, chư Tăng cùng với những chiếc tù và với những chiếc lọng nghi lễ của họ đang đứng đợi sẵn để cung nghinh Ngài. Ngay trước khi bước vào tòa nhà, Ngài đã dành vài phút để an ủi động viên những người Tây Tạng bị bệnh kinh niên.
Khi đã vào bên trong, Ngài cúi đầu đảnh lễ tượng Phật, và khi đi xuống rìa của khán đài, Ngài đã bắt gặp ánh mắt của vài người bạn cũ, Ngài đã vẫy tay chào đón với khoảng 40.000 khán giả đông đảo từ nơi trung tâm cho đến góc bên trái, bên phải. Sau khi chào các vị Lamas và chư Tăng bên phía cánh phải xong, Ngài liền an tọa trên pháp tòa của mình. Các em học sinh đến từ Trường Công Lập Ladakh đã chứng tỏ được sự tinh thông của mình trong cuộc tranh luận. Sau đó, các Sinh viên của Học viện trung tâm Nghiên cứu Phật giáo đã bắt đầu tụng giai điệu du dương của “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Phạn.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: “Chúng ta sẽ tiếp tục Giáo lý này từ chỗ mà chúng ta đã dừng lại hồi năm ngoái”. “Chúng ta đã hoàn tất ba chương đầu tiên của “Nhập Bồ Tát Hạnh”, vậy bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu với Chương thứ Tư – “Sự tận tâm”. Tác giả - Ngài Tịch Thiên - là một bậc thầy vĩ đại của Nalanda, là đệ tử của Ngài Long Thọ. Tôi đã thọ giáo Pháp này từ Bậc Đạo Sư Kinnauri - Ngài Tenzin Gyaltsen, Ngài đã quả quyết với tôi rằng không có lời giải thích nào hơn về phương pháp phát triển Bồ Đề Tâm bằng tác phẩm này kể từ khi nó được trước tác từ thế kỷ thứ 8. Ngài đã dạy nó cho tôi vào năm 1967 và nó đã vô cùng lợi lạc đối với tâm thức của tôi. Ngài nói với tôi rằng sẽ rất tốt nếu tôi có thể thường xuyên dạy nó lại cho những người khác.
“Nhiều người đã tập trung ở đây, không phải để giải trí, kinh doanh, hoặc để thực hiện một cuộc mít tinh về chính trị; mà là để tham dự một Pháp hội về tâm linh. Điều đó nghĩa là gì? Ở đây, trong thế kỷ 21 này, tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay đều muốn được hạnh phúc và không muốn phải hứng chịu khổ đau. Chúng ta đều bình đẳng như nhau trong niềm mong muốn đó. Nhiều người tìm kiếm sự an ủi trong tôn giáo, nhưng có khoảng 1 tỷ người đã tuyên bố rằng họ không có hứng thú đối với tôn giáo; họ nói rằng tôn giáo là lợi dụng và không cần thiết. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều tán dương việc thực hành tình yêu thương và lòng từ bi, đó là nguồn an lạc và hạnh phúc; và cảnh báo về những lỗi lầm của những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và ghen tuông.
“Các nhà khoa học nói rằng họ có bằng chứng cho thấy rằng những người trau giồi tình yêu thương và lòng từ bi thì sẽ có nhiều sự an lạc trong tâm hồn; trong khi đó - sự tức giận và sợ hãi triền miên sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy không thoải mái và không tốt cho sức khoẻ. Cảm giác thông thường cũng cho chúng ta thấy rằng những người bị xúc động bởi tình yêu thương và lòng từ bi thì an lạc và hạnh phúc. Còn những người bị áp đảo bởi những cảm xúc tiêu cực như ghen tuông và cạnh tranh thì luôn cảm thấy cả thế giới này đều là kẻ thù của họ. Thật dễ dàng để thấy rằng tình yêu thương và lòng từ bi đã thu phục được sự tín nhiệm của mọi người; và sự tín nhiệm đã đã chinh phục được bạn bè bằng hữu. Tương tự như thế, sự trung thực và chân thành là nền tảng của công lý.
“Chỉ riêng về sự phát triển kinh tế không thôi thì chưa phải là giải pháp cho những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt; mà cũng chẳng phải là việc sử dụng vũ lực. Hòa bình trên thế giới phụ thuộc vào cá nhân, gia đình và cộng đồng thì mới đạt được sự an lạc trong nội tâm. Điều này không thể nào mua được. Chúng ta cần phải trau dồi những giá trị bên trong để đối trị với những cảm xúc tiêu cực của chúng ta”.
Khi thấy những em sinh viên của Trường Công Lập Ladakh đã tranh luận trước đó không có mái che để bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời đang nóng đốt, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gọi họ đến ngồi trong bóng râm dưới chân Pháp tòa. Ngài nhận xét rằng, nếu có điều gì đó cần phải làm thì chúng ta không thể bỏ qua những gì đang xảy ra đối với người khác. Ngài nói thêm rằng, ngày nay, những người được giáo dục đang ngày càng nhận ra rằng sự bỏ bê thờ ơ đối với những khổ đau của người khác đã phản ánh lên một sự thiếu sót về mặt đạo đức.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng “Qua hơn 1000 năm kể từ khi Phật giáo được truyền đến Tây Tạng, chúng tôi đã gìn giữ sống động những truyền thống mà chúng tôi đã nhận được. Hôm nay, tôi muốn nói với các bạn bè và các nhà trí thức Ấn Độ rằng việc hồi sinh kiến thức Ấn Độ cổ đại về tâm thức và cảm xúc - cả hai đều rất thích đáng và có giá trị.
“Hôm nay tôi ở đây để giảng dạy về Phật giáo. Đức Phật đã dạy rõ ràng rằng tâm thức có thể được thuần hóa; và khi nó đã được thuần thục thì nó sẽ đưa đến hạnh phúc. Cũng nói rằng:
Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay;
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác;
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Tiếp tục về “Nhập Bồ Tát Hạnh” Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tóm tắt phần đọc của Ngài ở chương 4; đề cập đến sự tận tâm, ý thức rằng một khi bạn đã quyết định làm điều gì đó thì bạn nên nhìn nó một cách thấu đáo. Ngài lưu ý đến các câu thơ đề cập về giá trị của một kiếp người quý giá với đầy đủ những điều kiện thuận duyên của sự tự do và may mắn; và các pháp thì vô thường như thế nào vì nó có thể bị mất đi một cách hết sức dễ dàng.
Tiếp theo bản văn có phần hỏi - tôi đã trở thành một nô lệ cho những cảm xúc tiêu cực như thế nào? Những cảm xúc tiêu cực và phá hoại ở đây đã được so sánh như những vong linh quấy rối, điều này khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma phải nhận xét rằng cách tốt nhất để chống lại những nhiễu loạn như thế chính là trau giồi lòng từ bi đối với họ.
Khi văn bản đề cập đến đoạn:
Tôi không bao giờ rút lui thoái chuyển
Khỏi việc đánh bại những khái niệm phiền não của chính mình ...
Và để thực hiện điều này sẽ là nỗi ám ảnh duy nhất của tôi;
Giữ vững mối thù mạnh mẽ này, tôi sẽ gặp chúng trong trận chiến!
Thà là tôi bị lửa thiêu đốt cháy; Thà bị chặt đầu và bị triệt tiêu
Còn hơn là phải cúi đầu cam chịu
Trước những khái niệm phiền nhiễu miên trường.
Ngài đã khuyên rằng - Điều đó giống như một lời cam kết mà chúng ta nên đón nhận.
Đến cuối chương 4, Ngài dừng lại để thọ cơm trưa, và hứa sẽ tiếp tục việc đọc tác phẩm này vào ngày mai.