Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lên khán đài của giảng đường Shiwatsel sáng nay, các học sinh đến từ Trường làng trẻ em Tây Tạng (TCV) đang tranh biện với các học sinh của Trường Công Lập Ladakh. Ngài vẫy tay chào đón các khán giả, những người phương Tây đứng ở phía bên trái, người Trung Quốc phía bên phải, người dân Ladakh và Tây Tạng cùng Quý Sư trong Tăng phục màu đỏ đứng ở phía trước, họ đứng kín cả khoảng sân rộng.
Không để mất thời giờ, Ngài bắt đầu giảng ngay sau khi tụng bài kệ “Tán thán Trí tuệ Ba La Mật” của tác giả Rahula:
Xin kính lễ Trí tuệ Ba La Mật,
Mẹ của tất cả chư Phật trong ba đời,
Vượt lên trên ngôn từ, không thể nghĩ bàn, không thể diễn tả,
Không bị tạo ra và không bị cản trở, trong bản thể của hư không,
Lĩnh vực khách quan của trí tuệ tự chứng.
Tatyatha - gateh, gateh, paragateh, parasamgateh, bodhi svaha
“Chúng ta phải đối mặt với vô số vấn đề. Mỗi ngày mọi người đều mang những nỗi đau và những vấn đề của họ đến với tôi. Tất cả những điều này xuất hiện như là kết quả của mối quan hệ của chúng ta với các uẩn thuộc tâm lý-vật lý của chúng ta, sự kết hợp của cơ thể và tâm thức của chúng ta. Khi thảo luận về việc những vấn đề của chúng ta có thể được khắc phục hay không, Đức Phật đã hỏi rằng liệu đau khổ có phải là một phần của bản chất nội tại cố hữu của chúng ta hay không. Nếu phải, thì chúng ta sẽ không thể nào khắc phục được chúng. Khi chỉ ra rằng đau khổ không phải là bản chất của tâm thức, Ngài tuyên bố rằng nó có thể được khắc phục. Chúng ta có thể đạt được sự chấm dứt thực sự (Diệt Đế).
Từ “Gateh” đầu tiên của thần chú “Bát Nhã Tâm Kinh” là ngụ ý về con đường đầu tiên trong năm con đường - con đường tích luỹ (gia hạnh đạo). Trong bối cảnh của con đường chung, điều này xảy ra khi bạn phát khởi một sự quyết tâm vững chắc để thoát khỏi khổ đau. Về phương diện Đại Thừa, bạn đạt được con đường tích lũy này khi bạn phát khởi một khát vọng vững chắc để đạt được giác ngộ.
Trong “Hiện quán Trang nghiêm Luận” ngài Di Lặc đã giải thích về nội dung rõ ràng của giáo lý Trí Tuệ Ba La Mật; các giai trình của Đạo lộ. Trong các tác phẩm của mình, ngài Long Thọ đã giải thích nội dung tiềm ẩn - trí tuệ hiểu biết Tánh Không. Đây là những gì chúng ta cần phải tu luyện để đạt được sự chuyển hóa trong chính chúng ta và điều đó sẽ đưa đến sự chấm dứt thực sự (Diệt đế). Liên quan đến con đường (đạo lộ), trong "400 Bài Kệ" Ngài Thánh Thiên viết:
Trước tiên ngăn chặn những điều quấy sai lầm lỗi,
Kế tiếp ngăn chặn [ý tưởng thô] về một cái Tôi;
Sau đó ngăn ngừa quan điểm về tất cả các loại.
Ai liễu ngộ điều này - đó chính là bậc trí.
"Trong “Vòng Hoa Báu” Đức Long Thọ đã viết về sự đạt được những cảnh giới cao, đề cập đến sự tái sinh tốt, và thiện nghiệp xác định, điều này đề cập trước tiên đến sự thoát khỏi những cảm xúc phiền não và thứ đến là đề cập về sự thoát khỏi ngay cả những dấu vết của chúng. Đối với “Nhập Bồ Tát Hạnh” thì mục tiêu cuối cùng của thiện nghiệp xác định là sự giác ngộ hoàn toàn - trạng thái toàn giác của một vị Phật. Ngài Long Thọ nói thêm rằng, để đạt được sự giác ngộ vô biên cho chính mình và cho tha nhân, chúng ta cần đến lòng từ bi - gốc rễ của Bồ đề tâm, và trí tuệ hiểu biết về tánh Không. Ngài nói thêm - trọng tâm của trí tuệ là giác ngộ và trọng tâm của từ bi là chúng sinh.
“Để có một kinh nghiệm thực sự về lòng từ bi, chúng ta cần phải biết đến đau khổ và phải hiểu rằng nó có thể được khắc phục. Để đạt được Phật quả, chúng ta cần lòng từ bi, Bồ đề tâm và trí tuệ bất nhị hiểu biết về tánh không”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc nhở mọi người rằng, vì hôm qua Ngài đã đọc xong Chương 4 của “Nhập Bồ Tát Hạnh” rồi nên hôm nay Ngài sẽ bắt đầu đọc Chương 5. Chương này mở ra với một lời khuyên hữu ích: “Những ai muốn bảo vệ sự thực hành của mình thì nên thận trọng theo dõi tâm trí của chính mình”. Trong khi bài kệ thứ 17 đề cập đến 'sự bí mật của tâm thức', thì Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát thấy rằng nó phải có liên quan đến sự thiền định về tánh không của chính tâm thức. Ngài nói rằng nó rất có năng lực mạnh mẽ để cho tâm trí tập trung vào bản chất thật của chính nó.
Ngài nói đến tài liệu truyền thống về nguồn gốc của tác phẩm này, giải thích rằng có một truyền thống ở Nalanda dành cho mỗi Vị Tăng làm Chủ Sám để dẫn dắt trong những buổi lễ sám hối và tịnh hóa mỗi tháng hai lần; và để giảng Pháp cho Đại chúng mỗi tháng hai lần. Trong mắt của các bạn đồng tu của mình, Ngài Tịch Thiên chẳng có gì nổi bật cả; và họ mong đợi sẽ thích thú khi Ngài tự làm cho chính mình trở nên đần độn hơn. Khi Ngài hỏi rằng Ngài nên tụng những gì mới mẻ hay tụng lại những điều đã được dạy từ trước; họ yêu cầu Ngài đọc những gì mới mẻ. Kết quả - khiến những bạn đồng tu của Ngài phải kinh ngạc sững sờ - là tác phẩm “Nhập Bồ Tát Hạnh” này. Ngài Tịch Thiên cũng đã sáng tác một bản “Yếu lược Tu luyện” bổ sung cho tác phẩm này, và Ngài đã nói với họ rằng họ sẽ tìm thấy những tác phẩm này trên mái rui nhà trong phòng của Ngài. Hai văn bản này là tiêu biểu trong Sáu Bản văn của Kadampas.
Khi tiếp tục đọc, Ngài gây chú ý nhấn mạnh đến tầm quan trọng về việc nương tựa vào vị Thầy của mình, về phẩm hạnh của Thầy - một bậc giữ vững, duy trì Tam vô lậu học (Giới - Định - Tuệ). Ngài cũng nhắc lại rằng khi thiền định về bản tánh của tâm thì cần phải tập trung vào sự trong sáng rõ ràng và sự tỉnh thức của tâm.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập về xu hướng phát triển của thế giới đối với việc tìm kiếm niềm vui trong âm nhạc, phim ảnh, thực phẩm tốt và quần áo thời trang, tất cả những điều này chỉ đưa đến mức độ hài lòng về khía cạnh cảm giác mà ngay cả loài động vật cũng có khả năng cảm nhận được. Điều làm cho con người trở nên khác biệt với những loài vật khác đó chính là trí thông minh độc đáo của họ và khả năng tìm kiếm sự hạnh phúc trên nền tảng của sự bình an nội tâm. Ngài gợi ý rằng sự hài lòng sâu sắc về nội tâm sẽ làm giảm thiểu nhu cầu thỏa mãn về cảm giác. Ngài nhớ lại một Tu sĩ Công giáo mà Ngài đã gặp tại Montserrat ở Tây Ban Nha - người đã sống trong thời gian 5 năm như một ẩn sĩ trong một hang động trên những ngọn đồi - đã sống sót tồn tại chỉ với bánh mì và trà. Khi Ngài hỏi về sự thực hành của Vị Tu Sĩ ấy thì ông nói với ngài rằng ông đã thiền định về tình yêu thương, khi ông nói lên điều đó thì Ngài nhận thấy ánh sáng lấp lánh trong ánh mắt của ông.
Khi bản văn đề nghị đến việc đọc kinh sách, Ngài đã nhắc nhở khán giả về 100 bộ của Kinh Tạng và hơn 200 bộ của Luận Tạng. Ngài đã tóm tắt về hành động của Phật giáo là bất bạo động và quan điểm của Phật giáo là Lý Duyên Khởi.
Bắt đầu đọc Chương 6 về pháp Nhẫn nhục, Ngài đã xác định về ba khía cạnh: Nhẫn nhục để thận trọng khi có ai đó đang làm hại mình, nhẫn nhục khi đối diện với những vấn để rắc rối và nhẫn nhục để đạt được sự hiểu biết sâu sắc về thực tại của vạn vật. Ngài quan sát thấy rằng sự nhẫn nhục cũng quan trọng trong việc liên hệ với sự hướng dẫn phát khởi bồ đề tâm bằng cách hoán đổi ngã – tha (hoán đổi hoàn cảnh giữa mình và người khác) trong Chương thứ 8.
Một trong những lý do khiến vấn đề không thể giải quyết được một cách thỏa đáng thông qua việc sử dụng vũ lực - chính là nguồn gốc của chúng thường dựa trên thái độ thiếu đúng đắn và phóng đại của chúng ta. Ngài đề cập đến điều mà nhà tâm lý học người Mỹ - Aaron Beck đã nói với Ngài rằng ông đã học được trong khi điều trị cho người ta về việc đấu tranh với sự sân giận. Mặc dù đối với nhiều đối tượng của sự tức giận của họ dường như là hoàn toàn tiêu cực, nhưng Beck đánh giá rằng 90% trong số đó là do sự phóng tưởng của tâm thức. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cảm thấy điều này đúng với lời khuyên của Ngài Long Thọ:
Nhờ diệt trừ nghiệp chướng phiền não - ta đạt được Niết Bàn.
Nghiệp chướng não phiền khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không.
Kết thúc bài đọc của mình trong ngày, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hứa sẽ tiếp tục vào ngày mai, Ngài cũng có kế hoạch truyền Quán đảnh Trường Thọ về Đức Tara Trắng.