Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Để thực hiện buổi tham dự cuối cùng ở Ladakh năm nay, Ngài trở lại Thính phòng Thánh Long Thọ của Viện Nghiên cứu Phật học Trung Ương (CIBS), Choglamsar. Ngài được vị Giám đốc - Giáo sư Konchok Wangdu chào đón như một vị Chính Khách tại buổi khai mạc cuộc hội thảo ba ngày về 'Phật giáo ở Ladakh'. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thắp ngọn đèn biểu thị sự khai mạc chính thức của sự kiện và Ngài an tọa. Các sinh viên của Học viện đã tiến hành những lời cầu nguyện Cát Tường, gồm cả “Bát Nhã Tâm Kinh” trong âm điệu tiếng Phạn đầy truyền cảm.
Trong phần giới thiệu của mình, Giáo sư Konchok Wangdu đã thay mặt cho người dân Ladakh đảnh lễ Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và kính chào các vị khách và những quan chức khác. Ông nói đây là một vinh dự lớn lao đối với Viện Nghiên cứu Phật học Trung Ương và Hội đồng Nghiên cứu Triết học Ấn Độ (ICPR) được cung nghinh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm tham dự buổi hội thảo.
Giáo sư Wangdu đề cập rằng, từ khi được xem là một trường đại học vào tháng 1 năm 2016, Viện Nghiên cứu Phật học Trung Ương đã có thể thiết kế chương trình giảng dạy và sách giáo khoa của riêng mình. Viện cũng đã có thể sắp xếp các sự giao lưu tương tác cho sinh viên của mình với các sinh viên cùng cấp tại Arunachal Pradesh và Sarnath. Các mối quan hệ cũng đang phát triển với Đại học Nhật Bản, cũng như các trường đại học ở Mông Cổ và Nga.
Giáo sư giải thích rằng chủ đề của hội thảo, 'Phật giáo ở Ladakh', đã được chọn bởi vì - mặc dù ở nhiều khu vực có sự tiến bộ về vật chất - nhưng con người vẫn không cảm thấy hài lòng. Phật giáo đóng một vai trò trong sự thử thách khó khăn này, đó là lý do tại sao học sinh được khuyên nên tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn bằng cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp như lòng từ bi. Giá trị của tâm lý học Phật giáo đã có tính thuyết phục như thế nên Giám đốc đang đề xuất thành lập một phân khoa riêng biệt tập trung vào khoa học tâm thức.
Tiếp theo là Giáo sư SR Bhat - Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Triết học Ấn Độ - đã phát biểu.
"Thật là một đặc ân và là niềm vui lớn khi được Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khai mạc cho cuộc hội thảo quan trọng này về Phật giáo" - ông tuyên bố. "Nó liên quan đến cả hai - quan điểm của thực tại và lối sống do đức Phật đề ra. Điều này vẫn còn liên quan và cần thiết trong thời hiện đại; Do đó điều quan trọng là chúng ta nên nghiên cứu các Giáo lý và văn hoá Phật giáo để đem lại lợi ích cho người dân Ladakh, Ấn Độ và trên toàn thế giới.
"Sau khi thiền định thâm sâu, Đức Phật đã chứng ngộ được cả hai mức độ - tục đế và chơn đế. Về mức độ kinh nghiệm thường tục, chúng ta có xu hướng ích kỷ, coi trọng bản thân, tin rằng mọi hiện tượng là thường hằng. Sự hiểu lầm này đã gây ra biết bao đau khổ. Chúng ta không những chỉ cần có kiến thức, mà chúng ta cũng cần phải học cách sống cùng nhau, cùng hợp tác, điều đó đã được thể hiện bởi Tăng đoàn. Được như thế thì sẽ không còn có chỗ cho sự tức giận, hận thù và xung đột. Chúng ta cần phải có cuộc sống kỷ luật, được dẫn dắt bởi tình bạn và Tứ Vô lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ và Xả”.
Mô tả về Phật giáo như là sản phẩm tốt nhất của văn hoá Ấn Độ, Giáo sư Bhat đã gợi ý rằng, nếu người Mỹ và châu Âu có thể nghiên cứu và nắm bắt nó, thì người dân Ladakh cũng có thể làm như vậy. Ông đã đề cập rằng tại một hội nghị tuần trước ở Trung Quốc, các học giả Tây Tạng đã trình bày về logic của Ấn Độ. Ông nói rằng ông muốn thấy điều này cũng xảy ra ở Ấn Độ. Ông bày tỏ hy vọng rằng các học giả trong Viện này, sẽ tham gia vào các nghiên cứu sâu rộng với sự đảm bảo rằng Hội đồng Nghiên cứu Triết học Ấn Độ sẽ hỗ trợ cho họ. Ông rất tiếc vì đã có rất nhiều văn bản cổ điển gốc bằng tiếng Phạn đã bị thất lạc; tuy nhiên, cũng có được sự khích lệ là vẫn còn có những bản dịch Tây Tạng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được thỉnh lên phát hành ba cuốn sách, hai cuốn được xuất bản bởi Viện Nghiên cứu Phật học Trung ương: "Sự hướng dẫn sâu sắc về thiền định" được Tiến sĩ Konchok Rigzin dịch sang tiếng Anh; và "Hướng dẫn về Đại Thủ Ấn Tối Hậu" được Tiến Sĩ Thinlay Gurmet dịch sang tiếng Tây Tạng và tiếng Hindi. Cuốn sách thứ ba là 'Vaisheshik Praman Darshan' của Tiến sĩ VK Panday.
Được thỉnh lên phát biểu trước đại chúng đông đảo khoảng 600 người, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu bằng cách tuyên bố rằng thật vinh dự biết bao khi Ngài được khai mạc cuộc hội thảo ba ngày về 'Phật giáo ở Ladakh'.
"Truyền thống Nalanda mà Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã mang đến Tây Tạng, và nhân dân Tây Tạng đã giữ gìn cho nó được sống động trong hơn 1000 năm qua - đã phát triển mạnh mẽ khắp vùng Hy Mã Lạp Sơn. Trung Quốc cũng là một quốc gia theo truyền thống Phật giáo và nhân dân Trung Quốc cũng là những người Phật tử truyền thống. Ngay cả bây giờ, bất cứ nơi nào họ định cư trên khắp thế giới, chúng ta cũng đều tìm thấy các ngôi Chùa Phật giáo ở đó. Họ giữ gìn đức tin của họ, nhưng họ không nghiên cứu đầy đủ. Chỉ có người Tây Tạng là duy trì truyền thống nghiên cứu nghiêm ngặt dựa trên việc học thuộc lòng các bản văn chính và nghiên cứu các luận giải của các bậc thầy Nalanda và những người đến sau họ ở Tây Tạng. Thậm chí tôi cũng đã học như vậy, bắt đầu từ lúc còn là một đứa trẻ sáu hoặc bảy tuổi.
"Tôi tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo, bởi vì tất cả họ đều làm lợi ích cho nhân loại - Kitô giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, các thành phần khác nhau của Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo, Đạo Sikh và vv. Tuy nhiên, chỉ có Đức Phật mới khuyên các đệ tử của Ngài theo cách này:
Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ!
"Ngài đã cho chúng ta tự do để kiểm tra những gì Ngài nói đối với sự logic nhất quán, tiếp theo đó là những luận giải logic của Ngài Trần Na, Ngài Pháp Xứng và Thiện Hải Tịch Hộ. Đó là những bản văn tuyệt vời nhưng đồng thời cũng rất khó.
"Nếu ngoài việc thực hiện các nghi lễ - quý vị chịu khó nghiên cứu học hỏi - thì quý vị sẽ có thể hiểu được những gì Đức Phật đã dạy, và hãy tranh biện về nó trong các cuộc thảo luận với những người khác. Cách đây hơn 30 năm, khi tôi nghĩ đến việc tham gia đối thoại với các nhà khoa học, một người bạn Mỹ đã cảnh báo tôi là phải cẩn thận, ông ta nói: "Khoa học là sát thủ của tôn giáo”. Tôi đã suy tư về điều đó và về những gì Đức Phật đã khuyên dạy; và lựa chọn sẽ có chút mạo hiểm.
"Chúng tôi đã bàn luận chủ yếu về vũ trụ học, thần kinh học, vật lý và tâm lý học để cùng làm lợi ích lẫn nhau. Tất nhiên, đối với tôi - một trong những trường hợp đã xảy ra là tôi không còn chấp nhận hoặc tin vào sự mô tả theo truyền thống Phật giáo về núi Tu Di ở Trung tâm của Vũ trụ. Nhưng, có vẻ như đối với tôi - Đức Phật xuất hiện trên thế giới này là để dạy về Tứ Diệu Ðế và Hai Chân lý chứ không phải để vẽ bản đồ mô hình vũ trụ.
"Khi tôi đến thăm các quốc gia không theo truyền thống Phật giáo, tôi rất cẩn thận và không truyền bá đạo Phật. Tôi luôn khuyên những người dân từ các nguồn gốc Kitô giáo, Do Thái giáo hoặc Hồi giáo rằng - nói chung - tốt hơn hết là họ nên gắn bó với tôn giáo mà họ đã được sinh ra từ đó. Và khi tôi đến thăm những nơi theo truyền thống Phật giáo, tôi luôn khuyến khích mọi người nên nghiên cứu học hỏi. Tôi nói với họ rằng, điều này hiệu quả hơn so với việc dựng những bức tượng hay xây Tháp. Ở Tsopema trong vài năm trước, tôi được mời làm Lễ An Vị cho một bức tượng khổng lồ của Đức Liên Hoa Sanh. Tôi thực hành Pháp môn có liên quan đến Đạo Sư Liên Hoa Sanh và tôi vô cùng cảm kích về bức tượng đã được tạc nên. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ ra rằng, ngay cả khi bức tượng ấy có tồn tại trong hàng ngàn năm nữa, thì bức tượng cũng sẽ chẳng bao giờ nói chuyện.
"Thay vì rơi vào niềm tin mù quáng, tốt hơn hết là chúng ta nên sử dụng trí thông minh của mình để chuyển hóa cảm xúc của chúng ta. Tôi có kinh nghiệm riêng của mình về điều này sau hơn 60 năm nghiên cứu, thiền định về thiền phân tích và sử dụng rộng rãi về logic. Những gì tôi học được là - không hề có sự hỗ trợ của lý trí đối với những cảm xúc tiêu cực - trong khi những cảm xúc tích cực thì có thể được tăng cường và mở rộng trên cơ sở của lý trí.
"Sự học tập nghiên cứu trong các tu viện, ni viện và trường học là cách thích hợp để giữ gìn cho truyền thống Phật giáo của chúng ta được tồn tại sống còn.
"Bằng chứng về bản chất cơ bản của con người là từ bi - đó là nguồn hy vọng. Đây là lý do tại sao - là con người - chúng ta cần đến nền đạo đức thế tục. Nếu chúng ta từ bi và minh bạch, chúng ta sẽ chiếm được sự tin tưởng của người khác và thu hút được bạn bè một cách tự nhiên. Điều này sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều so với việc chi tiêu qua nhiều tiền cho vũ khí - đó là phương pháp hoàn toàn sai lầm để giải quyết vấn đề”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhắc lại ba cam kết của Ngài - để thúc đẩy lòng bi mẫn trên thế giới; và để khuyến khích sự hòa hợp tôn giáo. Cam kết thứ ba - là một người Tây Tạng mà có 6 triệu người đang đặt niềm tin nơi mình - Ngài nhắc nhở khán giả rằng, vào năm 2011, Ngài không những chỉ bàn giao hoàn toàn về trách nhiệm chính trị, mà còn chấm dứt luôn cả truyền thống của Đạt Lai Lạt Ma trong việc đảm trách một vai trò như thế. Ngài phản ánh rằng việc nâng các Lama lên những vị trí như vậy là đã lỗi thời và còn gợi lại của một hệ thống phong kiến.
Ngài được nhắc nhớ lại rằng, vào năm 1993 tại một hội nghị các Vị Thầy Giáo Thọ Phật giáo phương Tây ở Dharamsala đã than phiền về hành vi sai lạc rành rành của một số vị Thầy Phật giáo. Người ta đã đồng ý rằng - nếu những người ấy không đáp ứng lại các lời cảnh báo, thì hành vi của họ sẽ bị công khai trước quần chúng. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, thời gian gần đây, những người đệ tử của Sogyal Rinpoche - người mà Ngài biết rất rõ - đã công khai phản đối một cách cặn kẽ về thái độ của ông ta. Những báo cáo tương tự đã xuất hiện đối với một Thầy ở Đài Loan.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rõ về những quy định của Đức Je Tsongkhapa trong các bản văn “Các giai đoạn của Đạo lộ” về phẩm chất của một bậc Thầy tâm linh, các đệ tử nên theo họ như thế nào; và họ nên liên hệ với nhau như thế nào; những điều này được áp dụng trong tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng chứ không chỉ riêng truyền thống Gelukpa. Ngài nhắc lại một lần nữa về sự cần thiết phải học hỏi nghiên cứu để có được một sự hiểu biết rộng rãi về cấu trúc của Đạo lộ.
Giáo sư RK Shukla - thành viên Thư ký của Hội đồng Nghiên cứu Triết học Ấn Độ - đã bắt đầu lời cám ơn của mình bằng tiếng Phạn để tôn vinh truyền thống Phật giáo tiếng Phạn đang cường thịnh tại Ladakh. Ông tuyên bố rằng hội thảo có những hoài bão cao thượng và mọi người hiện diện đều rất vui mừng khi có Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm.
Tại buổi tiếp kiến cuối cùng trên sân bãi Shiwatsel, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Phật Giáo Ladakh đã hoan nghênh cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và tất cả các vị khách khác. Thay mặt cho người dân Ladakh, ông đã cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một lần nữa về việc đã dành thời gian hơn một tháng trong khu vực và đã giảng dạy tại Nubra, Zanskar và Leh. Ông đã bày tỏ hy vọng rằng Ngài sẽ quang lâm trở lại vào năm sau và hứa rằng Ngài sẽ không bị làm phiền bởi những lời thỉnh cầu này.
Các em học sinh của Trường Moravian, Trường Riglam, Trường SOS TCV và Trường Công Lập Ladakh đã biểu diễn rất hấp dẫn về các ca khúc và vũ điệu. Hai thanh niên trẻ tuổi - người đã cứu sống cậu bé bị ngã xuống dòng sông Indus đang chảy xiết cách đây hai ngày - đã được đưa đến diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Trong bài diễn văn ngắn gọn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cảm ơn các em học sinh về phần biễu diễn văn nghệ của họ. Ngài lưu ý lại một lần nữa rằng, trong khi Phật giáo phát triển mạnh từ Arunachal ở phía đông cho đến Ladakh ở phía tây, nó sẽ chỉ có thể tồn tại trên cơ sở của sự học hỏi nghiên cứu và thực hành. Ngài nhắc lại tầm quan trọng của truyền thống Nalanda là một nền khoa học về tâm thức. Cuối cùng, Ngài bày tỏ niềm hài lòng và tán thành sự hòa hợp tôn giáo và ý thức cộng đồng đã chiếm ưu thế tại Ladakh, và kêu gọi những người hiện diện hãy quan tâm đến điều đó.
Chủ tịch Đoàn Thanh niên Hiệp Hội Phật Giáo Ladakh - Rinchen Namgyal - đã dâng lời cám ơn lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và những vị khách khác đã đến tham dự; và bày tỏ lòng biết ơn đối với ban tổ chức cùng tất cả những người đã đóng góp thành công cho sự kiện này. Bữa trưa đã được phục vụ, sau đó Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về lại Shodatsel Phodrang.
Sáng mai, Ngài sẽ rời Leh và bay đến Delhi.