Rajgir, Bihar, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rời Dharamsala vào sáng hôm qua khi những đám mây vần vũ che phủ bầu trời. Khi đến sân bay Gaya, Ngài đã được đại diện của chính quyền bang Bihar tiếp đón. Sau bữa trưa vội vàng, Ngài đi xe đến Rajgir, ở đó - Ngài dừng xe dưới chân những ngọn đồi dẫn đến Đỉnh Linh Thứu Sơn. Đây là nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển Pháp luân lần thứ hai với sự giải thích của Ngài về Bát Nhã Ba La Mật (Trí tuệ Viên mãn). Đức Ngài lặng yên suy tư vài phút, quay mặt về hướng địa điểm linh thiêng.
Sáng nay, chỉ cần lái xe một đoạn ngắn là đến Trung tâm Hội nghị Quốc tế Nalanda, nơi được xây dựng theo hình dạng của một Bảo Tháp. Hơn 1300 đại biểu Ấn Độ và nước ngoài đã vân tập về để mong đợi sự tham dự của Đức Ngài trong lễ khai mạc Hội nghị Quốc tế về “Sự Thích Hợp của Phật giáo trong Thế kỷ 21”.
Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Shri N.K. Sinha - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Chính phủ Ấn Độ - chào mừng tất cả những người đang hiện diện. Shri M.L. Srivastava - Phó hiệu trưởng, Nava Nalanda Mahavihara - người đồng chủ trì hội nghị, đã giới thiệu trường Đại học của ông, được thành lập vào năm 1951, là một nơi học tập, đặc biệt tập trung vào các nghiên cứu Phật học cao cấp. Đức Ngài đã phát hành một ấn bản mới in của Đại Tạng Kinh Pali bằng chữ viết Devanagari do Bộ Văn hóa xuất bản. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch - Shri Mahesh Sharma - đã hoan nghênh các nhà lãnh đạo Phật giáo, chư Tăng và các học giả từ hơn 30 quốc gia đã tụ họp tại hội nghị ba ngày này để thảo luận về chủ đề “Phật giáo gắn bó hơn với xã hội trong thời đại của chúng ta”.
Trong bài phát biểu quan trọng của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu bằng cách giới thiệu về cam kết chính của mình trong mối quan hệ với nhân loại,
“Tôi chỉ là một trong số 7 tỷ con người đang sống hôm nay, tất cả chúng ta đều ước mơ được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Tất cả chúng ta đều giống nhau về tình cảm, thể chất và tinh thần. Một số nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy rằng, bản chất cơ bản của con người là từ bi. Đây là một dấu hiệu thực sự đáng hy vọng và nó rất có ý nghĩa. Chúng ta là loài động vật sống theo quần thể xã hội. Tất cả chúng ta đều được sinh ra từ người mẹ của mình. Nếu chúng ta không nhận được tình yêu thương khi chúng ta còn thơ ấu, thì chúng ta sẽ không thể tồn tại. Điều này không liên quan gì đến tôn giáo cả! Đó là một vấn đề sinh học. Vì nghiên cứu khoa học cho thấy rằng sự sợ hãi, giận dữ và thù hận thường xuyên sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta, cho nên, dù chúng ta có theo tôn giáo hay không, thì chúng ta cũng cần phải từ bi hơn”.
Về vấn đề hòa hợp tôn giáo, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói,
“Tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy chúng ta về tình yêu thương, lòng từ bi, tâm tha thứ, sự biết đủ và kỷ luật bản thân. Tất cả đều mang một thông điệp yêu thương giống nhau. Vì vậy, tất cả những truyền thống này sẽ có thể tồn tại song song và làm việc cùng nhau. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một số lượng lớn các cuộc xung đột dựa trên sự khác biệt về đức tin tôn giáo. Không thể tưởng tượng được rằng, sự khác biệt như vậy lại dẫn đến bạo lực. Nó giống như dược liệu bỗng trở thành chất độc”.
Đức Ngài ca ngợi tấm gương hòa hợp giữa các tôn giáo mà Ấn Độ đã thiết lập được trong hơn 1000 năm qua.
“Ấn Độ là quốc gia duy nhất mà tất cả các truyền thống tôn giáo chính trên thế giới cùng chung sống với nhau. Giờ đây, người dân Ấn Độ cần phải tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo, đặc biệt là ở những nơi đang diễn ra xung đột nhân danh tôn giáo. Đã đến lúc chia sẻ các giá trị truyền thống lâu đời của quý vị về sự hòa hợp tôn giáo và chủ nghĩa thế tục.
“Có sự giải thích rằng:
Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Đức Phật đã chỉ ra cách để chúng ta có thể giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình, không phải thông qua cầu nguyện, mà thông qua sự phân tích và thiền định. Đặc biệt thiền minh sát hay thiền phân tích rất hiệu quả trong lĩnh vực này. Truyền thống Ấn Độ cổ đại rất giàu sự hiểu biết về cách kỷ luật tâm thức và giải quyết những cảm xúc tiêu cực. Từ quan điểm này, tâm lý học Ấn Độ cổ đại có liên quan lớn đến ngày nay và chúng ta có thể nghiên cứu nó, không nhất thiết phải là một phần của thực hành tôn giáo, mà là từ quan điểm học thuật”.
Sau khi dùng bữa trưa với các nhà lãnh đạo Phật giáo khác và các thành viên của Tăng đoàn trong một căn lều gần đó, Đức Ngài đã tham gia một cuộc họp dành cho chư Tôn Túc cao cấp của Tăng đoàn. Ngài và một Tăng Sĩ Sri Lanka khác đã nhấn mạnh rằng, về cơ bản không có sự khác biệt nào trong các nguyên tắc Luật tạng được các cộng đồng Tu sĩ Phật giáo theo truyền thống Pali và Sanskrit tuân thủ. Một số người tham dự cuộc họp, bao gồm cả Đức Ngài, nhấn mạnh về sự cần thiết của chư Phật tử từ các quốc gia khác nhau theo truyền thống Pali và Sanskrit nên gặp gỡ thường xuyên hơn để chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và sự hiểu biết của họ.
“Cần có nhiều sự tương tác hơn giữa các anh chị em Phật tử của chúng ta. Một mục đích của cuộc họp này có thể là thiết lập các cuộc gặp gỡ thường xuyên hơn nữa giữa các anh chị em thuộc truyền thống Pali và Sanskrit."
Đức Ngài nhận xét rằng một điểm đặc biệt của Phật giáo là nó có phương pháp rất khoa học.
“Ngoài Phật giáo ra - không có truyền thống tôn giáo nào khác có thể nói rõ ràng rằng - chỉ có đức tin không thôi thì chưa đủ. Đức Phật đã khuyến khích các tín đồ của mình nên xem xét và điều tra những gì mà họ đã được nghe. Đây là lý do vì sao mà Einstein đã gợi ý rằng Phật giáo có thể làm thăng hoa cho khoa học hiện đại. Thật vậy, nhiều nhà khoa học ngày nay đang bày tỏ sự quan tâm thực sự đến Phật giáo nói chung, và đặc biệt là đến những gì triết học Trung Quán và khoa học tâm thức của Phật giáo đã đề cập đến.
“Trong hơn 1000 năm qua, người Tây Tạng chúng tôi đã giữ gìn cho truyền thống Nalanda được tồn tại. Đã đến lúc chúng ta phải chia sẻ kiến thức này với các anh chị em Phật tử của chúng ta, với những người không theo đạo Phật; và ngay cả với những người không có đức tin tôn giáo”.
Trong phiên họp toàn thể vào buổi chiều, Đức Ngài an toạ giữa thính chúng và lắng nghe một loạt các diễn giả lỗi lạc. Hoà Thượng Bhante Buddharakkhita - Người sáng lập và là Chủ tịch Trung tâm Phật giáo Uganda - đã phát biểu về Sự Xung đột và Xây Dựng Hòa bình. Louie Psihoyos - Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Bảo tồn Đại dương - đã nói về Môi trường và Bảo tồn Thiên nhiên. Hoà Thượng Dhammananda - Viện trưởng sáng lập của Songhdhammakalyani ở Thái Lan đã đề cập đến vai trò của Phụ nữ trong Phật giáo. Tiến sĩ Alexander Berzin - học giả và dịch giả - đã thảo luận về việc Thúc đẩy Nghiên cứu Phật giáo và Bảo tồn Truyền thống Nalanda. Giáo sư Sisir Roy, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Quốc gia, Bangalore - đã nói về Phật giáo và Khoa học. Giáo sư Ngawang Samten - Phó Hiệu trưởng Đại học Trung tâm Nghiên cứu Tây Tạng Sarnath - giải thích về Đạo đức Thế tục.
Khán giả cũng được chứng kiến hai phần trình bày tranh luận trực tuyến. Phần đầu tiên, do một nhóm các Tiến Sĩ Geshe Tây Tạng thực hiện, đề cập đến bản chất của tâm thức. Phần thứ hai, được thực hiện bởi một nhóm các Geshemas (Nữ Tiến Sĩ), Chư Ni học thức, đã phân tích Tứ Diệu Đế.