Messina, Sicily, Ý - Thành phố Messina chỉ cách bờ biển Sicilia ở Taormina một đoạn lái xe ngắn. Thị trưởng - Renato Accorinti đã có mặt sáng nay để cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và đi cùng với Ngài trực tiếp lên sân khấu Nhà hát Vittorio Emanuele.
Khi giới thiệu về Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, ông nói, "Đây là một khoảnh khắc đặc biệt đối với thành phố của chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng khi có Ngài ở đây và cảm nhận được sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng tôi. Chúng ta có trách nhiệm mang lại hòa bình cho thế giới. Hôm qua, Ngài đã nói chuyện tại Nhà hát Hy Lạp, rất nhiều người đã lắng nghe bức thông điệp của Ngài, nhưng chúng tôi cần suy nghĩ về nó và tiêu hóa nó. Nhiệm vụ của tôi là thỉnh Ngài đến Sicily để nói chuyện với chúng tôi.
"Tôi nói có đúng không?" Ông hỏi đám đông khán giả của 1200 người, và cả nhà hát đã tràn ngập tiếng vỗ tay vang dội.
Accorinti giới thiệu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho Tổng Giám mục của Messina - Giovanni Accolla và cả hai nhanh chóng làm quen với nhau. Đức Tổng Giám mục đã bày tỏ niềm hân hoan khi đón chào Ngài - con người của hòa bình và lòng bi mẫn, cũng là người đã làm việc cống hiến không ngừng để đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa những người có truyền thống tôn giáo khác nhau.
Một quan chức thành phố khác đã cùng tham gia với Thị trưởng Accorinti để trao tặng giải thưởng "Người xây dựng Hòa bình, Công lý và Bất bạo động" của Messina lần đầu tiên cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông tuyên bố, nếu không có công lý sẽ không có hòa bình; và công lý chỉ có thể đạt được thông qua con đường bất bạo động.
Người điều khiển cho dịp này, nhà báo Rai, Laura Pasquini đã thỉnh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lên nói chuyện với hội chúng.
“Kính thưa người huynh đệ tâm linh đáng kính của tôi!” - Ngài bắt đầu bằng sự bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Tổng Giám Mục - "thưa Renato - người bạn thân của tôi, người ủng hộ sự thật và công lý, thưa các anh chị em! Tôi rất vui khi được ở đây và nhận được giải thưởng này. Tôi bây giờ đã hơn 82 tuổi, và mặc dù tôi đã quyết định, nhưng nó sẽ quá xa để đi đến Mỹ vào tháng tới; ở đây, tôi đang ở Châu Âu và ở Ý bởi vì tôi đã được mời bởi những người bạn cũ - những người là bằng hữu thật sự chân thành, những con người lương thiện.
"Mặc dù tôi thuộc về thế kỷ 20, tôi đã rất xúc động vào ngày hôm qua khi tôi nói chuyện trong Nhà hát Hy Lạp cổ đại về những ý tưởng xuất phát từ nền Văn minh Lưu Vực Sông Ấn. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều có hai thông điệp, hai cam kết để giao tiếp. Một là thúc đẩy hạnh phúc của con người - tầm quan trọng của sự nhiệt tâm chân thành và sự an lạc nội tâm. Tất cả các tôn giáo lớn đều dạy về điều này, cùng với lòng khoan dung, sự tha thứ và tinh thần tự kỷ luật.
"Nguồn gốc thực sự của yên bình nội tâm chính là tình yêu thương và lòng từ bi; không phải là tình yêu thương mà chúng ta cảm nhận dành cho những người thân thiết và tình cảm đối với chúng ta, mà là một ý nghĩa vô hạn của lòng vị tha, một tình yêu thương có thể được dành cho tất cả chúng sinh, kể cả kẻ thù của bạn. Đây là điều mà chỉ có con người mới có thể có được, đó là lý do tại sao tôi cố gắng nhắc nhở mọi người về sự đồng nhất của nhân loại.
"Thông điệp và cam kết thứ hai của tôi liên quan đến sự hòa hợp tôn giáo. Chúng ta có một số truyền thống tôn giáo khác nhau trên hành tinh này, và dường như, thật đáng buồn, sự khác biệt giữa chúng có thể dẫn đến xung đột. Điều này bất chấp bức thông điệp của tình yêu mà tất cả các tôn giáo đều chuyển tải. Chúng ta cần phải nỗ lực đặc biệt để nuôi dưỡng sự hòa hợp tôn giáo; và tôi đã được khuyến khích một cách đặc biệt rằng người anh em Thiên Chúa Giáo của tôi đang ở đây cùng với chúng ta.
"Thực tế ngày nay là nền kinh tế toàn cầu và sự biến đổi khí hậu không hề tôn trọng đối với ranh giới quốc gia hay tôn giáo - chúng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Ở Châu Âu, sau sự hủy hoại của chiến tranh thế giới thứ hai, ý tưởng về Liên minh Châu Âu đã nảy sinh và kết quả là hòa bình đã diễn ra trong hơn nửa thế kỷ. Trong tương lai, Nga nên được bao gồm vào và ý tưởng về các liên minh tương tự nên được mở rộng đến Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á. Trong khi Liên Hiệp Quốc dường như là một hiệp hội của các chính phủ, thì chúng ta phải khám phá một sự kết hợp toàn cầu của các dân tộc. Giấc mơ hòa bình của chúng ta sẽ chỉ được hoàn thành trong một thế giới phi quân sự. Đây là điều tôi thỉnh cầu người anh em Thiên Chúa Giáo của tôi hãy cầu nguyện”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với khán giả rằng Ngài muốn trả lời câu hỏi của họ; và câu hỏi đầu tiên là yêu cầu được biết thêm về cuộc sống cá nhân của Ngài.
"Nói chung người Tây Tạng là những người vui vẻ”, Ngài trả lời. "Một yếu tố trong điều này là dân số của chúng tôi rất ít và sống trong một không gian rộng lớn, nhưng tinh thần cộng đồng của chúng tôi rất mạnh mẽ. Như tôi đã tìm thấy ở những nơi khác ở vùng núi phía Bắc Ấn Độ, phong tục của chúng tôi là không khóa cửa và luôn chào đón bất cứ du khách nào khi họ xuất hiện.
"Trong gia đình của tôi, các anh chị em tôi luôn cười vui và đùa bỡn. Tôi bị đón đi từ khi tôi khoảng năm tuổi và được đưa lên làm Đạt Lai Lạt Ma. Trong cung điện, các quan chức thì rất khó tính, nhưng những người quét dọn thì cởi mở và thân thiện. Họ là những người đã mang đến cho tôi những tin tức thực sự chính xác và đã chơi đùa với tôi.
"Vị Thầy Gia Sư của tôi rất nghiêm khắc và đe dọa tôi bằng một cái roi để khuyến khích tôi học, bởi vì tôi là một học sinh lười biếng và bấc đắc dĩ. Khi đến giờ học bài, tôi cảm thấy như thể bầu trời trở nên đen tối.
"Người Ý dường như cũng nhẹ nhàng và vui vẻ. Tôi không quan tâm đến hình thức và ở Tây Tạng chúng tôi đã có rất nhiều hình thức. Trở thành một người tị nạn đã giải phóng tôi khỏi nhiều hình thức và nghi lễ; ngày nay tôi coi những người khác như là anh chị em của tôi vậy”. Trả lời câu hỏi về hạnh phúc, Ngài đã nhận xét rằng những con vật như mèo và chó cũng muốn được hạnh phúc như chúng ta, nhưng chỉ có con người là ý thức biết được điều này. Tình yêu thương và lòng từ bi sẽ hình thành nên sự tự tin, làm giảm bớt sự sợ hãi và kích động, dẫn đến ít sân giận - kẻ huỷ diệt thực sự của hạnh phúc.
Một người khác hỏi thỉnh cầu Ngài giải thích ngắn gọn về Tứ diệu đế. Ngài cười và nói rằng có thể mất cả ngày đấy! Ngài bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng trong khi nhiều người tin vào một Đấng Chúa sáng tạo, thì những người khác, đặc biệt là ở Ấn Độ, như một số người thuộc Số Luận Phái, Kỳ Na Giáo và Phật giáo thì thay vào đó là họ tin luật nhân quả - nguyên nhân và hậu quả. Đức Phật giải thích rằng đau khổ và hạnh phúc đến từ những nguyên nhân. Ngài đã dạy Tứ Diệu Đế trên cơ sở của Lý Duyên Khởi, ý tưởng rằng mọi thứ đều tùy thuộc vào các yếu tố khác.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận về việc liệu Chân lý thứ ba, Diệt Đế - sự chấm dứt khổ đau - là khả thi hay không. Những cảm xúc tiêu cực dẫn đến đau khổ, giống như sự tức giận và tham luyến, dựa trên việc chấp trước vào sự hiện diện của mọi thứ đều tồn tại một cách độc lập. Nhưng chúng không tồn tại một cách độc lập như thế.
Vì tính chất căn bản của tâm là thanh tịnh, cho nên có thể đoạn trừ được sự vô minh này và những cảm xúc phiền não do nó gây ra - mang lại sự chấm dứt khổ đau - Chân lý Thứ Ba.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng theo quan điểm của những người theo Cơ Đốc Giáo, thì tất cả chúng ta đều do Thiên Chúa tạo ra. Bạn bè đã nói với Ngài rằng họ tin rằng cuộc đời này đã được tạo ra bởi Chúa, điều đó hàm ý một sự gần gũi đặc biệt với anh ta. Là con cái của một Đức Chúa đầy lòng yêu thương bi mẫn, theo đuổi và thực hành theo những gì Ngài dạy thì thật là hấp dẫn. Ngài nói rằng lý thuyết Phật giáo thì rất phức tạp, trong khi niềm tin vào Thiên Chúa có thể mạnh mẽ và dễ hiểu hơn.
Tuy nhiên, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng trong thế giới hiện đại, hệ thống giáo dục được định hướng theo các mục tiêu vật chất và ít chú ý tới các giá trị sâu sắc hơn của con người. Hơn một tỷ người tuyên bố không quan tâm đến tôn giáo; và đức tin của hầu hết phần còn lại của sáu tỷ người thì chủ yếu chỉ là bề mặt. Nhiều người thiếu những giá trị nội tâm. Họ không biết rằng những cảm xúc phiền não như giận dữ, sợ hãi và hận thù đã quấy rầy sự an tịnh trong tâm hồn chúng ta, trong khi lòng nhiệt thành ấm áp và từ bi là cội nguồn của hạnh phúc.
Ngài giải thích rằng các cuộc thảo luận với các khoa học gia liên quan và các nhà giáo dục đã kết luận rằng giáo dục là điều then chốt quan trọng. Trong giáo dục, Ngài gợi ý là cần có một cảm quan về đạo đức thế tục dựa trên kinh nghiệm chung, ý thức phổ quát và các phát hiện của khoa học. Ngài cũng tán thành nhu cầu về vệ sinh tình cảm, tương ứng với vệ sinh cá nhân, dựa trên sự hiểu biết tốt hơn về hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
Đáp lại câu hỏi cuối cùng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích về các cấp độ khác nhau của tâm. Ngài bắt đầu với trạng thái thức tỉnh tương đối thô, bị chi phối bởi ý thức giác quan. Ngài chỉ ra rằng tâm vi tế hơn trong trạng thái của giấc mơ khi các giác quan không hoạt động. Trong giấc ngủ sâu, ý thức vẫn còn vi tế hơn, như khi chúng ta bị ngất và vân vân. Ý thức vi tế nhất sẽ hiện ra vào thời điểm chết, mà các Phật tử đề cập đến như là tâm thức của ánh quang minh, bản chất của nó là trong sáng thanh tịnh và tỉnh giác.
Khán giả vẫy tay và tiến đến để bắt tay của Ngài vào lúc Ngài rời khỏi khán đài. Thị trưởng Renato Accorinti tiếp đãi Ngài trong bữa ăn trưa tại văn phòng của ông, sau đó ông giới thiệu Ngài với các thành viên hội đồng thành phố. Từ Văn phòng Thị trưởng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe đến một sân thể thao gần đó rộng gấp đôi như một sân bay trực thăng, nơi các thành viên của câu lạc bộ bóng bầu dục Chủ nhật đã rất ngạc nhiên khi chào đón Ngài. Từ đó Ngài bay bằng máy bay trực thăng đến Palermo, vào ngày mai Ngài sẽ nói về 'Niềm vui của Giáo dục'.