Taormina, Sicily, Italy - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với các thành viên của báo chí tại khách sạn của mình sáng nay, Ngài bắt đầu bằng cách nói cho họ biết rằng Ngài đã vui như thế nào khi được trở lại nước Ý, viếng thăm Sicily thể theo lời mời của Renato Accorinti.
"Tôi chỉ là một con người - và nhớ rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau - điều đó rất là quan trọng, bởi vì, nếu như thay vào đó, chúng ta thường xuyên nhấn mạnh vào sự khác biệt thứ yếu giữa chúng ta, nó sẽ dễ dẫn đến những rắc rối và xung đột. Ở khu vực này của Châu Âu, quý vị đã tiếp nhận nhiều người tị nạn. Trước những đau khổ của họ, các bạn đã tiếp nhận họ và giúp đỡ họ, điều đó thật là tuyệt vời. Nhưng - cũng giống như những người Tây Tạng của chúng tôi luôn mong đợi cuối cùng có ngày được quay trở lại Tây Tạng, những người tỵ nạn này cũng sẽ hy vọng được trở về lại quê hương của họ sau khi hoà bình và an ninh được phục hồi ở đó. Vì vậy, sẽ rất tốt nếu quý vị có thể cung cấp cho họ nơi ăn chốn ở và cung cấp cơ sở giáo dục và đào tạo cho thế hệ trẻ để họ được trang bị để sau này xây dựng lại quê hương khi họ được trở về nhà.
"Tôi cam kết thúc đẩy sự cảm kích tính nhất thể của nhân loại trong việc phục vụ hạnh phúc lớn hơn của con người, cũng như khuyến khích sự hòa hợp tôn giáo. Trong bối cảnh này, tôi tin rằng quý vị - các thành viên của giới truyền thông - cũng có trách nhiệm giáo dục mọi người về những cơ hội tích cực như vậy”.
Trong sự trả lời của Ngài dành cho các câu hỏi của những nhà báo, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh vào sự cần thiết phải cải cách một hệ thống giáo dục tập trung quá nhiều vào các mục tiêu vật chất hơn là các giá trị nội tâm. Ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết của một cái tâm nhiệt huyết chân thành và lòng bi mẫn. Ngài lặp lại sự ngưỡng mộ của mình đối với tinh thần của Liên minh châu Âu, đã giữ vững được sự hòa bình ở châu Âu trong nhiều thập kỷ. Ngài cũng thừa nhận rằng người Tây Tạng đã thu hút được sự ủng hộ đáng kể dành cho sự nghiệp chính nghĩa của họ vì họ kiên quyết duy trì tinh thần bất bạo động và không tìm kiếm cho một nền độc lập của riêng họ.
"Tây Tạng chúng tôi là một quốc gia cổ đại. Chúng tôi có ngôn ngữ, văn hoá và lối sống riêng của mình. Chúng tôi đã giữ gìn di sản Phật giáo của chúng tôi được sống còn trong hơn 1000 năm qua, nó được bắt nguồn từ Đại học Nalanda ở Ấn Độ. Ngoài những kiến thức về sự hoạt động của tâm trí, chúng tôi còn giữ gìn được phương pháp giáo dục phụ thuộc vào logic. Trên cơ sở của cả hai yếu tố này, tôi tin rằng chúng tôi đã có những điều để đóng góp vào phúc lợi của nhân loại ngày nay”.
Ngài giải thích rằng, sau khi Ngài tạm lui về một nửa vào năm 2001, khi nhân dân Tây Tạng bầu chọn lên bậc lãnh đạo của mình - Ngài đã rút lui hoàn toàn khỏi sự liên quan đến chính trị vào năm 2011. Ngài nói thêm rằng Ngài cũng đã chấm dứt một truyền thống gần 400 năm của thể chế Đức Đạt Lai Lạt Ma về vai trò chính trị trong các vấn đề Tây Tạng . Ngài lưu ý mọi người rằng, mặc dù có những bậc Đạo Sư Phật giáo hoàn hảo ở Ấn Độ, nhưng không có hồ sơ nào ghi chép về việc họ đã có những thể chế về sự tái sinh của họ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe một đoạn ngắn từ khách sạn của Ngài đến Nhà hát Hy Lạp nơi có khoảng hai ngàn rưỡi người đang chờ đợi dưới ánh nắng mặt trời để nghe Ngài nói chuyện. Khi các Thị trưởng của Catania và Messina - Eligio Giardina và Renato Accorinti hộ tống Ngài lên khán đài, tiếng hò reo vang lên rộn rã.
Sau khi một lần nữa trước công chúng chào mừng Ngài đến với Sicily - Accorinti đã giải thích về việc ông đã rất vui mừng như thế nào khi nhận ra ước mơ của mình về việc thỉnh cầu được Ngài đến với Messina và Taormina. Ông kể lại câu chuyện đi diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Palermo vào năm 1996, và không thể tham dự sự kiện này cho tới khi Ngài nắm lấy tay ông và kéo ông vào. Sau đó, ông mời Ngài đến Messina. Một nhà báo đã hiểu lầm về những gì ông ta đã nghe lỏm và báo cáo rằng Thị trưởng đã đưa ra lời mời. Accorinti cho biết vào thời điểm đó ông không có ý nghĩ trở thành Thị trưởng và đó là những gì đã xảy ra.
Hai thị trưởng đã dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một giải thưởng từ thành phố Metropolitan của Messina về việc công nhận sự cống hiến tích cực của Ngài đối với sự hòa bình và đoàn kết trên thế giới và sự cảm kích đối với cam kết đối thoại của Ngài - sau đó Ngài nói chuyện với đám đông đại chúng.
"Anh chị em thân mến! Tôi thật vinh dự khi nhận được giải thưởng này và rất vui khi được ở đây với cơ hội này để nói chuyện với quý vị. Ở nơi cổ đại này, tôi được nhớ về nền Văn minh Lưu vực Sông Ân và cuối cùng đã cho ra đời truyền thống Nalanda. Trong số các nền văn hoá của thế giới cổ đại, nền Văn minh Lưu vực Sông Ấn dường như đã sản sinh ra nhiều nhà tư tưởng và triết gia. Lời dạy của Đức Phật về Giáo lý Duyên khởi, đã chỉ ra rằng không có gì tồn tại một cách độc lập và mọi thứ đều phụ thuộc vào các yếu tố khác, cộng hưởng với khẳng định vật lý lượng tử đương đại rằng không có gì tồn tại một cách khách quan cả.
"Ngày nay, bất chấp sự phát triển to lớn về vật chất, chúng ta và các nhà lãnh đạo của mình đang phải đối mặt với sự khủng hoảng tinh thần. Mặc dù văn học Phật giáo có nhiều điều để nói về vấn đề này, nhưng việc giải quyết những cảm xúc tiêu cực của chúng ta thì không liên quan gì đến tôn giáo cả. Nhưng những gì mà các nhà tư tưởng của Ấn Độ cổ đại đã nói về tâm thức và cảm xúc của chúng ta là rất quan trọng và có liên quan đến thế giới hiện đại ngày nay.
"Tôi luôn luôn nói bằng quan điểm của một con người - không phải là một người Tây Tạng, một Phật tử hay là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi được sinh ra là một con người và tôi sẽ chết đi như một con người, vì vậy tôi nhấn mạnh rằng - là con người - chúng ta đều giống nhau cả. Chúng ta - về mặt cảm xúc, tinh thần và thể chất đều giống nhau. Chúng ta cảm thấy buồn, sợ hãi và nghi ngờ trong cách tương tự như nhau. Và dựa trên cơ sở đó, kinh nghiệm của tôi sẽ có thể giúp ích chút đỉnh nào cho bạn.
"Nền kinh tế toàn cầu và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không chấp nhận những ranh giới quốc gia. Những gì chúng đang dạy chúng ta là chúng ta nên hành động nhiều hơn như là một cộng đồng nhân loại. Chúng ta đang hưởng thụ an lạc và yên tĩnh ở đây, ngay cả khi trời vô cùng nóng bức, nhưng ở những nơi khác, ngay lúc này đây, những người khác đang bị khủng bố, bị giết chóc hoặc đang phải đối mặt với nạn đói. Điều đó thật không thể chịu nổi!
"Nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt là bởi vì chúng ta nhấn mạnh vào sự quan trọng hóa những khác biệt thứ yếu về quốc tịch, màu da và thậm chí cả về đức tin. Sự nhấn mạnh sai lệch này dẫn đến sự chia rẽ. Điều đó là không thể chấp nhận. Chúng ta cần suy nghĩ sâu sắc hơn và nhận ra sự đồng nhất của nhân loại, và rằng - là con người chúng ta đều giống nhau cả.
"Hòa bình trên thế giới không thể mang lại bằng việc sử dụng vũ lực. Hòa bình là một trạng thái của tâm thức. Việc sử dụng bạo lực chỉ gây ra sự tức giận và bạo lực hơn mà thôi. Chúng ta cần làm giảm thiểu sự tức giận và sợ hãi bằng cách cống hiến cho tình bằng hữu. Một lần nữa tôi phải nói rằng tôi rất ngưỡng mộ tinh thần của Liên minh châu Âu, đã thông qua cái nhìn toàn diện hơn - rằng chúng ta phải sống với nhau và chúng ta sẽ tốt hơn nếu thực hiện điều đó như những người bạn bè.
"Bạo lực để đạt được những gì chúng ta muốn là một phương pháp hết sức sai lầm. Rốt cuộc, chúng ta nên khao khát một thế giới phi quân sự nếu chúng ta thực sự muốn đạt được hòa bình”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng Ngài cam kết trước tiên để thúc đẩy hạnh phúc của con người trong bối cảnh tính nhất thể của nhân loại; và thứ hai là khuyến khích sự hòa hợp tôn giáo. Ngài trích dẫn tấm gương điển hình của Ấn Độ thể hiện một cách sống động rằng điều đó là khả dĩ. Ngài đã chỉ ra rằng tất cả các tôn giáo lớn của thế giới - cùng với thông điệp chung về tình yêu thương, lòng khoan dung và tinh thần tri túc biết đủ - đã cùng nhau phát triển mạnh mẽ trong nhiều thế kỷ qua ở Ấn Độ. Ngài thẳng thắn tuyên bố rằng vì tất cả các tôn giáo đều có tiềm năng mang lại hòa bình, để chỉ ra rằng khi ta nói về những kẻ khủng bố thuộc Hồi giáo hay Phật giáo là không đúng. Ngài khẳng định rằng, ngay khi người nào đó thực hiện một hành động khủng bố, thì họ đã không còn tuân theo đức tin tôn giáo của họ nữa. Mặt khác, nếu bạn đặt sự thực hành của bạn trên nền tảng của tình yêu thương, bạn sẽ không thể làm hại cho bất cứ ai cả.
Trong số những câu hỏi của khán giả, câu đầu tiên quan tâm đến những lời khuyên mà Ngài có thể ban cho để đối phó với cuộc khủng hoảng về Bắc Triều Tiên. Ngài gợi ý rằng cả hai bên nên thực tế hơn và bớt bị kích động hơn. Ngài chỉ ra rằng, khi tâm trí bị chi phối bởi sự giận dữ, nghi ngờ và tự phụ, thì rất khó có một ý thức chung để chịu đựng.
Một người khác hỏi muốn biết thêm về mối liên hệ giữa kiến thức Ấn Độ cổ đại và vật lý lượng tử. Ngài đã nhắc nhở ông rằng, khi mà vật lý lượng tử nói rằng nếu không có người quan sát thì không có đối tượng nào được quan sát, thì Trường phái Duy Tâm của Phật Giáo nói rằng đối tượng không có sự tồn tại bên ngoài, trong khi phái Trung Quán nói rằng đối tượng không có sự tồn tại độc lập.
Ngài đã so sánh những gì mà Đức Long Thọ nói về việc bám chấp vào sự tồn tại độc lập là một sai lầm, với chuyên gia về trị liệu nhận thức Aaron Beck đã nói với Ngài về ý thức của chúng ta về sự tiêu cực của một người nào đó chúng ta tức giận 90% là do sự phóng chiếu của tâm thức của mình. Ngài nói rằng trong triết học Phật giáo, từ 'shunyata' hay “tánh không” có nghĩa là mọi thứ không tồn tại độc lập. Ngài tiếp tục nói rằng, nhờ sự quan tâm đến vấn đề này trong 60 năm và đã suy ngẫm về nó một cách nghiêm túc trong 40 năm, cho nên Ngài có thể nói rằng những ý tưởng đó rất hữu ích trong việc làm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực của chúng ta.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã nói rõ rằng trên thế giới ngày nay, trong số 7 tỷ người thì đã có 1 tỷ người không quan tâm đến tôn giáo. Đối với phần còn lại, đức tin của họ có thể mạnh mẽ khi họ ở trong nhà thờ, đền thờ Hồi giáo, nhưng trong cuộc sống hàng ngày thì đức tin của họ chỉ là bề ngoài hời hợt mà thôi. Trong bối cảnh như vậy, thì nền đạo đức thế tục cung cấp một phương pháp tiếp cận để khôi phục lại niềm tin vào các giá trị của con người. Ngài nhấn mạnh rằng Ngài sử dụng từ ngữ “thế tục” theo cách mà nó được sử dụng ở Ấn Độ để chỉ cho sự tôn trọng không thiên vị đối với tất cả các tôn giáo và thậm chí đối với quan điểm của những người không có đức tin. Hơn nữa, đạo đức thế tục phải dựa trên các kết quả khám phá của khoa học - rằng bản chất con người cơ bản là từ bi, dựa trên sự trải nghiệm chung - như nhu cầu đối với tình cảm và ý thức chung của chúng ta.
Trả lời câu hỏi cuối cùng về mạn đà la - những sự tượng trưng phức tạp của vũ trụ - được sử dụng trong một số nghi lễ Phật giáo, Ngài đã nhớ lại một vài năm trước - khi một số Phật tử Nhật Bản xây dựng một ngôi tháp Hòa Bình lớn ở Rajgir (gần núi Linh Thứu), Tổng thống Ấn Độ đã được mời đến để dự lễ Khánh Thành. Trong những lời nhận xét của mình, Ngài đã tuyên bố rằng ngôi Tháp Hòa Bình thực sự chính là ngôi Tháp mà chúng ta xây dựng trong trái tim của chúng ta.
Sau khi cảm ơn và vẫy tay chào khán giả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được hộ tống từ trên khán đài đến xe của Ngài và trở về khách sạn của Ngài để dùng cơm trưa. Sáng mai, Ngài sẽ có cuộc nói chuyện với công chúng tại Nhà hát Vittorio Emanuele, Messina.