Guwahati, Assam, Ấn Độ - Sau chuyến bay như thường lệ từ Dharamsala đến Delhi ngày hôm qua, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng nay đã lên một chiếc phi cơ khác để bay qua đất nước đến Guwahati - thành phố lớn nhất ở Assam. Những đợt nhiễu động nhỏ nhưng dai dẳng trong suốt quá trình hạ cánh đáp xuống Guwahati là dấu hiệu của thời tiết trên mặt đất - trời đang đổ mưa, mà người dân địa phương gọi là tiền gió mùa. Người dân rất đông, người Assam và Tây Tạng, trong số đó bao gồm cả những nhà báo đang háo hức tập trung để cung đón Ngài tại sân bay.
Sau bữa trưa, Đức Ngài đi xe đến Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật ITA để tham gia buổi Bế mạc lễ Kỷ niệm Năm lễ Bạch kim của Bộ tộc Assam và Kỷ niệm Năm Vàng của tờ báo Dainik Asam bằng tiếng Assam.
Đức Ngài đã được giới thiệu với khán giả và được cung đón với những món quà bao gồm một bó hoa; một chiếc mũ rộng vành truyền thống của người Assam, mà Ngài cho rằng sẽ phù hợp khi trời mưa; một bản sao chạm khắc của ngôi đền Kamakhya và một mô hình con vật đặc trưng của tiểu bang - tê giác một sừng. Ngài đã được mời tham gia cùng Thống đốc - Shri Banwarilal Purohit, và Thủ hiến - Shri Sarbananda Sonowal, khai mạc sự kiện bằng cách thắp sáng ngọn đèn cho buổi lễ.
Giám đốc của nhóm Bộ tộc Assam - bà Babita Rajkohwa - đã tuyên bố rằng bà vô cùng vinh dự được cung đón Đức Ngài quang lâm đến dự buổi lễ kỷ niệm này. Bà nói rằng Ngài đã bắt đầu cuộc sống lưu vong khi Ngài bước chân vào miền Đông Bắc Ấn Độ; và rằng chính Bộ tộc Assam là người đầu tiên được thông báo về việc Ngài đã đến nơi. Bà đã cung thỉnh Ngài phát hành ra mắt hai cuốn sách, một cuốn là tạp chí triển lãm và quảng cáo cà phê của Bộ tộc Assam; và cuốn còn lại là tiểu sử của người biên tập đầu tiên và ghi chú tác giả người Assam Lakshminath Phookan.
Trong bài phát biểu chào mừng của mình, Thủ hiến Sarbananda Sonowal đã nói về cảm giác thiêng liêng và những giá trị nhân văn mà Đức Ngài đã mang đến cho dịp này. Ông nhắc nhở khán giả rằng ông đã hứa với người dân Assam là sẽ quản trị tốt, điều đó phụ thuộc vào khả năng, ý thức về phẩm hạnh và giá trị thiện lành. Ông khẳng định rằng sự hiện diện của Đức Ngài đã mang lại cho ông sức mạnh để đạt được những mục tiêu này, đồng thời mô tả Ngài như một sứ giả của hòa bình, hòa hợp và các giá trị nhân văn. Cuối cùng, vì phần lớn khán giả tham gia vào nhóm báo Bộ tộc Assam, ông ám chỉ vai trò quan trọng của truyền thông là trụ cột thứ tư của nền dân chủ, cùng với chính phủ, cơ quan lập pháp và tư pháp.
Thống đốc nói một cách hài hước về việc ông nghiện đọc tờ Bộ tộc Assam với tách trà buổi sáng của mình, tuyên bố đây là một tờ báo tuyệt vời. Chuyển sang tiếng Hindi, ông nhớ lại kinh nghiệm của chính mình khi biên tập tờ nhật báo Nagpur The Hitavada và sự cần thiết phải duy trì một tiêu chuẩn đạo đức cao.
Đức Ngài bắt đầu bài diễn văn của chính mình với lời giải thích rằng Ngài luôn chào đón bất cứ ai mà Ngài nói chuyện với tư cách là anh chị em; bởi vì một trong những cam kết chính của Ngài là thúc đẩy ý thức về sự hợp nhất của cả 7 tỷ con người.
“Trong thế giới ngày nay, chúng ta phải đối mặt với vô số vấn đề mà con người chúng ta đã tự gánh lấy. Chúng bao gồm bạo lực và giết chóc đang diễn ra, trong khi ở những nơi khác thì trẻ em bị chết vì nạn đói. Là con người làm sao chúng ta có thể thờ ơ được? Vì phần lớn những vấn đề này là do chúng ta tạo ra, nên về mặt logic, chúng ta có thể khắc phục được chúng.
“Có tin tốt lành rằng, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã kết luận rằng phẩm tính cơ bản của con người là từ bi. Đây là một dấu hiệu của sự hy vọng. Nếu giả sử như kết quả khác đi - và bản chất con người là sân giận, thì tình hình sẽ trở nên vô vọng. Vì vậy, tôi nói với mọi người rằng, chúng ta đều là những con người như nhau. Chúng ta giống nhau về thể chất, cảm xúc và tinh thần. Thống đốc và Thủ hiến ở đây đều được sinh ra từ người mẹ của mình; và khi mỗi người trong số họ ra đi (từ trần), họ cũng sẽ đi cùng một cách. Điều quan trọng là khi còn sống, chúng ta không nên tạo ra rắc rối, mà - khi nhận ra rằng những người khác cũng là con người như chúng ta như thế nào, thì chúng ta nên quan tâm đến phúc lợi của họ. Nếu chúng ta làm được điều đó thì sẽ không có chỗ cho sự lừa dối, bắt nạt hoặc giết hại người khác.
“Chúng ta phải nỗ lực để mở rộng lòng từ bi tự nhiên của mình, không chỉ thông qua việc cầu nguyện hay nói ra những lời tốt đẹp, mà bằng cách sử dụng trí thông minh của mình. Đó là cách mà chúng ta tự mình trở nên hạnh phúc, sống trong một gia đình hạnh phúc, một cộng đồng hạnh phúc và một thế giới hạnh phúc hơn. Một trong những điều phân biệt chúng ta - với tư cách là con người - là khả năng mở rộng cảm xúc tự nhiên của mình về karuna - lòng từ bi - với những người khác và cuối cùng là toàn thể nhân loại."
Đức Ngài nhận xét rằng trong phần giới thiệu, Ngài được gọi là hóa thân của Quán Thế Âm và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Ngài nói rằng Ngài nghi ngờ về điều đó, nhưng những gì Ngài biết là - sự đào tạo Phật giáo Tây Tạng mà Ngài thực hiện đã trang bị cho Ngài để sử dụng trí thông minh của mình một cách tối đa. Nó liên quan đến việc suy nghĩ và đặt câu hỏi, không phải là một người chỉ biết nói “Dạ Vâng”, mà còn phải hỏi là tại sao? và làm thế nào? Ngài nói, đây là phương pháp tiếp cận của truyền thống Nalanda - đỉnh cao của Phật giáo tiếng Phạn.
Liên quan đến Bộ tộc Assam, Ngài nói với khán giả rằng, những bức ảnh trong phần bổ sung đặc biệt của ngày hôm nay nhắc nhở Ngài về việc Ngài đã đi qua Tezpur vào năm 1959 khi Ngài trốn thoát khỏi Tây Tạng. Ngài cũng xúc động trước bức ảnh của mẹ và chị gái của mình.
“Vào tháng 3 năm 1959, sau cuộc biểu tình rầm rộ ở Lhasa chống lại sự chiếm đóng của Trung Quốc, tôi đã cố gắng trong một tuần để làm lắng dịu mọi thứ. Nhưng trong khi tôi đang làm điều đó thì mối đe dọa quân sự của Trung Quốc ngày càng trở nên lớn hơn. Đến ngày 17 tháng 3, không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trốn thoát, bất chấp những rủi ro và nguy hiểm có liên quan. Chúng tôi hy vọng rằng một khi chúng tôi đến miền Nam Tây Tạng, vẫn còn cơ hội để nói chuyện với người Trung Quốc, nhưng từ ngày 20 tháng 3, họ đã bắt đầu bắn phá Lhasa.
“Tôi đã cử đại diện đến Ấn Độ và Bhutan để thăm dò xem liệu chúng tôi có thể vào lãnh thổ của họ hay không. Một sứ giả quay lại nói với tôi rằng Ấn Độ đang chờ đón chúng tôi. Thật là nhẹ nhõm khi băng qua biên giới và nhìn thấy sĩ quan liên lạc cũ của tôi - ông Menon và thông dịch viên của tôi - Sonam Topgyal Kazi, đang đợi chúng tôi. Tôi nhớ khoảnh khắc đó như là cảm giác tự do thực sự đầu tiên của tôi. Mọi người chào đón tôi một cách nồng nhiệt; và một chương mới của cuộc đời tôi đã bắt đầu.
“Những người tị nạn khác rời khỏi Tây Tạng đã được tập trung tại các trại ở Misamari, nơi mà vào tháng 4, trời rất nóng. Ưu tiên sau đó là chuyển họ đến những nơi mát mẻ hơn, nhưng ngay cả như vậy, ngay từ đầu chúng tôi đã đặt ra việc cố gắng bảo tồn kiến thức và văn hóa của mình. Với sự giúp đỡ và hỗ trợ của Thủ tướng Nehru, chúng tôi đã thiết lập các khu định cư ở những nơi khác cho họ."
Đức Ngài nhận xét rằng, chính khi thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên đến châu Âu vào năm 1973, Ngài đã nhận thức được rằng mức độ phát triển vật chất cao không nhất thiết sẽ mang lại hạnh phúc. Ngài đã gặp quá nhiều người khá giả nhưng luôn phải đối diện với những căng thẳng, lo lắng và nghi ngờ.
Ngài nhận ra rằng lời khuyên rằng hạnh phúc phụ thuộc vào việc quan tâm đến phúc lợi của người khác vẫn còn phù hợp trong thế giới ngày nay. Ngài cũng bắt đầu đánh giá cao giá trị của phương pháp tiếp cận thế tục lâu đời của Ấn Độ, duy trì sự tôn trọng không thiên vị đối với tất cả các truyền thống tôn giáo. Và trong khi sự phát triển vật chất góp phần vào sự thoải mái về phương diện thể chất, thì sự thoải mái về tinh thần lại phụ thuộc vào karuna (lòng từ bi), mà tự nó thể hiện là ahimsa (bất bạo động). Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố: điều này luôn có giá trị và phù hợp với 7 tỷ người ngày nay.
Ngài nêu lên sự chú ý về sự khác biệt giữa những người như Ngài và Thống đốc thuộc thế kỷ 20 - thời đại đã qua - và những người thuộc thế kỷ 21. Thế hệ sau, là thế hệ trẻ ngày nay, có trách nhiệm biến thế kỷ này trở thành kỷ nguyên hòa bình. Nó sẽ liên quan đến việc học cách giải quyết cảm xúc và phát triển tâm từ bi hơn. Điều đó yêu cầu nên từ bỏ sự phân chia giữa “chúng ta” và “bọn họ”. Đức Ngài cho biết rằng cần phải giải quyết các vấn đề và tranh chấp thông qua đối thoại hơn là sử dụng vũ khí. Sự hiểu biết của người Ấn Độ cổ đại về hoạt động của tâm thức và cảm xúc có thể góp phần quan trọng vào vấn đề này.
Trước khi trả lời một số câu hỏi của khán giả, Đức Ngài kết luận:
“Tôi đến lần đầu tiên để tham dự kỷ niệm Lễ Phật Đản vào năm 1956 và trở lại Ấn Độ vào năm 1959 với tư cách là một người tị nạn. Bây giờ, 58 năm sau, tôi đã trở thành vị khách mời lâu năm nhất của Chính phủ Ấn Độ. Tôi đồng ý với những gì mà cả Thống đốc và Hiến Thủ đã nói về nhu cầu giá trị con người. Họ hoàn toàn đúng. Và tôi muốn bày tỏ sự cảm kích trước sự chào đón mà tôi đã nhận được ngày hôm nay, ngay từ khi tôi bước ra khỏi máy bay. Xin cám ơn quý vị rất nhiều!”
Ngày mai, Ngài sẽ thuyết trình trước công chúng tại Đại học Guwahati vào buổi sáng và tham dự Lễ hội Namami Brahmaputra vào buổi chiều.