New Delhi, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được mời đến Teen Murti Bhavan, nơi trú ngụ trước đây của Thủ tướng Jawaharlal Nehru, do Hội các nhà Biên tập Ấn Độ tổ chức để thuyết trình về bài tưởng niệm Rajendra Mathur. Vị Thủ quỹ - Kalyani Shankar - chính thức chào đón đám đông của khoảng 350 khán giả. Sau đó Chủ tịch Raj Chengappa đã giới thiệu về sự kiện này.
Ông quan sát thấy rằng khi Ấn Độ chuẩn bị để kỷ niệm 70 năm độc lập, nó vẫn có một hệ thống phương tiện truyền thông mạnh mẽ. Ông lưu ý rằng Hội các nhà Biên tập Ấn Độ được thành lập vào năm 1977 và được tự do báo chí, phản ánh sự tự do của dân số, là một phần không thể tách rời của nền dân chủ Ấn Độ. Ông giải thích rằng, từ năm 2002, Hội đã tổ chức sự thuyết trình hàng năm để nhớ về Biên tập Viên và đồng thời cũng là Nhà báo Rajendra Mathur. Năm ngoái Amartya Sen đã nói về việc không chịu đựng đối với sự không khoan dung. Năm nay, Hội đã vui mừng cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - người mà ông mô tả như một ngọn đuốc sáng ngời của hòa bình và tâm linh.
"Thật là một vinh dự lớn lao đối với tôi khi được nói chuyện với quý vị trong dịp này” - Ngài bắt đầu. "Thế giới này thuộc về 7 tỷ con người hiện đang sống hôm nay. Mỗi quốc gia đều thuộc về dân tộc của nước đó, không phải thuộc về các vị vua hay hoàng hậu, các nhà lãnh đạo được bầu, các nhà lãnh đạo tinh thần hoặc các nhà độc tài. Và để cho mọi người đều có trách nhiệm về cuộc sống của họ, thì nền dân chủ chính là hệ thống tốt nhất.
"Khi tôi còn là một đứa bé ở Tây Tạng, tôi nhận ra rằng hệ thống chính quyền cũ của chúng tôi có nhiều hạn chế - quá nhiều quyền lực trong tay của quá ít người. Ngoài tờ 'Hình Ảnh Trung Thực Tây Tạng', được xuất bản ở Kalimpong thỉnh thoảng chúng tôi mới nhận được, chúng tôi không có báo chí nào cả. Nguồn thông tin của tôi là những người quét dọn trong cung điện.
"Năm 1950, sau khi lãnh trách nhiệm về những vấn đề của Tây Tạng, tôi đã thành lập một ủy ban cải cách. Điều này đã không thành công lắm, vì người Trung Quốc đã quyết định rằng - nếu có những cải cách thì họ cũng vẫn muốn làm theo kiểu của họ. Năm 1954, tôi đi Bắc Kinh và năm 1956, tôi đến Ấn Độ. Lần đầu tiên tôi được gặp Pandit Nehru ở Bắc Kinh vào năm 1954, nhưng đến năm 1956 tôi mới biết rõ về ông ta hơn. Năm 1959, chúng tôi muốn nêu vấn đề Tây Tạng tại Liên Hiệp Quốc. Ông khuyên tôi hãy đề phòng về điều đó, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục. Sau đó tôi hơi lo lắng là ông có thể sẽ nói điều gì, nhưng rất ngạc nhiên và đầy thú vị là ông chẳng nói gì cả. Đây là bài học đầu tiên đối với tôi về sự tự do tư tưởng”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng người Tây Tạng đã thực hiện nhiều dự án khác nhau để giữ cho văn hóa và truyền thống của họ sống còn. Trong năm đầu tiên của Ngài trong kế hoạch Mussoorie đã được đặt ra để giới thiệu về sự dân chủ. Sau cuộc bầu cử lãnh đạo chính quyền Tây Tạng, Ngài đã rút lui khỏi hoạt động chính trị và kết thúc sự đảm nhận vai trò đó đối với bất cứ Đạt Lai Lạt Ma nào trong tương lai.
"Là một người ngưỡng mộ về nền dân chủ, tôi cam kết đối với nó. Chúng tôi tự hào về những gì chúng tôi đã đạt được cho đến thời điểm này. Về mặt này, cộng đồng nhỏ của chúng tôi đã tiến bộ hơn những người hàng xóm láng giềng Trung Quốc rộng lớn. Cuối cùng thì Trung quốc có lẽ sẽ theo sự hướng dẫn của chúng tôi. Ấn Độ là nền dân chủ đông dân nhất trên thế giới, và kết quả rõ ràng là ổn định hơn và hòa bình hơn các nước láng giềng. Truyền thống lâu đời của tinh thần bất bạo động 'ahimsa' - cũng có ý nghĩa là Ấn Độ là quốc gia duy nhất mà tất cả các tôn giáo lớn của thế giới đều cùng sống hòa bình với nhau.
"Vì người dân có trách nhiệm cao nhất, họ cần phải được thông báo đầy đủ về những gì đang thực sự xảy ra. Do đó, các phương tiện truyền thông phải trung thực, chân thành và không thiên lệch. Tuy nhiên, đối với tôi - dường như các phương tiện truyền thông có xu hướng lấy những câu chuyện tiêu cực và làm họ giật mình để thu hút độc giả. Khi người ta chỉ được cung cấp cho những tin tức tiêu cực, họ trở nên buồn bã và lo lắng rằng tương lai sẽ đen tối.
"Do đó, tôi tin rằng các phương tiện truyền thông có trách nhiệm nêu bật các câu chuyện tích cực, chẳng hạn như các nhà khoa học kết luận rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Điều đó rất cần thiết để cung cấp cho người dân niềm hy vọng. Vì chúng ta là động vật xã hội, được nuôi dạy trưởng thành để quý trọng lòng yêu thương và tình cảm, điều quan trọng là hãy cố gắng để tạo ra một xã hội nhân ái hơn.
"Một khía cạnh khác của vấn đề này là kiểm tra xem liệu hệ thống giáo dục ngày nay có thực sự hoàn hảo chưa. Vì rất nhiều vấn đề chúng ta phải đối mặt hôm nay là do chính con người gây ra, và nhiều người gây ra những vấn đề này lại là những người được giáo dục; đó là lý do để chúng ta nên xem xét lại loại hình giáo dục mà chúng ta đang cung cấp. Nói chung, giáo dục chủ đạo hiện nay là tập trung vào các mục tiêu vật chất, mà ít quan tâm đến các giá trị cơ bản của con người.
"Nhiều người nhìn vào tôn giáo với các giá trị như vậy, nhưng trong số 7 tỷ người hiện sống hôm nay, 1 tỷ người không quan tâm mấy đến đức tin. 6 tỷ người còn lại có mức độ cam kết khác nhau. Tất cả các tôn giáo đều có cùng tiềm năng để tạo ra những con người tốt hơn, và trong khi một số sẽ nói rằng họ theo 'một chân lý, một tôn giáo'; mỗi đứa bé Ấn Độ khi lớn lên đều biết rằng có rất nhiều tôn giáo và chân lý thì có nhiều khía cạnh. Điều mà Ấn Độ thể hiện rõ ràng - đó chính là những truyền thống các tôn giáo lớn đều có thể sống cùng chung với nhau. Đây là kết quả của một quá trình hành động dựa trên tinh thần bất bạo động 'ahimsa' và được thúc đẩy bởi lòng từ bi "karuna".
Ngài giải thích rằng, ngoài sự cam kết nâng cao nhận thức về tính đồng nhất của nhân loại, để thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo và bảo tồn văn hoá Tây Tạng, bắt nguồn từ truyền thống Nalanda; Ngài cảm thấy cần phải cam kết khôi phục lại trên đất nước này về kiến thức cổ xưa của Ấn Độ về cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
Ngài nhấn mạnh rằng hầu như tất cả kiến thức của người Tây Tạng đều đến từ Ấn Độ. Đây là lý do tại sao một vị Đạo Sư Tây Tạng ở thế kỉ thứ 14 - 15 đã nói rằng:
Ở Tây Tạng, vùng đất của xứ Tuyết,
Màu sắc tự nhiên chính là màu trắng,
Nhưng trước khi ánh sáng từ Ấn Độ truyền vào,
Tây Tạng vẫn còn trong bóng tối âm u.
Ngài đề nghị các thành viên phương tiện truyền thông hãy suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề làm cho mọi người ý thức được rằng - trong khi giáo dục với các mục tiêu vật chất có thể mang lại sự thoải mái về thể chất, thì vẫn còn nhiều điều để tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn. Ngài nói rằng đó không chỉ là vấn đề đọc lời cầu nguyện hay trì tụng thần chú; mà đó là việc chuyển hóa cảm xúc của chúng ta. Ngài đã đề cập tới 10.000 vị Tăng sĩ và hơn 1000 ni cô đã được huấn luyện trong Truyền Thống Nalanda. Nhiều người cũng rất thông thạo tiếng Anh, tiếng Hindi và tiếng Trung Quốc, cũng như đã từng làm quen với nền khoa học.
"Ấn Độ hiện đại đang háo hức muốn đi theo điển hình của phương Tây, nhưng tôi khuyến khích các bạn Ấn Độ của tôi hãy xem xét nghiêm túc thử xem kiến thức cổ xưa của Ấn Độ về tâm thức là hữu ích và có liên quan như thế nào đối với ngày nay. Đây là những gì tôi muốn chia sẻ với các bạn - bây giờ tôi muốn nghe câu hỏi từ phía các bạn”.
Chủ tịch của Hiệp hội - Chengappa - bắt đầu bằng cách xin lời khuyên của Ngài về sự hòa giải tình hình căng thẳng giữa Ấn Độ-Trung Quốc ở Doklam và sự đàm phán về cuộc chiến tranh hiện tại. Ngài trả lời rằng đó là một vấn đề quan trọng, nhưng Ấn Độ và Trung Quốc - về mặt lịch sử - là những nước láng giềng. Họ phải sống cạnh nhau. Và mặc dù đã có những lời qua tiếng lại thật khó nghe đối với nhau, nhưng Ngài không nghĩ rằng nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngài cũng khuyên nên có sự phân biệt - đừng nhầm lẫn - giữa nhà cầm quyền Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc; và khuyến nghị Chính phủ Ấn Độ hãy cải tiến phương tiện cho các khách hành hương Phật giáo Trung Quốc đến Ấn Độ để thăm viếng Bồ Đề Đạo Tràng, Sanchi, Linh Thứu và vân vân. Đây có thể là một biện pháp để xây dựng lòng tin. Ngài nói rằng Trung Quốc cần phải thay đổi, bởi vì trong 30 năm qua đã có những sự thay đổi lớn xảy ra.
Khi được hỏi rằng Ngài có hy vọng quay trở lại Tây Tạng hay không, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng Ngài cũng đã tự cho mình là “Đứa con của Ấn Độ” và Ngài không muốn từ bỏ quyền tự do mà Ngài đang được thưởng thức ở đây. Đó là sự tự do cho phép Ngài chia sẻ quan điểm của mình với người khác. Trong khi thừa nhận rằng mình là một người tỵ nạn không quốc tịch, Ngài làm việc như một sứ giả của kiến thức Ấn Độ cổ đại - điều mà Ngài cảm thấy đã làm cho cuộc sống của Ngài trở nên có ý nghĩa.
Để trả lời câu hỏi phổ biến về vấn đề liệu có Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười lăm hay không, Ngài nhắc lại lập trường của mình rằng, vào đầu năm 1969 Ngài đã nói rõ ràng rằng, điều đó sẽ phụ thuộc vào nguyện vọng của nhân dân Tây Tạng, của những người dân ở vùng Hy Mã Lạp Sơn và nhân dân Mông Cổ. Ngài đồng ý rằng nếu như hữu ích, thì một vị Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai có thể sẽ là một phụ nữ.
Trả lời một câu hỏi tiếp theo về phụ nữ và giáo dục, Ngài giải thích về cách mà tiêu chuẩn lãnh đạo của con người trong quá khứ là phải có được sức mạnh thể chất, điều đó đã dẫn đến sự thống trị của nam giới. Và sau đó, giáo dục đã khôi phục lại một số quyền bình đẳng. Ngài nhấn mạnh rằng vào thời điểm này chúng ta cần khuyến khích việc chấp nhận các giá trị nội tâm như lòng ấm áp, nhân từ; thì sự lãnh đạo rộng rãi hơn của phụ nữ là điều thiết yếu. Ngài cũng chú trọng vào tầm quan trọng của giáo viên, bởi vì họ có thể thúc đẩy sự thay đổi có tầm ảnh hưởng sâu rộng, sự tử tế của họ có thể được coi là lớn hơn của các bác sĩ và y tá.
Vào lúc chia tay, Chủ tịch Hiệp Hội - Chengappa đã hỏi về lời khuyên nào của Đức Phật đã gây ấn tượng cho Ngài nhất. Ngài đã đề cập đến câu thơ trong đó Đức Phật đã khuyên dạy:
Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ!
Hội trường ngập tràn tiếng vỗ tay nồng nhiệt, Tổng Thư ký - Prakash Dubey đã phát biểu lời cám ơn của mình. Sự ra về của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bị trì hoãn bởi một số người đã dồn tiến đến trao đổi một vài từ, bắt tay Ngài hoặc chạm vào chân Ngài. Sau đó Ngài trở lại khách sạn để dùng cơm trưa.