Delhi, Ấn Độ - Grigory Avetov - Hiệu trưởng trường Kinh doanh Synergy, Moscow, và nhà báo Dmitry Portnyagin đã đến nói chuyện với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào sáng nay. Họ ghi lại cuộc phỏng vấn diễn ra bằng tiếng Anh - nhưng đồng thời cũng được dịch sang tiếng Nga.
Avetov nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng: "Chúng con sẽ tổ chức Diễn đàn toàn cầu của Synergy ở Nga vào tháng 11 này và hy vọng sẽ có 15.000 người tham dự. Chúng con sẽ cho họ thấy những trích dẫn từ cuộc trò chuyện này với Ngài hôm nay”.
Tự giới thiệu về mình - Dmitry Portnyagin thưa với Ngài rằng, ông đã vui mừng như thế nào khi được diện kiến Ngài bằng con người thật sự. Ông nói rằng ông đã quen thuộc với khuôn mặt của Ngài kể từ khi còn là một cậu bé; bởi vì ông nội của ông đã nâng niu giữ gìn một bức ảnh mà ông ta đã được chụp với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông mở đầu cuộc trò chuyện bằng cách thỉnh cầu Thánh Đức Thánh Cha cho lời khuyên về việc cân bằng các mục tiêu vật chất với các giá trị tinh thần.
"Thế giới hôm nay có hạnh phúc hay không?" Ngài hỏi thay vì trả lời. "Vẫn còn rất nhiều sự bạo lực trên thế giới. Ngay cả ở những nơi yên bình, thì vẫn còn có một khoảng cách ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo.
"Nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt là do chính chúng ta gây ra, trong đó cho thấy một sự mâu thuẫn. Trong số 7 tỷ người đang sống hôm nay, không ai muốn đối mặt với những vấn đề ấy cả, thế mà chúng ta vẫn gây ra những vấn đề rắc rối cho chính mình. Tại sao điều này lại xảy ra? Đó không phải là ý định cố tình của chúng ta. Kinh nghiệm và cảm giác thông thường cho chúng ta biết rằng, nếu có sự bình an trong tâm hồn, thì chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn trong tinh thần và cơ thể. Mà xu thế của các hệ thống giáo dục hiện tại của chúng ta thì nhằm vào những mục tiêu về vật chất. Những người được nuôi dạy theo cách này thì chỉ khao khát sự thành công về vật chất với một sự đánh giá thấp rằng - sự bình an nội tâm chỉ là điều gì đó xuất hiện trong tâm thức. Tuy nhiên, chỉ với sự phát triển về vật chất không thôi thì sẽ không làm cho nhân loại hạnh phúc được.
"Nếu bản chất cơ bản của con người chúng ta là sự sân giận, thì sẽ không có tia hy vọng nào cả; tuy nhiên, vì nó là lòng từ bi rộng lớn cho nên ta có hy vọng. Việc quan tâm đến phúc lợi của người khác là nền tảng cho sự sống còn của chúng ta. Thực tế là chúng ta cần có nhau và phụ thuộc vào nhau, vì vậy đã đến lúc để chúng ta cùng làm việc với nhau. Chúng ta cần phải lưu tâm đến tính nhất thể của nhân loại.
"Thực tế đã thay đổi - nhưng cách chúng ta suy nghĩ, bám víu vào sự phân biệt của “chúng ta” và “họ” - vẫn còn bị kẹt vào những khuôn mẫu của thế kỷ 20. Đồng thời tiềm năng của chúng ta về sự phá hủy là rất nghiêm trọng”.
Khi được hỏi rằng liệu chúng ta có thể tưởng tượng rằng thế giới sẽ trở nên hòa bình hơn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng - tất nhiên là có thể. Ngài nhớ lại tinh thần hòa giải diễn ra sau Thế chiến thứ II. Ngài nhắc lại sự ngưỡng mộ của mình đối với tinh thần của Liên minh Châu Âu - mô tả về sự nỗ lực có ý thức để vượt qua sự thù hận trong quá khứ để làm việc cùng với nhau trên tinh thần hợp tác là một điển hình của sự trưởng thành.
Liên quan đến Liên Xô cũ, Ngài tuyên bố rằng Ngài vẫn chấp nhận phương pháp của Mác-xít về vấn đề kinh tế, nhưng cảm thấy tiếc về việc Lenin đã thể chế hoá bí mật và nghi ngờ - điều mà bị gọi là bắt buộc trong thời kỳ chiến tranh. Ngài cho rằng chủ nghĩa toàn trị đã đánh bại lý tưởng của Mác. Về tương lai của Nga, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói:
"Nga là một quốc gia vĩ đại và dân tộc Nga là những người có văn hóa. Nếu tinh thần trách nhiệm và mong muốn giúp đỡ chiếm ưu thế - thì sẽ tốt hơn - thay vì sử dụng vũ lực và nỗi lo sợ do vũ lực gây ra. Phương pháp ấy không những đã lỗi thời, mà còn khiến cho nỗi sợ hãi và lòng tin tưởng không đi đôi với nhau.
"Nga có tiềm năng lớn, và nếu nó được sử dụng với lòng từ bi và ý thức về sự đồng nhất của nhân loại, nó sẽ có thể góp phần vào việc tạo ra một thế kỷ đối thoại chứ không phải là một kỷ nguyên bạo lực khác.
Ngài bác bỏ ý kiến cho rằng việc sử dụng vũ lực có thể là một hình thức tự vệ - là 'tư duy cũ', nhấn mạnh rằng sự biện hộ tốt nhất là duy trì mối quan hệ hữu nghị với người khác. Ngài tái khẳng định lại niềm tin của mình vào sức mạnh của tình bằng hữu và đánh giá cao về quyền lợi của tất cả loài người.
Grigory Avetov đã đề cập rằng, ông và những người bạn của mình muốn thỉnh Ngài quang lâm tham dự Diễn đàn toàn cầu của Synergy - mặc dù những nỗ lực trước đây đã thất bại. Ông hỏi liệu điều đó có thể xảy ra trong tương lai. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cười và nói với ông rằng, trong khi các quốc gia phải xin phép Trung Quốc về người mà họ muốn mời, và trong khi những người bảo thủ thì cho rằng Ngài là một kẻ ly khai, một kẻ khủng bố và thậm chí là một con quỷ; cho nên dường như điều đó không có nhiều khả năng lắm. Ngài cảm thấy tiếc vì điều này - không phải ít vì chỉ ở Nga, mà còn có nhiều người ở các nước Cộng hòa Kalmykia, Buryatia và Tuva theo truyền thống Nalanda giống như người Tây Tạng.
"Tôi đã cầu nguyện để có thể phụng sự cho những người này, nhưng những lời cầu nguyện của tôi vẫn chưa mang lại kết quả”.
Avetov, Portnyagin và những người bạn của họ đã dâng tặng Ngài một số món quà bao gồm một chiếc mũ của người lính Nga - giống như cái mũ mà ông nội của Portnyagin đã đội, một chiếc đồng hồ cát cũ, một cuốn sách về các biểu tượng của Nga, và một ấn bản số hóa về Kinh Tạng (Kangyur) - kết quả của một công trình 30 năm.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi, Ngài nói vọng lại: "Hẹn gặp lại! Hy vọng vào một ngày nào đó ở Mạc Tư Khoa!”.