New Delhi, Ấn Độ - Trước khi tham gia cuộc đối thoại giữa các học giả Nga và học giả Phật giáo sáng nay - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có một cuộc phỏng vấn với Stanislav Kucher phóng viên của Tờ báo Kommersant của Nga. Kucher bắt đầu bằng cách hỏi về việc truyền bá các giá trị của con người bằng các phương tiện phi tôn giáo. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng tình hình hiện nay trên thế giới rất đáng buồn.
"Có rất nhiều vấn đề. Mọi người đang giết hại lẫn nhau bởi vì họ đang dưới sự thống trị của sự giận dữ và hận thù. Họ có xu hướng xem trọng bản thân mình và nhìn người khác trong sự quan hệ "chúng ta" và "bọn họ". Nhưng không có gì có thể hoàn toàn loại bỏ đối thủ của bạn cả. Vì vậy chúng ta cần phải sống với nhau.
"Những cảm xúc này đã ảnh hưởng đến chúng ta và sẽ không thay đổi nhanh chóng. Thế hệ của chúng ta cần phải có một phương pháp giáo dục mới để mang lại cho một thế hệ mới ngay từ đầu trên cơ sở đạo đức thế tục. Sau 30 năm đào tạo như vậy họ sẽ khác với những người tiền bối của họ. Hiện tại chúng ta không chú ý đến sự bình an nội tâm, vì vậy chúng ta cần phải tập trung nhiều hơn vào sự hạnh phúc giản đơn và sự an lạc của con người. Cần có nhận thức rõ hơn về những lợi ích của lòng nhiệt tâm - đó là điều tốt cho chúng ta. Đó là khả năng mà con người có được sự lợi lạc trong cuộc sống này - ở đây và bây giờ - đó chính là điều mà tôi quan tâm. Tôi không cố gắng truyền bá Phật giáo. Tôi không quan tâm đến việc chuyển đổi (tôn giáo) người khác, và tôi hơi hoài nghi về những người đó”.
Kucher đã hỏi về sự thất vọng rõ ràng được thể hiện ở Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Mọi thứ đang thay đổi” - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với ông ta. "Ngay cả ở Anh vẫn còn rất nhiều người nhìn thấy giá trị còn lại trong Khối Liên Minh Châu Âu. Khi cuộc khủng hoảng Iraq sắp nổ ra, hàng triệu người đã biểu tình chống lại việc sử dụng thêm bạo lực. Chúng ta nên không chỉ quan tâm đến các nhà lãnh đạo mà chúng ta nên xem xét đến quan điểm của công chúng. Dường như đối với tôi - có một cảm giác lan rộng về việc bị chán nản vì bạo lực.
"Nhân dân Nga là dân tộc vĩ đại. Tôi đã đề cập trước đó về ý tưởng rằng - có thể sẽ là một giấc mơ trống rỗng, nhưng nếu NATO đã chuyển trụ sở chính sang Moscow, thì nó có thể làm lắng dịu bớt sự hiểu lầm mà người Nga có thể cảm nhận”.
"Tôi tin vào nhân dân" - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố. "Thế giới thuộc về 7 tỷ con người, không chỉ là một số ít các nhà lãnh đạo, các nhà độc tài hay các vị vua và hoàng hậu. Mỗi quốc gia thuộc về những con người đang sống ở đó - và tôi tin rằng mọi người đang trở nên trưởng thành hơn”.
Tại cuộc gặp gỡ giữa các học giả Nga và học giả Phật giáo, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng - ở tuổi 82 Ngài có thể cần nghỉ ngơi nhiều hơn, nhưng Ngài hy vọng ở lại cho đến lúc hai giờ rưỡi. "Nhưng” - Ngài nói - "Tất cả các Vị Tăng này sẽ ở lại đây để quý vị có thể thảo luận với nhau ngay cả khi tôi phải đi”.
Giáo sư Anokhin - người điều hành - đã giới thiệu diễn giả đầu tiên trong ngày, David Dubrovsky - người lớn tuổi nhất trong phòng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ ra rất thích. Với tiếng Anh nghèo nàn của mình - ông nhờ một đồng nghiệp đọc giúp ông bài tham luận về "Các quan điểm về phương pháp thần kinh học đôi với vấn đề của Ý thức: Mối quan hệ với cuộc khủng hoảng toàn cầu của nền văn minh". Ông bắt đầu bằng cách chỉ rõ ông đã bị ấn tượng như thế nào bởi tư tưởng nhân bản của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma dựa trên đạo đức học và ý thức về bản chất tốt của con người.
"Mặc dù nhận thức rộng rãi về những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt, không có hành động quyết định nào được thực hiện có thể thay đổi tình hình. Chúng ta đang cần một sự thay đổi về ý thức của con người. Thay vào đó, lòng tham và sự hiếu chiến của người tiêu dùng đe doạ đến sự hủy diệt của chúng ta. Trong khi cực đoan xem trọng bản thân và sự hiếu chiến đang đe dọa tương lai của nhân loại, thì dường như Phật giáo đã cho phép chúng ta phát triển tâm từ bi và lòng nhiệt thành tử tế”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thể hiện sự cảm kích đối với những quan điểm đã được bày tỏ, nhưng đề nghị rằng chúng ta không thể hy vọng thay đổi chỉ dựa trên cơ sở của não bộ. Thay vào đó, chính là tâm thức có thể được đào tạo và giác ngộ. Ý thức trong sự liên quan đến não bộ thì tương đối thô. Ngài đã đưa ra một ví dụ về ý thức thô của một phôi thai đang phát triển đang đạp trong dạ con. Chỉ khi đứa trẻ chào đời thì nó mới bắt đầu nhìn thấy thế giới.
Ngài kể một câu chuyện từ một quan điểm hoàn toàn khác về Vị Lama Thubten Rinpoche - người đã viên tịch ở New Zealand. Rinpoche vẫn duy trì trạng thái tọa thiền - mà Phật giáo gọi là 'ánh sáng quang minh’ trong bốn ngày sau khi được tuyên bố là đã chết lâm sàng. Tại thời điểm đó, vào ban đêm, vị trí của bàn tay của Rinpoche đã thay đổi với bàn tay trái của ông giữ ngón tay đeo nhẫn của bàn tay phải. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài đã quở trách những người chăm sóc cho Rinpoche sao không lắp một chiếc máy quay để ghi lại những gì đang xảy ra; nhưng không ai giải thích được chuyện gì đã xảy ra. Dubrovsky cũng thừa nhận rằng ông không có lời giải thích về điều đó.
Bài tham luận thứ hai của buổi sáng được thuyết trình bởi Maria Falikman của Đại học Tiểu bang Lomonosov Moscow, với chuyên môn về Tâm lý học Nhận thức, Khoa học nhận thức và Tâm lý học Thử nghiệm. Chủ đề của cô là "Quan điểm hoạt động văn hoá-lịch sử về sự quan tâm của con người: Trí tuệ tiềm ẩn từ các nghiên cứu thiền định". Cô nói, "Sự chú ý của con người là rất rõ ràng. Quý vị có thể nhìn thấy khi ai đó chú tâm thì tất rõ ràng trong sự ảnh hưởng của nó. Cô có trích dẫn William James - nhà giáo dục đầu tiên đã đưa ra một khóa học về tâm lý học tại Hoa Kỳ, và lý thuyết về nguyên nhân và hiệu quả về sự chú ý. Cô nói rằng ý tưởng của Phật giáo về các yếu tố tinh thần đã đóng góp hữu ích cho việc hiểu được sự chú ý.
Ngài hỏi liệu có thấy được gì khi quan sát về các chức năng não của các động vật xã hội. Ngài lưu ý rằng chim và chó, là sinh vật xã hội, chúng sẽ thể hiện sự cảm kích nếu bạn cho chúng ăn. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Ngài cho thấy rằng khi Ngài để cho một con muỗi hút máu của Ngài, khi nó đã hút no rồi nó cũng chẳng hề thể hiện sự cảm kích nào cả! Đây rõ ràng không phải là một động vật xã hội.
Dmitry B Volkov cũng đến từ Đại học Lomonosov Moscow - đã nói về “Ngã là một viễn tưởng hữu ích - phương pháp tường thuật”. Cậu ta hỏi “Ngã” là cái gì, và gợi ý rằng có một vấn đề trong việc xác định một người vào những thời điểm khác nhau. Có một phương pháp về thân xác thì giả định rằng cơ thể và bộ não vẫn giữ nguyên. Cũng có một phương pháp tâm lý và cậu ta đề nghị tải lên những chức năng tinh thần và tâm thức của một người nào đó vào một chiếc máy tính. Một vấn đề rắc rối của sự lặp lại có thể nảy sinh và với nó thì vấn để ở đây là cái nào mới là cái “Ngã” thật sự. Volkov kết luận rằng một giải pháp đối với vấn đề của “Ngã” có thể được tìm thấy bằng phương pháp tường thuật.
Trong câu trả lời của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng mọi người đã đưa ra ý kiến này ý kiến nọ về “Ngã” trong hơn 3000 năm. Ấn Độ cổ đại chấp nhận ý tưởng về đời sống ở kiếp sau - và rõ ràng không phải là thân xác thực hiện việc đi đến tiến tới cuộc sống kế tiếp. Một linh hồn, hoặc “tự ngã”, gọi là 'atman' - được coi là một thực thể thường hằng, đơn lẻ và độc lập đã được đề xuất. Tuy nhiên, Đức Phật đã nói “không” đối với điều này. Ngài nói rằng việc bám chấp vào một cái “Ngã” như thế, sự hiểu lầm về một cái “Ngã” như vậy, thì giống như là có một ý nghĩ xấu.
Đây là bản chất của sự vô minh và đối trị với nó là cốt lõi của bốn trường phái tư tưởng lớn của Phật giáo. Trong khi gợi ý rằng căn tính cá nhân dựa trên tính liên tục của tâm thức - trường phái cao nhất trong các trường phái này, Madhyamaka hoặc Trung đạo - đã bác bỏ một cái “Ngã” độc lập. Ngài trích dẫn một câu trong “Trí tuệ căn bản” của Ngài Long Thọ:
Những gì là Nhân duyên
Giải thích là Tánh Không
Là mệnh danh Phụ thuộc
Đó chính là Trung đạo.
Ngài giải thích rằng: “Nhân duyên” bảo vệ chống lại sự cực đoan của chủ nghĩa thường hằng, trong khi đó “Mệnh danh phụ thuộc” bảo vệ chống lại cực đoan của thuyết hư vô. Ngài cảm thấy rằng theo sự quan sát của vật lý lượng tử thì không có gì tồn tại một cách khách quan cả, nó phụ thuộc vào sự hiện diện của người quan sát, phản ánh về một sự hiểu biết tương tự. Phật giáo sử dụng sự hiểu biết như thế - được trích dẫn trong những bài Kệ của Ngài Long Thọ, là một sự đối trị cho sự vô minh căn bản.
Ngài đã đề cập đến những gì mà nhà tâm lý học người Mỹ - Aaron Beck - đã nói với Ngài rằng; ông ta đã học được trong khi điều trị cho những người đang chiến đấu với sự tức giận. Mặc dù đối với nhiều đối tượng của sự tức giận của họ dường như hoàn toàn tiêu cực, Beck đánh giá rằng 90% trong số đó là do sự phóng chiếu của tâm thức. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cảm thấy điều này phù hợp với lời khuyên của Ngài Long Thọ:
Nhờ diệt trừ nghiệp chướng và phiền não - ta đạt được Niết Bàn.
Nghiệp chướng não phiền khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không.
Sau bữa trưa, Viktoria Lysenko của Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã thuyết trình về chủ đề "Loại Triết học nào có thể là cầu nối giữa Khoa học và Phật giáo?" Bà đề xuất về nền triết học liên văn hoá, bao hàm nền giáo dục đa văn hóa, cho phép Học giả đề cập đến điều kiện nhiều hơn một truyền thống mới có thể trả lời được câu hỏi. Bà đã đưa ra ví dụ của Theodor Stcherbatsky (1866-1942), người đã dịch tác phẩm “Những Giọt Lý Luận” của Ngài Pháp Xứng sang tiếng Anh lần đầu tiên; là người tiên phong về triết học so sánh và là người đề xướng triết học liên văn hoá.
Bà đã đề cập đến học sinh của Stcherbatsky - Rosenberg - người đã học nhiều năm ở Nhật và đã có kinh nghiệm về thiền ở đó. Bà cũng nhắc đến Alexander Piatigorsky -một nhà bất đồng chính kiến Xô viết, một triết gia, một học giả về triết học và văn hoá Nam Á, là nhà sử học, nhà ngữ văn và nhà văn, người đã biết tiếng Phạn, Tamil, Pali, Tây Tạng, Đức, Nga, Pháp, Ý và tiếng Anh; và được sự tưởng nhớ, mến yêu của các sinh viên của ông tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi, London.
Trong phần kết luận của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra rằng truyền thống Pali - bao gồm các giáo lý cơ bản của Đức Phật - phụ thuộc vào việc làm sáng tỏ của nó về sự trích dẫn kinh điển. Tuy nhiên, truyền thống tiếng Phạn thì dựa trên lý luận và nghiên cứu. Điều này đã được giới thiệu đến Tây Tạng khi Hoàng đế Trisong Detsen mời nhà logic học đồng thời cũng là một triết gia vĩ đại của Ấn Độ - Thiện Hải Tịch Hộ - thành lập Phật giáo tại vùng đất Tuyết. Bằng cách tham gia vào nghiên cứu và tranh luận nghiêm túc, các thế hệ kế tiếp của người Tây Tạng đã hoàn thành hoài bão của mình và giữ gìn truyền thống này một cách sống động.
"Tất cả chúng ta đều muốn thoát khỏi đau khổ, đó là điều mà không đòi hỏi phải có bằng chứng nào khác. Chìa khóa của điều này là hiểu được cách vận hành của tâm thức như đã được khám phá trong truyền thống Ấn Độ cổ đại bao gồm shamatha - sự tập trung (thiền chỉ) - và vipashyana - trí tuệ đặc biệt (thiền quán). Đức Phật dường như đã đưa ra các sự giải thích khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Điều này không phải bởi vì Ngài nhầm lẫn, cũng không phải vì Ngài đang cố gây nhầm lẫn cho người khác, mà bởi vì Ngài giảng dạy những gì phù hợp nhất với những người có những cá tính và căn cơ khác nhau.
"Là một tu sĩ Phật giáo, tôi đã học được rất nhiều từ những phát minh của khoa học; và các nhà khoa học cũng đã học được từ chúng tôi về vấn đề tâm thức và phương pháp làm thế nào để giải quyết những cảm xúc tiêu cực. Khi các cuộc đối thoại của chúng tôi bắt đầu gần 40 năm trước, đã có một số sự kháng cự trong các tu viện của chúng tôi - bây giờ thì không còn nữa. Trong tương lai tôi hy vọng có thể mời các nhà khoa học Nga đến tham dự các cuộc họp của chúng tôi với các nhà khoa học phương Tây ".
Telo Tulku Rinpoche - điều phối viên của buổi họp này - đã cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dành thời gian để tham dự cuộc họp này và đã hoan hỷ với những thay đổi về lịch trình. Tatyana Chernigovskaya thay mặt cho tất cả các diễn giả, đã kính tặng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một “món quà nhỏ” thật ra là một quyển sách lớn có tựa đề “Nước Nga Linh Thiêng” với các biểu tượng đặc trưng từ các bộ sưu tập ở St Petersburg. Ngài đón nhận nó và bày tỏ sự cảm kích của mình trước khi trở về nghỉ ngơi.