Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Mưa lớn vẫn tiếp tục hoành hành ở Dharamsala khi hơn 8000 người tập trung tại Tsuglagkhang ở McLeod Ganj vào hôm nay để lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng. Các đệ tử chính trong dịp này là một nhóm gồm khoảng 1500 Phật tử đến từ những quốc gia khác nhau của Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Hàn Quốc. Sau khi đã chào các khán giả, chư Lamas và các vị quan khách, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an tọa trên Pháp Tòa.
"Hôm nay chúng ta tổ chức thuyết pháp cho quý vị Phật tử Đông Nam Á như nó đã trở thành sự kiện hàng năm” - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu - "nhưng trước tiên sẽ có một buổi lễ nhậm chức của vị Tân Ganden Tripa. Những ứng cử viên có thể nắm giữ được chiếc Ngai của Ngài Je Tsongkhapa phải là người có đủ tư cách về sự thực hành Giáo pháp và trí tuệ uyên bác. Họ là những cá nhân đã từng phụng sự là Viện trưởng của Trường Đại Học Mật Giáo của Hạ Mật Viện hoặc Thượng Mật Viện; và đã trở thành Jangtse Chöjey hoặc Sharpa Chöjey.
"Cho tới khi tái cơ cấu giáo dục Tu viện của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, đã có những người nắm giữ ngôi vị này mà chỉ dựa trên cơ sở của đặc ân. Đức Đạt Lai Thứ 13 đã khôi phục lại bảng xếp hạng về thứ bậc học vị của bằng Tiến Sĩ Geshe Lharampa với kết quả là có được những vị Ganden Tripas là những học giả chân chính. Người đầu tiên trong số đó là Ganden Tripa thứ 93 - Yeshe Wangden - người được tấn phong vào năm 1933.
"Người đầu tiên nắm giữ chiếc Ngai của Ganden sau khi Ngài Je Rinpoche viên tịch là đệ tử chính của Ngài - Gyaltsab Dharma Rinchen - một bậc học giả hoàn hảo; vì vậy điều vô cùng quan trọng là phải khôi phục lại trí tuệ uyên bác đối với vị trí vinh danh này”.
Vị Ganden Tripa thứ 104 - Lobsang Tenzin Rinpoche của Tsangpa Khangtsen - Tu viện Sera Je, khi tham gia lễ cúng dường mandala truyền thống, đã dâng các bức tượng của Ngài Je Tsongkhapa và hai vị đệ tử của Ngài lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau đó, Rinpoche an tọa trên chiếc Ngai đã được chuẩn bị đặc biệt ở phía bên phải của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Sau khi các nhà sư Thái Lan đã tụng xong kinh Mangala ) (kinh Hạnh Phúc) bằng tiếng Pali thì “Bát Nhã Tâm Kinh” được tụng tiếp theo bằng tiếng Trung quốc.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thông báo rằng Ngài sẽ giảng về luận giải của Ngài Phật Hộ về tác phẩm “Trí Tuệ Căn Bản” của Ngài Long Thọ, phần lớn là dưới hình thức khẩu truyền. Ngài nói rằng Ngài đã nhận được sự bình giảng về luận giải này, cũng như “Pháp Ngữ Trong Sáng” của Ngài Nguyệt Xứng đã trước tác dựa trên luận giải đó, từ Ngài Ganden Trisur - Rizong Rinpoche. Ngài nói thêm rằng Ngài cũng đã nhận được sự giải thích về “Trí Tuệ Căn Bản” của Ngài Long Thọ từ Tsenshab Serkhong Rinpoche và Khunu Lama Rinpoche - người đã có thể đưa ra những giải thích rõ ràng về những điểm chính xác từ ấn bản tiếng Phạn. Ngài đã đề cập một cách hài lòng rằng ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn các bản dịch về tác phẩm của Ngài Phật Hộ. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài sẽ cố hết sức để giải thích về bản văn khi Ngài đang tiếp tục, nhưng Ngài yêu cầu các thính giả nên về đọc và xem lại sau đó.
Trong lời mở đầu của mình, Ngài nhắc lại rằng Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, và dưới dạng truyền thống Pali và truyền thống Sanskrit, đã lan rộng đến hầu hết Châu Á. Ngài lưu ý rằng tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng đều có nguồn gốc từ Đại học Nalanda, Ngài nhận xét rằng điều đặc biệt về giáo lý của Đức Phật đó chính là sự khuyến khích của Đức Phật về việc nghiên cứu và phân tích về giáo lý ấy.
Phản ánh về tình hình hiện tại trên thế giới, Ngài đã bày tỏ rằng:
"Chúng ta tụ họp bình yên nơi đây, nhưng ở những chỗ khác người ta đang giết nhau, những gia đình đang thiếu thốn và trẻ em đang chết đói. Chúng tôi thấy điều này được báo cáo hàng ngày trên truyền hình. Ngay bây giờ đã có rất nhiều người đang phải vật lộn giữa lũ lụt, hậu quả của thiên tai mà chúng ta không thể làm gì được nhiều cho họ, nhưng nhiều vấn đề khác mà chúng ta phải đối mặt là do chính con người tạo ra. Chúng ta nhận lãnh những vấn đề rắc rối này vào cho chính bản thân mình là vì chúng ta mất tự chủ do những cảm xúc phiền não của sự tham luyến và giận dữ - chúng ta không có kỷ luật đối với tâm trí của chính mình.
"Nếu bản chất con người cơ bản của chúng ta là sân giận, thì sẽ không có gì để làm cả. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng rằng bản chất con người cơ bản là từ bi. Tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay đều được sinh ra từ người mẹ và sau đó được mẹ nuôi nấng. Chúng ta đều có một hạt giống sinh học của lòng yêu thương và tình cảm mà chúng ta có thể phát triển nó - bởi lẽ chúng ta phụ thuộc vào người khác để sống còn.
"Tôi tin rằng khi chúng ta nhìn thấy những bất lợi của các trạng thái tiêu cực của tâm thức, chúng ta sẽ cố gắng để tránh chúng.
"Là một con người, cam kết đầu tiên của tôi là khuyến khích việc tạo ra một thế giới hòa bình và từ bi hơn. Và vì tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau - cho dù họ có những phương pháp triết lý khác nhau nhưng đều mang cùng một thông điệp về tình yêu và lòng từ bi, vì vậy, cam kết thứ hai của tôi là thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhắc đến các cuộc đối thoại mà Ngài đã có với các nhà khoa học trong gần 40 năm qua. Ngay từ đầu, đa số họ cho rằng tâm thức chỉ là một chức năng của não bộ. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 20, các nhà thần kinh học đã bắt đầu nhận thấy rằng những thay đổi trong não có thể là kết quả của các chức năng của tâm thức. Ngài đã chú ý đến các truyền thống Ấn Độ cổ đại có liên quan đến thiền định và trí tuệ, shamatha và vipassana, điều này đã tích lũy được sự hiểu biết sâu xa về cách hoạt động của tâm. Ngài gợi ý rằng trong bối cảnh này - Phật giáo tập trung vào việc sử dụng trí thông minh của mình để mang lại một sự chuyển hóa trong vấn đề chuyển hóa của tâm thức. Những truyền thống Phật giáo này đã được giữ gìn duy trì sống còn ở Tây Tạng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập đến một vị Lama thế kỷ thứ 19 - Nyengön Sungrab, và sự đánh giá của Ngài về Phật giáo liên quan đến cấu trúc chung của giáo lý và các giáo lý chuyên môn khác. Ngài mô tả truyền thống kinh điển như phần lớn cấu thành với một cấu trúc chung, trong khi Mật tông thì bao gồm các giáo lý chuyên biệt. Ngài gợi ý rằng - ở Tây Tạng, trong quá khứ - mọi người có xu hướng quan tâm đến các hướng dẫn chuyên môn hơn là về cấu trúc chung của giáo lý. Kể từ khi bắt đầu cuộc sống lưu vong, Ngài đã khuyến khích các Tu viện và Ni viện trước đó chỉ chuyên về Nghi lễ - thì nên tiếp nhận các chương trình học tập. Một kết quả trực tiếp đã đạt được là hiện nay đã có những Sư Cô đã được cấp bằng Geshe-ma (Nữ Tiến Sĩ).
Trong khoảng thời gian tạm ngừng, khi các thành viên của khán giả giải lao, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời các câu hỏi về vị thần yoga, ăn chay trường và mối liên hệ của lý Duyên Khởi với Chân đế (thực tại tối hậu).
Tiếp tục phần giảng pháp, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng, sau khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã suy nghĩ rằng:
Giáo Pháp tựa Cam lồ - ta đã khám phá ra
Thâm thúy, an lành, sáng rỡ chẳng tạp pha -
Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được,
Nên tại rừng này ta im lặng - chẳng nói ra.
Tuy nhiên, cuối cùng Đức Phật đã chuyển Pháp Luân bằng cách giảng dạy về Tứ diệu đế. Lần chuyển Pháp luân thứ hai có liên quan đến giáo lý Bát nhã Ba La Mật, bao gồm việc làm sáng tỏ ý nghĩa của Diệt Đế. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh rằng giáo lý của Đức Phật là có liên quan đến thực tại. Trong số những trường phái tư tưởng xuất hiện ở Ấn Độ, trường phái Duy Tâm khẳng định rằng không có gì tồn tại bên ngoài và chỉ có cái tâm là có thật. Trường phái Trung đạo - nơi mà Ngài Phật Hộ tu học - đã khẳng định rằng - mặc dù không có gì tồn tại thực chất, những mọi thứ vẫn tồn tại theo cách mà nó được mệnh danh.
Bắt đầu đọc bản văn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc mọi người chú ý rằng tiêu đề được đưa ra bằng tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng để chứng tỏ tính xác thực của nó. Việc đảnh lễ Đức Văn Thù Sư Lợi trẻ trung cho thấy rằng cuốn sách này thuộc về loại kiến thức cao hơn hay còn gọi là Vi Diệu Pháp.
Kết thúc phần trong ngày, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ rằng Ngài cảm thấy thật may mắn khi được giảng dạy giáo pháp này, đặc biệt là vì Ganden Trisur, Rizong Rinpoche, người mà Ngài đã thọ giáo pháp này - đang hiện diện trong số các thính giả. Việc giảng dạy sẽ được tiếp tục vào ngày mai.